12 thg 12, 2010

Vài cảm nhận khi đọc tiểu thuyết “Hư Thực” của Phùng Văn Khai

                                                                              Dương Hướng
“Hư Thực” là cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Phùng Văn Khai, nhà xuất bản Hội Nhà Văn cấp giấy phép đã ra mắt bạn đọc như đón chào năm mới 2009. Tôi có vài nhận xét theo góc độ của người sáng tác khi đọc tiểu thuyết “Hư thực.
 
“Hư thực” trước hết là một cuốn tiểu thuyết có lối viết khác với tất cả cuốn tiểu thuyết Việt Nam mà tôi đã đọc. Cũng có thể nó không lôi cuốn đôi với một số người quen đọc theo cách cảm nhận thông thường xưa nay. Tôi nghĩ có lẽ tiểu thuyết “Hư thực”, tác giả sáng tác dành riêng cho giới “văn sỹ” chúng ta, đọc nó ta bất chợt có niềm cảm hứng cho sự sáng tạo thăng hoa, nó gióng như thứ men lạ tạo nên niềm hứng khởi đặc biệt. Một tiểu thuyết có bố cục cũng rất lạ, không đầu không cuối, không chương hồi, không cốt truyện, không biết đâu là nhân vật chính phụ, tất cả được thể hiện bằng những giấc mơ. Phải đọc nó với sự tập trung cao độ mới hy vọng tìm ra ý tứ sâu sắc trong đó. Càng đọc, càng cuốn ta vào một thế giới hư ảo mà các nhân vật tự bộc lộ ra băng những giấc mơ đan xen với thực tại, vừa hư vừa thực khiến ta mê mụ, đắm chìm, u uất, đau buồn và khát khao, dâng trào cảm hứng. Những giấc mơ của đời sống thực được tác giả xếp đặt rất tinh, phản ánh bằng tư duy của hai nhân vật là Y và họ Đào xuyên suốt tác phẩm với một loạt những nhân vât hết sức đặc biệt: cô gái người rừng, người đàn bà điên, ông già và con chó...cuộc sống của họ bị dồn đẩy tới tận cùng nơi rừng rú và hang hốc. Họ bị cô đơn đến tận cùng, càng ngày họ càng bị “lún sâu” trước cảnh huy hoàng của đời sống xã hội hiện đại. Nhưng điều đáng nói là những nhân vật đáy xã hội được tác giả khắc họa bằng những chi tiết rất “đắt” mô tả rất sắc nét đời sống bên ngoài (lớp vỏ) và chiều sâu bên trong (nội tâm) các nhân vật với ý chí tình cảm và cả bản năng siêu đẳng của con người để tồn tại, để duy trì sự sống của một kiếp người. Bi kịch điển hình của lớp người đáy xã hội, như ông già cô đơn, cô độc, nhưng vẫn đầy khao khát sống, khao khát dục vọng mà không chốn nương thân, không nơi nương tựa, không bạn tri âm, và kinh khủng nhất không cả niềm tin vào đồng loại (con người) phải làm bạn và nương nhờ vào một con chó...   Những trang viết về người đàn bà điên cũng thật sinh động, mà nhân bản, vừa tối tăm, vừa mơ hồ nhuốm mầu huyền thoại ám ảnh người đọc: “...Bao giờ cũng vậy, cứ chiều chiều, lúc sẩm tối, vắng người, chị lại vảng ra bới những thức ăn thừa trong bãi rác, vừa ăn vừa khẽ mỉm cười, có lúc như là hát...Chị luôn mặc hở hang đại khái. Mùa đông mùa hè đều phong phanh như nhau. Tóc chị đen dài, cáu bện vào nhau, từng lọn từng lọn ôm lòa xòa khuôn mặt khó đoán định tuổi tác...Chị sán đến bới đống vỏ ốc và khêu những con còn sót, những phần lòng ốc, cứt ốc mà khách đã bỏ, hôi thối nồng nặc có khi từ mấy hôm trước thản nhiên ăn rất ngon lành”    Cảnh trong rừng sâu, rồi cảnh sông nước, mây mù sương khói, cảnh làng Bái liên tục lật đi lật lại trong những giấc mơ. Những mảng đời được tác giả dè dặt lần lượt bóc tách, từng phần từng phần rất điệu nghệ rất bài bản bằng những cảm xúc tuôn trào lên những trang văn óng ánh sắc màu huyền ảo hư hư thực thực, Đọc tác phẩm “Hư thực” tôi có cảm nhận tác giả đã dũng cảm từ bỏ đời sống thường nhật “lặn sâu” vào cõi thiêng, cõi riêng để cùng sống cùng mơ cùng đồng cảm với các nhân vật của minh, và tác giả rất khéo léo dụ họ, thôi miên họ thêu dệt lên những giấc mơ thần tiên, những cơn ác mộng về những tội ác, những nỗi khát khao dục vọng, những niềm đam mê cuồng nộ, những quằn quại xác thịt và cả nuối tiếc, ghen tuông ích kỷ, hận thù và chết chóc đau thương...     Bắt đầu vào câu chuyện, tác giả đã lấy bối cảnh cho hai nhân vật Y và họ Đào bắt đầu cuộc hành trình đi trên “con tầu định mênh”- đi vào cõi hư thực, đi vào cõi mê. Nó giống như thể nhà văn muốn lý gải được chiều sâu của đời sống thực tại, anh ta phải rũ bỏ mọi vướng bận đời thường để đi đến tận cùng của niềm đam mê nghệ thuật- anh ta phải trải qua một hành trình gian khó, trải qua những cơn đau, những vật vã của đời sống thực và những khát khao cháy bỏng của những giấc mơ. Ngay những trang mở đầu tác giả đã tả con tầu số phận: “...Con tầu đơn độc vẫn lao mình trong đêm đen về nơi vô định. Bóng tối trập trùng, lạnh lẽo bủa vây...” Và khi phác họa nhân vật, Phung văn Khai chỉ lướt qua mấy dòng đã thể hiện lên thân phận nhân vật và tính cách cá biệt của nhân vật họ Đào. Người cầm bút nó phải khác ở người bình thường là ở đó- Nhân vật họ Đào dám quên mình, dám chấp nhận, dám đối mặt với số phận. “... Họ Đào thân cô thế cô, bấp bênh nghề ngỗng, lang bạt kỳ hồ, gia đình xa thẳm, vợ con không màng, tiền tài im lặng, trú ngụ thất thường...lại cầm bút viết văn- viết không xu thời, nịnh thế...Con tầu còn có ga dừng, trạm đỗ, còn hú mừng một ban mai, chào đón một cung đường... Còn họ Đào thì toàn ưa thích những chuyện gió trăng: ...Lạ là cái văn chương họ Đào âm thầm nhân hậu. Văn phong lạ lùng, kỳ ảo da diết, vang sâu và rất thiện tâm, thiện chí ở đời. Oái oăm ở chỗ dường như rơi đúng vào thời buổi người ta không cần những đặc tính trên, họ còn đang mải bè cánh thù tạc, phĩnh phờ ỡm ờ, xúi giục, bợ đỡ lẫn nhau, những thứ có chặt đầu gã cũng không làm được...” Đọc tiểu thuyết “Hư thực” không ai kể lại được diễn biến của câu chuyện. “Hư thực” là một chuỗi hình ảnh đời thực được mã hóa bằng những giấc mơ đan xen giữa hiện tại quá khứ, giữa nhân vật này lẫn nhân vật kia, lúc sáng lúc tối ẩn hiện, chập chờn những cảnh sắc, những ảo ảnh. Với lối viết hư hư, thực thực lôi cuốn ta vào chốn hồng hoang không biết là hư hay thực:“...Ơ! như là trăng lên. Trăng thật. Trăng muộn mằn yếu ớt run rẩy và cô độc trên nền trời xám ngoét... Họ Đào không nói không rằng lặng lẽ rời đống lửa, gần như không gây ra tiếng động, đi hút ra phía lòng suối cạn. Chắc họ đến với nhau. Thêm một đêm, một khắc bên nhau. Biết đâu ngày mai vĩnh viễn không gặp lại...Những hình ảnh, cử động theo hơi gió hơi sương lả lướt hiện về. Những tà áo mỏng manh chập chờn biến hiện. Một điều gì lưỡng lự, chưa rõ rệt đang buông vào cõi bất định. Tiếng gí u u ngoài con suối cạn. Những luồng sáng chập chờn, gieo rắc, chợt chìm đi rồi lại bùng lên...Lòng suối cạn như cái huyệt đen thăm thẳm, trải dài bất tận...bỗng lúc ấy... Giữa khung tròi xám, từ từ hiện lên một khuôn mặt lặng lẽ mờ ảo nhưng rõ dần và rất trắng. Một khuôn mặt đẹp đến lạnh lùng, nhưng chỉ thoáng thôi lại từ từ biến mất như chưa từng hiện ra. Cái khuôn mặt thoáng hiện ấy có phải người con gái đêm qua...” Đọc đoạn văn trên ta nhận ra tác giả phải có những cảm xúc thăng hoa, những quan sát tinh tường trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh nên mới có những ngôn từ vừa như mê mụ vừa như tinh anh ma quái. Phùng Văn Khai đã có những tìm tòi đổi mới cách viết cứ ngỡ vớ đâu viết nấy, thấy gi tả nấy cứ tưởng là viết lung tung giống như người lạc rừng vào chốn hoang vu đi không phương hướng, nhưng thực chất, tác giả đã bày đặt   một trận đồ bát quái rất tài tình. Đọc “Hư thực cứ phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới sáng tỏ. Đọc “Hư thực” tôi cứ liên tưởng Phùng Văn Khai giống như người “nghệ sỹ” ngồi chợ quê với đôi tay tài hoa nặn nhoay nhoáy những cục bột thành những con tò he với đủ sắc màu, với đủ kiểu dáng hình hài vạn vật, cả giai nhân tuyệt sắc, cả ma quỷ thánh thần. Tình tiết diễn biến của tác phẩm không thể hiện bằng chương hồi mà nó được tác giả cài cắm bằng những giấc mơ, hoặc chỉ những câu chuyện trao đổi hoặc những cảm nhận của nhân vật Y về nhân vật họ Đào liên quan móc nối với cô gái trong rừng, với người đàn bà điên, với người đàn ông và con chó... Tất cả các nhân vật cứ nhào quyện vào nhau, lúc là hình, lúc lại là bóng, khi là hiện tại, khi là quá khứ, khi mê khi tỉnh liên tục hiển hiện trên trang viét với những câu văn, những ngôn từ đầy ắp cảm xúc, khiến ta cứ thấy vấn vương dăng mắc mãi vào câu chuyện của hết nhân vật này đến nhân vật kia. Đôi lúc ta lại thấy lẫn lộn mê hoặc và hư ảo không biết đâu là thực đâu là hư.    “Hư thực” là một tác phẩm văn học đày tính nhân văn phản ánh một cách sâu sắc và tinh tế đời sống hiện thực xã hội mà con người đang phải trải qua, đang phải đấu tranh để tồn tại, để được làm người, được khao khát sống, khao khát yêu và được viết lên những gì mà nhân vật họ Đào đã dám viết, dám dấn thân.

Không có nhận xét nào: