Đây là bài viết hay về giáo dục, xin phép Nguyễn Hoàng Đức và Lê Thiếu Nhơn đưa về cho nhiều bạn bè đọc thưởng thức
[Vào lúc : 09:07 - 29/11/2010 | Chuyện mục : Ý kiến - đối thoại]
HÒA GIẢI GIỮA THẦY VÀ TRÒ
NGUYỄN HOÀNG ĐỨC
Không ai khác chính Chúa Jesus đã thực hiện điều đó, Ngài gọi các môn đệ là anh em. Ngài còn rửa chân cho các môn đệ, và bảo “các con hãy rửa chân cho anh em mình giống như thầy đã rửa chân cho các con”. Rửa chân cho người khác, đó là biểu hiện của sự hạ mình hết cỡ, vậy mà Chúa Jesus đã rửa chân cho môn đệ bằng một nghi thức hẳn hoi, làm thế để chính thức nêu gương rằng : mọi người hãy biết hạ mình để tôn trọng nhau. Không chỉ bằng hành động, Chúa Jesus còn chính thức tuyên ngôn bằng lời: “Trò không hơn thầy, nhưng ai làm tròn bổn phận của mình thì sẽ được như thầy”. Đó là cách tuyên xưng về chức năng và bổn phận. Trong một cỗ máy, dù là chiếc xe đạp hay máy bay, chỉ một cái ốc long ra có thể gây tai nạn thảm khốc. Vậy thì khi cái ốc ở nguyên vị trí của mình, nó đã đồng đẳng với cả chiếc máy bay. Một cái cây, chỉ có một gốc nhưng có muôn triệu lá, lá không thể bằng gốc, nhưng mỗi chiếc lá khi làm tròn bổn phận quang hợp hay thu nước của nó, sẽ trở thành một khối cùng cái cây.
Đức Phật dạy rằng: Có nhiều thứ kiêu căng ở đời như khỏe hơn người, đẹp hơn người, khôn hơn người, giầu có hơn người, nhưng xấu xa nhất là sự kiêu căng nhiều tuổi hơn người, vì người dù nhiều tuổi đến đâu đều thua tuổi người già hơn hay đã chết, và người trẻ hơn chẳng cần cố gắng gì cũng đến ngày người ta đạt đến tuổi đó.
Vậy thì tại sao, một thầy giáo đi trước lại không thể lùi lại hay hạ mình xuống để làm bạn với học trò? Đây chính là điểm mấu chốt trong giáo dục hiện đại. Dạy học theo phương pháp giáo dục của nhiều nước tiên tiến ngày nay: không lấy thầy giáo làm trung tâm mà lấy học trò làm trung tâm. Thầy giáo chỉ là người gợi ý đề tài sau đó khích lệ học sinh tìm lời giải đáp của riêng mình, như vậy mới rèn luyện ra học trò có khả năng ứng dụng tích cực, chủ động nắm kiến thức và sử dụng kiến thức. Trái lại, học trò ngày xưa là học theo cách tiêu cực bị động, thầy đọc trò chép, đó cũng chính là phương pháp giáo dục độc tài, từ “Độc tài” (dictateur) được bắt nguồn từ chữ “Dicter” – nghĩa là chép chính tả. Hình ảnh kẻ đọc người chép, không cần hỏi lại, đó chính là cách học áp đặt độc tài. Giờ là thời buổi giáo dục dân chủ, lấy học trò làm trung tâm, thầy lại càng phải hòa giải với học trò hơn bao giờ hết.
Một lần tôi thấy một học sinh trung học, có nói với mẹ bằng một giọng cảm động rằng: “Mẹ ơi từ thời đi học đến giờ con thích nhất, và không bao giờ quên được bài thơ”:
Lớp một ơi lớp một
Đón em vào năm trước
Nay giờ phút chia tay
Gửi lời chào lớp một
Quả thực, tôi cũng nghĩ như cậu bé. Tôi không chỉ thấy bài thơ hay và xúc động, mà rất nhiều lần tôi chiêm nghiệm và suy tư về hình ảnh của bài thơ này. Mỗi lần thăm lại thầy cô , tôi không sao tránh khỏi cái tâm trạng xao xuyến xót xa mơ hồ nào đó. Mỗi năm học trò học xong đã lên đường hay leo lên một nấc thang mới hơn, còn thầy cô vẫn ở lại đó đón rước một lớp học mới để rồi ít tháng sau trò lại bay đi như chim rời tổ. Sự xót xa đó hiển nhiên cũng là điều cao quí với thầy cô, bởi vì không ai khác ngoài họ đã làm cái công việc xót xa đó. Người ta vẫn ví nghề giáo như những người chở đò ngang, sau khi chở một lớp học trò qua sông, thì lại quay về bến cũ để chở lớp trò mới.
Có một câu nói rất nổi tiếng rằng: Nhà trường đào tạo học trò nhưng cuộc đời đào tạo những tướng lãnh và những thiên tài. Nhà trường nhiều khi chỉ là người đi trước dẫn người đi sau. Các thầy tuy ở trình độ cao hơn nhưng đang là những con người dậm chân tại chỗ hoặc đang chậm dần đều, còn rất nhiều học trò đang lóng ngóng ti toe kia, có không ít kẻ sẽ nhảy vọt. Thầy nào mà dạy được thiên tài âm nhạc Mozart hay danh họa Picasso ? Chức năng cao nhất của các thầy là tìm tòi và hướng dẫn để các học trò đi đúng sở trường và thiên bẩm của mình. Mỗi thầy giáo như một ga xép nhỏ để con tầu trở học trò đỗ lại nhận kiến thức rồi lại chuyển bánh. Một hiền nhân Trung Quốc có nói: Ta học thầy rồi thầy cũng hết chữ, để học liên tục không bao giờ ngừng nghỉ ta phải trở thành chính thầy dạy của mình. Còn triết gia Nietzsche thì tuyên ngôn: “Rồi một ngày học trò sẽ phản lại thầy vì chính học trò cũng có sứ mệnh phải làm thầy”.
Làm thầy dù ở bất cứ “ga” nào, cái đầu tiên bao giờ cũng là học nhân cách, như người xưa bảo “tiên học lễ hậu học văn”. Lễ chính là nhân cách, nó không chỉ cần cho lớp một, mà ở tất cả các lớp, mỗi trình độ học vấn cao hơn đòi hỏi một nhân cách cao hơn. Lúc nhỏ thì học kính thầy yêu cha mẹ, lớn lên là học yêu tổ quốc, lớn hơn nữa là yêu công lý và lý tưởng của con người… Nhưng học trò của ta hiện đang học thứ nhân cách nào? Nhiều cô giáo gọi con nít đến nhà học thêm, cô mặc quần áo ngủ, ra bài tập chép lên bảng rồi cắp làn đi chợ, trẻ con sẽ học được gì ngoài sự “vô ích” của thầy lẫn trò, ẩn trong đó chỉ có nội dung đích thực của tiền đang chảy từ ví của bố mẹ đến ví của cô giáo. Tôi đã nhìn thấy nhiều lớp học thêm thế này. Các trò đến quăng dầy dép đầy trước cửa, ngồi bệt xuống đất , túm tụm kê sách vở lên chiếc ghế nhựa, để học bài. Bên trên giọng thầy gay gắt căng thẳng, mắt chằm chằm, thái độ hằm hằm như tập bắn. Bởi lẽ, trò bên dưới nghe giảng rất vô cảm, nghe vì bị phải nghe, với nguyên lý rằng, đi học để trả tiền thêm cho thầy. Chính thế mà thầy giảng rất căng thẳng và có phần cay cú… Việc học như thế nói lên điều gì? Rõ ràng đó là một kiểu làm xuống cấp nhân cách, thay vì ngồi đàng hoàng trong lớp, có trường có lớp, có bàn ghế đàng hoàng, chúng ta lại bắt các em ngồi túm tụm xuống đất, còn kém cả thời chiến tranh ngồi xuống đất kê cửa làm bàn. Trước kia, Mỹ có nói muốn làm Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá nhưng không làm được, nhưng giờ đây, chính chúng ta với một đất nước độc lập, vì thiếu hợp lý và tham lam vặt vãnh trước mắt đã tự mình hạ cấp nhân cách và biến thành thời kỳ đồ nhựa. Đó là một trong những lý do lớn lý giải tại sao đạo đức đã và đang xuống cấp trầm trọng như vậy.
Chúng ta đã học về chủ nghĩa tư bản, rằng chúng bắt công nhân làm thêm giờ, 15 phút hay cả tiếng. Đằng này trên phạm vi rất lớn chúng ta đã bắt học trò học thêm gần 100 % , số giờ học thêm gần bằng với giờ chính thức ở trường, bài giảng thì dạy qua loa trên lớp, chỉ có dạy thêm thì mới dạy kỹ, như vậy chúng ta đã bóc lột sức học của các em. Những công dân bị bóc lột và suy nhược từ nhỏ thử hỏi lớn lên sẽ đem lại tầm vóc gì cho dân tộc? Chúng ta nên nhớ, người việt bảo “Cơm không ăn thì gạo còn đấy”, trong trường hợp này là, nếu sức khỏe của các em được giữ gìn thì lớn lên các em mới có sức bật. Còn các triết gia thì bảo: một cái lò so chỉ khỏe khi nó liên tục nằm ở trạng thái nghỉ, còn nhà vật lý thì bảo: thanh nam châm có từ trường khỏe bởi vì nó không bị hút liên tục để mỏi từ trường. Nếu các trò bị vần từ nhỏ cho mệt lử, thì làm sao các em có thể tạo ra sức nhảy vọt cho ngày mai?
Nhưng nếu trò muốn hòa giải với thầy, thì thầy sẽ hòa giải với ai? Một cô giáo có tâm sự cùng tôi: Các ngành đều được nghỉ mỗi tuần hai ngày, thứ bảy và chủ nhật; riêng các thầy cô vẫn phải dạy cả thứ bảy . Họ liền kêu như thế là không công bằng, và người ta đã họp bàn nhiều lần để tìm cách công bằng mà không được. Nhiều thầy cô liền bảo: “Rất đơn giản, chúng tôi lao động thêm ngày thứ bảy, thì đề nghị cho thêm lương ngày thứ bảy”, nhưng việc đơn giản vậy cũng mãi chẳng thông.
Hay có lần tôi theo dõi, có ý kiến cho rằng, muốn cải thiện giáo dục thì nên tăng lương cho thầy cô, được vài hôm có những ý kiến lại cho rằng: chất lượng giáo dục cần căn cứ trên đạo đức của thầy cô không nhất thiết phải đi kèm với tiền bạc. Người Việt nói “Thế gian chuộng của chuộng công, nào ai có chuộng người không bao giờ”. Nếu chúng ta xác định, giáo dục là quan trọng hàng đầu, thì nên đầu tư cho giáo dục cách xứng đáng, không nên trộn lẫn giữa đạo đức và tiền bạc, bởi lẽ một khi xã hội trả đúng tiền công – đúng người – đúng việc , cái đó sẽ là đạo đức tiên quyết. Bởi vì điều đó là đúng lý công bằng. Trồng cây nào hái trái ấy. Và đầu tư nào thành công đó.
Mong rằng công bằng chính là chìa khóa để hòa giải những lình sình cho nền giáo dục chậm tiến và còn quá nhiều tồn đọng của chúng ta. Muốn thầy ra thầy , trò ra trò, thì trước hết chúng ta phải tiến hành : thầy đáng ở đâu sẽ đặt thầy ở đó. Giáo dục muốn tiên tiến phải đầu tư những khoản tiền “tiên tiến”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét