Thiên An
Dương Hướng gây cảm giác ông rất khoái...điếu cày, nhưng hoá ra lại biết dùng laptop - thứ “đạo cụ” ít khi thấy xuất hiện trong các bức chân dung “nhà văn tỉnh lẻ”. Dương Hướng dễ bị hiểu là người chuyên bị “áo cơm đùa”, ai dè lại là kẻ (không ít bận) dám “đùa với áo cơm”.
Người 15 năm bị “bóng đè” Sau bao lâu, cái tên Dương Hướng lại mới được nhắc trở lại không còn vì “Bến không chồng” – cột mốc mà mười lăm năm trước từng giúp đánh dấu cái tên Dương Hướng lên văn đàn nhưng đồng thời, cũng ít nhiều đổ bóng lên ông như một thứ “bóng đè”. Mười lăm năm ông vẫn tiếp tục viết mà dễ thường, người ta cứ tưởng ông im lặng và ngủ yên trong sự bằng lòng: nào là Bến không chồng được giải thưởng Hội nhà văn, vào cái thời mà giải thưởng Hội vẫn hãy còn “có uy” lắm với dân trong làng, cũng là cái năm mà tiểu thuyết được mùa hơn bao giờ hết (cùng Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường và Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh...); nào là Bến không chồng được lên phim, được dịch ra tiếng Ý và tiếng Pháp... Ai mà ngờ được, cái “bến không chồng” từng giúp ông cập bến văn chương ấy, lại có lúc làm khó ông cập bờ bạn đọc: một tiểu thuyết khác, “Trần gian đời người” (khi tái bản đổi tên là “Bóng đêm mặt trời”) cùng hai tập truyện ngắn và truyện vừa viết sau đấy nhanh chóng bị rơi tõm vào im lặng cũng là vì bị “cái bóng của Bến không chồng che lấp” – theo như ông “tố giác” – “Cái tội này là tội của “Bến không chồng”!”.
Sự im lặng có chăng cũng là im lặng trong trăn trở để nuôi ngày trở lại. Lần này, là một sự trở lại quyết liệt hơn bằng một tiểu thuyết bề thế, có cái tên đầy “vĩ mô”: “Dưới chín tầng trời” (hiện đã nằm ở nhà in). Dương Hướng coi DCTT là một “Bến không chồng” phần hai, hay đúng hơn là sự tiếp nối về hiện thực xã hội trong “Bến không chồng” khi để điểm xuất phát của các nhân vật vẫn là từ cái làng quê quen thuộc của ông trong “Bến không chồng”. Cố gắng ôm vào lòng tác phẩm một loạt bước ngoặt, sự kiện quan trọng của đất nước trong suốt nửa thế kỷ từ chiến tranh, hòa bình đến thời kỳ mở cửa, cơ chế thị trường…, DCTT đã được nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến cho điểm: “Nếu như tiểu thuyết trước hết là cốt truyện thì tác phẩm này thừa sức hấp dẫn. Vì cốt truyện rất ly kỳ, nhiều tuyến nhân vật quan hệ éo le, số phận ba chìm bày nổi; nhiều tuyến hành động diễn ra khắp các miền Trung, Nam, Bắc, có xóm làng và thành phố, có chiến trường ác liệt ở miền Nam và sinh hoạt nhộn nhạo, rối ren vùng biên giới phía Bắc...”
“Atlas của làng văn” Trong cái cách Dương Hướng lần hồi đến với nghề văn, vừa như chậm mà chắc, lại vừa nôn nóng và quyết liệt cứ như một “nghiệp chướng”, người ta dễ liên tưởng đến “kẻ cõng trời” trong thần thoại Hy Lạp: Atlas. Khác chăng gánh nặng ấy với Atlas là một hình phạt của thần Jeus thì với “nhà văn nghiệp dư và tỉnh lẻ” của chúng ta lại là một sự tự nguyện; Atlas luôn chỉ rình thừa cơ là cất gánh nặng sang vai người khác thì đây ông lại cứ tự vơ vào mình cái gánh nặng mà thiếu ông thì chợ vẫn đông, vẫn đầy người gánh giúp.
“Tôi từng bị cho là người hâm khi viết đơn xin nghỉ việc không lương để viết “Bến không chồng” vào thời điểm những năm 1980, nhà nhà khốn khó. Vợ tôi lại rơi vào diện “nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà nghèo”, nhà lúc đó lại có đến bốn cái “tàu há mồm” chỉ biết trông vào đồng lương còm của vợ…- Dương Hướng nhớ lại – Cũng áy náy với vợ con lắm, nhưng say nghề thì đúng là cứ như bị “ma làm”. May sao rồi khó khăn cũng qua và những đánh đổi cũng đã được đền đáp”.
Rõ là trời “làm hư” ông công chức vốn có máu ưa “trữ tình ngoại đề” này khi cho ông gặp may như thế. Vậy nên lịch sử mới đây lại tái diễn khi ông lại tiếp tục xin nghỉ việc không lương một năm để ngồi viết “Dưới chín tầng trời”. Dễ để “nịnh” … Trời? “Chín tầng trời”ở đây không phải là trời mà chính là chúng ta, là trần gian, là cuộc sống con người, là niềm vui nỗi buồn, là hạnh phúc khổ đau. “Chín tầng trời” chính là cửu trùng đài...”.
“Xởi lởi trời cho” Dương Hướng quả đúng là một minh chứng cho kiểu người “xởi lởi trời cho”. Khi một người viết cầm bút chỉ bởi yêu nghề và những thôi thúc nội tâm thì ít hay nhiều, những trang viết cũng có lúc mang lại niềm vui trả họ. Đã đành, ai khởi đầu cầm bút mà chả với một chút ngộ nhận trong lòng, thậm chí đôi khi cũng là cần thiết, một chút “tham vọng” nữa, để giúp tự tin. Nhưng vào cái thời điểm liều lĩnh xin nghỉ không lương và chấp nhận bị cho là “ấm đầu” để ngồi viết “Bến không chồng” giữa thời buổi “gạo châu củi quế”, ông công chức của ngành hải quan Dương Hướng chắc chắn không thể nào tiên lượng được có ngày những trang viết từ tỉnh lẻ của ông lại có ngày được giải thưởng Hội nhà văn, được lên phim, dịch ra tiếng Pháp và tiếng Ý, được trả nhuận bút bằng euro (tương đương 80 triệu VN đồng)…Đằng sằng ra mà nói, trong cái sự “phó mặc sự đời” và dám “đùa với áo cơm” để yêu nghề của ông không phải là không có một phần ích kỷ, nếu xét ở góc độ một người trụ cột trong gia đình. Nhưng may cho ông và vợ con ông là khi người không tính được thì lại được trời tính hộ cho, cứ như thể “trời sinh thì trời dưỡng” vậy. “Đúng là tôi có một cái “tệ” là đã ngồi ôm lấy bàn viết thì chả muốn làm việc gì khác, chả nhớ gì. Nhưng cũng có lúc, trước những cơ sự “cơm áo không đùa” mình vẫn có lúc phải rời bàn viết. Mười lăm năm im lặng nhưng vẫn phải lo cho cả thảy bốn đứa con ăn học hết đại học. Nhờ giời đến nay các cháu đều đã trưởng thành, có công ăn việc làm và xây dựng gia đình riêng cả rồi…” – Ông nói.
Dương Hướng vốn dân quê lúa (Thái Bình) dạt về vùng biển (Hạ Long), rồi nhiều năm mặc áo lính tại chiến trường khu 5, xuất ngũ thì thành thợ máy tàu, khi luống tuổi thì được “vời” lên bờ, làm cái anh “cạo bàn giấy” của ngành hải quan Quảng Ninh. Những chặng đời, chẳng nghề ấy ít nhiều lưu lại ở ông cùng lúc cái vẻ chân chỉ bộc toạc của con nhà nông, lại có cái nghiêm ngắn phong trần của một người từng tại ngũ; có cái xuê xoa tếu táo của cánh làm thợ, lại cái mẫn cán cặm cụi của dân công chức bàn giấy. Ngồi “bám đất” ở Quảng Ninh, ông không có điều kiện để giao lưu nhiều với bạn nghề và bạn đọc, càng không dễ nổi tiếng vì ít có cơ hội tiếp xúc với báo chí. Nhưng những bạn nghề nào biết ông thì thường nói về ông một cách hết sức trìu mến bằng một loạt truyện “giai thoại”, “tiếu lâm” mà trong đó, ông là nhân vật chính. Rằng thì là chuyện ông lớ ngớ định bắt taxi cho một chặng đường dài hàng trăm cây số mà không hề biết giá, trên hành trình đánh đường vào Tây Nguyên dự trại viết. Chuyện những ngày đầu ông “đánh vật” với cái laptop – được con mua giúp cho để làm nghề, rồi “đánh vật” với cả cái thẻ ATM… Cái ông quê đến là quê, mà cũng lại là kẻ “cập nhật công nghệ”, thông tỏ chuyện đời dễ mấy ai bằng. Luôn luôn có thể tìm thấy ở ông những bất ngờ nho nhỏ, thú vị cũng là vì thế. Chẳng biết, trong những chặng hành trình đi tìm nhân vật của mình, Dương Hướng cũng như các bạn nghề của ông đã bao giờ nhận thấy: ông cũng chính là một nguyên mẫu khá là độc đáo có thể giúp cho văn học VN hôm nay một mẫu “nhân vật điển hình”. Điển hình cho một kiểu làm nghề tay ngang mà “chí chết”, yêu văn chương đến độ lăn xả, hồn nhiên. Điển hình cho một cách sống quyết liệt mà không ganh đua, không tự cao nhưng cũng không hề mặc cảm. Điển hình cho một mẫu nhà văn vừa “âm lịch” vừa tân tiến, vừa biết “bám làng” lại vừa biết mở cửa đi ra thế giới. Vừa khao khát giao lưu nhưng đồng thời cũng tránh được cái “hệ lụy” của “văn hóa tụ tập” từng làm bao người viết nhà mình phải nhạt bút hư nghề: chỉ chê (người khác) là giỏi, chỉ hứa chứ không viết và suốt ngày ngồi giữa chốn lao xao ấy mà lại như không nghe, không thấy, không đọc…Điển hình cho một kiểu cập bến văn chương nồng nhiệt đến nỗi chỉ biết giương buồm thẳng tiến mà không buồn lựa sóng lựa gió!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét