4 thg 12, 2010

SAU “BẾN KHÔNG CHỒNG" của ”DƯƠNG HƯỚNG

Trần Thị Phương Thảo
Cùng với Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường và Thân phận tình yêu của Bảo Ninh, Bến không chồng của Dương Hướng là một trong ba tác phẩm nhận Giải thưởng Hội nhà văn năm 1991; một Giải thưởng sáng giá, ghi nhận thành tựu văn học Việt Nam sau 5 năm Đổi mới.
Sinh năm 1949, từng là công nhân Quốc phòng, rồi vào lính, trở về với công tác hải quan ở Quảng Ninh, Dương Hướng vào nghề viết ở tuổi 40, với tập truyện ngắn đầu tay Gót son (1989), thế mà chỉ một năm sau, với Bến không chồng (in năm 1990) nhận Giải thưởng Hội nhà văn (1991), Dương Hướng bỗng trở thành một tên tuổi, và quan trọng hơn, trở thành một gương mặt tiêu biểu trong công cuộc Đổi mới văn học vào nửa đầu những năm 90 thế kỷ XX.
Với tiểu thuyết Bến không chồng, Dương Hướng thuộc số người soi được một cái nhìn mới vào một đề tài vốn đã rất quen thuộc trong văn học Việt Nam sau 1945 là nông thôn và chiến tranh. Nông thôn trong và sau 30 năm chiến tranh, qua chân dung người lính và người phụ nữ. Những người lính từ chống Pháp như Vạn, và thời chống Mỹ như Nghĩa, với hy sinh ở chiến trường và vẫn tiếp tục những hy sinh khi trở về hậu phương. Thế nhưng nói hậu phương là nói đến nhân vật trung tâm là phụ nữ; bởi mọi gánh nặng ở hậu phương đều dồn lên vai người phụ nữ. Những cái “bến không chồng” trở thành một biểu trưng cho cuộc sống dân tộc trong cả một thời dài khi lớp lớp đàn ông - thanh niên đều ra trận. Với nhân vật trung tâm là Hạnh, Dương Hướng đã tạo dựng được hình tượng một phụ nữ có thể nói là “vượt trội” so với số đông những “chinh phụ” trong văn xuôi cả một thời dài chiến trận, thường chỉ mang khuôn mặt “ba đảm đang” gieo niềm tin cho người lính ở chiến trường. Bởi thử thách đặt ra cho Hạnh, không chỉ là những thử thách bên ngoài, mà còn là, hoặc chính là những thử thách bên trong, để vượt những rào cản ở chính mình. Hạnh đã không có được hạnh phúc làm vợ (với Nghĩa), thì vẫn có quyền được có con (với Vạn)... Qua nhân vật phụ nữ, dám vượt các lời nguyền, dám vượt mọi thanh kiến, dám đi tìm hạnh phúc riêng; với các quan hệ trong gia tộc và làng xã, như với mẹ là Nhân và với chú Vạn (người không vượt được thành kiến, để đến với Nhân, và nhận con với Hạnh); với Nghĩa (người chồng phải chịu hậu quả của chiến tranh); và rộng ra là cả với làng Đông - một đơn vị làng của đồng bằng Bắc Bộ, Dương Hướng đã tái hiện cho ta thấy một chặng đường dài dân tộc đã đi qua, với không phải chỉ với hệ quả của hai cuộc chiến tranh, mà còn là với bao rào cản và lầm lạc khác, từ đó mà nhận ra những mặt bi kịch và khuất tối mà cả một thời gian dài cho đến cuối thế kỷ mới có được sự dũng cảm và sáng suốt để nhìn lại.
Tiếp tục dòng chảy đến từ Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Thời xa vắng của Lê Lựu,... Bến không chồng chỉ có thể là sản phẩm của một giai đoạn văn học mới được soi sáng bởi khẩu hiệu lớn của Đại hội Đảng lần thứ VI: “Nhìn thẳng vào sự thật...”. Cái kết thúc của Bến không chồng với đám tang Vạn, người lính trở về từ chiến trường Điện Biên năm xưa là một kết thúc ấn tượng, gợi biết bao bùi ngùi, không phải chỉ riêng cho một con người bất hạnh, với bao lầm lạc, mà còn là cho cả một thế hệ. Cuộc tiễn đưa Vạn, cũng có thể xem là cuộc tiễn đưa cả một quá khứ mà hiện thân là Vạn, để từ đây, con người hy vọng có thể thanh thản hơn mà đi tiếp.
Cuốn sách được ấn hành năm 1990, khi công cuộc Đổi mới diễn ra mới được 3 năm. Nghĩa là chỉ mới bắt đầu. Những người trong cuộc, như các nhân vật của làng Đông, kể cả tác giả, chưa dễ có được những hình dung cụ thể về con đường sắp tới.
Con đường đó sẽ có được hình hài của nó trong một cuốn tiểu thuyết khác, xuất hiện 15 năm sau.
xx x

Hơn 15 năm sau Bến không chồng, vào cuối 2007, Dương Hướng có tiếp Dưới chín tầng trời(1) - một tiểu thuyết có quy mô lớn về số trang (500 trang cỡ 14,5x22cm), có phạm vi bao quát rộng - theo dấu chân và hành trình của các nhân vật chính-phụ của làng Đoài mà đến khắp mọi miền đất nước, từ Bắc vào Nam, từ chiến trường về hậu phương, từ nông thôn ra thành phố, từ biên giới đến hải đảo, và còn là những cuộc vượt biển, ra nước ngoài... Theo chiều dọc của lịch sử, đó là cuộc sống của một cái làng với các gia tộc, và giòng họ gắn với xã hội cũ, với cách mạng, với hai cuộc kháng chiến, cho đến thời kỳ Đổi mới, và áp sát vào thời đất nước mở cửa, hội nhập hôm nay...
Độ rộng về không gian và độ dài về thời gian với số phận nhiều chục, thậm chí hàng trăm nhân vật, Dương Hướng cho dồn nén vào câu chuyện Dưới chín tầng trời. “Dưới chín tầng trời” - đó là chuyện của cõi nhân gian mênh mông, vô tận. Vậy thì biên giới của nó phải là ở đâu trong cấu trúc, tạo dựng của một người viết tiểu thuyết? Đó phải là sự sống và sức sống của nhân vật trong tính cách và số phận của nó. Mà nói tính cách và số phận là nói đến xương cốt và da thịt của nhân vật. Xây dựng một tiểu thuyết qua thế giới nhân vật “có xương có thịt”, Dương Hướng vẫn trung thành với cách viết truyền thống, ở thời điểm 2007, là năm tiểu thuyết ra đời. Một tiểu thuyết truyền thống - tức là một tiểu thuyết được xây dựng trên sự giao thoa, sự đụng độ, sự va dập trong quan hệ giữa các nhân vật và hệ nhân vật. Với Dưới chín tầng trời, đó là gia hệ Hoàng Kỳ, từ Hoàng Kỳ Bắc - địa chủ, qua Hoàng Kỳ Trung - sĩ quan quân đội, đến Hoàng Kỳ Nam - nhà báo; một gia hệ chìm nổi theo lịch sử. Đó là gia đình Đức Cường, một tư sản giàu có, có lòng yêu nước, bảo vệ cách mạng, bỗng rơi vào tận đáy của sự bất hạnh. Đó là thế giới gồm đủ mọi tầng lớp - những con người có gốc rễ ở làng Đoài như Đào Kinh với cái lý lịch cùng khốn dưới đáy rồi vươn lên hàng tỷ phú; cùng với những người có quan hệ với Kinh, như Vương - con trai, từ chiến trường về với cái chân què, như vợ là Cam - đi lại với Trần Tăng mà có con gái là Đào Thanh Măng rồi trở thành nhân vật trung tâm của thời mở cửa. Đó là mấy mẹ con Cháo, Muôi, Thìa, Muỗng là cốt cán trong Cải cách ruộng đất, rồi vẫn ăn nên làm ra bằng vốn tự có, trong thời mở cửa. Là những người cắm rễ ở làng như lão Khi, Câm, Lùn và Cảo chăn vịt... mà số phận vẫn không tách rời với tất cả những người đi xa, hoặc rất xa khỏi làng Đoài. Và hẳn chưa phải là cuối cùng - đó là người hùng Trần Tăng, vị cán bộ cao cấp, người tạo nên mọi vinh-nhục cho làng Đoài, sống và tiến thân bằng quyền lực và dục vọng.
Tất cả những con người ra đi từ làng Đoài, với nhiều nguyên cớ khác nhau, rồi trở về làng trong những thân phận khác nhau, có khi là một rẽ ngoặt 180 độ, từ thất cơ lỡ vận mà thành tỷ phú; từ giàu có, quyền cao chức trọng mà trở thành tay trắng; từ phế nhân mà thành chính nhân; hoặc từ tội nhân mà thành ân nhân, tất cả - dẫu có gốc gác từ một làng Đoài, mà đi khắp tứ xứ, và làm nên một thế giới thật là nhộn nhịp và sống động trong Dưới chín tầng trời.
Và một cuộc hội ngộ vào cuối truyện ở làng Đoài, khi làng Đoài được công nhận là Đơn vị Anh hùng, cho tất cả những người con sinh ra rồi trở về, hoặc bám rễ với đất này, cùng một đám tang bất ngờ dành cho Trần Tăng (cũng giống như đám tang Vạn trong kết thúc Bến không chồng) làm nên một hóa giải, hoặc một kết thúc “có hậu” - theo quan niệm nhân quả, của Dưới chín tầng trời với 3 Chương cuối trong tổng số 33 Chương, có tên: Ngày bình yên, Ngày hội, Con đường mới...
Dưới chín tầng trời ở thời điểm 2007, hơn 15 năm sau Bến không chồng có thể xem là một bước tiến, hoặc một vượt trội của Dương Hướng.
Chắc chắn cuốn sách rồi sẽ được bàn luận nhiều, với những đánh giá khác nhau, hoặc trái ngược nhau, từ những vấn đề mà tác phẩm đặt ra. Và có như vậy thì mới là biểu hiện bình thường của sự phát triển văn học. Điều chúng tôi muốn lưu ý ở đây là: nếu mở đầu thế kỷ XXI là sự xuất hiện một thế hệ viết mới ở lứa tuổi 7X đến 9X, với những tìm tòi ráo riết theo hướng của chủ nghĩa hiện đại hoặc hậu hiện đại phương Tây, như phá vỡ cốt truyện, như quan tâm đến tiểu tự sự (tức là các mảnh nhỏ) chứ không phải đại tự sự; như nhân vật chỉ còn là biểu tượng, chứ không còn là nhân vật- tính cách v.v... dường như chưa ăn nhập lắm với công chúng số đông, thì Dương Hướng, ở tuổi 60, vẫn tiếp tục với cách viết truyền thống; nhưng không nô lệ vào truyền thống mà vẫn có những cách tân nhất định, nên vẫn nhận được sự đón đợi của số đông độc giả.
Dưới chín tầng trời, một tiểu thuyết nằm trong giòng chảy và làm nên giòng chảy của văn xuôi đương đại./.
3.6.08

Không có nhận xét nào: