Hữu Thỉnh: “Với các cuộc thi tiểu thuyết, tư duy phát triển văn học trở nên có đường nét hơn”
Sáng 21 – 12 – 2010, tại Trụ sở Hội, Cuộc thi Tiểu thuyết lần thứ 3 (2006 – 2010) đã làm lễ Tổng kết, trao Giải thưởng giữa sự chứng kiến của các nhà văn, các cơ quan báo chí và công chúng yêu văn học.
Có thể yên tâm khi nói rằng Lễ Tổng kết và Trao giải được tổ chức trang trọng nhất từ trước tới nay: Giấy chứng nhận Giải thưởng được cấu trúc như một tấm bằng hệt bằng Tiến sỹ của phương Tây; trên nền phông của lễ đài có tên các nhà văn và tác phẩm đạt giải; dọc hai bên khán đài có các tấm pano in ảnh nhà văn, tên tác phẩm nhận giải (và họ có thể mang về nhà, treo lên). Hầu hết các nhà văn, kể cả các nhà văn giải không cao lắm, nhưng đã phấn khởi về nhận giải. Đến trưa, BTC đã mời dự tiệc đứng, trong bầu không khí của vang Pháp và văn chương. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã đọc báo cáo tổng kết được viết như một diễn từ, lại như một bài phê bình tổng quan mà vanvn.net trân trọng giới thiệu toàn văn (đầu đề là của chúng tôi)
Trong khoảng hơn một thập kỷ trở lại đây, tư duy phát triển văn học của Hội Nhà văn Việt Nam trở nên có đường nét hơn. Chúng ta quan tâm đến tất cả các thể loại, đồng thời không quên tạo ra những điểm nhấn. Ba cuộc thi tiểu thuyết liên tiếp được tổ chức từ năm 1998 đến nay đã thực sự tạo ra những sự kiện văn học được người viết và người đọc quan tâm. Cuộc thi lần thứ nhất có 176 tác phẩm tham dự, Cuộc thi lần thứ hai có 200 tác phẩm tham dự. Đến cuộc thi lần thứ ba đã lên tới 247 tác phẩm. Như vậy có thể thấy, từ sự đúng đắn của một chủ trương đã tạo ra bước phát triển bừng khởi của một thể loại. Tiếp tục tiền đề mà hai cuộc thi lần trước tạo ra, thành công cống hết của cuộc thi này là tập hợp một đội ngũ đông đảo các cây bút tiểu thuyết thuộc nhiều thế hệ cầm bút và từ nhiều vùng đất khác nhau. Trong lúc văn hoá đọc đang chịu nhiều áp lực, thị phần văn học đang bị thu hẹp một cách đáng lo ngại, thì số người trụ lại với tiểu thuyết không những không bị cạn đi mà ngày càng được bổ sung nhiều tên tuổi mới là một điều rất đáng vui mừng. Thực tiễn đó bác bỏ những dự báo nản lòng cho rằng "tiểu thuyết đã chết". Không, tiểu thuyết không bao giờ chết cũng như văn chương sẽ còn mãi như những bằng chứng cho sự thăng hoa của đời sống con người.
Thành công thứ hai của cuộc thi là độ mở về không gian nghệ thuật. Nhiều tác phẩm có tới hàng ngàn trang, bao quát cả một giai đoạn lịch sử khá dài với biết bao biến cố dồn dập, những xung đột gay gắt, những tình huống đầy kịch tính. Sự giàu có về vốn sống, khả năng xây dựng cả một đội ngũ nhân vật đông đảo mà sự vận động vừa mang tính chất tuyến tính vừa mang tính xâm nhập và tác động lẫn nhau tạo ra một không gian nghệ thuật phức hợp, là một cố gắng rất đáng trân trọng của tư duy tiểu thuyết. Tiêu biểu cho hướng tìm tòi này là Bùi Bình Thi với tiểu thuyết Xiêng khoảng mù sương, Dương Hướng với tiểu thuyết Dưới chín tầng trời và Nguyễn Phan Hách với Cuồng phong. Đặc biệt đáng quý trường hợp nhà văn Bùi Bình Thi với biên niên sử về tình bạn chiến đấu giữa quân dân hai nước Việt Lào. Cùng với việc mở rộng dung lượng sử thi là sự phong phú về thể loại. Tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết thế sự, tiểu thuyết tư liệu, tiểu thuyết chiến tranh, tiểu thuyết hoạt kê viễn tưởng... tất cả tạo ra những kênh riêng, những lợi thế khác nhau để tiếp cận nhiều tầng vỉa của đời sống. Dẫu chiếm lĩnh đời sống theo kiểu nào, với những thao tác nghệ thuật nào, các tác giả cũng đều thể hiện sự triệt để trong xây dựng tính cách, đẩy nhân vật đến tận cùng trong xung xát, trong đối thoại và độc thoại, một sự phát triển mang tính định mệnh của những số phận khác nhau. Tính triệt để để còn thể hiện ở chỗ, đối với nhiều vấn đề, lịch sử đã giải quyết xong, cuộc sống cũng đã vượt qua rồi, nhưng nhà văn bảo nó chưa xong, và họ hăm hở khám phá lại sự khám phá phát hiện lại sự phát hiện, và mặc dù đã vấp phải khá nhiều sự nhậy cảm và gai góc nhưng được dẫn dắt bởi một tiên cảm nghệ thuật lành mạnh và khoẻ khoắn họ đem đến cho chúng ta những mảng sống nguyên khôi. Những cuốn tiểu thuyết Mạc Đăng Dung của Lưu Văn Khuê, Đêm Sài Gòn không ngủ của Trầm Hương, Lý Công Uẩn của Ngô Văn Phú, Nguyễn Thị Lộ của Hà Văn Thuỳ thể hiện khá rõ cho hướng tìm tòi nói trên. Đối với họ lịch sử là lịch sử của sự sống. Lịch sử ở đây không chỉ là cái được phản ánh mà còn là khúc biến tấu của bi ca và tráng ca với biết bao khắc khoải về số phận con người. Và vì vậy, tiếng nói nhà văn dẫu có lúc cay đắng nhưng không vô vọng, đau đớn nhưng vẫn nồng ấm tin yêu. Sự phóng khoáng, táo bạo trong tư duy tiểu thuyết trong cuộc thi này là một biểu hiện sinh động tiến trình đổi mới của văn học ta.
Thành công thứ ba của cuộc thi này là thái độ nhập cuộc, thể hiện tính tích cực xã hội của nhà văn. Dù xa hay gần, trực tiếp hay gián tiếp, các nhà văn đều có chung điểm xuất phát là muốn tìm câu trả lời cho những vấn đề của thực tại. Ý nghĩa đời sống thế nào? Giá trị thực của đời người ở đâu? Lấy gì làm điểm tựa cho con người trước biết bao xô dạt thiên di? Nhưng câu hỏi trên treo trước mắt con người bao lâu rồi. Nhưng sao hôm nay sao nó trở nên gay gắt, bức thiết, nóng bỏng đến như thế. Có lẽ đó là dấu ấn riêng của văn học trong những giai đoạn có sự chuyển đổi về hệ giá trị, một sự chuyển đổi buộc con người vừa phải nhận thức lại vừa phải sớm thích nghi.
Nguyễn Khắc Phê trong Biết đâu địa ngục thiên đàng, Nam Ninh trong Khoảnh khắc đời người, Nguyễn Một trong Đất trời vần vũ thể hiện khát vọng miêu tả những số phận éo le trước một hiện thực vũ bão và ngổn ngang, có ly tán và đoàn tụ, có vinh quang và trả giá, nhưng không bao giờ để mất phương hướng sống. Một niềm tin không dễ dãi, một bản lĩnh sống vượt thoát qua biết bao thăng giáng của nhân thế, đó là tố chất cần thiết cho con người ngày hôm nay.
Với những thành công trên, Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ ba (2006-2010) đã góp phần rất quan trọng nâng cái nền chung của văn chương hiện nay lên một tầm mức mới.
Vượt qua sự bình chọn công phu của vòng Sơ khảo, 51 tác phẩm vào Chung khảo tập trung vào ba mảng đề tài chính sau đây:
- Lịch sử
- Chiến tranh
- Sự nghiệp đổi mới đất nước
Đây là cách chia ước lệ để dễ khu biệt, thực ra, lịch sử theo nghĩa rộng nhất bao gồm tất cả những gì thuộc về thì quá khứ. Nguyễn Văn Thọ, Y Ban, Thuỳ Dương trở lại với một quá khứ gần, một quá khứ như một chảo than nóng của thời bao cấp với những nghèo khó và thiếu thốn, tưởng như không thể nghèo khó và thiếu thốn hơn. Nhưng trong chiếc áo rất chật, một cơ thể cường tráng vạm vỡ đang lớn lên. Đó là sự tích luỹ âm thầm những năng lượng cho đổi mới. Bối cảnh thì giống nhau nhưng vấn đề mà ba tác giả đưa ra lại khác nhau căn bản. Nguyễn Văn Thọ dựng lên bức tranh kiếm sống khốc liệt nơi đất khách quê người. Đây là đề tài thấp thoáng đã có đôi người dụng bút. Nhưng Quyên của Nguyễn văn Thọ là câu chuyện vỡ mộng bi thương rướm máu. Giữa biết bao nhiêu lừa đảo, chiếm đoạt, vô tình, ghen ghét, Quyên hiện lên như một ốc đảo rười rượi nhân tình. Cô bị đánh văng ra khỏi cộng đồng như một mảnh vỡ. Nhưng chính cô lại có sức hàn gắn hơn ai hết cho chính cái cộng đồng đang tự ru mình trong sự an toàn giả dối. Một thông điệp khác: Thuỳ Dương, vội vã để kiếm tiền, nhưng có tiền lại tuột mất hạnh phúc. Và Y Ban, một cây bút ít thoả hiệp trong miêu tả những mặt xám của đời sống nhưng với Xuân Từ Chiều, tác giả lại dày công chăm chút cho những cuộc đời thường biết che chở, đùm bọc lấy nhau, và xem đó như là nền tảng là cội rễ của một xã hội bền vững.
Với đề tài chiến tranh, cuộc thi có cả một đội ngũ hùng hậu. Đó là Từ Nguyên Tĩnh với với Truyền thuyết Thu Bồn, Đỗ Kim Cuông với Phòng tuyến sông Bồ, Nguyễn Hoàng Thu với Một thời đã qua, Nguyễn Quang Hà với Vùng lõm, Hữu Phương với Chân trời mùa hạ, Trầm Hương với Đêm Sài Gòn không ngủ. Cống hiến quan trọng của mảng đề tài này là miêu tả chiến tranh vừa có chiều sâu của hiện thực vừa có tầm cao của tư tưởng. Đó là cuộc chiến tranh chia tuyến và không chia tuyến chống lại kẻ thù dân tộc và sự tha hoá trong hàng ngũ chúng ta. Đúng, Nguyễn Quang Hà và Hữu Phương có phần gặp gỡ nhau ở chủ đề này. Nhưng Nguyễn Quang Hà độc đáo ở cái kết bất ngờ, khiến cho nhân vật kết hợp được hai yếu tố anh hùng và nhân văn. Sau Trần Văn Tuấn với Rừng thưa nước trong của cuộc thi trước, Nguyễn Quang Hà trong cuộc thi này lại đóng góp một cuốn tiểu thuyết hay về cuộc chiến tranh trong thế cài răng lược tại chiến trường Thừa Thiên- Huế. Với Chân trời mùa hạ của Hữu Phương, cuộc sống chiến đấu của vùng quê Quảng Bình được hiện lên đầy ắp các sự kiện bình thường và phi thường với những con người mộc như gỗ, rắn như đá, lửa đấy mà cũng là nước đấy, sống chết trong gang tấc, có những nhân vật xuất hiện từ đầu đến cuối tác phẩm, có những con người chỉ xuất hiện trong vài trang sách mà để lại cho người đọc day dứt khôn nguây. Đây là một bước bứt phá của tác giả, cống hiến một tác phẩm xuất sắc về tầm vóc của chiến tranh nhân dân. Trầm Hương trở lại cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân với Đêm Sài Gòn không ngủ, một tiểu thuyết sử thi dày dặn, với những cứ liệu chắc chắn, còn ít được biết đến. Nhà văn phục hiện lại cuộc chiến đấu vô cùng quả cảm của đội quân biệt động thành trong thế bất lợi về so sánh lực lượng, về thời cơ, và về cả những sai lầm chiến thuật. Người ta có thể chối bỏ tình yêu, nhưng không thể quay lưng với sự thật, Trầm Hương nhắc chúng ta như vậy. Với mức độ thành công khác nhau, các tác phẩm viết về chiến tranh kể trên đã thể hiện một tầm nhìn cao hơn chiến tranh để khắc hoạ cho được phẩm giá dân tộc và phẩm giá của từng con người.
Mảng văn học tham gia trực tiếp vào tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập có những đại diện xuất sắc như Nguyễn Bắc Sơn, Đỗ Thị Hiền Hoà, Đỗ Minh Tuấn. Với Thần thánh và bươm bướm, Đỗ Minh Tuấn phê phán quyết liệt cuộc săn đuổi đồng tiền bằng mọi giá. Với bút pháp giả tưởng và hoạt kê, tác giả đã đã đóng góp vào cuộc thi một giọng tiểu thuyết lạ, báo động về sự biến dạng các giá trị truyền thống. Với Gió chuyển mùa, Đỗ Thị Hiền Hoà lại dóng lên một hồi chuông báo động khác về môi trường đạo đức của học đường. Quy mô chưa phải lớn nhưng tính chất là nghiêm trọng vì nó diễn ra tại nơi được coi là thánh đường của sự nghiệp đào tạo con người. Nếu Đỗ Minh Tuấn, Đỗ Thị Hiền Hoà trực diện phê phán những mặt trái của cơ chế thị trường thì Nguyễn Bắc Sơn lại nghiêng về biểu dương những con người dũng cảm khai phá mở đường. Vấn đề mà tác giả nêu ra là cần phải có một cơ chế quản lý thích hợp tương ứng với đời sống đã có những thay đổi về chất. Cơ chế đó phải trở thành động lực của sự phát triển. Để làm được điều đó, cần phải có những con người tiên phong dũng cảm và sáng tạo; biết chờ đợi và dám chấp nhận mọi rủi ro. Nguyễn Bắc Sơn chỉ ra rằng tiến trình hoàn thiện của một cơ chế mới là sự kết hợp cả phê phán những cái cũ kỹ, lỗi thời với việc ủng hộ những nhân tố mới. Đây là tiểu thuyết về văn hoá quản lý, một vấn đề mới mẻ và cấp bách đối với chúng ta hiện nay.
Nếu Lửa đắng của Nguyễn Bắc Sơn lấy bối cảnh trực tiếp về cuộc sống của Thủ đô trong đổi mới thì Nguyễn Quang Thân, Ngô Văn Phú, Hà Văn Thuỳ, Lưu Văn Khuê lại xây dựng tác phẩm từ những chất liệu lịch sử lùi xa hơn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Kết quả, chúng ta đã có thêm nhiều tập tiểu thuyết mới ra đời đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Tiêu biểu cho cuộc thi này là tiểu thuyết Hội thề của Nguyễn Quang Thân. Bối cảnh tiểu thuyết là cuộc kháng chiến chống quân Minh với thủ lĩnh là Lê Lợi và lãnh tụ tinh thần là Nguyễn Trãi. Câu chuyện đã được nhiều người biết đến trong chính sử, nhưng thông điệp mà nhà văn gửi tới bạn đọc thì đang còn và sẽ còn có ý nghĩa sâu sắc lâu dài. Đó là tư tưởng lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, theo đuổi hoà hiếu để cứu vãn những sinh linh trong cuộc chiến. Ý nghĩa nhân văn của Hội thề là ở đó. Một vấn đề khác, cũng rất quan trọng, đó là vai trò của trí thức, thái độ đối với trí thức, một vấn đề thời sự đối với xã hội phương Đông. Như vậy là, dưới ngòi bút của Nguyễn Quang Thân, lịch sử đã được làm mới lại để trở thành lịch sử của ngày hôm nay, vấn đề của ngày hôm nay.
Thưa các vị khách quý,
Thưa các bạn,
Cân nhắc các giá trị là một công việc rất khó khăn. Một tập thể các nhà văn và các nhà lý luận phê bình đã nghiêm túc làm việc trong tinh thần công tâm và liên tài. Kết quả, từ 51 tác phẩm vào vòng Chung khảo, Hội đồng Chung khảo đã chọn được 14 tác phẩm để trao giải thưởng. Dù đã rất cố gắng, chúng tôi không dám coi mọi thẩm định của mình là hoàn toàn chính xác. Rồi đây, thời gian và công chúng sẽ minh định lại các giá trị. Đó là lẽ phải xưa nay của sáng tác và cảm nhận văn chương. Nhấn mạnh thành công cơ bản của cuộc thi này, chúng tôi cũng không quên nói rằng, hạn chế lớn nhất của cuộc thi này là còn thiếu sự đột phá trong đổi mới hình thức thể loại và trong tư duy tiểu thuyết nói chung. Đây sẽ là vấn đề cần được bàn sâu thêm trong một dịp khác.
Xin chân thành cám ơn các tác giả đã tham gia cuộc thi.
Xin cám ơn các nhà xuất bản.
Xin cám ơn Ban Tổ chức Kỷ niệm 1000 Thăng Long-Hà Nội.
Xin chúc mừng các tác giả trúng giải.
Hà Nội, 21/12/2010
Hữu Thỉnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét