- Phóng viên: Sau thành công với tác phẩm Bến không chồng, cái tên Dương Hướng trong làng văn khá im ắng suốt 15 năm qua. Trong chừng ấy thời gian, ông đã làm gì?
- Nhà văn Dương Hướng: Ngay sau đó tôi có viết cuốn tiểu thuyết Trần gian đời người, sau tái bản đổi tên là Bóng đêm và mặt trời và hai tập truyện ngắn nữa. Nhưng tất cả đều bị cái Bến không chồng dìm cho chìm nghỉm. Nói đến Dương Hướng người ta chỉ nghĩ đến Bến không chồng. Ai gặp tôi cũng chỉ hỏi: “Ông Bến không chồng bây giờ đã có chồng chưa? Sao lâu nay không thấy viết gì?”. Thế đấy. Chính vì lẽ đó tôi mới ngẫm ra rằng, viết được một cái gì đó để độc giả quan tâm chẳng dễ chút nào. Cuối cùng tôi đã im lặng tới 15 năm- một thời gian quá dài đối với đời cầm bút.
- Vì sao bây giờ ông mới quyết định quay lại với văn chương?
- Suốt 15 năm qua tuy không viết nhưng tôi đã tích cóp được khối điều tâm đắc. Hiện thực cuộc sống đầy sôi động ở muôn mặt. Nhưng điều quan trọng của nhà văn là phải trăn trở để viết thế nào, chứ không phải viết cái gì. Quan trọng hơn lại vẫn là tác phẩm của anh nói được điều gì.
- Điều gì đã thôi thúc ông dành khoảng thời gian dài và chấp nhận 1 năm không hưởng lương để toàn tâm hoàn thành tác phẩm Dưới chín tầng trời?
Một đời cầm bút viết được một cái hay còn hơn viết 10 cái dở. Mọi người càng viết nhiều càng sắc sảo, còn tôi viết thấy nhọc nhằn lắm. Mỗi lần ngồi vào bàn viết, tôi thấy cô đơn khổ hạnh như người đi đày vậy.
- Để bù lại 15 năm im lặng, tôi dành ra 3 năm cũng là phải thôi. Cái năm cuối cùng tôi phải xin nghỉ công việc chuyên môn không hưởng lương để viết cũng bởi cái máu ham mê thôi. Nghiệp văn là thế, không viết thì thôi, động vào là muốn quên hết mọi chuyện. Nếu không muốn nói là quên cả vợ con, bạn bè. Nhiều khi muốn đóng cửa, cắt điện thoại ngồi viết nhưng khốn nỗi “Cơm áo chẳng đùa với túi thơ”. Hai năm đầu là cày phá, năm cuối phải dồn hết tâm lực vào viết cho xong.
- Dưới chín tầng trời, cái tựa sách chừng như đã nói lên cuộc đời không phẳng lặng của những nhân vật?
- Dưới chín tầng trời chính là nơi chúng ta đang sống, là hạnh phúc khổ đau, là niềm vui nỗi buồn. Con người bị dồn đẩy đến cùng đường sẽ có sức mạnh bung phá ghê gớm. Nó giống như chiếc lò xo, càng nén mạnh càng bật căng. Lúc đầu tôi đặt tên là: Bóng quỷ, nghe ghê quá, sau đổi là Cửu trùng Đài và cuối cùng là Dưới chín tầng trời. Dưới chín tầng trời, con người ở tầng thấp nhất, nơi ấy có mọi niềm vui nỗi buồn, hạnh phúc khổ đau của tôi, của tất cả chúng ta. Trời trong xanh ấm áp chúng ta hưởng, trời nổi cơn thịnh nộ gieo sóng gió dông bão, ta phải chịu.
- Thành công của Bến không chồng 15 năm trước có gây một áp lực nào cho bản thân ông khi viết Dưới chín tầng trời?
- Khi viết Dưới chín tầng trời, tôi luôn tâm niệm phải vượt lên những cái mình đã viết. Còn vượt được hay không lại là chuyện khác. Dưới chín tầng trời vẫn là những nhân vật trong làng quê của Bến không chồng, nhưng những nhân vật ấy trải qua thời gian họ tỏa đi muôn phương, kẻ đi chiến trường lên tới cấp tướng, người thất cơ lỡ vận bỏ làng ra đi gặp thời mở cửa làm ăn giàu có thành tỉ phú. Kẻ phản bội Tổ quốc theo địch, ngày giải phóng chạy sang Mỹ, giờ trở về lại trở thành Việt kiều yêu nước. Tất cả gương mặt điển hình ấy hiện hữu sống động trong một ngày hội tại quê hương.
- Có nghĩa là Dưới chín tầng trời được xem như phần 2 của Bến không chồng? Ông có nghĩ rằng độc giả sẽ có sự so sánh nghiêm khắc giữa 2 tác phẩm?
- Cái nền của Dưới chín tầng trời vẫn là những con người trong Bến không chồng. Nhưng Dưới chín tầng trời không theo lối viết của Bến không chồng. Biên độ mở rộng hơn cả không gian thời gian, nhân vật có ở mọi lĩnh vực, phản ánh một hiện thực xã hội nửa thế kỷ qua. Khi viết, tôi không quan tâm đến chuyện mới hay cũ, đối tượng độc giả trẻ hay già. Quan trọng là cái tâm của người cầm bút nói được tiếng nói của nhân dân, nỗi lòng của những người cần lao. Hạnh phúc lớn nhất của nhà văn là được độc giả đồng cảm. Điều mà tôi tin, nếu viết hay thì bất kể chuyện cũ hay mới, mọi người sẽ đón nhận.
Bóng dáng của đời sống thật
Câu chuyện trải dài qua những biến cố lớn của dân tộc: cải cách ruộng đất, phong trào hợp tác hóa miền Bắc, cuộc kháng chiến chống Mỹ, thời hậu chiến sau khi thống nhất đất nước, chiến tranh biên giới và thời mở cửa. Tất cả được thể hiện qua số phận của hai tuyến nhân vật: gia tộc Hoàng Kỳ và những người dân làng Đoài. Ở miền Bắc là chuyện gia đình của thương nhân Đức Cường; còn miền Nam là gia đình Trần Tăng đầy quyền lực; và cả những nhân vật giữa hai tuyến như anh bần nông-tỉ phú mới phất Đào Kinh...
Số phận đau thương của cộng đồng trải qua gần một thế kỷ. Một tướng Hoàng Kỳ Trung kiên định vì mục tiêu cách mạng, một nữ ký giả Thương Huyền sẵn sàng cống hiến vì lý tưởng cao cả, nhưng cuối cùng lại trở thành vật hy sinh giữa hai làn đạn... Nhưng sâu xa hơn, cốt lõi của Dưới chín tầng trời chính là những trò đầu cơ đầy quyền lực, sự phản bội, đi ngược với lợi ích cộng đồng của một số cá nhân nắm giữ cương vị cao trong xã hội. Tiểu thuyết Dưới chín tầng trời là những trang viết chân thực về cuộc sống của những con người dưới đáy xã hội. Vừa nhẫn nại, vừa náo động, vừa bản năng vừa máy móc nhưng cũng đầy những xúc động về sự trôi dạt của đời người.
KHÁNH PHƯƠNGTIỂU QUYÊN thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét