19 thg 9, 2013

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC


TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÌNH DƯƠNG KHOA VĂN Hoc GIÁ TRỊ NHÂN ĐẠO TRONG TÁC PHẨM Bến không chồng TRẦN THỊ TÌNH KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Dương Hướng là một trong những cây bút tên tuổi của văn xuôi đương đại Việt Nam. Cùng với “Thân phận tình yêu” của Bảo Ninh, và “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “Bến không chồng” của Dương Hướng là một trong ba tác phẩm đạt giải thưởng Hội nhà Văn năm 1991. Đây là một giải thưởng danh giá, đã ghi nhận thành tựu văn học Việt Nam từ sau đổi mới 1986. Đi vào nghiên cứu về giá trị nhân đạo chính là đi tìm vẻ đẹp trong sáng của mỗi con người, thấu hiểu được tâm hồn cao đẹp của họ. Tức là chúng ta đi tìm hiểu về cái đẹp của con người trên mọi phương diện của cuộc sống, từ số phận cho đến những tình cảm riêng tư nhất. Từ đó, giúp cho con người có một cách nhìn tích cực hơn về cuộc sống, thấy được ý nghĩa của sự tồn tại trong cuộc đời này hướng chúng ta đến Chân – Thiện – Mỹ. “Bến không chồng” của Dương Hướng là tác phẩm viết về đề tài nông thôn miền Bắc trước và sau chiến tranh, ngòi bút sắc sảo của ông đã bóc tách thành công hiện thực xã hội miền Bắc sau cuộc chiến. Nhà văn đã “xé rào” để mổ xẻ tấm bi kịch của con người hậu chiến, mối quan hệ họ tộc, thân phận người nông dân và những cuộc tình ngang trái. Qua đó, người đọc cảm nhận được giá trị nhân đạo trong tác phẩm của Dương Hướng. Vì vậy chúng tôi chọn nghiên cứu đề tài “Gía trị nhân đạo trong tác phẩm Bến không chồng”. 2. Lịch sử nghiên cứu Dương Hướng bước vào con đường sáng tạo nghệ thuật từ những năm 80, của thế kỷ XX và nhanh chóng khẳng định vị trí tài năng của mình trong văn xuôi Việt Nam. “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng được in năm 1990 (Nhà xuất bản hội nhà văn), năm 1991 nhận giải thưởng Hội nhà văn, là tác phẩm xuất sắc làm rạng danh Dương Hướng trên văn đàn vào nửa thập niên 90 của thế kỷ XX. Do đó, những bài bình luận, đánh giá xung quanh tiểu thuyết “Bến không chồng” có nhiều sự quan tâm. Xuất phát từ nội dung sâu sắc trong cốt truyện được đạo diễn Lưu Trọng Ninh chuyển thể thành phim truyện nhựa mà sau đó tác phẩm “Bến không chồng” đã hai lần được dịch sang tiếng Italia và Pháp. Điều đó, càng khẳng định chỗ đứng của tác phẩm trong lòng độc giả, trong và ngoài nước. Nguyễn Duy Liễm có bài nhận xét “Tản mạn về Dương Hướng với Bến không chồng” trên Blog duonghuongqn, ngày đăng 22/01/2008, , Ông viết “Mở cuốn tiểu thuyết Bến không chồng của Dương Hướng đọc và bị lôi cuốn. Không chỉ tiếng tăm đồn đại về tác phẩm mà tài dẫn chuyện lôi cuốn người đọc, những cách nói tung tang không cần để ý để tứ lại đặc sệt nhà quê, trong cách khắc họa sinh động của tác giả với chi tiết đầu tiên nhân vật Nguyễn Vạn ngực đầy Huân chương tấp tểnh về làng đứng trên con đê lộng gió vén quần “đái cái đã”….thế mới sướng, thế mới là anh nông dân chính hiệu”. Nguyễn Duy Liễm đọc tác phẩm của Dương Hướng ông nhận ra: từng nhân vật ngoài đời, được Dương Hướng chọn làm nguyên mẫu. Bên cạnh đó, trong bài “Dương Hướng luôn viết theo lối phản biện”, thì Nguyễn Duy Liễm cũng viết: “Viết “Bến không chồng” Dương Hướng đã nghiễm nhiên rẽ ngoặt. Tác phẩm của anh là một nhát gạch chéo vào cái lối mòn rỗng tuếch mà nhàm nhẵn ấy (…). Đọc lại “Bến không chồng”, vẫn làm ta lặng đi suy ngẫm về sự “xé rào” táo tợn của anh (…). Dương Hướng đã mở đường cho văn học mới bứt phá, để rẽ ngang một giai đoạn cho văn học đương đại Việt Nam, nó chấm dứt một giai đoạn văn học người cầm bút chỉ biết thuyết trình và minh họa”[39].Bài viết này chứng tỏ ngòi bút của nhà văn Dương Hướng có sự đổi mới mạnh mẽ trong làng tiểu thuyết đương đại Việt Nam. Năm 1991 “Bến không chồng” được nhắc tới khá nhiều trong giới nghiên cứu phê bình văn chương, Nguyễn Văn Long có bài phê bình trên Báo văn nghệ: “Tác phẩm cho thấy một phương diện của thực trạng đời sống tinh thần trong nông thôn (…). Trong Bến không chồng, Dương Hướng cho thấy là trong nhiều trường hợp, con người vừa là nạn nhân mà cũng là thủ phạm của bi kịch đời mình, họ phải chịu trách nhiệm một phần về số phận của mình. Cách nhìn của anh, theo tôi là đúng mực, bình tĩnh và khách quan mà vẫn toát lên niềm tin và nỗi xót xa về con người…” [22,406]. Theo tác giả, nông thôn trong tác phẩm của Dương Hướng không được khai thác sâu ở phương diện các phong trào cách mạng, các vấn đề của đời sống chính trị - xã hội mà ông tập trung làm rõ ý thức và tập quán về họ tộc tới số phận con người. Đó là yếu tố làm nên cái mới và sức hấp dẫn ở cuốn tiểu thuyết này: “Bến không chồng không có những tìm tòi mới lạ về nghệ thuật. Cách trần thuật và miêu tả của Dương Hướng mộc mạc tự nhiên.Có những chỗ còn đơn giản và thô vụng nữa. Sức hấp dẫn của cuốn tiểu thuyết chính là ở sự chân thực, ở vốn hiểu biết đời sống nông thôn và một cách nhìn cảm thông, nhân đạo với số phận con người…” [22; 407]. Nhận định của nhà nghiên cứu cho chúng tôi những gợi ý quý báu trong quá trình nghiên cứu. Trong bài “Từ Bến không chồng đến Dưới chín tầng trời”, trên Tạp chí Nhà văn số 9, ngày 30/10/2009, Phong Lê cho rằng: “Bến không chồng, ở thời điểm mở đầu 90, quả đã góp được một cái nhìn mới về bức tranh đất nước trong thời chiến và hậu chiến… với gánh nặng không phải chỉ là chiến tranh, về phía khách quan; mà còn là những lầm lạc của con người, trong một bối cảnh có quá nhiều biến động và thử thách, mà tất cả những ai "do lịch sử để lại" đã không đủ tầm và sức để vượt qua(…). Phong Lê lí giải căn nguyên đổ vỡ, khổ đau của những phận người trong tác phẩm là “do lịch sử để lại”. Cơn bão lịch sử đã tác động vô cùng dữ dội tới số phận con người. Đi qua nó người ta mới có dịp nhìn lại để mà xót đau, thương mình và cũng giận mình “vừa là nạn nhân, vừa là tội nhân”. Nhà văn Nguyên Ngọc đã có những nhận xét về tiểu thuyết Bến không chồng như sau:"Đến Bến không chồng của Dương Hướng thì tiếng kêu thét của cá nhân bị vùi lấp càng mạnh mẽ, thống thiết hơn". Viết về vai trò của cá nhân, lại đụng đến nhiều vấn đề của làng quê Việt Nam. “Bến không chồng” đặt ra rất nhiều vấn đề, nhưng nhà văn chỉ xoáy sâu vào số phận của những nhân vật gắn với thời đoạn và trong hoàn cảnh đó. Tham luận hội thảo khoa học của Khoa Ngữ văn, Đại học sư phạm Hà Nội, tác giả Nhật Vũ có bài “Ý nghĩa biểu trưng của từ “Bến” trong tác phẩm Bến không chồng của Dương Hướng” đăng ngày 12/12/2011, www.caohoc.vn. Anh đã đi sâu giải mã các tín hiệu thẩm mĩ trong tác phẩm: “Đến “Bến không chồng”, Dương Hướng chọn bến nước như là nơi tập trung nhất mọi đổ vỡ, đứt gãy trong từng thân phận... Với Dương Hướng, bến quê là nơi biểu hiện dày đặc những bi kịch. Trong chính hình ảnh mang tính biểu trưng cho văn hoá dân tộc, văn hoá nông thôn, Dương Hướng tìm thấy sự tồn tại dai dẳng những nỗi đau. Nguyên nhân của những đổ vỡ ấy, suy cho cùng là bởi chiến tranh khốc liệt, và một phần bởi những hủ tục lạc hậu bóp nghẹt con người...”[37]. Nỗi đau và bi kịch chính là điều mà Dương Hướng muốn tiếp cận, thông qua tín hiệu thẩm mĩ “bến”. Đây cũng là cách tiếp cận mới mẻ của Dương Hướng trong hoàn cảnh chiến tranh đã đi qua. Văn chương đặt ra nhu cầu nhận thức lại - nhận thức chính xác và nhân văn hơn về hiện thực. Hiền Hương viết trên báo Dân trí, ngày 29/07/1012, “Bến không chồng” – Bức tranh thê lương thời hậu chiến, từ tiểu thuyết của Dương Hướng những Nguyễn Vạn, Nghĩa, Thành… Đã bước lên màn ảnh với đủ cơ cực, đắng cay của số phận người lính bước ra từ cuộc chiến. Họ cô độc trên chính mảnh đất, với chính những con người mà họ đã từng đổ máu để bảo vệ”. Ở đó, đã không có sự bù đắp nào, không có hạnh phúc nào dành cho những người lính trở về sau cuộc chiến. Qua các bài viết của các nhà phê bình nghiên cứu văn học, của các tác giả về tác phẩm “Bến không chồng”, chúng tôi nhận thấy rằng đó đều là những tìm hiểu, khám phá đáng quý, đáng trân trọng. Luận văn sẽ thừa hưởng và tiếp thu các ý kiến từ các công trình trước. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để đi sâu hơn, phát hiện những điều mới mẻ khi nghiên cứu về giá trị nhân đạo trong tác phẩm “Bến không chồng” 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng Khóa luận sẽ tập trung nghiên cứu các biểu hiện của “giá trị nhân đạo” trong tác phẩm “Bến không chồng” của Dương Hướng. 3.2. Phạm vi Phạm vi khảo sát của chúng tôi là tác phẩm “Bến không chồng” của Dương Hướng (2004), Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội.(2004) 4. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện khóa luận “Gía trị nhân đạo trong tác phẩm Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng” chúng tôi đã sử dụng các biện pháp nghiên cứu sau:  Phương pháp văn hóa – lịch sử  Phương pháp khảo sát, thống kê  Phương pháp so sánh, đối chiếu  Thao tác phân tích, tổng hợp 5. Đóng góp của đề tài 5.1. Về mặt lý luận Luận văn là một công trình nghiên cứu có hệ thống về giá trị nhân đạo trong tiểu thuyết “Bến không chồng” của Dương Hướng. Qua thực tiễn nghiên cứu, luận văn sẽ cho ta thấy tầm quan trọng về vai trò, ý nghĩa của giá trị nhân đạo trong tiểu thuyết của ông. Đồng thời, thông qua việc nghiên cứu giá trị nhân đạo trong tiểu thuyết “Bến không chồng” của Dương Hướng, ta sẽ hiểu được tư tưởng mà nhà văn muốn gửi gắm vào tác phẩm của mình. 5.2. Về mặt thực tiễn Luận văn góp phần vào việc tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về tiểu thuyết “Bến không chồng” của Dương Hướng, giúp cho mọi người nhận thức rõ về tư tưởng, đạo lý trong cuộc sống, có cái nhìn toàn diện về giá trị nhân đạo của tác phẩm. Đồng thời luận văn cũng chỉ ra những thành tựu của tiểu thuyết trong thời kỳ Đổi mới. 6. Kết cấu khóa luận Ngoài phần mở đầu và kết luận, khóa luận gồm 3 chương Chương 1: Vài nét về chủ nghĩa nhân đạo trong văn học và tiểu thuyết “Bến không chồng” của Dương Hướng (19 Trang) Chương 2: Vấn đề thân phận người nông dân trong “Bến không chồng” (18 Trang) Chương 3: Bi kịch tình yêu trong “Bến không chồng” (25 Trang) Ngoài ra còn có danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục. Chương 1. VÀI NÉT VỀ CHỦ NGHĨA NHÂN ĐẠO TRONG VĂN HỌC VÀ TIỂU THUYẾT “BẾN KHÔNG CHỒNG” CỦA DƯƠNG HƯỚNG 1.1. Vài nét về giá trị nhân đạo trong văn học 1.1.1. Khái niệm chủ nghĩa nhân đạo Nhân đạo được hiểu nôm na theo kiểu chiết tự chính là lẽ phải của con người; ở sự tôn trọng những giá trị, phẩm chất, quyền lợi của con người, ở sự đề cao nhân cách của con người. Trong văn học, tính nhân đạo được thể hiện ở nhiều phương diện khác nhau dưới tác động mạnh mẽ của đặc điểm thời đại:  Lên tiếng đấu tranh, bảo vệ những quyền lợi cơ bản của con người (Quyền tự do, sống, thụ hưởng chính đáng)  Đề cao những giá trị, những phẩm chất cao đẹp của con người (chung thủy, có lý tưởng, dũng cảm, tốt bụng, đức hy sinh,….)  Khuyến khích mở rộng tình yêu thương giữa con người trong các mối quan hệ xã hội. (tình mẫu tử, tình vợ chồng, tình anh em, tình làng xóm, tình dân tộc, tình người).  Tin tưởng vào cuộc sống tương lai với những điều tốt đẹp; hướng con người đến với cái thiện khi nhận ra cái chân và biết sống theo cái mỹ. Như vậy, chủ nghĩa nhân đạo là một khái niệm mà có rất nhiều nhà nghiên cứu đưa ra theo quan điểm riêng dựa trên những cơ sở, lý luận nền tảng làm tiền đề. Nhưng theo cảm nhận thì chủ nghĩa nhân đạo là sự đề cao đức hy sinh của con người, một tinh thần lạc quan trong cuộc sống, đồng thời đề cao những phẩm chất cao đẹp của con người trong mối quan hệ giữa tự nhiên và xã hội. Sau đây là một số khái niệm “Chủ nghĩa nhân đạo” trong các từ điển nêu ra: Chủ nghĩa nhân đạo hay còn gọi là chủ nghĩa nhân văn. Tiếng Anh là Humanism, thuật ngữ này trong tiếng Anh xuất phát từ tiếng Latinh: Literare Humaniores có nghĩa là nghiên cứu nhân văn. Sau đây chúng ta sẽ đi điểm lại một số định nghĩa về chủ nghĩa nhân văn trong các từ điển:  Từ điển thuật ngữ văn học (Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 2000), định nghĩa về chủ nghĩa nhân văn như sau: “Ở cấp độ thế giới quan, chủ nghĩa nhân văn là toàn bộ tư tưởng, quan điểm, tình cảm quý trọng các giá trị con người như trí tuệ, tình cảm, phẩm giá, sức mạnh, vẻ đẹp. Chủ nghĩa nhân văn không phải là một khái niệm đạo đức đơn thuần, mà còn bao hàm cả cách nhìn nhận, đánh giá con người về nhiều mặt (vị trí, vai trò, khả năng, bản chất…) trong các mối quan hệ với tự nhiên, xã hội và đồng loại” “Thế giới được sáng tạo ra trong văn học nghệ thuật và bằng văn học nghệ thuật từ xưa đến nay là một thế giới mà trong đó con người luôn luôn đấu tranh chống lại mọi thế lực thù địch xuất hiện dưới mọi hình thức, để khẳng định mình, đồng thời thể hiện khát vọng làm người mãnh liệt và cao đẹp của mình. Lòng yêu thương, ưu ái với con người và thân phận của nó từ trước đến nay vẫn là sự quan tâm hàng đầu của các nhà văn, nhà nghệ sĩ trong cảm hứng sáng tạo nghệ thuật.” Khi nói rằng: “Văn học nghệ thuật là nhân văn hơn cả, người ta nói những nhà văn đều là những nhà nhân văn do nghề nghiệp của mình, những người sản sinh ra chủ nghĩa nhân văn”. Chính M.Go-rơ-ki đã sử dụng khái niệm nhân văn trên cấp độ này. “Xét ở cấp độ lịch sử, chủ nghĩa nhân văn là một trào lưu văn hóa tư tưởng nảy sinh ở ý và sau đó lan sang một số nước khác ở Châu Âu thời Phục Hưng. Những nhà khởi xướng phong trào này được gọi là các nhà nhân văn. Các nhà nhân văn chủ trương giải phóng văn học nghệ thuật nói riêng và văn hóa nói chung khỏi sự bảo trợ của Cơ Đốc giáo và giải phóng cá nhân con người. Họ quan niệm không phải thần linh mà con người tự định đoạt lấy số phận của mình. Trong hoạt động văn hóa nghệ thuật, họ chủ trương nghiên cứu những thành tựu rực rỡ giàu sức sống và vẻ đẹp hồn nhiên của văn hóa Hilap-La Mã cổ đại đã bị lãng quên trong suốt thời trung cổ, nhằm khôi phục lại những giá trị nhân văn của chúng. Họ hướng văn học vào sự sáng tạo và ca ngợi cái đẹp trần thế, lành mạnh, tự nhiên, đề cao khát vọng cao đẹp và niềm tin vào sức mạnh toàn năng của con người”. Từ thời Phục Hưng trở về sau, trong văn học nghệ thuật, chủ nghĩa nhân văn đã bước sang một giai đoạn phát triển mới: Từng bước gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng con người về các phương diện chính trị - xã hội và các phương diện khác thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Nó trở thành lý tưởng thẩm mỹ có sức định hướng cho những tìm tòi sáng tạo nghệ thuật và quy định bản chất của mỗi nền văn học nghệ thuật.  Từ điển văn học, bộ mới (Nhà xuất bản thế giới, Hà Nội, 2004) cho rằng: Chủ nghĩa nhân đạo là một hệ thống quan điểm triết học – đạo đức, chính trị - xã hội, coi con người và đời sống hiện thực, trần thế của nó, một đời sống văn minh hữu ái là mục đích cao nhất. Nó giải thích những nguyên nhân đã gây ra cho nhân loại bất hạnh, tội lỗi, đồi trụy…. Và đề ra những phương pháp để giải quyết những hiện tượng đó, làm cho con người có một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.  Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê, nhà xuất bản Đà Nẵng, 2009) cho rằng: Chủ nghĩa nhân đạo là một hệ thống quan điểm coi trọng nhân phẩm, thương yêu con người, coi trọng quyền của con người được phát triển tự do, coi lợi ích của con người là tiêu chuẩn đánh giá các quan hệ xã hội.  Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam (Nhà xuất bản Bách khoa, Hà Nội, 2005) nêu ra như sau: Chủ nghĩa nhân đạo là xu hướng tư tưởng, thể hiện sự tôn trọng phẩm giá, quyền tự do và phát triển toàn diện của nhân cách cá nhân, bảo vệ tính người trong mối quan hệ xã hội, chủ nghĩa nhân đạo có nhiều sắc thái khác nhau: Thứ nhất, chủ nghĩa nhân đạo biểu hiện cuộc đấu tranh của nông dân, thợ thủ công, giai cấp tư sản đang lên, chống lại những hình thức bóc lột và áp bức của chế độ phong kiến. Chủ nghĩa nhân đạo thời Phục Hưng (cũng coi là chủ nghĩa nhân văn) là một trong những phong trào văn hóa mạnh mẽ ở buổi đầu của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa nhân đạo cũng chủ trương tự do tư tưởng, giải phóng con người khỏi sự chuyên chế của tư tưởng giáo hội, nêu cao phẩm giá và quyền con người trong cuộc sống trần gian (tự do, công bằng, hưởng thụ). Đó là chủ nghĩa nhân đạo tư sản, biểu hiện lợi ích của giai cấp tư sản đang lên, đồng thời cũng là lợi ích của nhân dân đương thời, đòi hỏi phải xây dựng một xã hội công bằng. Để hạn chế mâu thuẫn giữa tự do cá nhân và lợi ích xã hội, những đại biểu ưu tú nhất chủ trương “chủ nghĩa vị kỷ hợp lý”, đặt dục vọng cá nhân dưới sự kiểm soát của lý tính, tiến hành Giáo dục đạo đức. Một trào lưu khác của chủ nghĩa nhân đạo là chủ nghĩa xã hội không tưởng, phản ánh khát vọng của nhân dân, dân nghèo thành thị và của giai cấp công nhân còn phôi thai. Chủ nghĩa xã hội không tưởng tập trung sự chú ý vào vấn đề quan hệ giữa con người với con người, đòi hỏi phải xây dựng một xã hội trong đó mọi người đều bình đẳng về của cải, bình đẳng trong lao động sản xuất và trong hưởng thụ. Chủ nghĩa xã hội không tưởng thế kỷ XIX gắn liền với sự phê phán chủ nghĩa tư bản đi đôi với nêu cao yêu cầu của giai cấp công nhân tuyên bố lao động là nhu cầu tự nhiên và là quyền xã hội của con người. Thứ hai, chủ nghĩa nhân đạo là cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại chế độ tư bản làm nảy sinh quan hệ mới về chủ nghĩa nhân đạo, thể hiện trong lý luận về chủ nghĩa cộng sản do Mác và Anghen sáng lập. Chủ nghĩa Mác hiểu rõ bản chất của con người là sự tổng hòa những quan hệ xã hội, chỉ có cải tạo lại toàn bộ xã hội mới có điều kiện giải quyết mâu thuẫn lâu đời giữa cá nhân và xã hội. Muốn thế phải thủ tiêu xã hội trong đó có chế độ tư hữu và chủ nghĩa cá nhân thống trị, xây dựng xã hội mới theo mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, con người sống tự do hạnh phúc. Có định nghĩa cho rằng: chủ nghĩa nhân văn là một nhánh triết học luân lý lớn cũng như một thế giới quan chuyên chú vào lợi tức, giá trị và phẩm cách của cá nhân. Theo chủ nghĩa nhân đạo, khoan dung bất bạo động và tự do lương tâm là nguyên tắc quan trọng cho sự cộng sinh của nhân loại. Chủ nghĩa nhân đạo đề cử việc đi tìm chân lý và đạo đức bằng những phương tiện của con người. Trong khi chú ý đến khả năng quyết định của loài người, chủ nghĩa nhân đạo bác bỏ những tiên nghiệm như sự lệ thuộc vào tín ngưỡng, vào cái siêu nhiên hoặc những văn bản được xem là thiên khải. Những chủ trương tán đồng việc nhận thức được một đạo đức phổ cập lập cơ sở trên tính công cộng của bản chất loài người. Họ cho rằng giải pháp lâu dài dành cho các vấn đề nhân loại không thể nằm ở một đại phận riêng. 1.1.2. Tìm hiểu chung về chủ nghĩa nhân đạo trongVăn học hiện thực Chủ nghĩa nhân đạo hiện thực được thể hiện qua nhiều mặt của cuộc sống đó là: Tình yêu thương con người; sự phân đôi giữa con người và xã hội; khơi dậy khát vọng của con người; hướng tới sự phát triển năng lực bản chất con người. Tình yêu thương con người Là tiêu chí trung tâm để chúng ta xác định nhà văn, tác phẩm có thể hiện giá trị nhân đạo. Về mặt luận chứng các nhà văn khi sáng tác và phát ngôn những sáng tạo của họ. Một trong những điều đầu tiên viết về con người vì theo tiếng gọi tình yêu thương con người. M.Gocki phát biểu vấn đề này trong tập “Gocki bàn về văn học” (2 tập) “Lần đầu tiên trong suốt lịch sử nhân loại tình thương yêu chân chính đối với con người được tổ chức như một lực lượng sáng tạo, đặt mục đích giải phóng hàng triệu nhân dân lao động thoát khỏi quyền thống trị vô nhân đạo và vô nghĩa lí của một thiểu số, nó chỉ rõ cho hàng triệu người lao động hiểu rằng chính lao động của họ đã sáng tạo ra tất cả những giá trị văn hóa và dựa vào những giá trị này giai cấp vô sản xây dựng một nền văn hóa của toàn nhân loại, nền văn hóa xã hội chủ nghĩa sẽ xác lập một cách vô vùng vững chãi tình huynh đệ sự bình đẳng của con người trên toàn thế giới” (Nxb Văn học Hà Nội, 1962, tr. 239-240). Ông nhấn mạnh tình yêu thương con người và nó trở thành niềm thôi thúc và sáng tạo của người nghệ sĩ nào viết ra trong một bài thơ hay mà không xuất phát từ tình yêu thương con người. Nhà văn có thể viết cái xấu cái ác nhưng sau đó là tâm hồn yêu thương. Đằng sau dòng chảy của ngòi bút họ là sự yêu thương, nhà văn không bao giờ đối xử xấu với con người. Cái yêu thương này là dấu hiệu, nhưng đi sâu thì yêu thương cái gì? Yêu thương nỗi đau con người, sự bất hạnh của con người, sự thống khổ của con người là sự tận cùng của yêu thương. Nỗi đau của con người là vùng nhạy cảm nhất đối với bất kì người nghệ sĩ nào. Sự chuyển hướng của ý thức nghệ thuật của một văn học là sự chuyển hướng của những vùng đau. Thời chiến tranh, cái đau của con người là chiến tranh, vùng đau của họ là chiến tranh nhưng khi hòa bình là những nỗi đau của con người đời thường với những bi kịch. Văn học ít hướng tới niềm vui, thường trong bất kì nền văn học nào thì vòng xoáy lớn nhất của nó là vùng đau của con người. Nỗi đau vẫn là ám ảnh lớn nhất với người nghệ sĩ. Cuộc đời niềm vui chỉ thoáng chốc còn niềm đau thì dai dẳng. Nỗi đau thuộc về bản chất con người nên nhà văn hướng về nó là phù hợp với quy luật tất yếu của đời sống con người. Thương nỗi đau con người chính là thương mình. Hê ghen (1770-1830) có nói thực chất của tình thương là sự từ bỏ ý thức về bản thân mình ở một cái tôi khác nhưng chính trong sự biến mất đi này và trong sự quên mình này lần đầu tiên ta tìm được bản thân mình và làm chủ bản thân mình. Thương nỗi đau người khác chính là thương nỗi đau của chính mình. Bên cạnh sự yêu thương nỗi đau gắn liền với tình thương là thái độ trân trọng. Đỉnh cao của sự trân trọng này là sự kính trọng. Sự trân trọng: cá tính, nhân cách, trân trọng sự tự do con người là sự biểu hiện của sự trân trọng. Tôn trọng cũng là biểu hiện của tình yêu thương. Tùy mỗi tác phẩm mà nhà văn thể hiện. Trong văn học người nghệ sĩ thể hiện ngưỡng mộ với con người. Tình thương chỉ có cơ sở thực sự khi anh biết tôn trọng, kính trọng. Tuy nhiên cũng có những nhà văn viết không coi trọng con người. Vì họ chưa thể hiện rõ thái độ tôn trọng với con người chứ không phải họ ác. Nhà văn lúc nào cũng sống chết với nhân vật.  Sự phân đôi giữa con người và xã hội Đó là thái độ lên án, nguyền rủa phê phán phủ định đối với những cái xấu cái ác cái phi nhân tính trong cuộc sống đối với những lề thói và tập tục kỉ cương vây hãm ràng buộc con người đối với những lực lượng xã hội, những thể chế xã hội, những thiết chế chính trị chà đạp áp bức bóc lột con người là hủy hoại các tính nhân tính và nhân cách của con người. Trong truyện ngắn “Chí Phèo”– Nam Cao Sự phê phán lên án của nhà văn làm băng hoại nhân cách con người bị tha hóa và sự tha hóa do những nhân tố thế lực xã hội làm con người bị tha hóa. Trong bản thân Chí cũng có sự tha hóa. Nam Cao đã thể hiện bước đường tha hóa của Chí có hai mặt có những cái thuộc về khách quan và chủ quan. Sự tha hóa chỉ điển hình cho một kiểu loại người nông dân trong xã hội người. Tư tưởng nhà văn, chủ nghĩa nhân văn trong Chí Phèo trước hết là sự phê phán những lực lượng xã hội đã hủy hoại chà đạp nhân cách con người. Đó còn là thái độ cảm thông chia sẻ, đồng cảm bênh vực những thân phận nhỏ bé những cảnh đời bất hạnh và mạnh mẽ quyết liệt hơn là những tiếng nói đòi quyền sống quyền làm người cho những con người bị đau khổ bị áp bức bị bóc lột thoát khỏi sự ràng buộc sự vây hãm nề nếp của những tập tục kỉ cương, lực lượng tàn bạo, những thể chế xã hội xấu xa đi ngược lại quyền lợi của con người, ngược lại xu thế phát triển. “Vợ chồng A Phủ”- Tô Hoài Chủ nghĩa nhân văn có khác so với tác phẩm Chí Phèo là không có tiếng nói đòi giải phóng. Trong truyện có cái nhìn mới nhãn quan mới có tiếng nói giải phóng con người. Ngay cả màu sắc, sắc thái của nhà văn còn mang cái gì đó khác nhau. Ở tác phẩm Chí Phèo: lên án thiết chế xã hội đã làm biến dạng cả nhân hình nhân tính của con người. Qua Chí Phèo, Nam Cao còn bộc lộ lên tiếng nói cảm thông với số phận con người, cũng lên tiếng nói đòi quyền làm người. Chí Phèo của Nam Cao thấm đẫm tư tưởng nhân văn. Nam cao là nhà văn đích thực chính điều đó tạo nên một trong những giá trị định vị làm nên tác phẩm bất tử của Nam Cao là giá trị nhân văn. Mỗi nền văn học giá trị này có biểu hiện khác nhau. Đối với văn học Việt Nam giá trị văn học lớn nhất là giá trị nhân văn, yêu nước là động mạch lớn nhất. Số phận dân tộc mình cho phép chúng ta có tiếng nói vì ngay từ ban đầu chúng ta đã đối đầu với các thế lực, người dân phải tự mình đứng lên để giành lại tự do sự sống cho dân tộc. “Truyện Kiều” cũng có nhiều giá trị. Giá trị nhân văn cũng có hai cực. Có sự lên án phê phán tỏ ra thái độ phủ định lên án phê phán cái xấu, cái ác của các thế lực. Tác phẩm nói được những điều trông thấy mà đau đớn lòng của người nghệ sĩ. Tác phẩm chân chính thể hiện được sự kết hợp giữa sự trông thấy và sự đau đớn lòng.  Khơi dậy khát vọng của con người Chủ nghĩa nhân văn hiện thực còn biểu hiện ở chỗ qua sáng tạo của mình, nghệ sĩ biết khơi dậy những khát vọng của con người. Từ khát vọng có thể hiểu những mức độ khác nhau có khi đó là lòng mong muốn, ước mơ nhưng có khi nó lại là niềm tin, niềm hi vọng của con người. Khi khơi dậy những khát vọng của con người, nghệ sĩ luôn chú ý đến sự nhận thức, sự tự ý thức của con người về chính mình và phân tích lí giải những khát vọng. Và tiếp đến, nghệ thuật chân chính muốn thể hiện quyền năng và sức mạnh của mình còn phải biết đánh thức con người một tinh thần vươn dậy, một ý thức phản kháng, một quyền năng biết tự giải phóng và giải phóng đồng loại. Năng lực này còn được bộc lộ rõ hơn ở những con người sống trong một xã hội mà ở đó sự bất bình đẳng, sự bất công và thiếu dân chủ ngày càng ngự trị (Vợ chồng A Phủ và Chí Phèo). Như vậy chủ nghĩa nhân đạo thể hiện qua chỗ nhà văn khơi dậy những khát vọng dục vọng. Nhà văn luôn chú ý đến sự nhận thức tự ý của mình nhưng đồng thời họ có sự phân tích lí giải từ nguyên cơ xã hội.  Hướng tới sự phát triển năng lực bản chất của con người. Mục đích của chủ nghĩa nhân văn hiện thực không phải hướng tới phát triển năng lực phản kháng của con người mà quan trọng hơn là hướng tới phát triển những năng lực bản chất của con người và theo C.Mac là “phát triển đến mức tối đa tất cả những khả năng có trong con người”…”phát triển sự tự do của mỗi cá nhân” và ông còn khẳng định “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”- (C.Má,c bản thảo kinh tế triết học, 1844). Khả năng thể hiện mình như một lực bản chất. Chủ nghĩa nhân văn hướng tới phát triển năng lực bản chất con người. Năng lực bản chất của con người là năng lực hiểu biết, khám phá và sáng tạo. Đây cũng là những năng lực kì vĩ nhất của con người. Như vậy phát huy tất cả những khả năng có trong con người nhưng quan trọng hơn là phát huy năng lực bản chất con người. Chủ nghĩa nhân văn hiện thực từ trong bản chất của nó phải là sự phát triển tự do của mỗi cá nhân. Thể hiện ở các phương diện sau: Đó là sự phát triển tự do của cá tính của nhân cách con người. Cá tính là nét riêng làm khác biệt giữa con người này với con người khác. Nhân cách là nói đến phẩm chất của con người, phẩm chất này có thể phân đôi có những phẩm chất tốt cao đẹp nhưng cũng có những phẩm chất thấp hèn. Trong trường hợp này phát triển những nhân cách tốt đẹp của con người. Đó là sự phát triển tự do của mỗi cá nhân gắn liền với cái tất yếu của quy luật tự nhiên và xã hội với luật pháp. Đỉnh cao nhất của luật pháp là hiến pháp. Sự phát triển tự do của cá nhân là điều kiện cho sự phát triển của tất cả ý của Mác. Đây cũng là mục tiêu lớn nhất của bất kì nền nghệ thuật chân chính nào. Đây là cái đích của bất kì nền nghệ thuật chân chính nào. Như vậy sự phát triển tự do của mỗi cá nhân phải hiểu trong sự thống nhất của ba phương diện Chủ nghĩa nhân văn trong nghệ thuật là sự hội tụ những giá trị toàn năng được con người thực hiện trong sự phản ánh chân thật (nội dung) và được biểu hiện một cách sống động (yêu cầu) theo những lí tưởng tiến bộ của từng thời đại. Có một nhà mĩ học người Liên Xô I.Lt.Bôrep là giáo sư tiến sĩ đầu ngành. Ông có nói “chủ nghĩa nhân văn là mục đích, là tôn chỉ là ý nghĩa cao cả của nghệ thuật và mĩ học” – (Mĩ học, Nxb ĐCS Bungari, Xôphia 1938, tr. 373). Chủ nghĩa nhân văn hiện thực là tiêu chuẩn thước đo cao nhất trong các giá trị của nghệ thuật, giá trị dân tộc (tinh thần yêu nước, tâm hồn tính cách của dân tộc), giá trị hiện thực, giá trị nhân văn, giá trị thẩm mĩ nghệ thuật -> làm nên tòa lâu đài nghệ thuật) trong các giá trị này thì giá trị nhân văn là thước đo cao nhất xác định sự tiến bộ của nghệ thuật. Thế nào là tiến bộ nghệ thuật: sự tiến bộ nghệ thuật ở đây không có nghĩa là nghệ thuật ở thời đại sau tiến bộ hơn thời đại trước. Cái để xét sự tiến bộ nghệ thuật ở nhiều mặt. Trước hết là tầm vóc nhận thức nghệ thuật, tư duy nghệ thuật của con người trong đó có nghệ sĩ, tư duy của con người sâu rộng hơn. Thứ hai là giá trị nhân đạo của nghệ thuật càng bao quát nhiều vấn đề thì càng về sau giá trị nhân đạo càng lớn. Biên độ sáng tác sau này nhiều hơn, rộng mở hơn. Như vậy chủ nghĩa nhân đạo trong nền văn học nghệ thuật, mới khẳng định sự thống nhất và tác động biện chứng giữa cá nhân con người với xã hội, hướng tới toàn thiện nhân cách con người mới. 1.2. Giới thiệu tiểu thuyết “Bến không chồng” của Dương Hướng 1.2.1. Vài nét về cuộc đời và quá trình sáng tác của Nhà văn * Tiểu sử: Dương Hướng sinh ngày 8-7-1949. Quê quán: thôn An Lệnh, xã Thụỵ Liên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Từ tháng 9 năm 1965 tình nguyện gia nhập công nhân quốc phòng làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa lương thực trên tuyến khu 4 phục vụ cho chiến trường miền Nam, học qua Trường kỹ thuật tàu thuỷ. Năm 1971 vào bộ đội, công tác và chiến đấu ở chiến trường quân khu 5 - Miền Nam cho đến 1975. Từ 1976 chuyển ngành, về công tác tại Cục Hải quan Quảng Ninh, đã nghỉ hưu năm 2008 Hiện là kiểm tra viên trung cấp Hải quan, Cục Hải quan Quảng Ninh. Biên tập viên Báo Hạ Long của Hội văn học nghệ thuật Quảng Ninh. Từ 1991, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. * Tác phẩm chính:  “Gót son” (tập truyện ngắn), xuất bản năm 1989  “Bến không chồng” (tiểu thuyết), xuất bản năm 1990, nhà xuất bản tác phẩm mới, được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Ý, tái bản 11 lần, nhận giải thưởng Hội nhà văn năm 1991. Được chuyển thể thành phim nhựa dự liên hoan phim quốc tế Thái bình dương và liên hoan phim Đức.  “Trần gian đời người” (tiểu thuyết), Nxb Thanh niên, 1991  “Người đàn bà trên bãi tắm” (tập truyện), Nxb Công an nhân dân, 1995  “Bóng đêm và mặt trời” (tiểu thuyết), Nxb Công an nhân dân, 1998  “Dưới chín tầng trời” (tiểu thuyết), Nxb Hội nhà văn, 2007 * Giải thưởng văn học: Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 1991với tiểu thuyết “Bến không chồng”. Giải thưởng tạp chí Văn nghệ quân đội với truyện ngắn “Đêm trăng” Giải A văn nghệ Hạ Long với tập truyện “Người đàn bà trên bãi tắm”, 1996. Tặng thưởng truyện ngắn hay tạp chí đất Quảng với truyện ngắn “Quãng đời còn lại” năm 1987 Tặng thưởng truyện ngắn hay tạp chí văn nghệ quân đội với tác phẩm “Người mắc bệnh tâm thần”, 1989 Tặng thưởng truyện ngắn hay tạp chí văn nghệ quân đội với tác phẩm: “Bến khách”, 2007 Giải thưởng cho tác phẩm hay 20 năm về công nghiệp nông thôn: Tiểu thuyết “Bến không chồng”, 2012 Giải A văn nghệ Hạ Long năm 2012 tiểu thuyết “Dưới chín tầng trời”  Quan niệm nghề nghiệp "Viết văn vừa là niềm đam mê vừa là nỗi ám ảnh suốt đời tôi. Có một phóng viên hỏi tôi: - Nhà văn quan tâm tới vấn đề gì nhất trong cuộc sống? ”.Tôi trả lời: “Tôi hay nghĩ đến cái chết. Phải là người dũng cảm mới dám nhìn thẳng vào cái chết. Trong chiến trường, đồng đội tôi nói tới cái chết nhẹ tênh. Cần phải nghiêm túc nghĩ cho thấu đáo về cái chết để mà sống. Đã từ lâu, tôi thấy rõ mình đang từng giờ, từng ngày tự huỷ hoại cả tinh thần lẫn thể xác của chính mình. Nhưng chính tôi lại thấy rõ hơn ai hết, trong cái chết đi của mình có gì đó vẫn đang lấp lánh hồi sinh, mỗi ngày một sáng rõ hơn, thấu đáo hơn và tinh tế hơn trong cuộc sống. Tôi nghĩ mình viết được có lẽ nhờ những bức xúc, những va đập cứ lặp đi lặp lại theo chu kỳ chết dần chết mòn rồi lại tự sống lại, tự hồi sinh, lại viết. Viết để tự giải toả cho chính mình” (Nhà văn Việt Nam hiện đại, Hội nhà văn Việt Nam; 2007); [27; 443] 1.2.2. Tóm tắt tác phẩm “Bến không chống” – một hình ảnh được lấy nguồn cảm hứng và chất liệu sáng tác từ chính thôn quê làng Đông của nhà văn, Dương Hướng đã ấp ủ hàng chục năm trời và các nhân vật cũng luôn sống trong tâm trí nhà văn từng ấy năm, nhưng để thể hiện lên trên trang giấy, đòi hỏi phải có thời gian liền mạch. Bởi thế vào thời điểm mà kinh tế đang khó khăn mà nhà văn lại có thể xin nghỉ việc không lương 6 tháng trời để viết tác phẩm. Cùng với niềm đam mê văn chương và cả vì trả nợ ân tình với quê hương, cuối năm 1989, “Bến không chồng” hoàn thành. Đến năm 1990, tác phẩm được xuất bản và ngay sau đó năm 1991 tác phẩm được trao giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam và đến nay tác phẩm vẫn còn giữ nguyên được giá trị. Mở đầu tiểu thuyết là hình ảnh Nguyễn Vạn vác ba lô về làng sau những năm tháng chiến đấu ở chiến trường Điện Biên. Làng Đông – quê hương của Nguyễn Vạn - là vùng đất có những câu chuyện kỳ lạ, bí ẩn và hoang đường như chuyện mắt tiên, chuyện con ma mặt đỏ, hay chuyện ba ba thuồng luồng…Ở làng, có một bến sông với vẻ quyến rũ kỳ lạ. Ngày xưa, các cụ gọi đúng tên của bến sông này là bến “không chồng”. Bây giờ người ta lại gọi là bến Tình. Cũng chính vì sự quyến rũ của bến Tình mà không ít chuyện đau lòng xảy ra. Bi thảm nhất là câu chuyện của hai dòng họ Nguyễn và Vũ để lại một mối thù ngấm ngầm đời đời không quên. Chuyện kể rằng: “Đúng vào cái ngày họ Nguyễn ăn mừng lễ khánh thành ngôi từ đường to nhất làng Đông, cô con gái rượu duy nhất của cụ tổ họ Nguyễn bỗng dưng tối hôm ấy lại rỡn mỡ mò ra bến Tình tắm. Cô gái đâu có biết trên đầu bến cũng có chàng trai nổi loạn, anh ta lặn một hơi dài chưa từng có đến ôm ghì lấy tấm thân mềm mại mát lạnh của cô gái. Cô ngất xỉu trong vòng tay chàng trai. Thân thể đầy dục vọng của chàng trai, cô gái lại ngỡ là ba ba thuồng luồng hay con ma mắt đỏ ở gốc duối mò tới hiếp mình. Sáng hôm sau người ta thấy xác cô gái trần truồng nổi dềnh lên ở chân cầu Đá Bạc. Ngày hôm ấy làng Đông xảy ra một cuộc đổ máu chưa từng có giữa hai dòng họ Nguyễn và Vũ. Cụ tổ dòng họ Nguyễn đã khắc ghi một lời nguyền độc, nguyền rằng: "Nước sông Đình ngàn năm không cạn Cầu Đá Bạc vạn kiếp trơ trơ Bến Tình còn đẹp còn mơ Mối thù họ Vũ bao giờ mới nguôi". Đau đớn nhất và bi kịch nhất là tình yêu giữa Nghĩa và Hạnh. Nghĩa là một cậu bé thông minh, học giỏi và là cháu đích tôn của dòng họ Nguyễn mấy đời độc đinh. Hạnh là một cô bé rụt rè, nhát gan và nhạy cảm, là cháu của dòng họ Vũ. Hạnh là con gái của chị Nhân và có hai anh song sinh là Hà và Hiệp. Nguyễn Vạn trở về, thông báo chồng của bà Nhân đã hy sinh ở chiến trường Điện Biên. Nguyễn Vạn nhận bé Hạnh làm con nuôi và được phân công làm việc ở xã. Tuổi thơ của Nghĩa và Hạnh luôn quấn quýt bên nhau, hồn nhiên, sôi nổi, ngây thơ và trong sáng. Tình cảm ấy lớn dần theo thời gian, họ yêu nhau và quyết định tổ chức đám cưới dù hai bên gia đình quyết liệt phản đối. Đám cưới được tổ chức tại nhà kho của hợp tác xã và phòng tân hôn là vạt cỏ bằng giữa khúc quanh của dòng sông. Dù không được sống chung nhà nhưng cả hai đều cảm thấy hạnh phúc và ấm áp. Chiến tranh dữ dội, Nghĩa tình nguyện đi bộ đội trong sự lo lắng của Hạnh và sự ngăn cản của bố. Hai ngày sau khi anh đi, bố anh qua đời và để lại bức thư rất đau lòng, trong đó ông chấp nhận Hạnh về làm dâu và chỉ nơi cất số tiền ông dành dụm bấy lâu nay. Ở đơn vị, Nghĩa nhận được thư Hạnh báo tin thì xin phép về thăm nhà. Trên chuyến xe về cùng lần ấy, Nghĩa gặp Biền và về nhà Biền chơi. Anh gặp Thủy, em gái Biền. Thủy là một cô gái trẻ trung, năng động và quyến rũ có chút lả lơi nhưng Nghĩa vẫn giữ được lòng chung thủy của mình đối với vợ ở quê nhà. Về nhà, Nghĩa khóc nức nở như một đứa trẻ khi hay tin bố mất. Nghĩa đau đớn nhận ra sự yên ổn của vợ chồng Nghĩa phải đánh đổi bằng cái chết của bố mình. Ở đơn vị về, vợ chồng chỉ được gần nhau một ngày. Sáng hôm sau Hạnh tiễn chồng lên đường, hai người đi dọc theo dòng sông và cùng ôn lại những kỷ niệm ngọt ngào trước kia. Chiến tranh ngày càng ác liệt, thanh niên trai tráng trong làng đã đi bộ đội gần hết. Làng Đông bây giờ chỉ còn lại những người vợ, người mẹ và những cô gái đang tuổi xuân thì… Làng Đông cũng bị ném bom đánh phá dữ dội nhưng nhờ có Nguyễn Vạn nên mọi người cũng bớt căng thẳng, “Tối đến Nguyễn Vạn lẻn xách súng ra nằm trên trốc khu lò gạch đổ ngoài bờ sông phục máy bay Mỹ bay thấp”. Nguyễn Vạn thầm yêu bà Nhân từ lâu nhưng do mối thù của hai dòng họ và danh dự của người chiến sĩ cách mạng, Nguyễn Vạn không dám thổ lộ. Ngày ngày, người làng Đông vẫn ngóng chờ tin tức người thân ở chiến trường miền Nam. Hai anh trai của Hạnh lần lượt hy sinh. Bà Nhân vô cùng đau khổ nhưng vẫn rất tự hào về những đứa con của mình. Hạnh di chuyển như con thoi giữa hai gia đình mẹ ruột và mẹ chồng. Trong lòng Hạnh cũng như mẹ Nghĩa luôn khao khát có một đứa con để nối dõi tông đường. Ngày ngày, Hạnh vẫn chăm chỉ làm việc để giúp làng và để quên đi nỗi nhớ chồng đang cồn cào, đau nhói. Những chờ dợi, mong ngóng của Hạnh cuối cùng cũng trở thảnh hiện thực, Nghĩa trở về sau mười năm xa cách. Nghĩa đĩnh đạc với bộ quân phục mang hàm thiếu tá. Niềm hạnh phúc, đoàn tụ đã trở về trong gia đình Nghĩa, anh quyết định đập phá từ đường họ để xây lại mặc dù bị sự phản đối quyết liệt của dòng họ. Vợ chồng Nghĩa khát khao có một đứa con trai kháu khỉnh, họ sẽ đặt tên cho con là Tình. Thế nhưng hy vọng ngày càng mất đi, dân làng nhìn Hạnh bằng cặp mắt lạnh lùng và những lời dị nghị: “Bà thiếu tá phu nhân họ Nguyễn bị điếc”. Hạnh thấy vô cùng đau khổ, Hạnh rã rời và chìm nghỉm trong ảo ảnh. Trong chuyến công tác, Nghĩa gặp lại Thủy lúc này là một bác sĩ, chưa có chồng. Đêm hôm đó, hai người đã không làm chủ được bản thân và đã đi quá giới hạn. Nghĩa bất ngờ với sự việc xảy ra, anh thấy có lỗi với vợ và hổ thẹn với Thủy. Còn Thủy hăm hở viết trong nhật ký: “ Ngày…tháng…năm. Đã cho anh. Ta nguyện thề không bao giờ làm tổn thương đến tình cảm của anh với người vợ yêu quý ở làng Đông của anh…”. Sau đó, Thủy về làng Đông để tìm hiểu cuộc sống gia đình Nghĩa. Mẹ Nghĩa ốm nặng, Thủy hướng dẫn lên bệnh viện tỉnh chữa bệnh. Hạnh cũng được Thủy quan tâm, và tình cờ Hạnh đọc nhật ký của Thủy. Hạnh quyết định ly hôn với Nghĩa mặc dù vẫn rất yêu chồng. Từ đó Hạnh sống khác hẳn, trước chỗ đông người Hạnh không còn dịu dàng như xưa, hơi một tí là xưng xỉa lên lăng mạ rồi đêm về ôm gối khóc. Nghĩa đi công tác trở về rất bất ngờ trước quyết định của vợ, anh tìm đến nhà Hạnh để tìm hiểu nguyên nhân nhưng Hạnh cứng rắn : “Xưa nay chúng ta cứ lầm, ngỡ là chỉ cần hai người yêu nhau là được. Lỗi lầm này chúng ta phải trả giá quá đắt. Anh đi biền biệt nên không biết ở nhà tôi đã phải chịu bao nhiêu điều oan nghiệt. Lời nguyền của cả họ nhà anh vẫn còn đó, nó ngấm và máu thịt dòng tộc ngàn đời cũng không bao giờ rửa sạch. Lúc này ta nói tới những điều ấy cũng chẳng để làm gì. Mọi chuyện coi như đã chấm dứt.” Sau khi ly hôn, Nghĩa nhường lại căn nhà ba gian từ đường cho Hạnh, Nghĩa đưa mẹ lên tỉnh và cưới Thủy. Từ đó, Hạnh như người điên, lúc cười lúc khóc. Ngày kỷ niệm gặp gỡ các thương binh và gia đình liệt sĩ năm nay, Nguyễn Vạn thấy trong người rạo rực vô cùng. Người làng Đông hầu như từ lâu đã quên Nguyễn Vạn. Lâu lắm mới uống rượu, thấy trong người lâng lâng nên Nguyễn Vạn ra về. Bất Nguyễn Vạn nghe có tiếng hét và cánh cửa mở toang, bóng một người đàn bà lao vào tới giường ôm ghì lấy Nguyễn Vạn. Bóng tối, hơi men cùng thân thề người đàn bà, Nguyễn Vạn buông thả cho thân xác tự do gây tội lỗi. Phút giây thần tiên đi qua, Nguyễn Vạn bàng hoàng nhận ra người đàn bà trong vòng tay mình chính là Hạnh. Anh tự xỉ vả mình, chính anh đã chà đạp lên tình cảm cha con thiêng liêng bấy lâu nay. Trong lúc tuyệt vọng, Hạnh nhận ra trên đời này chỉ có Nguyễn Vạn là người đàn ông duy nhất hiểu và yêu thương. Sau đó, Hạnh biết mình có thai nên bỏ đi. Còn Nghĩa, anh luôn khát khao có một đứa con nhưng ngày càng vô vọng. Thủy là bác sĩ nên trong một lần cùng Nghĩa đi khám đã biết Nghĩa không có khả năng sinh con. Thủy tìm mọi cách giúp chồng, nhưng cuối cùng Nghĩa đau đớn nhận ra điều đó. Anh thấy mình có tội với Hạnh và cả Thủy. Mẹ Nghĩa mất, anh xin nghỉ hưu, ly dị với Thủy và trở về làng chăm sóc mảnh đất của tổ tiên. Hạnh trở về, dắt theo một đứa bé gái. Hai người gặp nhau chỉ chào hỏi xã giao. Sau đó, Hạnh dắt con về nhà Nguyễn Vạn để nó nhận cha. Nguyễn Vạn chết lặng, rồi ngay đơ : “Chú van cháu, hãy bế con về đi. Về với thằng Nghĩa. Nơi ấy là mồ hôi nước mắt của cả cuộc đời cháu...”. Hạnh ôm ghì lấy chú Vạn. Đã bao năm nay có lẽ đây là lần đầu tiên Hạnh cảm thấy yên ổn và hạnh phúc trọn vẹn. Sáng hôm sau, xác của Nguyễn Vạn được tìm thấy ở chân cầu Đá Bạc. Đám tang không hề có tiếng khóc thét lên như mọi đám tang khác, nhưng mọi người ai cũng thấy mình đang khóc, khóc về nỗi đau nhân tình, khóc cho một linh hồn cô độc. “Dòng người làng Đông lặng lẽ đi chầm chậm, chầm chậm đưa Nguyễn Vạn ra cánh mả Rốt. Những vành khăn trắng nhấp nhô sáng rực lên dưới nắng xuân”. Bên cạnh nội dung của tác phẩm thì tiểu thuyết “Bến không chồng” đã được Lưu Trọng Ninh chuyển thể khá nhuần nhuyễn thành kịch bản phim, vẫn dưới cái tên Bến không chồng, nhưng toàn bộ cốt truyện, nhân vật, tình huống, chi tiết,cả những lời thoại mộc mạc, dân dã trong tiểu thuyết đều được tác giả khai thác triệt để. Song đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã có sự phát triển bằng hướng sáng tạo riêng: không lý giải nhân vật, phát triển tuyến truyện theo lôgíc thông thường, mà dồn đẩy nhân vật vào những tình huống đầy tính đột biến, để nhân vật tự bộc lộ tính cách. Bộ phim thực sự lôi cuốn người xem bởi toàn cảnh bức tranh làng Đông được tái hiện lại một cách sinh động. Đặc biệt tác giả khai thác triệt để dấu ấn văn hoá dân gian làng quê. Cách kết thúc truyện và số phận các nhân vật trong phim cũng có khác đi ít nhiều, như cảnh con trai chị Hơn hy sinh ngoài chiến trường, gây sự xúc động đạt tính nghệ thuật. Thế nhưng cái chết của nhân vật Nguyễn Vạn trong phim lại chưa có sức thu hút lớn so với tiểu thuyết, bởi kết thúc không đúng như dụng ý nhà văn muốn truyền đạt. Kết thúc cuộc đời Nguyễn Vạn trong tiểu thuyết là sự đổ vỡ, vì hối hận với tội lỗi gây ra cho Hạnh và vì cả hạnh phúc của Hạnh và Nghĩa nữa; còn kịch bản phim lại hướng vào nguyên nhân cái chết của Vạn là do áp lực của tập tục và dư luận của cuộc sống CHƯƠNG 2. VẤN ĐỀ THÂN PHẬN NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG “BẾN KHÔNG CHỒNG” 2.1. Quan tâm đến nỗi khổ cực của người nông dân nghèo trong cuộc đời thường 2.1.1. Hình ảnh làng Đông Độc giả khi bước vào đọc tác phẩm đã cảm nhận ngòi bút sắc sảo của Nhà văn, Dương Hướng đã dùng tất cả nhiệt huyết, công sức, tình cảm của mình để xây dựng nên một “Bến không chồng” mang dấu ấn của một chữ “Thật”. Đó là một tâm niệm “phải viết sao cho thật”, điều này đã thôi thúc niềm cảm hứng của Dướng Hướng khi viết về hình ảnh người dân làng Đông, cũng như một bức tranh nông thôn thường có trong tác phẩm của ông. Khi đọc tiểu thuyết “Bến không chồng” của Dương Hướng, thì điều đầu tiên chúng ta có thể cảm nhận là những hình ảnh về bức tranh nông thôn, cùng các nhân vật đều xuất thân từ tầng lớp nông dân nghèo, họ rất gần gũi, thân quen và rất đỗi chân thực. Bức tranh nông thôn còn lôi cuốn hơn ở lối viết tình cảm, có vốn hiểu biết sâu và rộng về làng quê Việt Nam của nhà văn, điều đó đã tạo được những trang văn giàu chất trữ tình. Tất cả hình ảnh những con người nông thôn, bức tranh nông thôn nghèo đã toát lên một vẻ đẹp mộc mạc chân quê mà sinh động. Dường như trong tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng, những nhân vật, địa danh, tên đất, tên làng đều là hình ảnh của người dân làng Đông. Như “Cống linh, Cầu Đá Bạc” hay những cảnh vật xưa cũ của làng “Cây quéo cổ thụ”, hay trong tiểu thuyết có cái tên nguyên mẫu như ngoài đời “Vạn, Đột, Quang Huy….Đó là những ấn tượng sâu sắc đã hằn sâu trong tâm trí của nhà văn về quê hương. Tuy vậy, từ bức tranh quê, số phận của những người dân ở Làng Đông lại có sức hấp dẫn người đọc, bởi những biến động làng quê thời chiến tranh của đất nước,của làng Đông mà tác giả khắc họa lên cũng như bao nhiêu làng quê khác ở miền Bắc Việt Nam. Chiến tranh đã để lại hàng triệu góa phụ, những đứa con phải chịu cảnh thiếu đi mái ấm gia đình khi con phải mất đi người cha thân yêu. Có những người trở về với những bất hạnh mang trên cơ thể mình, vì những cuộc chiến tranh này mà người dân làng Đông đã mang trong mình một chữ “bi” của thời đại. Cho nên sự đồng cảm của nhà văn đã đưa làng Đông vào với văn chương, đến với độc giả qua tác phẩm “Bến không chồng” Đến với tiểu thuyết “Bến không chồng” ta ấn tượng nhất là hình ảnh làng Đông và những con người sống ở đây. Tác giả miêu tả cảnh làng Đông bằng tất cả tình yêu của một người con được sinh ra ở làng, một người nghệ sỹ nhạy cảm với đời khi nhà văn vẽ làng Đông với nhiều cái nhất “Làng Đông lại có nhiều cái “nhất”: Đình làng Đông to nhất, cây quéo làng Đông cao nhất, cầu đá làng Đông đẹp nhất, nước sông làng Đông cũng mát nhất…. Các cụ bảo: Đất làng Đông nằm trên mình con rồng. Con rồng đó chính là dòng sông Đình bắt nguồn từ cống Linh chảy qua làng Đông uốn lượn như một con rồng. Nước sông như dòng sữa mẹ làm tười tốt đất và người làng Đông” trang [15;270]. Những cái nhất của làng Đông đã chứng minh là một vùng đất có bề dày về di tích – lịch sử, về danh lam thắng cảnh mà tạo hóa đã ban tặng cho vùng quê nghèo này. Làng Đông còn đẹp hơn khi được nhìn từ tâm hồn trẻ thơ như Hạnh “Trong ánh mắt đen láy của bé Hạnh, làng Đông là thế giới huyền diệu, lũy tre làng xanh mượt, những thân cau cao vút, dòng sông Đình lung linh in bóng cây quéo và nhịp cầu Đá Bạc” [15;274]. Nhà Văn đã rất tinh tế khi đưa cái nhìn trong sáng, thơ ngây như một tờ giấy trắng của trẻ thơ vào tác phẩm, vì chỉ có cảm nhận của những đứa trẻ mới hiện rõ bức tranh hiện thực về làng Đông. Bức tranh hiện thực được khắc họa chân thực và đẹp nhất khi được biểu hiện qua cái nhìn, cảm nhận của tâm hồn trẻ thơ. Hình ảnh làng Đông còn là những sự tích về “rốn mắt tiên”, “Dạo ấy có cô gái tên là Ngần đẹp nhất làng Đông. Cặp mắt cô Ngần tròn xoe, long lánh như hạt nhãn mới bóc. Da cô Ngần trắng mịn, trắng mịn, tóc dài và mượt như tơ. Vào tuổi trăng tròn, cô Ngần bị bố mẹ ép gả cho người mình không yêu. Đêm tân hôn cô Ngần trốn ra hồ nước giữa đồng tự vẫn. Thế là cỏ lau bỗng lụi tàn, cú, cuốc cũng lủi sạch. Đỉa cũng mất tăm. Nước hồ trở nên trong vắt quanh năm. Từ đó đàn bà con gái làng Đông có nỗi oan khuất đều trốn ra hồ nước tắm để được giải oan. Chính vì có hồ mắt tiên mà gái làng Đông, da cô nào cũng trắng mịn, mang nhiều nét khêu gợi của tiên nữ.” [15;271], chuyện gò ông Đổng “Ngày xửa ngày xưa một người trai làng Đông đi đánh giặc mười năm chiến thắng trở về oai phong lẫm liệt mắt sắc mày ngài kiếm cung thao lược. Người chiến binh vừa về tới cánh đồng làng nghe tin người vợ ở nhà bạc tình liền nhảy phốc lên gò đất cạnh đấy hét một tiếng vang trời, máu từ miệng học ra chết tươi. Từ đó người làng Đông đi qua đều ném lên đấy một nắm đất để tưởng niệm người chiến binh dũng cảm không chết nơi trận mạc mà lại chết vì nỗi đau tình. Ngôi mộ mỗi ngày một to cao lên mãi. Người ta bảo trai làng Đông có chí khí khác thường vì được mang dòng máu của người chiến binh năm xưa” [15; 272]. Dương Hướng đã khéo léo đưa các câu chuyện huyền thoại mang màu sắc cổ tích, hoang đường, như chuyện Mắt tiên, Con ma mắt tiên, chuyện Gò ông Đổng…vào tác phẩm nhằm tạo nên một bức tranh làng Đông mang màu sắc dân gian. Hình ảnh làng Đông hiện lên như một bức tranh đầy màu sắc khác nhau qua không gian và thời gian. Không gian được thể hiện qua cái nhìn của Nguyễn Vạn ngày trở về “Cánh mả Rốt dày đặc những mồ mả mấp mô mà Vạn vẫn còn nhận ra mộ bố nằm bên mép ruộng cạnh một ngôi mộ xây bằng gạch giống như ngôi miếu nhỏ. Trên trốc mộ bố Vạn xưa, đóng một cây cọc to bằng bắp chân, giờ đã mục rữa trơ lõi nhọn hoắt như một mẩu xương gãy” [15;266]. Không gian hiện lên với một cánh mả Rốt rộng mênh mông. Lúc này Nguyễn Vạn đã hồi tưởng về tuổi thơ khi đi qua mả Rốt ngày trở về là thời gian của tác phẩm. Làng Đông hiện lên với bức tranh quê như: dòng sông, cầu đá, lũy tre làng rồi đến những chuyện cổ tích mang nét tâm linh của người nông dân. Hình ảnh dòng sông, lũy tre làng thường là cảm hứng sáng tác của nhà thơ, nhà văn. Nhưng điều đặc biệt ở đây là Dương Hướng khắc họa bức tranh làng quê mình rất thật và sinh động. Với hình ảnh bến sông mà gợi cho ta liên tưởng tới hình ảnh những cô gái, những con người thôn quê làng Đông có vẻ đẹp quyến rũ và tươi tắn. Đó là “Bến sông ở đây có vẻ quyến rũ lạ. Mùa đông nước sông cạn phơi ra dải cát trắng phau lấp lóa dưới nắng. Nước sông trong veo lặng lẽ trôi, mùa lũ nước sông dềnh lên xăm xắp đôi bờ cỏ cây xanh tốt.” [15;273]. Một bến sông mà nơi đây chính là nơi dân làng sinh hoạt, là nơi hẹn hò của những cuộc tình lãng mạn, là điểm bắt đầu và cũng là điểm cuối của những số phận. Điểm bắt đầu là địa điểm tập trung của những người lính khi ra trận, còn kết thúc là khi họ trở về với những số phận bất hạnh và họ đã bế tắc khi phải tìm đến cái chết như “Nguyễn Vạn “ là điển hình. Có thể nói rằng bức tranh về làng Đông của Dương Hướng làm toát lên một vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ, hút hồn người đọc. Vẻ đẹp của dòng sông, của những di tích trở nên có sức hút, khi nhà văn sử dụng các nhân vật của người làng Đôngđể minh họa cho những hiện tượng thiên nhiên này. 2.1.2. Số phận chìm nổi của người dân làng Đông “Bến không chồng” là nơi tập trung những người phụ nữ không chồng, những người nông dân nghèo khó cùng với những người lính trở về với thương tật trên cơ thể từ cuộc chiến tranh. Những con người này họ đều có điểm chung là bất hạnh, đau khổ trong cuộc sống đời thường. Có quan niệm cho rằng “Hiện thực về con người trở nên phong phú nhiều chiều, có mẫu người như một sản phẩm của trạng thái hoài nghi, bên cạnh con người ý thức còn có con người vô thức, bên cạnh con người tự nhiên có con người tâm linh, có người lớn hơn thân phận mình, lại có người nhỏ bé hơn tính người của mình” (Nguyễn Thị Bình) [4] Mỗi một cá nhân sinh ra và tồn tại trong xã hội đều có một cách nhìn, cách suy nghĩ và một số phận khác nhau. Cho nên những số phận, những con người ở làng Đông cũng rất đặc biệt. Tuy họ rất bình thường giản dị, mộc mạc bởi bản chất vốn có của người nông dân. Nhưng bức tường bên trong sự giản dị, mộc mạc đó lại toát lên số phận của con người trong một gia đình, một bối cảnh xã hội đầy biến động. Số phận của mỗi con người ở làng Đông hiện lên rõ nhất qua những biến thiên của lịch sử và đời sống xã hội. Một cuộc sống bình dị, yên bình đối với họ là hạnh phúc, thế nhưng để đánh đổi được sự yên bình thì họ phải chống chọi với sự tàn khốc của lịch sử. Tiêu biểu trong tác phẩm, tác giả đã nhìn trực diện vào cuộc cải cách ruộng đất ở làng Đông để thấy được bức tranh hiện thực của người nông dân nghèo. Bởi vì chỉ có cuộc cải cách này sẽ lột tả được diễn biến của quá trình xử lý bọn địa chủ, cường hào phản động, hơn thế nữa là cuộc tịch thu của cải tài sản của địa chủ để chia cho dân nghèo. Có thể thấy rằng Dương Hướng đã cảm nhận được cảnh nghèo khổ của những người thấp cổ bé họng. Cho nên nhà văn đã phản ánh hiện thực đời sống nghèo đói của làng mình trong tác phẩm. Quá trình của việc phân chia tài sản gia đình địa chủ Hào diễn ra rầm rộ, trong khung cảnh huyên náo của người dân từ già đến trẻ “kẻ đánh người khiêng, kẻ đội người bê”. Trong khi đó Nguyễn Vạn là anh hùng Điện Biên có công lao lớn nhất “được chia ngôi nhà của địa chủ Hào thì chả còn ai ghen tỵ. Lão khi được chia chiếc cối đá thủng to tổ bố, lão bảo: “Ông đếch vác được”. Không lấy thì tiếc, lão đành phải thuê anh Nhương điếc hai đồng. Bà nhị được chia một cối xay lúa, chú Đang được chia cả vại khoai khô, chị Vòng được chia những bốn vại dưa muối. Có hai vại còn đầy ắp dưa cải nén vàng rộm. Bây giờ bà con dân nghèo mới thấy nhà lão Hào tích trữ nhiều của thật. Mọi thứ bị tịch thu được đem chồng chất thành đống ngổn ngang ra sân không thiếu thứ gì, từ cày, bừa, cuốc xẻng, gạo thóc, nồi niêu, bát đĩa, mâm đồng….” [15;296]. Thời buổi địa chủ, chiến tranh đang đe dọa cuộc sống người dân nghèo thì cuộc cải cách ruộng đất, tịch thu của cải đã được tiến hành. Một sự đối lập giữa cuộc sống của những người nghèo khó thì những gia đình địa chủ lại tích trữ đầy đủ những thứ mà người dân nghèo mơ ước. Bởi thế họ vui mừng khi có sự công bằng cho họ. Song cuối cùng người ta bảo xúi quẫy nhất là chú Dĩ “Nhà chú Dĩ ba đời đi hót cứt trâu được chia trục đá kéo lúa. Chắc nhà chú Dĩ tiếc buổi đi hót phân trâu nên sai hai thằng con chổng mông chổng tỷ đẩy phía sau, trẻ con khoái chí xúm vào đẩy. Chúng vừa đẩy vừa reo hò. Chiếc trục đá lăn cồng cộc lao phăng phăng trên đường làng. Thằng anh cầm càng, tới khúc quanh mất đà, cả người lẫn trục lao ùm xuống ao, bị cái trục tương đúng vào đầu phọt óc chết tươi” [15;297]. Từ bối cảnh phân chia tải sản, chúng ta thấy rằng: Một hiện thực cuộc sống hết sức đau lòng của làng quê Việt Nam, vẫn còn tồn tại những cảnh đời và số phận bất hạnh. Sự thật đau lòng đó được phơi bày bởi những người nghệ sỹ nhạy cảm với cuộc sống, họ đã lên tiếng bằng ngòi bút của mình, muốn bệnh vực cho số phận nhỏ nhoi của người nông dân.Trước đổi mới, có Nam Cao, Nguyễn Tuân…. Và sau đổi mới 1986 thì Dương Hướng đã soi cận cảnh vấn đề này, nơi đó có những con người với số phận chìm nổi theo thời cuộc. Như cảnh tượng “Thằng con của lão Hào đã cắn lưỡi tự tử, không hiểu nó tiếc của hay do uất ức quá” [15; 296]. Một kết cục không có hậu đối với những kẻ địa chủ, nhưng bên lề cái chết của bọn địa chủ cường hào thì sự đau đớn của những người được chia tài sản từ địa chủ cũng không được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc. Như khi chia tài sản “Chú Dĩ được mỗi cái trục đá kéo lúa phải đánh đổi thằng con trai lớn khôn ngoan”. Chính sự tương phản này, cho mọi người nhìn nhận về vấn đề bản chất của con người, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến nét văn hóa làng xã của nông thôn Việt Nam lúc bấy giờ. Bên cạnh cải cách ruộng đất, chia tài sản của địa chủ cho dân nghèo còn có những hình ảnh xử lý bọn “Phản động”. Có lẽ xử lý bọn phản động không chỉ là mục tiêu duy nhất để tác giả viết. Mà hơn thế là nhà văn muốn nói đến nỗi khổ về chữ “Tình” và mặt trái của bối cảnh. Bởi lẽ, xử lý bọn phản động là điều nên làm nhưng liệu những hành động trong quá trình tiến hành xử lý một đối tượng có chính xác không, hay chỉ là ngộ nhận của một tư tưởng khép kín. Không chỉ dừng lại ở sự phán xét theo lối bảo thủ cá nhân mà những tư tưởng này đã trực tiếp dáng lên hòa khí của tình cảm gia đình. Khi họ bị ép buộc chính tay những người thân như: anh em, họ hàng phải tự buông đao xuống những người cùng huyết thống, hay người đã trực tiếp nuôi dưỡng mình. Có câu nói “Người với người sống để thương nhau”, “Thương người như thể thương thân” hay “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Vậy tại sao Nguyễn Vạn trong tác phẩm lại phải thực hiện nhiệm vụ là bắn hai tên Xèng, Xình người cùng họ Nguyễn với anh, rồi đau lòng cũng không kém đó là thử sự trung thành của Đước bằng việc phải bắn địa chủ Hào, trong khi Đước vốn là đứa con nuôi được địa chủ Hào cưng nhất. Hành động này, chỉ có ở một hệ tư tưởng phong kiến, họ thiếu đi một chữ Tình. Bởi vậy nhà văn đã đánh trúng hai mục tiêu: Một là phải tiêu diệt tận gốc rễ bọn phản động, bọn Quốc dân Đảng. Hai là nói lên được nỗi đau khổ, tình cảm của con người khi bắt buộc làm một việc mà họ không muốn, đồng thời phê phán một bản chất ấu trĩ của một tầng lớp thiếu nhân tình. Qua hình ảnh của người dân nghèo làng Đông, chúng ta nhìn thông suốt được cả một thế hệ, một quá trình xảy ra những câu chuyện bi thương. Từ việc cải cách ruộng đất đến việc trừ bọn phản động, đều là những điều tối kị không được lên tiếng và bảo vệ. Chỉ đến khi những người nghệ sĩ nhạy cảm với cuộc sống và bằng sự mạnh bạo của một nhà văn để miêu tả nỗi đau về tình cảm của con người, xuất phát từ chân thành, từ tâm hồn của mình, những điều đó mới được lột tả hết sự bi ai đau đớn nhất. 2.2. Sự mất mát hy sinh của người dân thời chiến tranh Đề tài chính trong các tiểu thuyết của Dương Hướng sáng tác là những cuộc chiến tranh và bức tranh nông thôn Việt Nam. Một trong những điều đau đớn nhất mà tác giả chứng kiến là sự hiếu chiến và tàn nhẫn của con người trong cuộc chiến tranh. Chiến tranh hiện lên thật thảm khốc và ghê sợ trong hồi ức của mọi người cả về vật chất lẫn tinh thần. Tiêu biểu nhất là nạn đói năm 1945, hàng triệu người dân phải chết đói, lầm than, bên cạnh đó chiến tranh còn là thủ phạm gây ra hậu quả cho những người phụ nữ góa bụa, những đứa con mất cha, lìa mẹ. Những người lính phải ở lại miền đất lạnh hay sau chiến tranh trở về phải mang trong mình những vết thương bên ngoài lẫn nỗi đau trong sâu thẳm tâm hồn. Họ là những chiếc lá thời loạn ly bị thổi đi trong vòng xoáy của chiến tranh. Các anh hùng đã hy sinh thầm lặng với khẩu hiệu “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Chính những hy sinh này mà đề tài chiến tranh trong văn học luôn nhức nhối trong tâm hồn của mỗi người nghệ sỹ, mỗi cá nhân của chúng ta. Giáo sư Phong Lê nói: “Còn lâu về sau, chiến tranh vẫn cứ là đề tài lớn, một kho chất liệu không thể nào vơi cạn còn nằm sâu trong ký ức của con người”. Sự mất mát kèm theo nỗi đau từ sau khi chiến tranh qua đi. Ở thời điểm này thì người viết có thể nhìn rõ được toàn diện về bức tranh này hơn, cùng với vấn đề đổi mới đã tạo điều kiện cho nhà văn nhìn thẳng vào những góc khuất của đời sống mà những giai đoạn trước yêu cầu người viết phải né tránh. Một sự thật rõ nhất mà chúng ta đều nhìn ra bên cạnh những chiến thắng vẻ vang của dân tộc, còn là những nỗi đau, sự mất mát của người dân mà họ đã trải qua. Ngòi bút của nhà văn đã diễn tả lại hiện thực chiến tranh như đúng bản chất vốn có của nó. Sau đổi mới 1986, đề tài chiến tranh đã đi sâu vào khám phá những cảnh đời, cái riêng tư nhất của con người. Cũng như nhiều nhà văn khoác áo lính trở về từ chiến trường, những năm tháng hào hùng mà khốc liệt, chứng kiến cuộc chiến ác liệt từ chiến trường đã hằn sâu trong tâm trí của nhà văn, thôi thúc Dương Hướng viết nên “những trang viết cuộc đời” với khẩu hiệu “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật…”. Nhà văn Dương Hướng đã không ngần ngại khi phản ánh những mất mát hy sinh của người dân thời chiến qua “Bến không chồng”. Điển hình cho cuộc chiến tranh được thể hiện qua chân dung người lính và người phụ nữ. Tư liệu của sự tái hiện này chính là người dân quê của mình, những người trong dòng tộc đã tạo nên một sự chân thật đầy sức thuyết phục. Những câu chuyện về sự mất mát hy sinh của những số phận người dân thời chiến tranh đã dần được hé mở qua ngòi bút sắc sảo của các nhà văn. Còn đến với “Bến không chồng”, Dương Hướng đã lột tả được những tấm bi kịch, những đổ vỡ của tình yêu, cuộc đời mà họ đang âm thầm chịu đựng. Trong đó hiện lên hình ảnh những người đàn ông và lớp thanh niên của làng phải tham gia vào cuộc chiến. Từ những người lính thời chống Pháp như Vạn, đến người lính chống Mỹ như Nghĩa, Thành với những hy sinh, tổn thất những tưởng sẽ hấm dứt khi chiến tranh kết thúc, nhưng không, họ còn tiếp tục chịu hy sinh khi trở về hậu phương. Thêm vào đó là hình ảnh những người mẹ, người vợ, người yêu cũng góp phần trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, giữ vững hậu phương cho tiền chiến. Nhà văn Nguyễn Khải nhận xét “Chiến tranh ồn ào, náo động mà lại có cái yên tĩnh, giản dị của nó, hòa bình yên tĩnh, thanh bình mà lại chứa đựng những sóng ngầm, những gió xoáy bên trong. Nhiều người không thể chết trong nhà tù, trên trận địa, trong chiến tranh mà lại chết trong “ao tù giả tưởng” khi cả nước đã dành được tự do và độc lập [17; 18]. Nhận xét của Nguyễn Khải phần nào nói lên sự thật của cuộc chiến tranh đã gây ra cho biết bao đau đớn sau khi đất nước đã giành thắng lợi. Cuộc chiến tranh xảy ra và thực tế thương tâm nhất đối với người lính là khi hoàn thành nhiệm vụ trở về với cuộ sống đời thường. Bên cạnh nỗi đau thể xác, họ phải mang trong mình nỗi đau tinh thần còn ghê ghớm, đáng sợ hơn thế. Thành, một người lính tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ “Ở hiến trường trở về “Thành bị bom cháy toàn thân, mặt sần sùi phồng rộp đỏ lừ. Khi anh Thành khoác ba lô về, đến cả bố mẹ anh ấy cũng không nhận ra con mình” [15; 419]. Chiến tranh đã gây ra những bất hạnh đau đớn với anh “Thành”, với làng Đông. Một sự thật đau lòng nhất, xúc động nhất cho anh Thành mà người đọc phải rơi lệ đó là chi tiết anh Thành đến một gia đình ở bên phà Triều. Nơi mà ngày xưa kháng chiến chống Mỹ, anh Thành đã đóng quân ở đây và bây giờ anh cùng với Hạnh, Dâu, Thắm, Cúc và cả anh Ngốc đi hỗ trợ làng bên sau cơn bão và vào xin ở nhờ. Anh Thành bước vào gặp bà cụ, nhưng bà cụ không nhận ra anh: Bà nói “Anh đừng có lừa tôi. Tôi già nhưng chưa lẫn. Tôi biết rõ thằng Thành nó đã ở đây với gia đình tôi. Mẹ! Anh Thành xúc động – con bị thương…Bà cụ cứ nhìn chằm chặp vào khuôn mặt anh Thành. – Thế này thì đến con Loan cũng không nhận ra anh…[15; 436]. Những dòng văn đó khiến người đọc nghẹn ngào. Vì chiến tranh mà khuôn mặt anh thay đổi hoàn toàn, mọi người không nhận ra anh, một nỗi đau mà chính những chàng trai đang độ tuổi sung sức phải gánh chịu. Ngoài trận địa họ luôn có những nỗi lo về trách nhiệm, trách nhiệm đó là với bản thân, gia đình và Tổ quốc. Còn khi trở về cuộc sống đời thường thì bi kịch về tâm hồn lại phủ lên người lính trẻ như Thành, một hiện thực xã hội mà con người không thể thay đổi. Không chỉ dừng lại ở sự bất hạnh với Thành, mà cùng đợt với người lính chống Mỹ còn có Nghĩa. Mười năm tuổi trẻ xung pha trận địa, nơi chiến trường khốc liệt, chứng kiến nhiều cái chết hơn là sự sống, nếm trải nỗi đau cùng các đồng đội. Số phận Nghĩa có một may mắn hơn là không phải hy sinh trong chiến trường hay bị biến dạng về thân thể. Mà nỗi đau lớn nhất của Nghĩa là nỗi đau từ sâu trong tâm thức của một người ao ước quyền làm cha. Đúng vậy, cuộc chiến đã cướp đi quyền làm cha của Nghĩa, một cái quyền cao cả mà không một ai không muốn có. Với Nghĩa, anh mong được gọi một tiếng cha, được yêu thương và chăm sóc con như bao nhiêu người. Nhưng tiếc thay hạnh phúc đó không mỉm cười với Nghĩa khi anh bị di chứng của chiến tranh để lại. Nghĩa đã bàng hoàng khi nghe nói sự thật về chuyện đi khám ở bệnh viện “Thủy nhìn thoáng thấy mắt nghĩa dại đi, anh nằm thượt ra giường. Thủy vội nắm lấy bàn tay anh. – Không đấy không phải tại anh. Tại chiến tranh, tại những năm anh ở chiến trường…” [15; 559]. Hình ảnh Nghĩa thẫn thờ khi biết sự thật mình không có con, anh đã đau cái đau khi không được làm cha và đau cái đau khi có tội với Hạnh, với Thủy. Nỗi đau quá lớn với người lính từ trong trận chiến khó có thể lấp đầy như các nỗi đau khác. Cùng nỗi đau, sự mất mát và hy sinh như Thành, Nghĩa khi tham gia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Còn có cả chú Vạn, người lính Điện Biên năm xưa, một bậc lão thành một thời dọc ngang trên chiến trường chống Pháp cũng có những chiến công và dấu tích của chiến tranh để lại đó là “Dấu tích oanh liệt trên chiến trường là vết thương trên bả vai và một ống chân bị gãy, làm bước đi của Nguyễn Vạn cứ tập tễnh”[15; 266]. Cùng với những tấm huân chương trên người Nguyễn Vạn như:“Hãy cứ nhìn những tấm huân chương trên người Nguyễn Vạn” [15; 265]. Những ngày chiến tranh ập đến là những nguy hiểm đang rình rập, những gian lao vất vả để đổi lại tâm trạng kiêu hãnh khi trở về làng của Nguyễn Vạn. Thế nhưng khi trở về với cuộc sống đời thường, Vạn lại phải chịu đựng những đau khổ, những thử thách đau nhói lòng. Đó là tình yêu, là sự trói buộc bởi dòng tộc, nó cứ mâu thuẫn dằng xé trong tâm hồn Vạn. Sự hy sinh của người lính như (Chồng chị Nhân, Hà, Hiệp con chị Nhân…), sự mất mát của Thành, Nghĩa, Nguyễn Vạn….đã mở tung được bức tranh thời chiến đầy bi thương và đầm đìa nước mắt gắn với hoàn cảnh xã hội. Họ là những anh hùng trong chiến đấu, có biết bao nhiêu bằng khen, có những bài ca ngợi về các chiến công hiển hách lập nên nhờ vào lòng gan dạ, dũng cảm, mưu lược tài tình của mình. Lẽ ra những con người tài năng, anh hùng đó phải được hưởng hạnh phúc từ vòng tay thương yêu chứ? Nhưng tất cả dường như quay ngược lại với sự thật đau lòng đối với người lính khi trở về thời bình. Trong cuộc kháng chiến sự mất mát hy sinh của người lính là không tranh khỏi, nhưng rõ ràng nỗi đau của người lính cũng chính là sự bất hạnh cho người phụ nữ. Hình ảnh, tâm trạng các bà mẹ mong chờ tin của những người con từ trong trận địa, làm cho chúng ta thấy nỗi hồi hộp, lo âu hiện rõ trong tâm trạng của họ. Đầu tiên ta thấy hình ảnh của mẹ Hạnh đã đau đớn khi nhận được hung tin chồng mình đã hy sinh. Thế là từ nay chị đã mất đi người chồng, người cha của các con thơ dại. Ngày thời điểm nhận được tin dữ từ chú Vạn, thì một khung cảnh tang thương đã bao trùm lên gia đình chị Nhân. “Vạn nói – Bố đã hy sinh ngoài mặt trận – Bé Hạnh bỗng tu lên khóc. Chú Vạn bế nó về đến nhà, nó thấy mẹ và cả hai anh của nó đang khóc vật vã. Trong nhà ngoài sân người ra vào nườm nượp. Mẹ nó ôm chầm lấy nó khóc: “Con ơi, bố chết rồi” [15; 280]. Không ai có thể nén được cảm xúc của mình khi sự đau đớn đã đến với gia đình chị Nhân và những gia đình khác trong chiến tranh. Hình ảnh bé Hạnh khóc làm cho chúng ta thấy được nỗi đau mất đi người thân, đồng thời truyền tải thông điệp với người đọc về tiếng cười tuổi thơ của bé Hạnh cũng như vụt tắt, còn chị Nhân thì chị cảm nhận “mọi thứ xung quanh mình đều nhuốm màu chết chóc, chị thấy ngực mình nhói đau, mắt hoa lên rồi những giấc mơ về chồng”. Qủa thật nỗi đau mất mát đi người thân trong gia đình đối với người mẹ và những đứa con thơ. Đau đến mức con người ta không còn suy nghĩ được gì, đến nỗi ám ảnh cả trong giấc mơ. Nhưng nỗi đau còn ập đến với người mẹ nuôi đàn con thơ này một lần nữa là khi các con đến tuổi trưởng thành cũng xung phong đi kháng chiến chống Mỹ. Nỗi đau đớn và bất hạnh lại quay trở lại với căn nhà tranh, với gia đình chị Nhân ở làng Đông khi Hà, Hiệp cũng ra đi vì Tổ quốc, hy sinh để bảo vệ độc lập tự do cho dân tộc. Lúc này nước mắt của chị Nhân đã cạn, chị chỉ biết lệ thầm rơi suốt đêm thâu vào lúc nhận được hung tin. Chiến tranh đã cướp đi những người thân yêu nhất của chị. Bên cạnh đó, thì hình ảnh mẹ Nghĩa chờ đợi, mong mỏi Nghĩa trở về càng làm cho chúng ta xúc động bởi tình thương yêu của người mẹ với các con của mình lớn biết dường nào. Hành động lo lắng, quan tâm con được Dương Hướng thể hiện qua những đến giấc mơ thấy Nghĩa về, một ảo giác chứng mình cho một tâm trạng bất an của người mẹ. Cũng chính vì sự lo lắng cho con của người mẹ mà đã có lần bà phải ngã quỵ vì bệnh. Thật không sai khi có âu ca dao: “Đi khắp thế gian không ai sánh bằng mẹ”. Thời buổi chiến tranh loạn lạc, bóng dáng của những người mẹ là hình ảnh cao đẹp đại diện cho tinh thần anh dũng hy sinh vì tổ quốc của những người con. Nỗi đau không chỉ dừng lại ở đó, khi mà cuộc đời của bà đã đến tuổi xế chiều vẫn không thôi ao ước được chăm ẵm, nhìn thấy cháu nội chào đời. Ấy vậy mà nghiệt ngã thay, bà đã phải ấp ủ mơ ước có cháu để bồng bế về với miền đất lạnh trong sự thất vọng nghiệt ngã. Chiến tranh đã khắc sâu, ám ảnh nhà văn. Bởi thế ông đã đưa tất cả những ao ước, những đau khổ hiện thực nhất của cuộc sống đến với độc giả. Một cái nhìn thương cảm về những số phận, mảnh đời bất hạnh. Đó là hình ảnh những người bà, người mẹ phải rơi lệ khi đầu bạc phải tiễn đầu xanh. Còn người phụ nữ, những cô gái cũng không kém phần đau khổ khi người yêu, người chồng của mình phải nằm lại ở chiến trường, hay sự may mắn trở về sau cuộc chiến với những vết thương thể xác, và những vết thương tinh thần mà họ đang mang trên mình. Vì thế, những mất mát của người lính như là nguyên nhân gián tiếp tiếp cận đến những bóng hồng, hình bóng Hạnh, Thắm, Dâu….là những người con gái làng Đông phải gánh chịu hậu quả đau lòng từ cuộc chiến tranh. Người phụ nữ hiện trong tác phẩm dường như rất hiện đại, nhưng cũng rất truyền thống. Đó là hai mặt đối lập trong bản chất người phụ nữ hiện đại mà tác giả xây dựng. Họ luôn đấu tranh để thoát khỏi những ràng buộc lạc hậu của tư tưởng phong kiến, tiếp thu tư tưởng mới để khẳng định vị thế trong xã hội mới. Trong cuộc đấu tranh ấy, những người phụ nữ làng quê bao giờ cũng bị tư tưởng truyền thống lấn lướt, kìm chế. Với những người phụ nữ làng thì cái tình, cái nghĩ của sự thủy chung son sắc, họ hy sinh nhiều hơn là hưởng thụ, luôn có trong bản chất con người của họ. Nhà văn Dương Hướng đã đặt những người phụ nữ vào các tình huống đặc biệt, đầy kịch tính để họ tự giải quyết, làm bật lên những bản chất cao đẹp ở họ. Miêu tả nỗi đau, sự hy sinh của người phụ nữ, nhà văn Dương Hướng đã xoáy sâu vào nội tâm nhân vật. Những suy nghĩ, trăn trở, sự giằng co, đấu tranh nội tâm diễn ra rất quyết liệt song người phụ nữ luôn chịu đựng, kín đáo, ít bộc lộ ra bên ngoài. Họ là những phụ nữ bên ngoài rất mạnh mẽ, bên trong lại yếu đuối và cũng rất "nữ nhi thường tình". Như vậy, bằng sự đồng cảm và cái nhìn sắc sảo mà “Bến không chồng” của Dương Hướng đã vẽ lên cuộc đời, số phận của người nông dân, những người lính, người phụ nữ…mà ông đã từng nghe, từng thấy. Đầu tiên là hình ảnh người lính. Trong mọi hoàn cảnh gian lao sung kề vai của cuộc chiến thì họ đều vượt qua được mọi khó khăn, gian khổ đó. Nhưng khi trở về với cuộc sống đời thường, trước bao biến động của chữ ngờ thì họ đều không có được sự bình yên. Mỗi người đều có một nỗi đau, hoàn cảnh riêng, song tất cả những khiếm khuyết này lại là hạnh phúc, trong số họ có người đã phải đánh đổi cả tuổi thanh xuân của mình để tìm kiếm hạnh phúc mà không thấy như Thành, Nghĩa, Hà, Hiệp, có người thì luôn mải miết sống với quá khứ hào quang để rồi đánh mất hạnh phúc khỏi tầm tay đó là Vạn (lính Điện Biên). Kế tiếp là hình ảnh những người phụ nữ ở bến đợi này cũng mang nhiều bất hạnh khi phải chờ đợi những người mình thương yêu ở chiến trường, để tiềm kiếm hạnh phúc. Hơn thế nữa bằng kinh nghiệm của một người từng trải, trở về sau chiến tranh, Dương Hướng đã cho ta thấy được bức tranh hiện thực đa sắc với những mất mát không thể bù đắp. Thế nhưng những người lính ấy, dù họ hy sinh hay có sự may mắn trở về, thì họ đều phải trả cái giá đắt cho cuộc chiến. Đó chính là giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm. Dương Hướng đã vượt ra khỏi những tư tưởng, rào cản của xã hội để viết nên những điều riêng tư nhất, thầm kín nhất và đau đớn nhất của con người. 2.3. Bi kịch dòng tộc Khi vẽ nên bức tranh nông thôn thời chiến là “Bến không chồng” thì nhà văn Dương Hướng đã nhìn ra được hiện thực về quan hệ gia tộc, dòng họ có mối quan hệ chặt chẽ ở nông thôn. Số phận của họ đã bị đè nặng bởi những phong tục, những hủ tục của dòng họ. Những phong tục, hủ tục đó tồn tại dưới vỏ bọc một đạo lý, nề nếp tưởng chừng như gia phong, qui cũ… Nhưng song song tồn tại với nó là vấn đề rắc rối, phức tạp từ các mâu thuẫn, những định kiến đã trở thành thảm họa, bi kịch giữa các dòng tộc. Mà đó chính là những bi kịch sẽ đe dọa đến đời sống số phận của mỗi cá nhân. Ra đời cùng thời điểm đổi mới văn học những năm 1990, tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của tác giả Nguyễn Khắc Trường đã phơi bày một hiện thực nông thôn rùng rợn, xung quanh mối xung đột dai dẳng mà quyết liệt giữa hai dòng họ Trịnh Bá và Vũ Đình kéo dài nhiều thế hệ trên một vùng có thế đất vượng nhưng nghịch là xóm Giếng Chùa của vùng đất trung du. Chúng ta thấy rằng cùng thời với Ma văn Kháng, Dương Hướng với Bến không chồng” cũng đề cập đến vấn đề gia tộc, dòng họ. Nhưng gia tộc, dòng họ lúc này không còn là sự tranh giành địa vị, giai cấp, chức danh, thứ bậc trong làng xã. Mà dòng họ bắt đầu từ câu chuyện đau lòng xảy ra của đôi trai gái dòng họ Nguyễn – Vũ, đã để lại mối thù hận và lời nguyền độc không bao giờ quên. Câu chuyện là “Đúng vào cái ngày dòng họ Nguyễn ăn mừng lễ khánh thành ngôi từ đường to nhất làng Đông, cô con gái rượu duy nhất của cụ tổ họ Nguyễn tối hôm ấy bỗng nhiên lại rửng mỡ mò ra bến Tình tắm. Cô gái đâu có biết trên đầu bến cũng có chàng trai nổi loạn, anh ta lặn một hơi dài chưa từng có đến ôm ghì lấy tấm thân mềm mại mát lạnh của cô gái. Cô ngất xủi trong vòng tay chàng trai. Thân thể đầy dục vọng của chàng trai, cô gái lại ngỡ là ba ba thuồng luồng hay con ma mắt đỏ ở gốc duối mò tời hiếp mình. Sáng hôm sau người ta thấy xác cô gái trần truồng nổi dềnh lên ở chân cầu Đá Bạc. Ngày hôm ấy làng Đông xảy ra một cuộc đổ máu chưa từng có giữa hai dòng họ Nguyễn vả Vũ.” [15;274] Chính vì điều đó mà từ đây những mối tơ duyên của con cháu hai dòng họ bị cản trở bởi cụ tổ dòng họ Nguyễn đã khắc ghi một lời nguyền độc “Nước sông Đình ngàn năm không cạn – Cầu Đá Bạc vạn kiếp trơ trơ – Bến Tình còn đẹp còn mơ – Mối thù họ Vũ bao giờ mới nguôi” [15;74]. Lời nguyền độc này đã cản trở biết bao mối tình, tiêu biểu trong tác phẩm là Nghĩa và Hạnh, Mẹ Hạnh với chú Vạn. Họ đã không có được hạnh phúc trọn vẹn khi mà dòng họ Nguyễn một mực phản đối cuộc hôn nhân. Yêu nhau nhưng không được gia đình, dòng tộc họ Nguyễn đồng ý, nhưng Nghĩa với Hạnh vẫn quyết tâm đến với nhau bằng tình yêu mãnh liệt. Cũng từ đây mà cuộc sống của Hạnh cũng bước sang một bến đỗ mới, bến của số phận đau khổ và đầy bất hạnh. Nỗi niềm bất hạnh, khổ đau lên đến đỉnh điểm là lần Nghĩa quyết định xây lại từ đường họ Nguyễn thì bị lời nguyền của lão Xung, người dòng họ Nguyễn bám đuổi “Lão Xung khươ khươ chiếc gậy trỏ lên trời, giọng khản đặc – Vợ chồng thằng Nghĩa đã phản lại lời nguyền của cụ tổ, nó cậy nó là sỹ quan quân đội đem quân về phá từ đường họ. Đấy rồi bà con xem, cụ tổ sẽ trừng trị nó. Nó rước kẻ thù về làm vợ. Nó làm điều ác, gia đình nó sẽ tuyệt tự. Con Hạnh sẽ chẳng bao giờ có con.” [15; 499]. Lời nguyền này đã làm cho Hạnh đau xé lòng. Về làm dâu họ Nguyễn với bao nhiêu ngăn sông vách núi chắn ngang mà Hạnh phải vượt qua. Mặc dù Hạnh không có tội lỗi, hay làm sai trái điều gì nhưng ngày qua ngày Hạnh lại phải sống trong mặc cảm và tội lỗi với dòng họ Nguyễn vì không sinh cho Nghĩa đứa con để nối dõi tông đường. Với Hạnh dù khó khăn, gian khổ, sự mất mát hy sinh bao nhiêu đi chăng nữa thì Hạnh cũng có thể vượt qua được. Nhưng còn lời nguyền của dòng họ Nguyễn thì dường như xé nát tâm can Hạnh, một phụ nữ yếu mềm. Vào những đêm tối thì Hạnh linh cảm rằng “Sự lặng im triền miên như đang chờ đợi điều gì đó sắp xảy ra. Hạnh cảm nhận rõ sẽ có tai họa dội xuống đầu Hạnh. Từ ngày Hạnh được ở ngôi nhà mới này, dân làng Đông và người trong họ Nguyễn không còn đằm thắm như xưa. Hạnh khiếp sợ những ánh mắt lạnh lùng và những lời dị nghị: “Bà thiếu tá phu nhân họ Nguyễn bị điếc”. Cứ nghĩ đến những lời rủa cay độc ấy Hạnh lại thấy rã rời và chìm nghỉm trong ảo ảnh” [15;501]. Có thể nói rằng nhận thức lý trí cá nhân hay cái tôi cá nhân của một tầng lớp nông dân, luôn muốn áp đặt lên những suy nghĩ của người khác. Như một Nguyễn Vạn, anh lính Điện Biên cũng rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười khi vì lời nguyền dòng tộc mà Nguyễn Vạn đã không dám thổ lộ tình cảm với chị Nhân. Ở đây chúng ta thấy một điều là họ không thoát ra được tư tưởng phong kiến, nho giáo, những ràng buộc, khuôn phép của xã hội. Với “Bến không chồng” tác giả đã dám nhìn thẳng để phản ánh sự thật về nỗi đau bất hạnh của con người ở một ngôi làng Đông bé nhỏ nói riêng và các làng xã nông thôn Việt Nam nói chung. Như vậy, bi kịch được tác giả “Bến không chồng” dựng lên, đã tạo ra một điểm nhấn về giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Bằng tâm hồn, sự cảm thông của mình, Dương Hướng đã giúp cho các nhân vật của mình, những con người thực dám vượt ra khỏi định kiến của xã hội, những rào cản của hủ tục dòng họ để những tâm hồn đồng cảm đến với nhau. Với mong muốn hạnh phúc, xóa bỏ những hận thù. Đó chính là tình yêu của đôi trai giá hai dòng họ Nguyễn và Vũ qua tình yêu của Nghĩa với Hạnh. Chính chữ Tình của đôi trai gái này đã vượt ra khỏi được ranh giới áp đặt của cuộc sống. Một khát khao tự do mãnh liệt, tinh thần lạc quan để vượt qua khó khăn. Bằng tất cả tình yêu thương chân thành với những thân phận bất hạnh đã đem đến một sự thật về nỗi bất hạnh của con người khi phải gánh chịu nỗi oan. Tác giả đã tháo gỡ được oan tình cho Hạnh khi mà mọi người nói do lời nguyền của dòng họ Nguyễn nên Hạnh không có con. Đó là hình ảnh Hạnh ở cuối tác phẩm, Hạnh trở về với đứa con gái của mình, để chứng tỏ sự u mê của căn bệnh về dòng họ đã đem đến bất hạnh cho con người. Bi kịch về dòng tộc đã giết chết biết bao sinh mệnh con người, làm héo hon bao trái tim trai gái, trói buộc và kìm hãm tính tự do của con người. Có lẽ vì thế mà nhà văn kêu gọi tự do cho mọi người. CHƯƠNG 3: BI KỊCH TÌNH YÊU TRONG BẾN KHÔNG CHỒNG 3.1. Bi kịch tình yêu của nữ giới 3.1.1. Những quan niệm hẹp hòi về thân phận người phụ nữ Bức tranh làng Đông được nhà văn cảm nhận bằng tất cả tình cảm, tâm hồn của một người con của làng Đông, một người nghệ sĩ đa tài, được sinh ra từ vùng đất mang đầy khổ đau và bất hạnh từ chiến tranh. Đồng cảm với những số phận của người phụ nữ, nhà văn đã khéo léo khi khơi lại những bi kịch về nỗi đau và bất hạnh trong cuộc sống cũng như trong tình yêu. “Bến không chồng” là bức tranh tái hiện về làng Đông trong chiến tranh, dường như chữ “Bến” trong bến không chồng này là điểm bắt đầu và cũng là điểm kết thúc của tác phẩm. Lớp lớp đàn ông thanh niên đều ra trận, để lại một cái “Bến không chồng”. Dương Hướng khắc họa khá rõ nét về hình tượng người phu nữ, những tấm bi kịch đã bao phủ con người họ. Điều đặc biệt ở đây là tác giả muốn đưa nhân vật của mình vào những hoàn cảnh rất đời thường. Như vậy để đề cao nghị lực, tinh thần lạc quan của họ và vươn lên sống một cuộc sống mạnh mẽ. Ta bắt gặp số phận của những người phụ nữ bất hạnh trong tác phẩm là hình ảnh Chị Nhân (mẹ Hạnh), Hạnh, Dâu, Thắm, Thủy… Sự bất hạnh của người phụ nữ tên Nhân cũng chỉ vì tình yêu quê hương đất nước của mình mà chị đã phải gánh chịu sự đau khổ, cô đơn trong ngôi nhà vắng bóng đàn ông. Đó là những người thân yêu nhất của chị lần lượt ra đi theo tiếng gọi của tổ quốc ở miền đất lạnh trong chiến trường đẫm máu. “Chị thừa hiểu trong chiến tranh phải có sự hy sinh mất mát nhưng chị không ngờ chuyện mất mát lại đổ dồn cả lên đầu chị. Chị thấy cuộc đời chị cứ mất dần mất dần đi những người thân. Lúc đầu là chồng rồi đến thằng Hà đứa con trai của chị. Khi thằng Hà hy sinh, thôi thì chị vẫn còn thằng Hiệp. Bố nó và thằng Hà coi như gánh mọi rủi ro. Chị đinh ninh thằng Hiệp sẽ trở về với chị. Mọi hy vọng chị đều trông chờ vào đứa con trai duy nhất, ai ngờ thằng Hiệp cũng ra đi mãi mãi không bao giờ về nữa.” [15; 489]. Một tấm lòng cao cả, thiêng liêng của người mẹ, người vợ khi phải chịu đánh đổi những người thân của mình để bảo vệ tổ quốc. Tuy vậy, những bất hạnh trong cuộc đời chị không chỉ là chìm trong đau khổ mà chị còn là một người phụ nữ kiên cường, chị “đi từng nhà để vận động thanh niên lên đường nhập ngũ, an ủi các bà mẹ, các chị có chồng con đi chiến đấu” [15; 489]. Đó là một hình ảnh người phụ nữ cao đẹp, nhân hậu và kiên cường. Nỗi đau này của chị Nhân không chỉ dừng lại ở sự mất mát hy sinh mà đau đớn hơn đó là sự bất an và day dứt với chính bản thân mình. “Đêm chị nằm mơ thấy cả ba bố con nó dẫn nhau về oán trách. Chị nhìn vào mắt chồng, mắt hai đứa con cứ cháy rực lên. Chồng chị nói: “Mình là kẻ giết người là một người đàn bà ác độc! Tôi đã đi rồi sao mình không để cho các con được sống?”. Thằng Hà nói: “Bố và con đã đi rồi sao mẹ không để cho em con được sống?”. Thằng Hiệp nói: “Sao mẹ lại vui mừng khi con đi vào chỗ chết?” chị khiếp sợ hét lên: “Không! Tôi không phải là kẻ ác, tôi không muốn thế! Không phải tại tôi. Tất cả là do thằng Pháp thằng Mỹ. Tôi không phải là kẻ giết người. Tôi lạy mình hãy tha thứ cho tôi. Mẹ lạy các con hãy tha tội cho mẹ.” [15; 490]. Dòng độc thoại nội tâm của nhân vật chị Nhân cho chúng ta hiểu được nỗi ray rứt, sự đau khổ, bất hạnh luôn hằn sâu trong tâm thức. Nỗi đau đó ám ảnh và đi vào giấc mơ với một tâm trạng day dứt, hỗn loạn. Cùng nỗi đau như người mẹ của mình, thì Hạnh cũng là một nhân vật trung tâm thể hiện một cuộc đời với những thăng trầm cũng không kém nỗi đau của người mẹ. Những làn sóng đập dữ dội mà Hạnh phải chống chọi giữa biển khơi đó là những thử thách. Thử thách đầu tiên cho người con gái liễu yếu đào tơ đó là tình yêu của Hạnh với người con trai dòng họ Nguyễn, dòng họ có mối thù truyền kiếp từ lời nguyền của cụ tổ. Kế tiếp là phải xa chồng khi Nghĩa tham gia kháng chiến chống Mỹ. Cuối cùng là vì lời nguyền rằng Hạnh không có con mà Hạnh lại phải ly dị chồng để rồi phải rơi vào hoàn cảnh buông xuôi tất cả để đến với chú Vạn nhằm gỡ mối tơ lòng và mơ ước giản dị được làm mẹ. Đọc tác phẩm, ta xót xa cho những mảnh đời bất hạnh mà có thể nói đó là hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại. Sức nặng của giá trị nhân đạo phải chăng là ở chỗ đó. Ở “Bến không chồng” còn rất nhiều người phụ nữ, con gái có cùng cảnh ngộ như chị Nhân, Hạnh đó là: Dâu, Thắm, Thủy, mẹ Nghĩa…. Chiến tranh đã cướp đi niềm hạnh phúc giản dị nhất của cả một thế hệ, phụ nữ làng Đông. Hình ảnh người phụ nữ làng Đông hiện lên với một chân dung cao đẹp và một niềm thương cảm sâu sắc qua tâm hồn của nhà văn. Mặc dù mỗi số phận, mỗi hoàn cảnh của nỗi một người khác nhau, nhưng rõ ràng Dương Hướng đã bao quát được toàn cảnh về sự hy sinh, mất mát, cô đơn của người phụ nữ trong thời chiến. Vì nhà văn là người trở về từ cuộc chiến nên hiểu được bi kịch thương đau này là hậu quả của chiến tranh gây ra. Những số phận của người phụ nữ này là tâm điểm của ngòi bút chân thành mà nhà văn muốn ca ngợi về những người mẹ, người vợ, người yêu…Tạo nên một vẻ đẹp thanh cao, giàu đức hy sinh mà họ đã phải vượt qua sau những tháng ngày đau thương nhất của cuộc đời. Song, nét đẹp về bản chất trong người phụ nữ trở thành đòn bẩy, đẩy họ đến gần với nỗi đau đổ vỡ trong tình yêu. 3.1.2. Bi kịch tình yêu Tình yêu là đề tài khá quen thuộc trong thơ văn ở mọi thời đại. Phải chăng tình yêu là một cái vừa mới lạ, lại vừa quen thuộc chăng?.Đúng vậy, vì nó lạ và quen nên mọi người đều muốn tìm tòi và khám phá. Mà đặc biệt, các nghệ sỹ lại có một tâm hồn lãng mạn, giàu cảm xúc với thiên nhiên và con người. Tình yêu có muôn màu, muôn vẻ, là sự hòa hợp giữa thể xác và tâm hồn. Buồn có, vui có, đau khổ và chia ly luôn hiện hữu trong tình yêu. Nỗi thống khổ và sự mất mát của những người phụ nữ được đáp trả lại bằng sự khao khát tìm kiếm hạnh phúc, vì niềm khao khát này mà cuộc đời họ đã được mở ra với những tấm bi kich của sự đổ vỡ trong trái tim và một cuộc đời thầm lặng trong nỗi bất hạnh. Xoay quanh tác phẩm “Bến không chồng” ta thấy rằng sự bất hạnh và đau khổ trong tình yêu đã đến với người phụ nữ làng đông như: Hạnh, Thủy, Chị Nhân, Thắm và Dâu….. Tình yêu như một nguồn sống mãnh liệt của con người, có thể giúp họ vượt qua tất cả nhưng cũng có thể làm cho con người ta mất tất cả. Bi kịch trong tình yêu mãnh liệt nhất có thể kể đến là Hạnh. Là một người phụ nữ, Hạnh cũng như bao cô gái khác là mong được làm vợ, làm mẹ, nhưng cái mong muốn đó hình như quá xa với với Hạnh. Bởi lẽ do hoàn cảnh xã hội, những hủ tục của dòng họ đã gây ra biết bao nhiêu bất hạnh cho người phụ nữ. Hạnh chịu đựng những đau khổ, định kiến của dòng họ để đến với mối tình đã bén duyên từ thuở còn trẻ thơ. Như một định mệnh, Hạnh quyết tâm đến với bến bờ hạnh phúc theo tiếng gọi của con tim, bất chấp sự phản đối của dòng họ Nguyễn. Để có được điều đó, Hạnh phải đánh đổi cái quyền mà mỗi phụ nữ đều được có đó là những lời chúc phúc của những người thân trong gia đình, được gia đình tổ chức đám cưới với sự góp mặt của đông đảo bạn bè, anh em hàng xóm…Còn với Hạnh, ngày quan trọng trong cuộc đời người con gái là đám cưới thì “Đám cưới được tổ chức tại nhà kho của hợp tác xã. Như thể trêu tức hai họ, thanh niên trong chi đoàn cố tình tổ chức đám cưới rùm beng. Từ sáng sớm tụi trẻ đã lo trang trí phòng cưới thật lộng lẫy. Chúng lấy phông màn của đội văn nghệ và mang trống ra gõ ầm cả làng. Chi đoàn vận động quyên góp tiền mua bánh kẹo thuốc lá chu tất….Giữa tiếng hát tiếng cười của các bạn, Nghĩa và Hạnh phải cố giấu nỗi buồn” [15; 338). Đám cưới của đôi trai gái có nhiều nỗi buồn thầm kín, nhưng lại nói lên một tư tưởng mới của một tầng lớp thanh niên có lối suy nghĩ tích cực về tư tưởng mà nhà văn muốn nhắc tới nhằm nhấn mạnh tinh thần đoàn kết và lạc quan của thế hệ trẻ trẻ. Nối tiếp niềm vui trong ngày trọng đại của của sự đơm hoa kết trái trong tình yêu. Thì người đọc đã cảm thương cho số phận của cặp vợ chồng trẻ này, sau khi đám cưới tan họ không có điểm tựa để dừng chân, phải lang thang tìm chốn ngủ “Đám cưới tan, làng Đông chợt lặng đi. Cô dâu chú rể lại dắt nhau ra bờ sông. Một tay Nghĩa vẫn cắp cái phông xanh của đội văn nghệ, một tay nắm lấy bàn tay Hạnh. Tiếng pháo cưới vừa mới nổ giòn tan vậy mà cả Nghĩa và Hạnh vẫn bàng hoàng chưa tin hẳn mình đã trở thành vợ chồng. Ra đến bến Tình là hai đứa quên hết mọi lo phiền. Cũng chẳng còn nơi nào ngoài cái bến nước này. Cả thế giới không có cặp vợ chồng nào lại có đêm tân hôn như Hạnh với Nghĩa. Trời đầy sao, đêm se lạnh” [15; 340]. Một đám cưới mà không có sự tham gia của các bậc cha, mẹ, anh em dòng họ, họ sợ mang tiếng nên không ai dám đến. Lần đầu tiên làng Đông có đám cưới lạ, lạ hơn nữa là đêm tân hôn của đôi vợ chồng son diễn ra trong cảnh màn trời chiếu đất, đó là bến tình, bến đầy vẻ quyến rũ và là biểu tượng ủa làng Đông. Có thể nói rằng, nhà văn đã lấy bối cảnh không gian là bến Tình và thời gian là buổi đêm mà lại se lạnh, để nói lên một mối tình chân thật nhưng mang một nỗi buồn và cô đơn, lạnh lẽo của mái ấm gia đình. Phải chăng cuộc đời của cô gái như Hạnh đã được dự báo bằng tên của mình, Thứ nhất Hạnh là phẩm chất tốt đẹp của một người phụ nữ luôn được xem trong trong bốn chữ “Công – Dung – Ngôn – Hạnh”, thứ hai Hạnh theo từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê thì Hạnh là “Nết tốt của người phụ nữ “Thương vì hạnh, trọng vì tài Thúc ông thôi cũng đẹp lời phong ba” (Truyện Kiều) [29; 547]. Đồng thời cũng là điều mà tác giả phải băn khoăn, âu lo cho người con gái này là những phong ba bão táp sẽ đến với số phận bất hạnh của nhân vật này. Để rồi sự quan tâm, lo lắng cho người phụ nữ này cũng đã đến, đám cưới chưa được bao lâu thì Nghĩa lên đường nhập ngũ. Từ đây nỗi buồn, cô đơn lại ngập tràn trong tâm trạng của sự chờ đợi, những tháng ngày hy vọng luôn đan xen trong tâm hồn của Hạnh. Thiếu vắng Nghĩa, Hạnh đi trên bờ sông quen thuộc mà thường ngày Hạnh và Nghĩa vẫn quấn quýt bên nhau với niềm hạnh phúc ngập tràn. Hôm nay thì khác vẫn bờ sông ấy nhưng không có Nghĩa, Hạnh cảm thấy cô đơn trống trải đến vô cùng. Hình ảnh Hạnh hiện lên trong tâm trí người đọc là những nỗi buồn, sự khổ đau trong tình yêu hạnh phúc. Một cô gái trẻ cưới chồng chưa được bao lâu thì lại phải xa chồng. Vì sự xa cách chồng nên Hạnh chỉ biết trải lòng mình vào những việc làm như thêu gối đôi hạnh phúc mang một tình cảm chân thành từ tấm lòng người phụ nữ giành cho chồng ở phương xa qua ngòi bút của Dương Hướng “Mãi đến khi nghĩa đi, Hạnh mới kỳ công tự làm lấy chiếc gối đôi thêu bông hoa hồng và đôi chim, con bay con đậu. Hạnh tự nhận mình là con chim đậu chờ đợi con chim bay đi trở về. Chiếc gối đôi hạnh phúc đã thấm bao mồ hôi nước mắt của Hạnh, Hạnh đã giặt không biết bao nhiêu lần sờn cũ đi mà anh vẫnh cưa về. Chiếc gối khâu bằng vải pô – pơ – lin trằng, dài tới tám mươi phân, mỗi lần đem ra sông Đình giặt, Hạnh phải giấu không muốn ai nhìn thấy sợ người ta quở, Khi phơi Hạnh cũng mang ra tận vườn chuối để phơi cho đỡ chướng.” [15; 420]. Một nỗi đau tưởng như quặn lòng của người phụ nữ phải chịu đựng và gửi những giọt mồ hôi, nước mắt của mình vào chiếc gối với nỗi cô đơn, chờ đợi. Dù tình cảm của Hạnh có sâu nặng như thế nào đi chăng nữa thì cũng không được thể hiện ra bên ngoài, từ những việc nhỏ nhặt nhất cũng phải giấu kín “Hạnh phải giấu kín không muốn ai nhìn thấy, sợ người ta quở”, sợ rằng khi mọi người nhìn thấy những hành động, suy nghĩ của mình như vậy họ sẽ có một cái nhìn ghẻ lạnh. Bởi vì, họ cho rằng cả nước đang trong tâm trạng đánh giặc cứu nước thì không ai được nghĩ đến chuyện riêng tư, chỉ chú tâm việc bảo vệ và giữ gìn đất nước. Thật vậy, ta thấy rằng ở đây cái tôi cá nhân dường như không được thể hiện mà chỉ có cái ta chung. Dương Hướng đã dám nhìn thẳng vào số phận của người phụ nữ để nói lên tiếng nói, tâm trạng cá nhân về bức tranh hiện thực này“Bến vắng nỗi buồn ô liêu. Một tiếc nuối thoáng qua. Một thời xuân sắc và những phút ái ân với Nghĩa bỗng trỗi dậy. Đầu óc Hạnh căng ra rung lên ngây ngất trong hoang tưởng – Hạnh lao ra dòng nước mát lạnh sóng sánh bóng trăng. Cơ thể lâu ngày khô héo bỗng rạo rực ngập tràn hung phấn. Hạnh vùng vẫy, quẫy đạp trong mong muốn làm tình với nước….Hạnh hoảng loạn chới với cố nhoài lên bãi cát. Tay vẫn giữ khư khư bộ quần áo sung nước. Hạnh lao lên bến chạy dọc bờ sông. Hạnh chạy mãi chạy mãi…” [15; 447]. Hình ảnh của Hạnh hiện lên với một tâm trạng thiếu thốn về tinh thần, một khát khao theo đúng bản năng của con người. Từ những kỷ niệm về khoảng thời gian ngắn ngủi được hạnh phúc cháy bỏng khi còn bên nghĩa. Chiến tranh đã cướp đi niềm vui, hạnh phúc và trên hết là tước đoạt những nhu cầu tự nhiên nhất của bản năng con người. Hiểu được nỗi lòng của người phụ nữ, nhà văn đã biểu cảm một cách tinh tế và đầy cảm thông cho những người phụ nữ có chồng ở chiến trường nhưng không có tin tức gì, Hạnh nghĩ “Gía mà Nghĩa viết cho Hạnh một lá thư như anh chàng pháo thủ viết cho cái Thắm. Hay chỉ cần anh viết mỗi một câu: “Anh còn sống!” thế thôi cũng đủ sướng. Đã tám năm nay Hạnh nhận ra mình sống bằng những kỷ niệm với Nghĩa nhiều hơn là chờ đợi ở tương lai. Những hy vọng ngày một mỏng manh, dù mỏng manh vẫn hơn là tắt hẳn” [15;446]. Sự mong chờ của Hạnh chỉ là một lá thư, trong đó viết “Anh còn sống” thế là đã mang đến hạnh phúc và niềm an ủi cho Hạnh rồi, thế nhưng những hy vọng đó như ngọn đèn leo lét đang gần cạn dầu. Phải nói rằng tâm trạng của người phụ nữ khi xa chồng khó ai có thể hiểu được, và sự chịu đựng của họ là phi thường. Nỗi buồn, khổ đau đã lan tỏa khắp trong tâm hồn Hạnh khi mà nỗi đau cứ nối tiếp nỗi đau. Khi đọc tác phẩm chúng ta có lúc tưởng như là hạnh phúc đã đến với Hạnh sau bao năm đợi chờ chồng từ chiến trường trở về. Nhưng trớ trêu thay, niềm vui này không đến được với Hạnh. Khi một lần nữa Hạnh sững sờ biết chiến tranh lại một lần nữa cướp đi khả năng làm chồng, làm cha của Nghĩa. Hạnh hẫng hụt, tủi thân vào ngày Nghĩa trở về, đêm đó: “Nghĩa buông Hạnh ra như sợ hãi điều gì đó. Phút giây im lặng triền miên Hạnh thấy tủi thân khóc tấm tức” [15;469]. Ngày tháng trôi qua, Hạnh sống trong đau đớn và dằn vặt với chính bản thân mình, những đau khổ cứ kéo dài đã làm cho Hạnh gục ngã, điều mà làm cho Hạnh ngã quỵ chính là lúc Hạnh biết được bí mật về quan hệ của Nghĩa và Thủy. Trái tim của Hạnh dường ngư ngắt nhịp, “Mọi sự ào đến với Hạnh như một cơn lốc cuốn phăng mọi thứ. Hạnh không còn gì hết, mất hết tất cả, chỉ còn lại thân xác vật vờ trôi giữa dòng xoáy” [15; 530]. Dù cho thân xác mình phải chấp nhận sự thật này và vật vã với những đau khổ, nhưng vì Hạnh là một phụ nữ giàu đức hy sinh, nên Hạnh đã âm thầm nén chịu mọi nỗi đau bất hạnh. Hạnh chỉ biết “giấu kín điều bí mật về mối quan hệ giữa Nghĩa với cô bác sỹ ở bệnh viện tỉnh…Hạnh đã hiểu rõ mọi chuyện, Hạnh không oán trách ai, chỉ xót xa cho thân phận mình.” [15; 534]. Một phụ nữ có bản chất lương thiện như vậy chính là nhân vật điển hình cho cái tâm, nhân văn của nhà văn. Cuối cùng kết quả của một tình yêu mà dám vượt qua sự đau đớn, nhục nhã và định kiến của gia đình là sự chia tay với Nghĩa, Hạnh muốn hy sinh hạnh phúc của mình để mang hạnh phúc tới cho người khác. Nhưng cũng vì tình yêu với Nghĩa là quá lớn nên Hạnh cảm thấy hoang mang, Hạnh bỗng trở thành con người khác hoàn toàn, không dịu dàng như xưa, không chịu đựng mà tỏ vẻ khó tính hơn rất nhiều. Nhưng đêm về lại ôm gối khóc thầm, nỗi đau làm cho người phụ nữ hiền hậu, chất phác trở nên cáu gắt, cộc cằn.“Hạnh lao vào công việc đồng áng, gia đình cho quên mọi chuyện…” [15; 537]. Tình yêu là ngọn lửa của mái ấm gia đình nhưng cũng là ngọn nguồn của sự đau khổ. Một khi nó đã không còn nguyên vẹn thì con người ta thường rơi vào trạng thái bất an, luôn mất cân bằng về tâm lý. Có thể nói, bi kịch tình yêu của Hạnh như là một định mệnh khéo trêu đùa với cuộc đời Hạnh. Một số phận đầy nỗi đau và bất hạnh từ cuộc sống cũng như trong tình cảm riêng tư. “Bến không chồng” nói lên nỗi đau chung của người phụ nữ. Trong tác phẩm hiện lên một bức tranh chân thực về bến Tình, là nơi hẹn hò của thanh niên làng Đông, hơn nữa còn là nơi để các cô gái trút bỏ gánh nặng của cuộc đời những con người khắc khổ. Bên cạnh hình ảnh Hạnh trong “Bến không chồng” còn có “Thủy, mẹ Hạnh, Thắm, Dâu….Họ cũng khao khát được có một tình yêu lãng mạn và chân thành nhưng đó cũng chỉ là mơ ước. Chị Nhân, một phụ nữ ở phải chịu nỗi đau mất chồng, mất con, thế mà những mơ ước hạnh phúc dù chỉ là ngắn ngủi thôi để vơi đi sự cô đơn, trống vắng trong tâm hồn cũng không dám sống thực với lòng mình. Chị Nhân và Nguyễn Vạn có tình cảm với nhau, một thứ tình cảm không đơn thuần như những cuộc tình của Hạnh và Nghĩa, Thắm với anh pháo thủ. Mà là sự đồng cảm của hai tâm hồn cùng chịu những biến cố của cuộc đời, họ cùng cô đơn nên họ dễ cảm thông với nhau. Tưởng rằng họ sẽ có được tình cảm này để bù đắp lỗ hổng của tâm hồn, nhưng éo le thay tình cảm chân thành này đã không phát ra tín hiệu của tình yêu, theo đúng tiếng gọi của con tim họ. Điều đáng nói là Tình yêu của họ bị ngăn cách bằng những lời nguyền của cụ tổ họ Nguyễn “Nước sông Đình ngàn năm không cạn – Cầu đá bạc vạn kiếp trơ trơ – Bến Tình còn đẹp còn mơ – Mối thù họ vũ bao giờ mới nguôi” [15; 247). Lời nguyền còn đó,nên họ không thể đến với nhau. Hơn thế nữa, chị Nhân là người đàn bà thủy chung nên chị không vượt qua được lương tâm của mình. Tuy họ không đến được với nhau nhưng tình cảm của họ luôn dành cho nhau. Thể hiện bằng hành động chú Vạn mang cá rô đến cho chị Nhân hôm trời mưa. Lúc này chị Nhân cảm nhận được tình cảm của chú Vạn, chị đã biểu hiện những cử chỉ e ấp như một thiếu nữ. Có lúc chị “Đứng nhìn chú Vạn ngon giấc, chị Nhân thấy mình rạo rực và ngượng ngập với ý nghĩ tội lỗi của mình. Chị cứ đứng lặng trong đêm và nghe rõ tiếng tim mình đập mạnh. Chị ngồi xuống giường run rẩy nắm chặt lấy bàn tay chú Vạn. Chị thấy chị không còn là chị - chị là người đàn bà xấu xa vô cùng, toàn thân chị run rẩy ôm xiết chú Vạn.”[15; 341]). Nhưng rồi cái cảm xúc của bản năng cũng phải dừng lại bởi những định kiến của xã hội, dòng họ. Một tình cảm mà đáng lẽ phải có được nhưng ở thời kỳ này còn nặng mùi phong kiến vì thế chị đã không có được tình yêu trong lúc giường đơn, gối chiếc một mình. Ở “Bến không chồng” không chỉ có Hạnh, chị Nhân phải chịu bi kịch trong tình cảm nam nữ, mà ngay cả cô bác sỹ ở huyện tên là Thủy cũng phải chịu một căn bệnh trong chữ tình này. Thủy đã đem lòng thương thầm nhớ trộm Nghĩa từ lần Nghĩa về phép cùng anh Biền anh trai của Thủy. Một mối tình mà cô bác sỹ xinh đẹp, nhân hậu này đã biết trước kết cục, vậy mà vẫn không ngăn nổi con tim mình đập dồn dập khi lần thứ hai Nghĩa qua nhà thăm anh Biền. “Thủy muốn gạt bỏ mọi ý nghĩ về Nghĩa nhưng hình ảnh anh cứ hiện lên rõ mồn một. Không hiểu sao cái buổi tối đầu tiên gặp Nghĩa mà cô lại hôn được anh thì cũng thật kỳ lạ. Cái hôn ấy tuy không có cảm xúc dục vọng, không phải cái hôn của tình yêu, giống như thứ hương thơm thoảng bay trong gió. Rồi không hiểu sao càng về sau này, những lúc cô đơn Thủy lại chợt nhớ đến cái hôn đó. Nhất là lúc này, Thủy lại cảm nhận thấy cặp môi của anh vẫn sống động trên môi Thủy. Thủy không hề lừa dối lòng là cô đang khao khát được hôn anh như ngày xưa”[15; 451]). Một tình yêu mà Thủy không hề nghĩ đến sự hơn thiệt, mất mát. Để chứng tỏ tình cảm của mình chỉ dành cho Nghĩa thì Thủy đã không ngần ngại khi cho Nghĩa cái quý giá nhất của người con gái. Một sự hiến dâng mà không cần đối phương phải có trách nhiệm, đó cũng chỉ vì tình yêu. Mặc dù Thủy biết rằng Nghĩa đã có vợ ở quê nhưng trái tim của tình yêu lại không dừng lại được mà Thủy chị tự hứa với lòng mình là “Ta nguyện thề không bao giờ làm tổn thương đến tình cảm của anh với người vợ yêu quý ở làng Đông của anh…” [15; 519]. Nhưng ngờ đâu, dòng đời đưa đẩy. Nghĩa chia tay với Hạnh và đến với Thủy. Thủy nhanh chóng chấp nhận tình yêu của anh. Cũng chính từ đây với công việc là bác sỹ của mình thì Thủy đã đau đớn khi biết được sự thật đau lòng là Nghĩa không có con. Từ đây vì tình yêu và muốn giữ gìn mái ấm gia đình nên Thủy đã dấu Nghĩa chuyện Nghĩa không có con. Một mình Thủy âm thầm chịu đựng và chịu tủi nhục khi Thủy tự dối lòng mình để ra ngoài tìm con cho Nghĩa. “Nỗi tủi nhục đau đớn nhói lên trong lòng Thủy. Bỗng dưng Thủy lại biến mình thành con đĩ – con đĩ không cần tiền. Thế mới biết làm đĩ cũng cực thật” [15;556] Nhà văn đã mang nhân vật của mình vào những khung cảnh oái ăm nhằm so sánh với những người con gái lầm đường lỡ bước hay những nỗi khổ riêng mà họ phải đi làm gái bán hoa. Phải hiểu được hoàn cảnh thì mới dễ thông cảm với họ. Vì vậy chúng ta phải nhìn nhận vấn đề theo hoàn cảnh để hiểu họ hơn. Ở đây chúng ta thấy rằng vì hạnh phúc gia đình, Thủy đã hy sinh bản thân mình để mang niềm vui đến cho Người mình yêu. Trong khoảng thời gian này Thủy đã phải tìm mọi cách để cho Nghĩa không phải chấp nhận tấm bi kịch khi bị tước mất quyền làm cha của mình. Nhưng mọi cố gắng của Thủy đều không thể phủ kín được sự thật đó. Có thể nói rằng khi viết nhà văn đã phải trăn trở, cảm nhận được nỗi đau của người làm mẹ, làm vợ. Họ luôn có một khát khao được làm mẹ, làm vợ để mang hạnh phúc đến với những người mình thương yêu nhất. Hình ảnh Thủy đã tỏ rõ ý tác giả muốn gợi lên giá trị của con người trong cuộc sống cần phải sống chân thành với gia đình, luôn giữ vững chữ tâm để mong cứu vãn hạnh phúc cho gia đình. Bất hạnh thay đây đều là hậu quả của chiến tranh mà họ phải chụi đựng và gồng gánh để vượt qua. Nỗi đau của chiến còn để lại cho những cô gái khác ở làng Đông như Cúc, Thắm, Dâu…Họ đều là những người bất hạnh khi không có được hạnh phúc riêng cho mình. Như Cúc yêu anh Thành nhưng vì chiến tranh đã phá hủy đi gương mặt và thân thể anh cho nên Cúc đã trả trầu. Và sau này thì phải chấp nhận làm vợ lẽ người ta. Một sự bất hạnh đối với người con gái như Cúc. Còn Dâu thì cũng không được may mắn hơn gì so với Cúc. Dâu yêu Hiệp, Hiệp cũng vào chiến trường theo nhiệt huyết của tiếng gọi bảo vệ tổ quốc. Và phải nằm lại nơi chiến trường để lại người thương yêu ở quê nhà…. Qua các nhân vật như Hạnh, Thủy, chị Nhân, Cúc, Dâu, Thắm… ta cảm thông cho nỗi đau, những tấm bi kịch trong tình yêu mà cả một thế hệ phụ nữ làng Đông phải gánh chịu. Nhà văn Dương Hướng đã khắc họa những hình ảnh người phụ nữ làng Đông kiên cường, luôn vượt qua mọi thử thách, rào cản để đến với hạnh phúc. Họ luôn trân trọng và khát khao hạnh phúc. Tình cảm mà nhà văn gưỉ gắm vào những người phụ nữ làng Đông là luôn chia sẻ nỗi cô đơn cùng họ khi không khí đau thương đang bao trùm lên bức tranh làng Đông. 3.2. Bi kịch tình yêu của nam giới 3.2.1. Sự khắc nghiệt của hoàn cảnh xã hội Văn xuôi Việt Nam trước những năm đổi mới hiện lên với dáng vẻ của một lối tư tưởng bảo thủ, lạc hậu, khuôn phép định kiến trong xã hội. Với lối tư tưởng này họ xem đó là sứ mệnh của lịch sử đang giao cho họ, một trọng trách quá lớn, quá sức của họ mà nhiệm vụ này họ lại không thể giao cho một ai khác. Ở đây, hiện lên những hình ảnh con người nông thôn qua cuộc đời bi kịch và đau khổ do bản thân họ áp đặt lên. Những tư tưởng này, chỉ được bộc lộ qua ngòi bút nhạy cảm về cuộc sống của các nghệ sĩ viết về đề tài con người nông thôn và chiến tranh sau đổi mới 1986. Khuôn phép bảo thủ, lạc hậu của xã hội được nhà văn Dương Hướng đề cập đến trong tác phẩm, nó như là nguyên nhân trực tiếp gây ra những cuộc tình không bến bờ hạnh phúc của người lính trở về sau cuộc chiến tranh, để hòa nhập với cuộc sống đời thường. Dường như tác giả muốn đưa họ ra khỏi thế giới áp đặt, với nhận thức lạc hậu, sai lầm trong khát khao hạnh phúc của con người cá nhân. Ở một góc nhìn của người dân làng Đông thì Nguyễn Vạn là người anh hùng trong trận mạc với những tấm huy chương lung linh lấp lánh. Vạn là niềm kiêu hãnh của dân làng, dòng tộc, hay người lính cụ Hồ. Nhưng cũng chính điều này đã soi chiếu sự khắt khe, bảo thủ của xã hội, dòng tộc tạo ra bi kịch trong cuộc đời Vạn. Xét ở bình diện cá nhân thì sự khắt khe khi tìm kiếm hạnh phúc của Nguyễn Vạn là do môi trường quân ngũ, nơi rèn luyện, đào tạo những con ngươi có một lối sống, cách suy nghĩ rất kiên định về quân lệnh và chuẩn mực đạo đức. Từ đó, khi trở về với cuộc sống đời thường việc thay đổi cách sống, cách nghĩ là vấn đề khó khăn đối với Vạn. Nguyễn Vạn cứ mãi ôm trong mình những quá khứ chói sáng mà không thể bước ra được. Ánh mắt Vạn luôn nói cho mọi người biết được niềm kiêu hãnh, danh dự là quan trọng nhất và chiến đấu là mục tiêu quyết định. Bởi thế, khi Nguyễn Vạn đã lấy danh dự làm điều quan trọng theo một lối tư tương khép kín thì làm sao anh có thể biểu hiện tình cảm của mình với chị Nhân. Nếu có thể đem ra lựa chọn thì chắc chắn Nguyễn Vạn sẽ chọn danh dự của mình mà đành chon đi tình cảm riêng tư. Chính vì danh dự nên các tập tục trong dòng họ đã đặt lên vai người lính Điện Biên, khiến cho Vạn phải nghiêng theo chiều gió của gia tộc. Áp lực của dòng họ và xã hội mà Vạn đã không thể vượt qua ranh giới giai cấp để đến với chị Hơn, cũng không thể bước qua lời nguyền của cụ tổ với dòng họ Vũ là chị Nhân, Vạn luôn giữ cho lý trí vững vàng “Vạn thấy cần phải giữ mình giống như những cô gái giữ tiết hạnh vậy” [15;455]. Có lúc Vạn cũng chao đảo giữa cảm giác tình cảm, nhưng rồi lại không dám bước qua ranh giới của chữ tình vì bản thân Vạn nghĩ mình phải làm gương cho kẻ khác, cho nên đây là một trong những nhân tố gây ra bi kịch trong tình yêu của Nguyễn Vạn. Cùng với những hủ tục của dòng họ, xã hội là sự phân chia ranh giới quá rạch ròi giữa lý trí và tình cảm đã khiến Vạn cảm thấy hối tiếc khi cái tuổi đã xế chiều, lúc này đây Vạn mới nghĩ cho bản thân mình. Để rồi khi một sự mãnh liệt khi hạnh mang đến cho cuộc đời Vạn, một cảm nhận xưa nay chưa từng có trong con người cô độc. Tưởng chừng như hạnh phúc đã toại nguyện cho một con người cô đơn. Ấy thế mà cũng chính vì lần này mà những tư tưởng, nỗi niềm ân hận lại khiến Nguyễn Vạn day dứt với bản thân mình ngày một cao hơn. Suy cho cùng thì danh dự của một người lính trong tâm thức của Vạn vẫn ngự trị, cho nên Vạn cảm thấy nhục nhã, xấu hổ trước hành động mất lý trí của mình. Bởi vậy, hành động nhảy sông tự tử để trốn chạy hiện thực, trốn chạy xã hội, tạo nên sự xót xa cho người đọc, cho một thế hệ với lối tư tưởng lạc hậu nhằm tìm sự hóa giải của một ý thức bảo thủ. Song song với một tình yêu không thoát khỏi những định kiến của xã hội như Nguyễn Vạn. Thì Nghĩa lại là hình tượng nhân vật mà tác giả đã xây dựng lên để đại diện cho một hệ tư tưởng tiến bộ của tầng lớp thanh niên, dám bước qua lời nguyền. Để tìm kiếm hạnh phúc cho đời mình, đây chính là điều mới mẻ mà nhà văn Dương Dướng muốn làm rõ, qua bức tranh về con người ở nông thôn làng Đông. Có thể thấy sự đối lập giữa tư tưởng cũ và tư tưởng mới, hệ tư tương mới là Nghĩa dám bước qua mọi hủ tục của dòng họ, định kiến của xã hội để góp phần xây dựng làng Đông ngày càng mới, Nghĩa dám phá ngôi từ đường cũ của dòng họ Nguyễn xây theo một hướng mới. Chứng tỏ rằng, sự nhận thức xưa nay là bảo thủ, hệ lụy khi không tạo cơ hội phát triển và làm mới mình. Hệ tư tưởng cũ thì sao? Đại diện là Nguyễn Vạn,Vạn có dám bước qua lời nguyền và định kiến của xã hội không? Qủa là không thể, vì nếu Nguyễn Vạn mà thay đổi được lối suy nghĩ của mình thì sẽ không tìm đến cái chết để giải thoát mình. Chúng ta cũng không nên đưa nhân vật Vạn ra để suy xét vấn đề ràng buộc của xã hội. Mà ngay cả con người đại điện cho tư tưởng mới như Nghĩa cũng có lúc theo quan điểm của dòng tộc là phải có con để nối dõi tông đường. Đó chính là sự ly hôn với Hạnh để thỏa mãn ước nguyện của gia đình, dòng tộc trong sự chỉ dạy của ông cha ta để lại. Vậy từ những tư tưởng trên cho thấy rằng nhà văn một phần muốn đưa ra những suy nghĩ và nhận định về những băn khoăn của mình trong hệ tư tưởng bảo thủ, kiên định. Dương Hướng mong muốn mỗi người thể hiện cái tôi cá nhân của mình, chỉ có như thế mới có thể nắm giữ hạnh phúc cho chính mình, đồng thời Dương Hướng cũng không muốn đánh mất bản chất truyền thống về những lời dạy của ông cha ta để lại, đó chính là sự kế thừa và phát huy những nền tảng mới cho một thế hệ trẻ trong tương lai. 3.2.2. Bi kịch tình yêu thời chiến Hầu hết ở mọi thời đại trong xã hội, tình yêu luôn là một chủ đề thể hiện tình cảm, cảm xúc riêng tư theo bản năng con người. Những cuộc tình mang hương vị ngọt ngào nhưng cũng không kém phần lâm ly bi đát cũng chỉ vì chữ “Tình”, Ronsard đã từng nói: “Trên đời chỉ có một việc đáng nói là tình yêu vì nó là mầm mống của suy tưởng và là nguyên nhân của đau khổ [10]. Ở “Bến không chồng” độc giả thấy được những cuộc tình éo le của những số phận đắng cay, người phụ nữ ở làng Đông cho thấy những mất mát, bất hạnh. Còn người đàn ông bước ra từ cuộc chiến cũng đau khổ không kém, họ có những nỗi đau về thể xác và nỗi đau về tinh thần. Bi kịch trong tình yêu của nam giới trong câu chuyện của nhà nhà văn liên tưởng là chuyện tình của Nguyễn Vạn. Người đàn ông trở về từ chiến trường Điện Biên trong cuộc kháng chiến chống pháp. Cuộc đời của Nguyễn Vạn gắn với biết bao khổ đau, dù vậy anh phải âm thầm kìm nén cái bản năng tự nhiên của một người đàn ông.Tại sao Nguyễn Vạn phải tự mình làm đau mình như vậy? Tại sao Nguyễn Vạn không đi theo tiếng gọi của con tim? Chính vì Nguyễn Vạn là người luôn trung thành với Tổ quốc, một ngườI lính cụ Hồ. Trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng của cuộc chiến tranh thì những người lính cụ Hồ đâu dám nghĩ đến chuyện riêng tư cho cá nhân mà chỉ nghĩ cho cuộc chiến đấu đầy nguy hiểm để bảo vệ đất nước. Nhưng vấn đề chính làm cho Nguyễn Vạn không dám bộc lộ tình cảm của mình,đó là những lời nguyền của cụ tổ dòng họ Nguyễn, những định kiến của một xã hội đang âm ỉ tư tưởng của xã hội phong kiến lấn chiếm. Vạn luôn lo sợ,“Từ hôm về làng, nay mới là ngày chính thức Vạn ra mắt trước họ Nguyễn. Vạn lo mỗi điều lỡ ai trong họ lại hỏi về quan hệ của mình với gia đình chị Nhân. Chuyện này thì Vạn cũng không hiểu nổi chính lòng mình, Vạn thương lũ trẻ, thương con Hạnh hay thương mẹ của chúng?......Lời của dòng họ Nguyễn đã dẫn đến không ít những bi kịch.”[15; 290]. Điều này chính là nguyên nhân làm Vạn trăn trở và không dám đến với một tình cảm thiêng liêng đang cháy trong tim mình. Vạn cũng có khát khao như bao nhiêu người đàn ông khác, muốn có hạnh phúc nhưng rồi lại phải giữ vững lòng mình “Vạn run run đưa tay nắm lấy bàn tay con Hạnh – Chú đây ũng có thời yêu mẹ cháu. Nếu như chú mà không vững vàng giữ mình thì bây giờ cũng đã mất mát hết cả - Chú hèn lắm! – Hạnh nói – Chú là người không có tim” [15; 330]. Vạn không phải là người không có tim những bức xúc nhất thời trong câu nói của Hạnh, mà ở đây Dương Hướng đã nêu lên được một con người luôn có tư tưởng kiên định, luôn nhẫn nhịn chụi đựng đau khổ để mang sự bình yên và hạnh phúc cho người khác. Một vẻ đẹp cao thượng đầy tính nhân văn sâu sắc về bản chất của con người. Một Nguyễn Vạn luôn gạt bỏ những dục vọng của bản thân mình để giữ gìn, bảo vệ danh dự. Điều này toát lên một con người trong sáng, đầy lòng kiêu hãnh. “Từ cái hôm mang cá rô về đây, Vạn thấy bứt rứt như có lỗi với con Hạnh. May mà chưa xảy ra chuyện gì. Cũng chỉ tại mấy con cá rô. Vạn thấy cần phải giữ mình giống như những cô gái giữ tiết hạnh vậy. Gữa hai người đàn bà, chị Nhân và mụ Hơn thì chị Nhân là thứ trái cấm nguy hiểm, còn mụ Hơn như một loài hoa có mùi hương quyến rũ đáng sợ như độc dược. Vạn không cho phép mình sa ngã để làm gương cho kẻ khác” [15; 455-456]. Cuộc sống luôn khép mình, giữ cho bản thân trong sạch là nguyên nhân sâu xa của bi kịch trong tình yêu của Nguyễn Vạn. Bản thân Vạn trong suốt 30 năm quên mình, không dám mơ đến tổ ấm gia đình “Cả đời Vạn đã có một mối tình nào đâu mà biết nỗi buồn và niềm vui lạc thú của tình yêu” [15; 482]. Qủa thật,một đời trai trẻ của Nguyễn Vạn cho đến khi về già mà vẫn chưa biết được mùi vị của tình yêu, thấy thương cho một tâm hồn đẹp và cao thượng như mọi người nhưng lại không có được hạnh phúc. Mãi cho tới khi hành động xé rào của nhà văn qua nhân vật Hạnh. THì lúc này Vạn mới có được cảm giác mà xưa nay chưa từng có. Vì từ trước đến nay Vạn luôn xem, điều đó như một trái cấm bất khả xâm phạm,“Nguyễn Vạn bàng hoàng cả người không hiểu mình mơ hay tỉnh. Men rượu vẫn nung nóng trái tim cô đơn làm tâm trí Vạn quay cuồng. Da thịt đàn bà nần nẫn trong vòng tay và hơi thở đầy dục vọng phả vào mặt Vạn. Sự ham muốn của Nguyễn Vạn lần này còn mãnh liệt hơn lần Vạn chạm vào ngực mụ Hơn….Lần đầu tiên trong đời Vạn thấy sung sướng cực độ và quên hẳn mình” [15; 550 -551]. Dường như, cuộc đời Vạn đã phải gánh chịu những đau khổ trong tình cảm, anh cô đơn và thiếu thốn về mọi mặt. Bởi thế khi gặp hoàn cảnh này như diều gặp gió, đây cũng là lần mà cái bản năng của Vạn đã bước sang một ranh rới khác hoàn toàn. Và sự chung đụng với Hạnh đã khiến cho Vạn mặc cảm, đầy tội lỗi “Qua cái đêm giông bão của cuộc đời, Nguyễn Vạn không còn dám nhìn vào bất cứ ai ở làng Đông, Vạn thấy xấu hổ với cả những đức trẻ con bé tý teo…Nhục! Nhục nhã quá! Tồi tệ hơn cả lão Xung và mụ Hơn. Vậy mà bao nhiêu năm nay, trong suốt cả cuộc đời, Vạn cứ đinh ninh tin tưởng vào phẩm giá của mình. Thế là hết! Vạn tưởng tượng rõ thấy mình là kẻ khốn nạn, sa đọa, hủy hoại cả cuộc đời tiết hạnh của Hạnh” [15; 552]. Chúng ta thử đứng vào tâm trạng của Nguyễn Vạn để đi sâu tìm hiểu con người cô đơn này hơn. Trạng thái Nguyễn Vạn dường như lâm vào trạng thái cực đoan. Bởi lẽ, Vạn luôn là người rất mẫu mực, kiêu hãnh với đời. Cho nên Vạn đã nghỉ quẩn rồi tìm đến cái chết để giải thoát mình khỏi ánh nhìn của xã hội này. Bi kịch của cuộc đời Nguyễn Vạn như chạm vào sự đồng cảm, chia sẻ với đồng đội của nhà văn Dương Hướng. Tác giả đã miêu tả được bi kịch trong tình yêu của một người luôn khát khao có tình yêu nhưng lại không dám đánh mất hình tượng lính cụ Hồ, hình tượng trong dòng tộc, không dám sống là mình, vì mình. Bi kịch càng đớn đau hơn. “Bến không chồng” không chỉ dừng lại ở việc miêu tả người lính Điện Biên Nguyễn Vạn. Mà bên cạnh đó Dương Hướng còn miêu tả hình tượng người lính trong kháng chiến chống Mỹ như Nghĩa, Thành…Họ đều phải gánh chịu hậu quả từ sau cuộc chiến đó là di chứng của chiến tranh. Hình tượng Nghĩa được nhà văn khắc họa ngay từ đầu khi bước vào tác phẩm. Một cậu trưởng nam của dòng họ Nguyễn, luôn được mọi người kính nể bởi cái chức trưởng nam, cũng vì cái chức trưởng nam này mà đã đem đến cho Nghĩa những cuộc đấu tranh tư tưởng với chính bản thân mình và dòng họ. Bắt đầu trong chuỗi đau khổ của Nghĩa là đã đem lòng yêu Hạnh cô con gái của dòng họ Vũ. Dòng họ mà cụ tổ đã khắc ghi lời nguyền truyền kiếp: “Nước sông Đình ngàn năm không cạn Cầu đá bạc vạn kiếp trơ trơ Bến tình còn đẹp còn mơ Mối thù họ Vũ bao giờ mới nguôi”. Vì vậy, khi có ý định cưới Hạnh thì gia đình phản đối kịch liệt do lời nguyền vẫn còn đó. Nghĩa vô cùng buồn tuỉ cho số phận của người con gái mà mình yêu. Nên bằng bản lĩnh của một thanh niên có ý chí mạnh mẽ, bằng sức mạnh của tình yêu mà Nghĩa đã vượt qua sự ngăn cản của gia đình và dòng họ để cưới Hạnh làm vợ, điều này cho thấy hình ảnh của Nghĩa như là một người đại diện cho một thế hệ thanh niên mới đang vượt ra khỏi những hủ tục xưa mà nhà văn đã xây dựng. Đồng thời sự kiện này cũng đã dẫn đến bi kịch tình yêu của cậu trưởng nam dòng họ Nguyễn, khi mà bao nhiêu năm ở chiến trường về đoàn tù với gia đình thì bị những người trong dòng họ luôn lăm le về chuyện tình cảm riêng tư của Nghĩa. Đó là họ nói rằng do Nghĩa lấy Hạnh nên đã bị lời Nguyền báo ứng và sẽ không có con. Nghĩa rất buồn vì những lời này, từ lời nói của mọi người mà dẫn đến sự chia ly của Nghĩa và Hạnh. Nghĩa rất đau lòng khi Hạnh nói chúng ta ly dị, lúc này đây anh rất đau, không hiểu vì lý do gì mà Hạnh lại quyết định như vậy. Vì tình yêu của Nghĩa và Hạnh đã vượt qua bao nhiêu ngăn sông vách núi….Thế mà giờ đây “Nghĩa sững sờ khi nghe Hạnh gắt lên, phóng tia mắt rực lửa vào mắt anh…-Hạnh, em điên rồi sao? – Nghĩa thốt lên – Vì lẽ gì bỗng dưng em lại có ý nghĩ kỳ quặc vậy? Chả lẽ em đã quên hết mọi kỷ niệm tốt đẹp của chúng ta?” [15; 542]. Nghĩa thấy khó hiểu khi người vợ mà mình luôn hết mực thương yêu, giờ đây lại không muốn cùng mình bước tiếp trên con đường đã chọn. Qủa thật Nghĩa không hiểu chuyện gì đã đến, nguyên nhân do đâu? Nghĩa đâu có hay biết về chuyện Hạnh đã biết được mối quan hệ của Nghĩa với cô bác sỹ ở huyện. Thêm vào đó là những lời nguyền rủa của dòng họ mà Hạnh đã đau khổ để hy sinh hạnh phúc cho Nghĩa. Một kết quả không như mong đợi của một cuộc tình đẹp, lãng mạn và có phần mạnh bạo. Không lâu sau đó Nghĩa cũng nhanh chóng đến với Thủy mong tìm được niềm vui và hạnh phúc khi được làm cha. Dường như hạnh phúc nhỏ nhoi là được làm cha của Nghĩa không có được do hậu quả của cuộc chiến tranh để lại. Giờ đây, Nghĩa mới cảm thấy có tội lỗi với cả hai người phụ nữ. Bất hạnh này của Nghĩa khi không tìm được hạnh phúc bên cạnh hai người phụ nữ, phải chăng đây là bi kịch trong tình yêu mang nhiều đau khổ nhất với một người lính, một người đàn ông luôn khao khát được niềm hạnh phúc, quyền làm cha. Trong số những người đàn ông ở làng Đông như Nghĩa, Vạn còn có những người trong hoàn cảnh khổ về thể xác lẫn tinh thân như Thành. Thành cũng là một trong những người bất hạnh trong cuộc sống, cuộc chiến đã để lại vết thương bên ngoài lẫn bên trong tâm hồn anh. Chỉ vì chiến tranh đã để lại trên khuôn mặt biến dạng, thân thể xù xì làm cho mọi người không còn nhận ra anh Thành ngày xưa nữa, bởi thế mà một tình yêu đã hứa hôn và ấp ủ bao lâu nay đã dự báo không có kết quả như mong đợi. Đó là Cúc đã trả trầu cho anh Thanh vì không thể chấp nhận sự thật khi đối mặt với khuôn mặt biến dạng của anh Thành. Anh đã đau khổ khi phải chịu sự đau khổ chỉ vì cuộc chiến tranh đã cướp đi hạnh phúc riêng của đời trai tráng, một khát khao làm chồng đã vuột khỏi tầm tay khi hoàn cảnh của chiến tranh tạo nên thật đau lòng cho một thân phận đáng được hạnh phúc nhưng lại không được hạnh phúc. Dương Hướng đã đi vào tâm hồn cá nhân của người đàn ông có cùng cảnh ngộ khi tham gia cuộc kháng chiến như nhà văn, nội tâm về tình cảm của mỗi người đều có mỗi nỗi khổ riêng hoàn cảnh riêng, do lịch sử, tư tưởng của con người tạo nên bi kịch tình cảm đau lòng với người đàn ông ở “Bến không chồng”. Một tiếng nói nghẹn ngào thay cho những tâm sự người đàn ông có phẩm chất, tâm hồn cao thượng, sự hy sinh của người lính mà không được hạnh phúc cho riêng mình. 3.3. Triết lý của tác giả về thân phận tình yêu trong “Bến không chồng” Bối cảnh lịch sử - xã hội của nước ta trước những năm 1975 đã chịu ảnh hưởng nhiều mặt, đó là do cuộc chiến tranh khốc liệt cùng với một lối tư tưởng còn một sự áp đặt. Mà mục tiêu cuả người chiến sĩ cách mạng là toàn tâm toàn lực hướng về Tổ quốc, do đó văn học thời chiến luôn ca ngợi tinh thần chiến đấu và những hiến công oanh liệt của người chiến sĩ cách mạng. Còn tình cảm của họ thì gắn liền với cộng đồng, Tổ quốc, không suy nghĩ cho tình cảm riêng tư của cá nhân. Vì vậy, tiểu thuyết trước 1975 thường không được đề cập đến đời sống riêng tư, tình cảm cá nhân, nhất là bản năng tự nhiên của cá nhân lại càng bị cấm kị.Từ đây người đọc có thể thấy được tư tưởng khát khao thể hiện cái tôi cá nhân của mình cần được biểu hiện. Sau 1975, chiến tranh kết thúc, chúng ta có thời gian để nhìn lại những tháng ngày đau thương của mỗi con người. Bởi thế, tiểu thuyết về chiến tranh đã dần đi vào đời tư, tình cảm theo bản năng của tự nhiên. Đặc biệt là từ sau đổi mới 1986, sự nhạy cảm của nhà văn trong thời kỳ Đổi mới càng mạnh bạo khi khai thác đời sống cá nhân của con người. Dương Hướng đã quay ngược thời gian để trở khai thác đời sống riêng tư với nỗi đau, nỗi mất mát, bất hạnh của những người lính, người phụ nữ hậu phương; cùng một hệ tư tưởng phong kiến vẫn đang chảy âm ỉ trong lối suy nghĩ của mỗi con người trong xã hội ở làng Đông. Chiến tranh đã làm cho bức tranh làng quê Việt Nam trở nên tiêu điều, hoang dại, gây ra ra những đau thương và mất mát cả thân thể lẫn tâm hồn, nhưng xuyên suốt chính là chiến tranh đã cướp đi nhu cầu tự nhiên nhất ủa con người. Hiểu được tâm tư tình cảm của tâm hồn cá nhân thời chiến nên nhà văn đã đưa ra ánh sáng những cuộc tình lãng mạn mà phong ba bão táp qua “Bến không chồng”. Thân phận tình yêu trong “Bến không chồng” được nhà văn miêu tả thật lãng mạn, thật mãnh liệt nhưng cũng mang nhiều đau khổ, nhà văn Euripide từng nói “Tình yêu là cái gì đẹp nhất, nhưng cũng cay đắng nhất” [10]. Qủa thật, bóng dáng những cuộc tình ở làng Đông là cái đẹp nhất và cũng là cay đắng nhất. Các cuộc tình đẹp nhất của làng Đông, là lý chí, tư tưởng của một thế hệ trẻ dũng cảm bước qua lời nguyền của dòng tộc để có được hạnh phúc. Với một hệ tư tưởng còn nặng mùi phong kiến được nhà văn khắc họa qua tác phẩm. Lớp trẻ đại diện cho hệ tư tưởng mới này là Hạnh và Nghĩa. Tình yêu của Hạnh và Nghĩa là kết quả của việc dám bước qua lời nguyền của cụ tổ để đến với nhau, bằng sự khát khao, bằng sự chân thành xuất phát từ trái tim yêu thương, “Ngọn lửa tình không bao giờ tàn trong những chiếc lò làm bằng tìm, bằng máu” – Napolêon [10]. Hạnh và Nghĩa chính là ngọn lửa tình đang bùng cháy bằng tình yêu thương chân thành, một khát khao của bản năng con người. Không chỉ tình yêu của Nghĩa và Hạnh là ngọn lửa tình nồng nàn mà còn có tình cảm của Chú Vạn với Chị Nhân cũng thể hiện một lối tư tưởng cá nhân của mình với khát khao hạnh phúc mang tính nhân bản. Đó là những cử chỉ, hành động khi hai người có sự quan tâm dành cho nhau. Tình cảm của hai tâm hồn cô đơn này cũng đáng được trân trọng và nhận được sự đồng cảm của mọi người, tình yêu của họ là sự yêu thương chân thành. Không chỉ tình yêu của Nghĩa và Hạnh là ngọn lửa tình nồng nàn mà còn có tình cảm của Chú Vạn với Chị Nhân cũng thể hiện một lối tư tưởng cá nhân của mình với khát khao hạnh phúc mang tính nhân bản. Đó là những cử chỉ, hành động khi hai người có sự quan tâm dành cho nhau. Tình cảm của hai tâm hồn cô đơn này cũng đáng được trân trọng và nhận được sự đồng cảm của mọi người lắm chứ. Ấy vậy mà, các cuộc tình đẹp với biết bao nhiêu khát khao hạnh phúc đôi lứa lại có những kết thúc không viên mãn. Tình yêu của Nghĩa và Hạnh tuy đã đơm hoa kết trái, vượt qua muôn vàn cách trở là lời nguyền của cụ tổ dòng họ Nguyễn. Để rồi hạnh phúc tưởng như đã đến với họ sau bao nhiêu gian khổ, vậy mà một ngày kia cơn giông đã ập đến với họ. Khi một lần nữa dòng họ Nguyễn lại phủ lên Hạnh một sự đau khổ, họ cho rằng sự trả giá cho những ai không nghe theo lời nguyền thì sẽ gặp phải hậu quả đó là Hạnh không có con. Bản thân Hạnh là một người phụ nữ hội tụ đầy đủ phẩm chất nên Hạnh đã có một quyết định táo bạo khi ly hôn với Nghĩa. Việc Hạnh ly hôn với Nghĩa đã toát lên một sự mạnh mẽ của một người phụ nữ dám gánh chịu mọi hậu quả được cho là mình gây ra. Đồng thời cũng chính vì chữ tình cho nên Hạnh muốn người chồng, người mà cô yêu thương được hạnh phúc. Hạnh không muốn vì mình mà Nghĩa phải sống một cuộc đời đau khổ. Ta thấy rằng một quyết định táo bạo của Hạnh đã khiến mọi người nhìn rõ được một người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu và thủy chung trong tình yêu. Có thể nói rằng kết cục của sự chia ly này chính là sự hy sinh hạnh phúc của mình để cho người mình yêu thương được hạnh phúc. Sau khi kết thúc cuộc hôn nhân đầu tiên với Hạnh, Nghĩa đã nhanh chóng kết duyên với Thủy, mong được thỏa ước nguyện được làm cha của mình. Thủy cô bác sỹ ở huyện cũng đã đem lòng thương yêu Nghĩa từ lâu nên cuộc hôn nhân này cũng diễn ra một cách suôn sẻ. Không lâu sau đó bằng chuyên môn của một bác sỹ thì Thủy đã nhanh chóng tìm ra sự thật đau lòng khi chiến tranh đã cướp đi quyền làm cha của Nghĩa., Thủy rất đau khổ, vì thế Thủy đã muốn bảo vệ Nghĩa Người mà Thủy hết mực yêu thương. Hơn thế nữa là Thủy muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình nên Thủy đã tìm mọi cách để có con, mặc cho xã hội đánh giá. Hình ảnh của Thủy cũng đã nói lên ngòi bút mới mẻ, mạnh bạo của nhà văn khi miêu tả nhân vật của mình với một dư luận mạnh mẽ của người đời trong một hệ tư tương phong kiến lúc bấy giờ. Từ những phân tích trên cho chúng ta biết được nguyên nhân bi kịch là do sự mâu thuẫn của dòng họ và sự khắc nghiệt trong bối cảnh xã hội. Cho nên một thế hệ trẻ trong tác phẩm đã đề cao nhu cầu con người, tính cá nhan. Như vậy ta có thể nhận định “Trung thành, chung thủy Trong tình yêu của mình có nghĩa là giữ gìn một phần của mình trong người mình yêu thương” theo nhà văn V.A. Xukhômlinxki [9;418]. Hai người phụ nữ Hạnh và Thủy đều yêu thương Nghĩa và mong hạnh phúc đến với Nghĩa, vì thế đã làm tất cả những gì bản thân có thể làm ho Nghĩa, nhưng hạnh phúc đều không đến được với Nghĩa. Và rồi bi kịch bất hạnh, đau khổ trong tình yêu vẫn cứ diễn ra. Tuy vậy nhà văn của chúng ta muốn nhắn nhủ đến với những người đã yêu, đang yêu hay là cuộc sống đời thường thì cần phải biết trân trọng, yêu thương chân thành và biết hy sinh cho người khác được hạnh phúc thì đó mới là hạnh phúc của mình. Song song với một lớp trẻ dũng cảm dám bước qua lời nguyền, hủ tục để đến với tình yêu của mình. Còn đối với bậc làm cha mẹ của giới trẻ thì họ lại có những lối suy nghĩ và tư tưởng trong tình cảm. Hình ảnh chú Vạn và chị Nhân là đại diện cho một tình cảm thiêng liêng mà cao đẹp, khi họ có chung sự đồng cảm và bất hạnh. Nhưng cũng chỉ vì lối suy nghĩ, tư tưởng phong kiến quá cứng nhắc, hà khắc của dòng họ, xã hội mà họ đã không vượt qua được để tìm hạnh phúc riêng cho mình. Qua các hình ảnh đẹp cũng như sự bất hạnh và đau khổ trong tình yêu ở “Bến không chồng”, nhà văn Dương Hướng đã đi sâu vào tâm hồn, ý thức tư tưởng của mỗi đối tượng, mỗi cá nhân khi họ yêu và được yêu. Lúc đó họ chính là những con người có bản chất của phản xạ tự nhiên. Họ tự do trong tình và hơn hết họ sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân để vì hạnh phúc người khác. Các nhân vật thể hiện tình yêu trong “Bến không hồng” được Dương Hướng hiểu theo quy luật tình cảm của con người một cách sâu sắc và có sự giao hòa cả về thể xác lẫn tâm hồn. Phải nói rằng nhà văn đã dám xé rào khi mà phong trào đổi mới trong quan niệm của người viết mới chỉ bắt đầu, ấy vậy mà nhà văn đã trải lòng mình cùng thân phận bất hạnh của bức tranh tình yêu và tình người trong “ Bến không chồng”. Mỗi một cuộc tình khi kết thúc đều có lý do của nó. Có thể là do nguyên nhân chủ quan xuất phát từ cá nhân, hay nguyên nhân khách quan từ yếu tố bên ngoài. Nhưng cho dù nguyên nhân nào đi chăng nữa, thì nhà văn cũng muốn mỗi cá nhân trong xã hội phải làm chủ được vận mệnh của cuộc đời mình. Để giải phóng khỏi sự ràng buộc của gia đình, dòng tộc và định kiến của xã hội. Chỉ có như vậy mới có được hạnh phúc. Qua những nguyên nhân bi kịch trong tình yêu và những nhu cầu của bản năng con người về sự dũng cảm cá nhân để giải thoát chính mình. Thì chúng ta mượn một triết lý trong tình yêu của Henry Ward Beecher để thể hiện cho những cuộc tình ở “Bến không chồng” thay cho lời kết như sau: “Tình yêu của người trẻ là một ngọn lửa - rất đẹp, sôi nổi và mãnh liệt - nhưng chỉ sáng và cháy bập bùng. Còn tình yêu của trái tim lớn tuổi hơn và nguyên tắc lại giống như những hòn than - luôn cháy đượm và khó tắt”. (Henry Ward Beecher) KẾT LUẬN Dương Hướng là một cây bút nổi lên trên văn đàn từ sau Đổi mới. Ông góp một phần quan trọng vào việc chuyển giao giữa nền văn học cũ và mới. Tiểu thuyết Bến không chồng của ông là một trong những tác phẩm tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam đương đại. Giá trị nhân đạo trong tác phẩm thể hiện ở sự lột tả những bất hạnh và sự khổ đau của con người trong xã hội. Cuộc sống của con người gắn liền với chuỗi bi kịch của mất mát, hy sinh từ hoàn cảnh lịch sử, xã hội, gia đình và dòng tộc. Vấn đề này, luôn băn khoăn, trăn trở với người viết. Bằng sự đồng cảm của nhà văn Dương Hướng với những đồng đội, người dân nghèo ở làng Đông thì nhà văn luôn muốn cho mọi người có được niềm hạnh phúc cùng với tư tưởng tiến bộ. “Bến không chồng” được nhà văn dựng lên với trọng tâm là con người. Nhà văn đã dám nhìn thằng vào sự thật, những điều cấm kị mà trước đây văn học cách mạng luôn né tránh. Bằng tình yêu, sự cảm thông sâu sắc của mình thì tình yêu thương con người, quan tâm đến cuộc sống và hạnh phúc của con người, tôn trọng quyền phát triển tự do của con người. Đồng thời tác phẩm còn thể hiện sự quan tâm của nhà văn đến với tầng lớp dân nghèo ở làng Đông, sự mất mát hy sinh mà họ đã phải nếm trải từ cuộc chiến tranh đầy bi thương. Hay cả những khi hòa bình thì hậu quả của chiến tranh vẫn theo họ với những vết thương về thể xác lẫn tâm hồn. Bức tranh làng quê dưới ngòi bút của nhà văn Dương Hướng còn bộc lộ qua tấm bi kịch về tình yêu nam nữ. Trong đó bi kịch tình yêu gây nên cho nữ giới xuất phát từ số phận bất hạnh dẫn đến nỗi đau trong tình yêu của họ. Ở “Bến không chồng” không chỉ bi kịch tình yêu của nữ giới thì thì kịch tình yêu nam giới cũng không kém sự đau khổ so với nữ giới, đó chính là sự khắt khe, cổ hủ, lạc hậu của xã hội và những hậu quả của chiến tranh tạo ra sự đau khổ. Những cuộc tình dang dở, bi đát, trắc trở và cuối cùng là bế tắc, làm cho tâm lý của mỗi người có sự thay đổi nhất định. Có thể bi kịch trong tình yêu có thể đem lại một sự đau khổ về thể xác lẫn tinh thần của họ. Dương Hướng đã đem đến cho người đọc có một cảm giác tin tưởng và lạc quan với cuộc sống hơn. Cho dù số phận bất hạnh đang rình rập từng ngày. Đó chính là ý thức, cách nhìn nhận về thân phận của con người. Tiểu thuyết của Dương Hướng đã phác họa lên những số phận của những con người ở “Bến không chồng”. Sự nhỏ bé, bất hạnh, khổ đau và yếu ớt của những số phận đang mang trên mình trong một xã hội rộng lớn. Gía trị nhân đạo làm nên giá trị sâu sắc, tạo nên sức hút mãnh liệt cho tiểu thuyết của Dương Hướng. Bức tranh đời sống nông thôn cùng với những mất mát, đau thương trong cuộc sống, bi kịch trong tình yêu của người làng Đông là sự ca ngợi phẩm chất đạo đức, tình yêu thương con người, coi trọng quyền tự do và lợi ích cá nhân. Bởi trong cuộc sống xung quanh chúng ta vẫn còn những việc đau lòng, bất bình đằng mà bản thân tác giả cũng như mọi người đều mong muốn cải thiện cho xã hội ngày càng tươi đẹp. Hiện thực về số phận về con người ở thời chiến với biết bao bi kịch, cũng chỉ vì những định kiến, tư tưởng sai lầm mà cuộc sống nghèo khó, bất hạnh trong tình yêu liên tiếp diễn ra. Bởi vậy, nếu là tôi trong hoàn cảnh bị gia đình ngăn cấm trong chuyện tình cảm chỉ vì sự mâu thuẫn cá nhân, hay những định kiến của xã hội thì nhất định tôi sẽ theo sự lựa chọn của mình. Hạnh phúc hay không là ở bản thân mỗi người nắm giữ. Không vì những lợi ích hoặc những mâu thuẫn cá nhân mà đánh mất hạnh phúc của một con người. Đồng thời thuyết phục, giải thích cho mọi người hiểu về giá trị của hạnh phúc trong cuộc sống TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Thiên An (13/01/2008),“Nhà văn Dương Hướng – tác giải “Bến không chồng”: Người dám đùa với cơm áo” http://www. duonghuongqn.vnwebblogs.com. 2. M. Bakhtin (1992) – Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao, Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội. 3. I.Lt. Bô rep (1938), “Mỹ học”, Nxb BungariXôphi. 4. Nguyễn Thị Bình (04/2003) – Một vài nhận xét về quan niệm hiện thực trong văn xuôi 1975, Tạp chí Văn học. 5. Phan Cự Đệ (1978) - Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, Nxb Đại học và tổng hợp chuyên nghiệp Hà Nội. 6. Hà Minh Đức (1997) – Lý luận văn học (chủ biên), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 7. Nguyễn Xuân Hải – Bến không chồng – Bến đỗ văn chương, http://vnca.cand 8. Phan Hằng – Số phận bi tráng của người phụ nữ sau chiến tranh - duonghuongqn.vnwebblogs.com 9. Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (2007), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 10. Vương Trung Hiếu – Tư tưởng tình yêu :Danh ngôn, song ngữ Anh Việt, Nxb Đồng Nai 11. Đỗ Đức Hiểu – Nguyễn Huệ Chi – Phùng Văn Tửu – Trần Hữu Tá (chủ biên), (2004), Từ điển văn học bộ mới, Nxb Thế giới, Hà Nội. 12. Hiền Hương (2012), Bến không chồng – Bức tranh thê lương thời hậu chiến, Dân trí, trên blog duonghuongqn.vnwebblogs.com. 13. Dương Hướng (18/02/2011), Nhà văn của những Bến không chồng, Báo Tiền Phong online.com. 14. Dương Hướng (14/11/2000), Nỗi đau từ bến không chồng, Báo Lao động. 15. Dương Hướng (2004), Bến không chồng – Bóng đêm và mặt trời, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. 16. Quốc Huấn (2008), Đầu xuân trò chuyện với nhà văn Dương Hướng, Báo Quảng Ninh số 20. 17. Nguyễn Khải Văn xuôi một chặng đường (1963 – 1983), in trong Văn học trong giai đoạn cách mạng mới. 18. Phùng Văn Khai (2010), Người đàn ông ở Bến không chồng, duonghongqn.vnwebblos.com. 19. Minh Khánh, Sự thật về huyền thoại “Bến không chồng”, Người đưa tin.vn, duonghuongqn.vnwebblog.com. 20. Nguyễn Duy Liễm, Dương Hướng - Người ghi mốc son cho văn học thời kỳ đổi mới, duonghuong.vnwebblogs.com 21. Nguyễn Văn Long (1991), Bài phê bình trên báo Văn nghệ 22. Nguyễn Văn Long (2002), Văn học Việt Nam trong thời đại mới, Nxb Giáo dục. 23. Văn nghệ Hạ Long (1999), Nhiệm vụ nhà văn là kiếm tìm cái đẹp. 24. Cac Mac (1844), “Bản thảo kinh tế triết học”, Nxb Sự thật. 25. Nguyễn Văn Long, Lã Nhâm Thìn (2006), “Văn học Việt Nam sau 1975 – Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 26. Nguyên Ngọc (18/03/1990), Văn xuôi Việt Nam hôm nay…, Lao động Chủ nhật. 27. Bảo Ninh (2008), Nỗi buồn chiến tranh, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội 28. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng năm 2009, (240) 29. Trần Đình Sử (1996), Lý luận phê bình Văn học, Nxb Hội Nhà Văn Hà Nội 30. Trần Thị Phương Thảo (2008), Dương Hướng sau “Bến không chồng”, duonghuongqn.vnwebblog.com.vn. 31. Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam (2005), Nhà xuất bản Bách Khoa, Hà Nội. 32. Đỗ Tiến Thụy (2007), Nhà văn của những “Bến không chồng”, duonghuongqn.vnwebblog.com.vn. 33. Lê Ngọc Trà (2006), “Văn học Việt Nam những năm đầu đổi mới”, http//www.vienvanhoc.org.vn. 34. Hoài Trân, “Tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới: có mới không”, http//www.vannghequandoi.com.vn 35. Nguyễn Khắc Trường (2003), Mảnh đất lắm người nhiều ma, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội. 36. Luận văn Đặng Thị Tuyết – Đọc lại Bến không chồng, http://www.qdnd.vn 37. Nhật Vũ (2011), Ý nghĩa biểu trưng từ “bến”, Hội thảo cao học k18, Trường Đại học sư phạm Hà Nội. 38. Lê Cảnh Vững, “Tiểu thuyết Việt Nam những năm 90 – vấn đề về luận giải, Luận văn thạc sĩ, ĐHSP Huế.