Xin được nói luôn rằng, khi đặt tiêu đề cho bài viết này, tôi không hề có ý định “ăn cắp” ý tưởng của nhà văn Dương Hướng. Bởi lẽ, trong tác phẩm cùng tên của nhà văn là hành trình gập ghềnh, đầy bi kịch xót xa và đau đớn của những thân phận đi tìm hạnh phúc cho riêng mình thời hậu chiến. Còn ở đây - nơi tôi đến thăm - Trang trại bò sữa của Cựu Thanh niên xung phong Thanh Hóa đang trở thành một bến đỗ yên bình thực sự cho cuộc đời còn lại của những cựu TNXP xứ Thanh.
Chị Phiên trong công việc thường ngày ở trang trại
Những kiếp “nón không quai”
Tôi gặp lại chị sau 4 năm như một sự tình cờ trong muôn vàn sự tình cờ khác của cuộc đời này. Chị vẫn vậy, dáng đi luôn cắm đầu về phía trước, khiến tôi đã có cảm giác chị luôn tất bật - tất bật đến khốn khổ. Nụ cười hiếm hoi ở tuổi 65 làm các nếp nhăn trên khuôn mặt đen đúa xô vào nhau...
Chị là Nguyễn Thị Giới, quê tận xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn. Cũng như nhiều người phụ nữ khác cùng thời, chị từng có một tuổi xuân hừng hực khí thế đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, trải qua những cung đường bom đạn ác liệt, máu lửa, gạt sang bên tất cả những khát khao yêu đương của tuổi hai mươi để đấu tranh cho nền độc lập tự do của dân tộc. Khi non sông ca khúc khải hoàn cũng là lúc chị phải đối diện với chính mình, với những đêm trắng mất ngủ, những tiếng thở dài từ sâu thẳm của bản năng được làm vợ, làm mẹ, được có cho mình một mái ấm gia đình. Trong làng, ngoài xã không ít người thầm xót xa cho chị - một cô gái tốt nết mà phải chịu cảnh quá lứa lỡ thì. Cũng có một vài người đánh tiếng mối mai nhưng tất cả số họ đều đến rồi đi mà không một lý do, không một lời giải thích. “Hình như họ chê chị nghèo em ạ!” Khi ấy tôi cũng chỉ biết ngồi lặng lẽ trông dáng chị nhỏ nhoi, nhìn hút ra phía cánh đồng vừa xong vụ gặt. Đôi mắt mông lung trải trong ráng chiều, buồn đến nao lòng. Chị không khóc. Hình như, trước nỗi đau cứ âm ỉ, miên man như những cơn sóng vu hồi, vỗ vào lòng đã khiến những tâm hồn tưởng như mong manh, yếu đuối nhất cũng trở nên chai lỳ, mất cảm giác.
Rời quân đội, chị về sống cùng người em trai ở quê, trong căn nhà ba gian vách đất, tài sản duy nhất bố mẹ để lại cho 2 chị em là bộ chõng tre, tối làm giường ngủ, ngày đem ra lấy nơi ngồi mỗi khi nhà có khách. Thời gian cứ thế trôi đi, lo xong chuyện vợ con cho đứa em trai, chị tự nguyện ra ở riêng. Lại thui thủi một mình, tuổi già mơ hồ kéo đến, cơ hội có một người đàn ông, một nơi nương tựa trong cuộc đời cũng qua đi...
Ngày được về sum họp cùng với những đồng đội có hoàn cảnh tương tự tại trang trại bò sữa của Cựu TNXP tỉnh với chị như một giấc mơ, nhưng đó là giấc mơ có thật. Bởi lẽ, ở đây chị được sống trong vòng tay yêu thương, sự chở che của đồng đội, được khóc thỏa thích, được cùng nhau cười trong niềm hạnh phúc, được có những giấc ngủ bình yên.
Ở trang trại này, ngoài chị Giới còn có 10 chị em khác là những cựu TNXP đồng cảnh ngộ. Họ cũng đã hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho cuộc chiến thần thánh của dân tộc và cũng từng trải qua những nỗi đau thời hậu chiến. Có chị từng có cho mình một tấm chồng nhưng hạnh phúc không trọn vẹn, có người vượt qua sự đàm tiếu của dư luận, “xin con” từ một người đàn ông vô danh rồi mẹ con lặng lẽ nuôi nhau... Còn nhiều lắm những mảnh đời éo le, trắc trở mà tôi không thể kể hết ra đây. Mỗi người một cảnh nhưng các chị về đây được sống trong tình đồng đội, trong vòng tay nhân ái bè bạn. Nơi đây đã thực sự trở thành mái nhà chung - một bến neo đậu bình yên cho các chị những năm tháng cuối đời.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trong một lần
thăm chị Nguyễn Thị Minh Phiên tại trang trại
Bến yên bình
Sau nhiều cuộc hẹn gặp mà không thành, tôi hơi tự ái. Gặp chị, tôi hiểu chả phải chị kiêu căng gì. Giữa bời bời công việc cám bã, rơm cỏ, tôi không thể nhận ra đâu là “bà chủ” đích thực của trang trại rộng hơn 3 héc ta, đang có tiếng là “ăn nên làm ra” của tỉnh Thanh này. Giữa 11 chị em đều đã luống tuổi, chị cũng nón mê, quần xắn móng lợn, làm quần quật từ sáng đến tối. Dư dả một chút thời gian lại bươn bả hết huyện này sang huyện kia thăm hỏi, động viên giúp đỡ những đồng đội khác đang gặp khó khăn. Rồi nghe ở đâu có mô hình trang trại hay lại khăn gói đi tìm hiểu, đi học hỏi về để phổ biến cho chị em trong trang trại áp dụng. “Chị cứ đi miết thế này anh ở nhà có khó chịu không?” tôi hỏi. - “Ban đầu tư tưởng chưa thông nên cũng nặng nề lắm! Nhưng sau anh ấy hiểu ra lại động viên chị cố gắng. Có lần anh nói làm chị ứa nước mắt. “Việc nhà em cứ để anh và các con lo, còn nhiều người cần sự giúp đỡ của em hơn. Mình như vậy là hạnh phúc lắm rồi!” - Nhiều khi thấy mình cũng có lỗi với gia đình em ạ!”
Làm trang trại với chị giống như một sự tình cờ, cái duyên, cái nợ gắn với đời chị vậy. Bởi lẽ, người ta làm trang trại, trăn trở, vắt óc ra để sinh lợi, kiếm tiền. Còn với chị, làm trang trại là để giúp đỡ, cưu mang những đồng đội đang phải sống trong cảnh túng quẫn neo đơn, con em của những gia đình thương binh liệt sĩ đang gặp khó khăn.
Từng là một chiến sĩ TNXP, đến năm 1976, chị Nguyễn Thị Minh Phiên hoàn thành nghĩa vụ và về địa phương công tác tại khối Dân chính Đảng của tỉnh. Năm 1999, sau niềm vui ngày gặp mặt đồng đội tại Ban liên lạc Cựu TNXP là những giọt nước mắt tủi thân, những tâm sự xót xa không đầu, không cuối cứ xoay lấy chị. Về nhà, hình ảnh những gương mặt gầy gò, khắc khổ của đồng đội cứ bám riết lấy tâm trí, vậy là chị quyết tâm: Phải làm điều gì đó để vừa có thể cải thiện kinh tế cho gia đình, vừa có thể giúp đỡ được đồng đội có thể vơi đi những khó khăn, mất mát. Vốn cũng là phụ nữ, nên ngay khi nghe chuyện, mẹ chồng chị hết sức chia sẻ và ủng hộ. Bà đã bán đi hai mảnh đất ngay tại trung tâm thành phố để lấy tiền ủng hộ cho ý tưởng của con dâu. Cùng với sự ủng hộ nhiệt tình từ UBND xã Quảng Thắng vậy là năm 2002, trang trại mang tên “Trang trại bò sữa của cựu TNXP Thanh Hóa” ra đời. Có đất, chị lại cất công lặn lội đi tìm 11 đồng đội và 2 con của đồng đội có hoàn cảnh éo le nhất đưa về cùng nhau bắt tay xây dựng. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm, thiếu khoa học kỹ thuật nên 5 con bò cho sữa không đều, chất lượng không đảm bảo, sữa làm ra không có nơi tiêu thụ, khó khăn chồng chất. Chị lại phải cất công ra tận Viện Chăn nuôi Quốc gia tới... 6 lần để học hỏi kinh nghiệm. Bằng sự giúp đỡ của mọi người, khó khăn rồi cũng qua đi. Đến nay trang trại của các chị đã có hơn 40 con bò mẹ, 40 con bê con, 50 con lợn nái, mỗi năm xuất hàng nghìn con lợn con giống.
Kinh tế đi lên, đời sống của chị em trong “ngôi nhà chung” được nâng lên rõ rệt. Hiện nay, mỗi thành viên đều đã có một sổ tiết kiệm có giá trị từ 20 - 30 triệu đồng, các con em của đồng đội ở nhiều địa phương cũng được chị tạo điều kiện giúp đỡ như cho đi học tại các trường nghề, tạo công ăn việc làm có thu nhập ổn định. Hơn thế nữa, đối với 65 chị em là cựu TNXP đơn thân tại huyện Yên Định cũng nhận được sự quan tâm chia sẻ thiết thực như: Kêu gọi quyên góp xây dựng nhà tình nghĩa, thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ tết... Đây thật sự là những hoạt động ý nghĩa, thắm đượm tình đồng đội. Về đây quây quần cùng đồng đội được gần 10 năm, chị Đoàn Thị Ba (65 tuổi) - người Yên Định không dấu được niềm vui: “Ở đây, được sống trong tình yêu thương, sự sẻ chia, đồng cảm ấy là hạnh phúc không gì bằng.
“Tiếng lành đồn xa”, năm 2007, nhân chuyến làm việc tại Thanh Hóa, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đến thăm và tặng quà cho các chị. Phó Chủ tịch nước đề nghị các cấp chính quyền tại địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để chị có thể giúp thêm nhiều cựu TNXP khác còn gặp nhiều khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh”.
Lúc chia tay, chị vẫn còn trăn trở: “Chỉ tiếc sức mình có hạn em ạ! Hàng ngày chị đều nhận được thư của đồng đội ở khắp mọi miền Tổ quốc gửi về. Người thì chia sẻ động viên, có người ngỏ ý muốn được về đây để neo đậu những ngày cuối đời và còn nhiều lắm...! Nếu bây giờ có một điều ước cho chị, chị sẽ ước sao mình có quỹ đất rộng hơn. Khi ấy chị sẽ mở rộng quy mô trang trại và đón nhận thêm nhiều đồng đội của mình về đây sum vầy!”
NGUYỄN CHUNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét