Viết nhiều đề tài, trong đó, nhà văn Dương Hướng dành nhiều tâm huyết của mình cho những trang viết về chiến tranh. Tôi đọc truyện ngắn Hương hoa gạo, một trong những câu chuyện viết về đề tài ấy đã lâu, vậy mà trong lòng vẫn còn lại nỗi day dứt không nguôi.
Binh trạm nhỏ - căn nhà của má Sâm đã trở thành nơi qua lại của bao người lính đi từ căn cứ sang vùng địch. Cái tình quân dân, cái tình bà má Sâm và 4 người lính Sơn, Toán, Đào phát sinh trong hoàn cảnh ấy nhưng đặc biệt nhất. Trong chiến tranh, bom đạn dày đặc, cái sống cận kề cái chết nhưng có những ngày đáng nhớ nhất với má Sâm. Đó là vì má có 4 người lính không biết từ bao giờ đã trở nên thân thiết như người thân của má với biết bao chuyện vừa gần gũi, vừa cảm động. Má đã coi lũ lính ấy vừa như người thân, vừa là điểm tựa để vượt qua những khắc nghiệt của bom đạn, hơn thế là điểm tựa để má vượt qua nỗi cô đơn, nỗi đau khi mà chồng, con trai và con dâu má đã hy sinh cho cuộc chiến...Hết chiến tranh, cuộc sống bình yên trở lại nhưng sự bình yên trong lòng má thì chưa hết, bởi lẽ, lũ lính của má chưa về, lời hứa của má và 4 người lính ấy chưa thực hiện được. Má Sâm và con gái má, con Quế, một già, một trẻ sống bên gốc gạo chờ đợi. Cây gạo cùng má Sâm đi qua chiến tranh thật kiên cường, có lúc bị bom ngỡ chết nay hồi sinh trở lại, nở hoa đỏ rực, toả hương thơm ngát. Nhưng con gái má thì chưa gặp được người lính nào trong lũ lính của má ngày ấy để kết duyên như lời hứa...Hương hoa gạo đưa người đọc vào một câu chuyện có thể có nhiều cái kết khác nhau. Người xem cứ thấp thỏm đọc để biết cuối cùng ra sao. Hồi hộp vậy nhưng không nóng ruột vì nhà văn biết gây hấp dẫn bằng vốn ký ức tham gia quân đội của mình với vô vàn câu chuyện sinh động. Đó cũng là dòng hồi ức thiêng liêng, cảm động của bà má Sâm với cánh lính. Chẳng thế mà chiến tranh qua rồi má Sâm vẫn không quên lời hứa, không quên những người lính ấy. Cái tình của nhân vật cứ quyến luyến người đọc...
Từ đầu câu chuyện, người đọc cứ phấp phỏng lo sợ một điều gì đó cho các nhân vật chính, người mẹ già và cô gái đang mỏi mắt trông đợi những chàng trai của chiến trường năm xưa, những người xem má Sâm như mẹ mình và là người chống hứa gả của cô gái. Các chàng trai, những người lính chiến ấy đi qua ngôi nhà của má Sâm như bao người từng đi qua nhưng đã để lại ấn tượng đặc biệt. Và sau cuộc chiến, họ vẫn đi vào cuộc sống hàng ngày của má Sâm với những câu chuyện má kể cho con gái nghe, riêng cô gái, cô đã yêu họ từ chính câu chuyện của mẹ mình. Khắc họa hình tượng những người phụ nữ trở thành bến đợi để thể hiện sự mất mát, nỗi đau của chiến tranh, câu chuyện ấy không hiếm trong văn học Việt Nam . Với Hương hoa gạo của nhà văn Dương Hướng, cũng là một số phận như thế. Nhưng khi tác giả bạo dạn tạo một kết cuộc điếng người: 3 trong 4 người lính ấy đã hy sinh, người duy nhất còn lại bị thương tật dị dạng khủng khiếp...Kết cuộc ấy như xé toạc nỗi đau âm ỉ bao năm của 2 người phụ nữ, làm vỡ ra nỗi xúc động kìm nén, khiến người đọc phải chảy nước mắt...Có lẽ, nếu cả 4 người lính ấy đều hy sinh thì 2 mẹ con má Sâm vẫn mãi sống trong chờ đợi với những hồi ức đẹp đẽ, hy vọng xen lẫn chút trách cứ. Nhưng họ lại trở về mà không như mong đợi của má Sâm...để cho nỗi đau đớn lại bắt đầu. Chỉ có điều, họ vẫn là những người lính đẹp đẽ như xưa trong lòng má Sâm và con gái. Họ, người không trở về được đã nằm xuống vì đất nước, như quy luật mỗi cuộc chiến đều có những hy sinh. Còn người đã trở về vẫn không nguôi quên lời hứa, hình hài anh dẫu thương tật đến sởn da gà vẫn có một trái tim cao thượng, vẫn nghĩ bằng tình cảm đẹp đẽ cho người còn sống. Anh muốn bằng sự im lặng của mình không tạo ra nỗi khiếp sợ hay gánh nặng cho những người anh yêu quý dẫu lòng vẫn hướng về họ. Chỉ đến khi biết sự thật, những người bạn của mình không ai có thể làm tròn được lời hứa với má Sâm thì anh mới vội vã tìm về. Cuộc gặp mặt ban đầu là sự hồi hộp, vui sướng của mẹ con má Sâm nhưng càng về sau những nỗi đau càng ập tới không ngừng. Giá như mẹ con má Sâm không chờ đợi những người lính ấy đến thế, họ đã trở thành niềm tin trong cuộc sống không thể thay thế. Giá như Sơn - người lính còn sống duy nhất ấy không nặng tình đến vậy, giá như họ đã không sống hết mình với nhau đến thế, giá như họ không sống đẹp như thế thì nỗi đau ngày gặp lại cũng vơi bớt. Bi kịch ấy làm người đọc xót xa...
Hương hoa gạo là câu chuyện xúc động với phần kết được viết rất trau chuốt, tinh tế tạo thành cao trào dâng lên nỗi xót thương cho số phận nhân vật, những con người đã đi qua cuộc chiến mà nỗi mất mát vẫn còn đeo đẳng mãi họ. Giá trị của hoà bình, của cuộc sống hôm nay phải đổi bằng máu, nước mắt và cả sự hy sinh mòn mỏi đợi chờ của những người mẹ, người phụ nữ...Đọc Hương hoa gạo, nhất là vào những ngày tháng 7 đầy ý nghĩa này càng thêm một lần nhắc nhở chúng ta điều ấy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét