Dương Hướng
Có ai hỏi về ông, tôi rất đỗi tự hào thưa rằng: Ông, một kẻ đa tình và “đẹp như ánh trăng”(1). Ông khát vọng tự do đến tuyệt đối- bản lĩnh, trung thực đến tận cùng. Ông rất giàu sang về kiến thức- Yêu đắm đuối đến cuồng si, sống giản dị đến tềnh toàng. Và, cũng cô đơn đến cùng cực...
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình phong lưu tại làng Đình Bảng, Kinh Bắc. Cuối đời, tuổi thất thập cổ lai hy, Nguyễn Bản trở về Hà Thành sống gần với các con ông ở phường Ngọc Hà (gần chùa Bát Tháp) Ông sống lặng lẽ trong gian nhà chỉ hai mươi mét vuông. Với hai mươi mét vuông trị giá được tính bằng vàng, bằng USD ông đã tích cóp bằng nhuận bút cả đời sáng tác và dịch thuật cực nhọc mới mua nổi. Ngày ngày ông âm thầm chiêm nghiệm, nhâm nhi uống từng giọt đắng, giọt cay cuộc đời bởi cái tâm cái tính trời sinh ra ông thế. Ông được học hành tử tế, khoá đầu tiên- tiền thân trường Đại học Sư phạm I ngày nay. Ông là một nhà giáo có tài, được làm thầy số học sinh nay họ đã thành ông bộ trưởng nọ, ông giáo sư kia. Là người thầy có tài, ông gặp phải cái “tai” trong vụ “nhân văn giai phẩm” tuy bị nhẹ nhưng với sự nhạy cảm mong manh của “người kỹ sư tâm hồn” đã khiến ông hiểu thấu đáo về mọi lẽ và “chột” dạ. Có lẽ cũng từ đấy ông thu mình trong nỗi cô đơn. Ông chất chứa nỗi niềm về nhân tình thế thái. Ông kiếm tìm tình yêu, kiếm tìm cái đẹp trong văn. Ông quyết liệt chọn cho mình cuộc sống tự do tuyệt đối: Tự do trong sáng tác lao động nghệ thuật, tự do trong quan hệ xã hội, tự do trong đời sống gia đình riêng tư- tự do một cách nghiêm ngặt nhất, khắc nghiệt nhất. Chính vì sự nghiêm ngặt đến gàn dở khiến ông cứ phải đau đáu vật vã và thao thức mất ngủ. Cách nay hơn chục năm ông về Hạ Long, tôi cảm động đón ông cùng bè bạn leo lên dốc Bồ Hòn ghé thăm gia đình tôi. (ngày ấy gia đình tôi còn ở cao tít mít, sát chân núi Bài Thơ). Tôi nhìn bóng ông chấp chới, vầng trán ông hằn rõ nếp nhăn cuộc đời. Những nốt tàn nhang lốm đốm trên mặt, ánh mắt tro bạc nhuốm màu thời gian. Đêm ấy tôi nằm bên ông, nghe ông kể đủ chuyện văn, chuyện đời và cuối cùng chuyện gia đình: “Đã bao năm vợ chồng tớ ly thân, giọng ông buồn. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà một cảnh. Đó là số phận, trời sinh ra mỗi người một tính một nết chẳng ai giống ai. May mắn cho những cặp vợ chồng nào hợp duyên hợp số được êm ấm thuận hoà. Ngược lại có nhà, cả vợ và chồng đều tốt, thậm chí cực tốt nhưng vẫn không hợp nhau, họ luôn phải sống trong dằn vặt chịu đựng và cứ tự làm khổ nhau mãi mà không sao dứt ra được. Và cuối cùng vẫn cứ phải chia tay, tớ có lẽ cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Vợ chồng mình cũng thế, đã bao lần quyềt định dứt khoát sẽ phải ra toà, nhưng rồi cứ nghĩ lại thấy đau xót quá. Có lần tớ ốm nằm cô đơn một mình, giận bà ấy, nghĩ chuyến này dứt khoát phải ra toà. Nhưng rồi ý nghĩ ấy lại bay biến khi nhìn thấy bà ấy lặng lẽ ra vườn hái cho tớ mấy quả na, quả táo mang vào đặt bên giường tớ đang nằm. Mới chỉ thế thôi, tớ đã thấy nao nao trong lòng. Thế đấy! cậu thấy có buồn cười không? Tôi bảo ông: Không buồn cười tý nào. Thế mới là Nguyễn Bản.
Câu chuyện ông kể cứ ám ảnh tôi mãi, nó lộ rõ nỗi cô đơn khát khao hạnh phúc, khát khao được chăm sóc, khát khao được yêu của ông. Ông nhân ái và cũng yếu đuối vô cùng. Ông sống hết mình, yêu ghét cũng hết mình. Ông quyết không để mình phụ thuộc vào bất kỳ ai, bất kỳ điều gì. Ông không thể và cũng không muốn sinh hoạt trong bất kỳ tổ chức, hội đoàn nào. Ông Hữu Thỉnh, chủ tịch hội nhà văn Việt Nam đích danh mời ông làm đơn vào hội, ông chỉ cười ậm ừ rồi thôi. Nhiều người cứ ngỡ ông đã là hội viên hội nhà văn từ lâu rồi mới phải. Tôi mê đọc văn ông từ ngày truyện ngắn “Ánh trăng” của ông đoạt giải thưởng báo văn nghệ và sau này càng mê hơn khi được nghe ông thủ thỉ thù thì kể chuyện văn chuyện đời. Về Hà Nội, lần nào tôi cũng ghé thăm ông và ăn cơm do chính ông nấu trong chiếc nồi bé tý và ngủ với ông trong gian nhà hai mươi mét vuông khép kín vời những đồ vật được lưu giữ từ thời bao cấp. Từ đó, lần nào đến nhà ông, tôi đều thấy ông một mình ngồi trước bàn viết với đống sách và bản thảo. Từ lâu lắm, tôi thầm gọi Nguyến Bản là “ông một mình”. Trong gian nhà hai mươi mét vuông của ông thứ gì cũng chỉ có một: giường môt chiếc, bàn một chiếc, tủ một chiếc...và lúc nào cũng thấy cái ông “ông một mình” này ngồi viết một mình, ăn cũng một mình, ngủ cũng một mình. Và sáng ra ông dậy rất sớm vào cái giờ thiên hạ vẫn còn say giấc nồng. Ông khẽ khàng không gây ra tiếng động sợ thiên hạ mất ngủ, nhẹ nhàng ngồi vào bàn loay hoay trước những con chữ nhỏ li ti. Ông cần mẫn, miệt mài viết và dịch. Những người không hiểu, bảo ông lập dị. Mà ông lập dị khác người thật. Tiếng Nguyễn Bản, cả cái ty giáo dục Bắc Ninh biết rất rõ lối sống khác thường của ông. Có lần ông phó trưởng ty giáo dục Bắc Ninh nghe tiếng Nguyễn Bản nhưng chưa biết người nên hỏi cô trưởng phòng chính trị: Cái ông Nguyễn Bản là ông nào? Cô trưởng phòng chính trị thản nhiên trả lời: Anh cứ nhìn thấy ông nào đến ty mặc quần soóc vá đít, đấy chính là Nguyễn Bản. Lại một lần trong lớp tập huấn của giáo viên, nghe có thứ trưởng bộ giáo dục về thăm, tất cả học viên ngồi im phắc chờ đợi ông thứ trưởng. Nguyễn Bản ngồi cạnh một ông hiệu trưởng cấp1, cứ thấy ông ta nhấp nha nhấp nhổm mỗi lần có bóng người lướt qua cửa sổ. Ai ông ta cũng ngỡ là ông thứ trưởng đến. Khổ thế, ông ta chỉ sợ ông thứ trưởng bước vào mà mình lại đứng lên đáp lễ chậm hơn người khác. Nguyễn Bản tức cái ông hiệu trưởng quá, khi ông thứ trưởng đến, tất cả mọi người răm rắp đứng dậy (tất nhiên cái ông ngồi cạnh Nguyễn Bản đứng lên trước tiên) Riêng có mỗi mình Nguyễn Bản vẫn ngồi thản nhiên không nhúc nhích khiến cả hội trường kinh ngạc. Nghe được câu chuyện này có lần tôi bảo Nguyễn Bản: ông cư xử thế là không phải với ông thứ trưởng. Nguyển Bản nổi xung: Ông thứ trưởng có liên can gì trong chuyện này. Mình làm thế để khẳng định mình không cùng loài với thắng cha ngồi cạnh.Thế thôi! Không thể chịu nổi khi phải sống với những kẻ đớn hèn như thế...
Thực ra Nguyễn Bản rất hiền nhưng ông cũng lại rất“ngông” tự hào về cách sống “Sạch” của mình. Nhà hẹp nhưng tấm lòng rộng mở, ông thường xuyên đón khách văn thơ báo chí cảm quý đến chơi, các cháu sinh viên ríu rít đến nhờ thầy Bản cố vấn tiếng Anh tiến Pháp. Nhiều người nghe tiếng, đọc truyện “Ánh trăng” ngưỡng mộ, mê mẩn tài văn ông. Có người đến nhà ngỡ ngàng thấy ông sống quá đơn giản. Mười mét vuông khép kín với tất cả đồ vật thời bao cấp: Một giường, một bàn, một ghế, một tủ, một bếp điện thời Liên Xô cũ, một phích nước Rạng Đông và một phòng vệ sinh. Trong phòng vệ sinh toàn đồ nhựa: cũng lại một chậu nhựa rửa măt, một chậu nhựa rửa bát, một cốc nhựa đánh răng, và một cái gáo có cán cũng bằng nhựa để đứng “tè” cho êm mỗi khi có khách ghé thăm khỏi nghe cái âm thanh “rộn ràng” vọng ra qua khe cửa. Tôi có cảm giác ông luôn bằng lòng, không mảy may phiền muội tơ hào nhòm ngó trước nhịp sồng sôi động nơi phồn hoa tráng lệ của đất Hà Thành thời hiện đại. Mỗi ngày lượn ra chợ cóc bên vỉa hè sắm bữa, tếu táo bông phèng mở lòng với mấy cô hàng rau hàng hành. ông mặc cho thiên hạ cứ việc hưởng giàu sang phú quý, mặc cho ai đua chen chức quyền nghênh ngang xe pháo. Ông cứ sống thế xem kẻ nào coi thường ông. Ông sỗng lặng lẽ giữa những toà nhà cao chất ngất tầng trời, những biệt thự sang trọng kín cổng cao tường với những ông bà chủ lóng lánh vàng ngọc kim cương trên người. Ông thản nhiên trước những cô chiêu cậu ấm ngồi xe máy luồn lách quệt cả vào ông mà chúng vẫn cười hô hố chẳng thèm có lời xin lỗi. Ông lắc đầu lặng lẽ nhìn chúng chui vào trong các nhà vườn quán ba đèn mờ đầy bí ẩn. Từ chùa Bát Tháp vào nhà ông qua những lối ngõ ngoằn ngoèo rẽ ngang rẽ dọc như trận đồ bát quái, ai mới đi lần đầu không thể nhớ lối ra. Bạn hữu lần đầu đến nhà, ông đều tận tình đi bộ ra tận cửa chùa Bát Tháp đón khách. Suốt bao năm qua, có lẽ chỉ thần phật trong chùa Bát tháp mới biết ông đã có bao nhiêu cuộc đón tiễn khách văn hoặc hò hẹn bạn tình. Ông đứng giữa căn nhà mười mét vuông khép kín tự hào nói vui: Đây là căn nhà “sạch” nhất Việt Nam. Nó được mua hoàn toàn bằng những đồng tiền “sạch” của những tác phẩm “sạch” ông viết ra. (ông thà chết đói chứ không bao giờ chịu uốn cong ngòi bút làm ra những sản phẩm “bẩn” để lấy những đồng nhuận bút “bẩn” mà khối kẻ tên tuổi thường làm. Kể cả những tác phẩm dịch ông cũng chọn lựa kỹ lưỡng. Thích thì ông dịch, ông không thích, nhà xuất bản có đặt hàng ông cũng không dịch. Ông dịch vì tư tưởng của tác phẩm chứ không phải vì tiền. Ông dịch văn học nước ngoài cũng là để văn học trong nước được mở mang khai phóng hơn. Chứng minh cho lời ông vừa nói, ở vào tuổi 77 mà trong năm qua (2007) ông cho ra mắt bạn đọc những 6 đầu sách cả dịch, tái bản và sáng tác mới: Hai tập truyện ngắn “Đường phố lòng tôi” và “Mặt trời đồng xu” Ông tặng tôi liền một lúc hai tập tiểu thuyết “Đỗ quyên đỏ” của nữ nhà văn gốc Trung Quốc ANCHEEMIN sống ở Mĩ và “Người đua diều” dày 477 trang của KHALED HOSSEINI còn thơm mùi mực.
Từ những năm thập niên 90 tôi được đọc một loạt truyện ngắn của ông in khắp nơi từ “Ánh trăng” đến “Bức tranh màu huyết thạch” “chuyến ly hương cuối đời” và gần đây nhất là truyện ngắn “Thời chuồn chuồn cắn rốn”. Truyện nào cũng đấy ằp nỗi lòng, đau đáu yêu thương, khát khao hạnh phúc. Văn ông tinh tế, ý tứ sâu xa mang tầm tư tưởng lớn thời đại. Ông yêu đắm đuối cái đẹp của ánh trăng, cái đẹp của “làn da chị” cứ ám ảnh đeo đuổi làm khổ ông suốt đời (truyện ánh trăng). Bi kịch, dữ dội và đau đớn, với nhân vật ông Tư, một cán bộ chống Pháp luôm mơ tưởng một cuộc sống tốt đẹp, ông thành thật, vụng dại, khờ khạo vô cùng. Ông là Tư, đặt tên các con là Tưởng, Đạo, Đức, những ước mong chúng có được một tương lai tươi sáng, nhưng cuối cùng ông phải đi làm “Đĩ đực” (Chuyến ly hương cuối đời). Chí và Thân lẽ ra phải là một tình bạn chí cốt- họ đã từng chơi với nhau từ cái thời còn tắm truồng, họ đã từng cứu nhau thoát chết đuối trong thùng đấu- cái thời “Chuồn chuồn cắn rốn” ấy...Nhưng rồi điều gì đã khiến họ khác xa nhau đến vậy? Khác xa nhau cả về tư tưởng, lối sống và nhân cách, khác nhau về mọi phương diện cho dù họ sinh ra cùng một làng quê, cho dù đã từng chết hụt trong thùng đấu từ cái thời chuồn chuồn cắn rốn. Gặp lại nhau sau bao năm xa cách, ngỡ phải ôm chầm lấy nhau, đấm thùm thụp vào lưng nhau, nhắc lại những kỷ niệm cái lần chết hụt trong thùng đấu thời chuồn chuồn cắn rốn. Ai ngờ vừa gặp nhau Thân đã hỏi: Cậu đã người của đoàn thể chưa? (Thời chuồn chuồn rốn) Thật bẽ bàng, nhạt nhẽo cho cái tình đời. Nguyễn Bản quả sâu sắc. Ông viết cứ như không, như chơi mà cuốn hút lạ kỳ. Tất cả những tư tưởng ông gửi vào các tác phẩm đều toát lên tấm lòng nhân hậu, bao dung và nỗi day dứt và sự phẫn nộ về những trái ngang, giả dối và đớn hèn. Với ông, quan trọng nhất, khó khăn nhất của con người là giữ được nhân cách. Sống nhân cách, viết nhân cách. Thà chết chứ không uốn cong ngòi bút. Tự do đến tuyệt đối, bản lĩnh và trung thực đến tận cùng, yêu và đam mê đến cuồng si, chân chất giản dị đến tuềnh toàng. Khát khao và cô đơn đến cùng cực- Tất cả- tất cả mọi cảm xúc cứ lặng lẽ âm thầm sáng lên trong căn nhà bé nhỏ hai mươi mét vuông của “ông một mình”. Ngôi nhà nẵm giữa đất Hà Thành sôi động, ngổn ngang trăm bề của thời hiện đại.
*Ánh trăng, tên tryuện ngắn nổi tiếng của Nguyễn Bản
1 nhận xét:
Cháu chưa bao giờ được gặp nhà văn Nguyễn Bản nhưng cháu đã đọc tác phẩm "ánh trăng" của Nguyễn Bản và TP "người đua diều" do ông dịch và nay được đọc bài viết này cháu lại càng cảm phục kính trọng và thấy thương yêu ông hơn.
Cháu Hoài Anh!
Đăng nhận xét