4 thg 6, 2014

Thương nhớ Nam Ninh

Dương Hướng Thế là Nam Ninh đã ra đi an giấc ngàn thu. Ngồi viết những dòng này, tim tôi buốt nhói!... Ngay từ ngày nghe tin nhà văn Nam Ninh trở bệnh nặng, tôi vội vã từ Hạ Long lên thăm ông tại khoa Ung Biếu, bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Phòng bệnh loá lên trong mắt tôi một màu trắng toát. Các giường bệnh chật kín bệnh nhân. Lòng tôi rưng rưng cố kìm nén, chênh chao bước theo chị Dung, vợ Nam Ninh- người bạn đời cùa nhà văn đến bên Nam Ninh. Chị Dung là người phụ nữ sinh ra từ đất kinh Bắc vừa duyên dáng, đảm đang, vừa dịu dàng thương chồng thương con. Chị đã đi suốt chặng đường đời gian lao vất vả cùng nhà văn. Giờ đây nhìn vào đôi mắt ngấn ngấn đỏ của chị Dung tôi hiểu, thời gian qua chị đã trải qua bao trăn trở, bao đau đớn vất vả chăm lo cho chồng. Ánh mắt Nam Ninh chợt sáng lên khi nhận ra tôi. Chúng tôi xiết chặt tay nhau ấm áp, thân tình và cảm nhận thấu đáo được hết thảy mọi điều trong lúc này. Ở Quảng Ninh, tôi đã bồi hồi tiễn biệt các bạn văn- từ cố nhà văn Võ Huy Tâm, Tô Ngọc Hiến, Lý Biên Cương, Trần Ngọc Tảo, Ngô Tiến Cảnh, Phan Thanh…Giờ đây đến lươt Nam Ninh- người bạn văn thân thiết nhất của tôi phải ra đi, lòng tôi trống vắng đến lạnh người. Cảm xúc này không phải chỉ khi viết những dòng này mới có mà ngay từ lần đầu tôi và nhà thơ Mai Phương, nhà Văn Thảo Ngọc vào bệnh viện Việt- Đức thăm Nam Ninh, nhìn chị Dung sụt sùi khóc, tôi đã thấy xúc động. Sau lần lên thăm Nam Ninh về, tôi liên tục nhận được các cuộc điện thoại của bạn bè từ các nơi gọi đến tôi, hỏi thăm sức khoẻ Nam Ninh. (Bạn bè không muốn gọi trực tiếp cho Nam Ninh và chị Dung sợ ảnh hưởng tới sức khoẻ nhà văn) Khi tôi biết tin Nam Ninh đau lại, tôi sửa soạn đi thăm Nam Ninh, bà xã nhà tôi không muốn để tôi một mình đi Hà Nội nên bảo: “Để thư thư vài bữa, em thu xếp công việc cùng đi với anh…” Tôi biết bà xã lo cho căn bệnh tim mạch ở tôi thường hay dở trứng, hơi một tý gơn gợn là xúc động. Khổ vậy, căn bệnh tim mạch nó thế. Nhưng không lên ngay được với Nam Ninh, tôi không yên, nên quyết một mình từ Quảng Ninh lên bệnh viện Đại Học Y Hà Nội. Khi hai chúng tôi nắm được tay nhau, cho dù đã phải chịu những cơn đau hành hạ nhiều đêm mà Nam Ninh còn quan tâm hỏi tôi “Uống toa thuốc Tế sinh- thận khí hoàn mà tớ giới thiệu có đỡ không? Tim mạch hồi này thế nào rồi” Tôi bảo tạm ổn, lên đây với ông được là tôi yên tâm thấy khoẻ ra. Ông cố mà điều trị cho tốt, bạn bè dười Quảng Ninh gửi lời thăm ông. Nam Ninh lại xiết chặt tay tôi, xúc động quay sang giới thiệu tôi vời mấy chị bạn của vợ chồng Nam Ninh cùng đến thăm. Ông nói “ Bạn bè với nhau từ thuở học trò, quay đi quay lại đã u 70 mươi cả rồi…” Mấy năm gần đây Nam Ninh viết khoẻ. Ngoài những truyện ngắn được giải báo văn nghệ, tặng thưởng truyện ngắn hay ở tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, giải thưởng viết về Quảng Ninh 50 năm xây dựng và phát triển, Nam Ninh còn viết cả tiểu thuyết và vẫn nặng nợ với ngành điện mà ông đã gắn bó suốt cuộc đời mình. Những trang bản thảo tiểu thuyết mà Nam Ninh gửi, tôi đã đọc, ông viết còn dang dở về đường dây 500 kv Bắc Nam, trong đó có cả các nhân vật là thủ Tướng Võ Văn Kiệt, nhiều chuyên gia, kỹ sư đã góp bao công sức cho công trình đường dây 500 kv của đất nước. Lúc này nằm trên giường bệnh đã phải trải qua những cơn đau, mà ánh mắt Nam Ninh vẫn ngời ngời niềm khát khao hy vọng. Ông bảo: “Ước gì tớ khoẻ lại vài ba tháng để viết xong cái tiểu thuyết còn dang dở, và chuyển thể cái truyện được giải thưởng dưới Quảng Ninh sang kịch bản Phim thì tuyệt. Từ những năm 1985, gia đình Nam Ninh còn sống ở Hạ Long, hai nhà chúng tôi cùng chung môt ngõ phố, Cùng có chung niềm đam mê văn chương, nên hai chúng tôi cùng có chung cả những bạn văn thường ghé thăm. Từ các nhà văn tên tuổi khắp trong Nam ngoài Bắc như: Nguyễn Kiên, Nguyễn Khắc Trường, Hoàng Minh Tường, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Bản, Hoàng Minh Nhân, Thái Bá Lợi, Phạm Ngọc Tiến, Ngô thị Kim Cúc, nhạc sỹ Văn Thành Nho. Và cả anh em văn nghệ trong tỉnh cũng thường xuyên tụ tập, rõ vui. Ngày ấy anh em gọi đùa nhà chúng tôi là trụ sở văn nghệ Hướng Ninh. Một thời hồng son của phong trào- say sưa viết, háo hức viết. Có lần tôi và Nam Ninh cùng đi trại sáng tác tỉnh (nghỉ tại gia). Hai thằng bảo nhau thi đua mỗi thằng phải viết một cái truyện ngắn cho ra trò. Thế mà sắp đến hạn nộp sản phẩm cả hai đều chưa vẽ được chữ nào. Tối đến hai thằng diễu phố bàn nhau ra quyết tâm thư lần này sáng tác kiểu thần tốc, tức thì. Vừa đi vừa nghĩ, tìm tứ truyện. Sáng mai công bố cho nhau kết quả. Thế là đêm ấy về nằm cạnh vợ tôi thao thức trằn trọc cả đêm cố đẻ ra được cái gì đó để nộp trại. Ai ngờ sáng ra bà xã nghi ngờ tôi có chuyện gì đã xông xuống nhà Nam Ninh tra khảo: ‘Tối qua hai ông đi với con nào mà ông Hướng nhà tôi cả đêm mất ngủ” Nam Ninh ớ người thanh minh cho tôi cái vụ “Sáng tác tức thì ấy”. Nhưng đàn bà họ đâu dễ tin cánh đàn ông vụng trộm. Rõ khổ thế. Nhưng để bù đắp cho sự oan uống ấy tôi đã có cái truyện ngắn “Khoảng trời riêng” in báo văn nghệ, còn Nam Ninh có truyện “Dịch vụ tắm biển” được chuyển thể thành phim. Tới bây giờ chúng tôi vẫn cho rằng thời kỳ ấy là những năm tháng gian khổ nhất về đời sống kinh tế, tuy nghèo khó, nhưng lại chính là những tháng năm đẹp đẽ nhất, giàu có nhất, hoàng kim nhất về tinh thần (viết được nhiều nhất). Những trang truyện ngắn, tiểu thuyết của Nam Ninh và tôi cũng bắt đầu nảy nở từ những cuộc đàm đạo tranh luận nảy lửa để có những phút giây thăng hoa trong sáng tác. Đến năm 1996, Nam Ninh cùng gia đình chuyển lên Hà Nôi, mỗi lần chúng tôi gặp nhau đều vội vã, khi thì tôi lên Hà nội, bữa thì Nam Ninh từ Hà Nội về Quảng Ninh. Viết được gì tâm đắc Nam Ninh đều hào hứng gửi qua Mail cho tôi kèm theo lời nhắn “Hãy cho lời nhận xét trung thực” Chúng tôi quá hiểu tính nhau, chằng khách khí. Cứ phê, cứ phang thẳng thừng đôi khi mất hứng. Nhưmg sau ngẫm lại mới thấm thía cái lời trung thực dành cho nhau là quý nhất. Chúng tôi đều thoả thuận một cách tự nguyện và sòng phẳng: Ngoài đời thôi thì chín bỏ làm mười nhưng văn chương phải nghiêm túc, phải đam mê, phải biết chắt chiu kiếm tìm nâng niu cái đẹp, cái thiện, cái nhân ái từ chính những cuộc đời lam lũ vất vả của những tầng lớp nhân dân lao động. Nam Ninh viết trước tôi, ngày tôi đang còn loay hoay viết cuốn tiểu thuyết đầu tay Bến Không chồng, ông đã nổi tiếng với truyện ngắn Căn nhà ở phố đoạt giải báo văn nghệ được chọn in trong tập truyện ngắn hay cùng với những tác giả tên tuổi như Thái Bá Lợi, với tác phẩm “Hai người trở lại trung đoàn”, Phạm Hoa, với “Ngày không bình thường”, Anh Thư với “Có một đêm như thế…” Tôi thực sự thán phục Nam Ninh có con mắt quan sát rất tinh, rất riêng, rất lý thú. Điều này thể hiện rõ trong các truyện ngắn của ông. Từ ngày hưu, Nam Ninh viết lại khoẻ. Trước kia vì bận công việc chuyên môn bên ngành điện, thi thoảng mới són ra được một cái, nhưng cái náo cũng khá. Lần đầu tiên truyện ngắn ‘Căn nhà ở phố” nhận giải báo văn nghệ được người ta in đi in lại mãi. Đã có thời Nam Ninh còn làm cho báo “Người Hà Nội” đúng vào dịp cả nước chuẩn bị kỷ niệm “Ngàn Năm Thăng Long” Ông cày khoán rất khoẻ cho chuyên mục mục “ngàn năm văn hiến” mà ông cho là không hợp với tạng của mình. Tạng của Nam Ninh chỉ hợp với truyện ngắn. Nhưng vì mấy triệu một tháng, vì danh dự “nhà văn” nên ông phải đọc đến toét mắt nhiều quyển lịch sử dày cộp. Động đến lịch sử đâu phải chuyện bỡn. Ông xác định thế. Vài năm trước, ông có tiểu thuyết Khoảnh khắc đời người được lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của hội nhà văn, nghe nói đâu chỉ thiếu một phiếu là được giải. Ông nói vui, cái số ông không được nổi tiếng. Giống như Phạm Ngọc Tiến, viết bao nhiêu truyện, viết cả kịch bản phim nhưng chả ai biết tên, đến khi bị căn bệnh đái đường thì cả nước đều biết. Thế mới tức. Nam Ninh cũng thế. Viết truyện ngắn cũng vào loại có hạng, cứ tưng tửng như không mà hay. Hay nhưng không rùm beng vì ông viết rất kín, ý tứ nó lặn vào trong, ngẫm lâu mới thấy khoái. Nhưng bù lại Nam Ninh lại oai và nổi tiếng ở ngành điện. Cách đây mấy năm xem ty vi thấy ông thay mặt bộ năng lượng trả lời phỏng vấn báo chí về sự vụ “công tơ” gì đó mãi trong thành phố Hồ Chí Minh. Tôi bảo ông “sướng nhất ông, là thanh tra bộ “điên nặng” tha hồ được tung hoành trong Nam ngoài Bắc. Đến đâu cũng được trọng vọng. Ông nhăn mặt. “Sướng cái con khỉ! Méo mặt vì cái cơ chế này thì có. Ông bảo sẽ còn viết cả cuốn tiểu thuyết về cái gọi là ‘Cơ chế đèn cù” của chính sách kinh tế tập thể này. Nhiều chuyện cười ra nước mắt. Ai cũng biết, từ những thằng kỹ sư làng nhàng như ông đến ông thủ tướng cũng thừa biết cái cái cơ chế “ đèn cù” mà vẫn chịu bó tay. Nhiều lúc chuyện phiếm cười cho vui, xong lại thấy buồn, thấy đau. Trí thức cũng chịu thua cái lý Người Mèo. Thế mới là Việt Nam ta. Nam Ninh viết chậm mà chắc. Cái tạng ông cứ phải có tác động mạnh từ bên ngoài thúc ép mới chịu ngồi vào bàn viết. Ông thường nói với tôi thế. Ấy vậy mà loáng cái ông đã có được 4 tập truyện ngắn và một tập tiểu thuyết. Cứ nghe ông đặt tên tác phẩm cũng thấy ngồ ngộ, độc đáo: “Căn nhà ở phố”; “Dịch vụ tắm biển”; “Máy in tiền”, Kẻ bố thí… Truyện Máy in tiền, ông viết rất dí dỏm về một anh chàng tìm cách làm ăn với những linh hồn chết để kiếm sống- Tức là làm cái máy để in tiền âm phủ. Rồi cả đến chuyện thuê gái tắm chung cho oai trong truyện ngắn Dịch vụ tắm biển cũng thấy đời lắm. Còn truyện ngắn Căn nhà ở phố, Nam Ninh viêt rất giản dị mà tài hoa khi nói tới đời sống thường nhật. Ông khai thác cái tâm trạng của nhân vật là chú em sống chung trong một căn nhà vời vợ chồng người anh ở cái thời bao cấp khốn khó thật sâu sắc . Truyện ngắn Ra đi lại có góc nhin rất xa về thời cuộc, phản ánh sinh động hiện thực xã hội lúc bấy giờ. Cứ qua mỗi đêm ta thức dậy, lại giật mình nghe tin, lại có những gia đình phải bỏ nhà bỏ cửa, bỏ tổ quốc ra đi. Ý thức trách nhiệm xã hội của nhà văn phải cao hơn, lớn hơn là nhìn ra những gì mọi người không nhìn ra. Trong truyện ngắn Mắt trẻ thơ, Nam Ninh sáng tác trong dịp dự trại viết của bộ công an. Ý tưởng trong “mắt trẻ thơ” Nam Ninh phát hiện ra trong khi cùng đoàn nhà văn đi thực tế thăm một trại tù. Nhà văn đã nhìn thấy một cháu bé của một nữ phạm nhân phải sống cùng mẹ đang thụ án trong trại tù. Cái tài của nhà văn đã nhận ra ánh mắt trong veo của đứa trẻ ấy ngày ngày cứ nhìn vào cái thế giới áo sọc trong tù của mẹ nó như một lẽ bình thường của đời sống con người. Và đến khi ra khỏi nhà tù, nó lại nhìn thế giới bên ngoài như một sự khác thường. Với truyện ngắn Đất Tụ Long, của Nam Ninh, tên truyện được lấy làm tên bìa trong tập truyện ngắn hay được giải của báo văn nghệ năm 2013 đã cho ta cái nhìn sâu sắc tự hào về lịch sử dân tộc Việt. với truyện ngắn Nắng bên kia dốc, Nam Ninh nhìn rất thấu đáo, lột tả tới tận cùng gan ruột của những tay có máu mặt giàu có (Trọc Phú) chỉ biết coi trọng đồng tiền, đến khi cuối đời mới thấm thía và phải trả giá như một quy luật tất yếu théo thuyết “Nhân nào quả ấy” Trong truyện ngắn Chiêm nghiệm, ông đã chiêm nghiệm chính ông, soi tỏ vào chính cuộc đời mình để có được một truyện ngắn hay, viết về caí thời ấu trĩ ta chỉ đánh giá tài năng và đức độ con người qua bản lý lịch. Mới đây tôi khoái cái truyện “Kẻ bố thí” của ông, đây lại là một truyện hay nữa của Nam ninh, đọc thấy sướng! Hóm hỉnh, cười ra nước mắt. Bi hài đến đỉnh điểm. Ngu ngơ đến dại khờ. Cùng quẫn đến tối tăm. Nhưng mà lại nhân ai vô cùng. Sự trái ngoe khôi hài bởi cái sự đời trớ trêu: Kẻ bần cùng khố rách áo ôm lại lương thiện. Còn kẻ giàu sang mà vô sỉ. Càng đọc càng buốt nhói con tim. Cuộc đời khốn nạn đến thế là cùng. Nhà văn Nam Ninh đã sống hết mình với bạn bè, hết mình với văn chương là thế… Trong giây phút thương nhớ bạn văn lúc này tôi chỉ biết ngậm ngùi viết vài lời tiễn biệt hương hồn Nam Ninh. Hình bóng ông mãi mãi ấm nồng trong trái tim tôi, thân thiết trong trái tim bạn bè. Cầu chúc cho hương hồn Nam Ninh an giấc ngàn thu! Nhà văn đã có trọn một đời văn- một đời người- Sống hết mình và viết cũng hết mình, được gia đình, vợ con và bạn bè kính trọng và yêu quý. DH

20 thg 7, 2013

Nhà văn Dương Hướng: Phẩm chất quan trọng nhất là trung thực và nhân ái

Nguyễn Nghiêm (thực hiện) - 16-07-2013 05:39:46 PM
VanVN.Net - Nhà văn Dương Hướng tiếp bạn văn trong căn phòng nhỏ gắn bó mấy chục năm qua, nơi ông đã từng cặm cụi ngồi viết 6 tác phẩm theo trình tự thời gian: Gót Son (tập truyện ngắn – 1989); Bến không chồng (tiểu thuyết – 1990, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam); Trần gian đời người (tiểu thuyết – 1991); Người đàn bà trên bãi tắm (tập truyện ngắn); Tuyển chọn Dương Hướng  (1997); và gần nhất là Dưới chín tầng trời (tiểu thuyết – 2007). Bên cạnh một tủ sách văn học đồ sộ, “tài sản” quý giá của ông, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện thân tình, giản dị…
Nhà văn Dương Hướng (trích ảnh Văn Công Hùng)
* Thưa nhà văn Dương Hướng, mỗi tác phẩm ra đời đều là một đứa con tinh thần của nhà văn. Song chắc chắn không phải trong số đó đứa con nào cũng như đứa nào. Xin hỏi, trong số các tác phẩm của mình, ông thấy tâm đắc nhất với tác phẩm nào, và ý tưởng nào đã giúp ông viết nên những tác phẩm để đời ấy?
Nhà văn Dương Hướng: Chả biết có để đời hay không, nhưng với tôi, tất cả các tác phẩm của mình đã viết ra tôi đều tâm đắc và yêu mến nó. Còn về ý tưởng nào sáng tác ư, nó muôn màu muôn vẻ, là anh cầm bút đôi khi chỉ tình cờ gặp những chi tiết rất nhỏ nhưng cũng có thể nảy ra được ý tưởng lớn. Nó cũng giống như anh đi câu vậy, may gặp được cá lớn. Với tôi, ngày còn quân ngũ, chiến tranh liên miên đã viết lách gì đâu. Ngày thống nhất đất nước trở về làng, tôi giật mình nhận ra trong những nụ cười hân hoan chiến thắng của bạn bè, người thân, họ tộc, cùng bà con làng xóm, tất thảy đều ẩn chứa điều gì đó mà chỉ những người đi xa về mới dễ nhận ra. Đó chính là nỗi cô đơn, sự chịu đựng khắc khổ bởi hậu quả của cuộc chiến tranh đã qua. Rồi không biết bao câu chuyện tôi được chứng kiến, thế là các nhân vật cứ dần hiện lên sống động trong tâm trí mình…

28 thg 12, 2012

Người đàn ông ở bến không chồng

Người đàn ông ở bến không chồng


 



Trong số các nhà văn có tác phẩm tiêu biểu viết về đề tài chiến tranh, tác giả Bến không chồng có những quãng thời gian khá dài lặng lẽ ẩn mình trong cuộc sống. Đoạt nhiều giải thưởng cao từ tác phẩm, được dịch và chuyển thể sang kịch sân khấu, điện ảnh, phim truyền hình, truyền thanh... cũng đoạt những giải cao, ít ai biết đến tác giả Bến không chồng sau chiến tranh phiêu bạt mãi xuống Hạ Long - Quảng Ninh, làm một cái nghề khá đặc biệt: Chống buôn lậu trong Cục Hải quan Quảng Ninh. Ông là nhà văn Dương Hướng, một người con ưu tú của hai vùng đất Thái Thụy - Thái Bình và Hạ Long - Quảng Ninh.

27 thg 9, 2012

Truyện ngắn của Cao Nguyệt Nguyên

“Lạc khúc” đưa ta về thế giới bản năng hoang dại sâu thẳm của con người.  Vẫn với lối viết sở trường của tác giả vừa hiện thực vừa huyền ảo xen cài ẩn hiện luôn ám ảnh ta như mơ như thực về  đời sống thường nhật, về cõi trần tục vừa mơ hồ vừa gần gũi, gắn bó hoà quyện sương mật giữa thiên nhiên vạn vật với nỗi khát khao dục tính của con người…
                                 (Dương Hướng giới thiệu)

Lạc khúc

Truyện ngắn của Cao Nguyệt Nguyên
          Sương với mật, mật với sương…
          Túm một càng rồi nhá. Bóng nhẫy ra thế này, cái đít cong cong. Đạp gì mà ác thế. Rách cả ngón tay. Máu ri rỉ. Thu tay lại, dế bật đôi càng mỡn mờn rúc vào trong hang. Thò cái mắt thô lố.
          Tự nhiên thấy thèm món dế xào quá Bống ợ. Chồng Bống nhìn ra sân. Đừng có linh tinh, bố mà biết bố chửi cho đấy. Mày không nói, tao không nói, mẹ không nói tự nhiên biết chắc. Nhiều thế không ăn nó cũng chết đi, phí. Cứ giỏi thì ra mà bắt, tôi mách bố.
          Son hử. Bống không trả lời. Bống nhìn xuống dưới đất. Lát nữa nếu mà ông ấy lên thì nhớ đi bên cạnh, ông ấy hợp vía. Mắt rơn rớt vài giọt nước.

8 thg 9, 2012

Bài phát biểu của bà Michelle Obama

Bài phát biểu của bà Michelle Obama tại Đại hội Toàn quốc của Đảng Dân chủ, Hoa Kỳ
Nguồn: NPR



Cảm ơn bà Elaine rất nhiều. (Nói với các quân nhân: ND) Chúng tôi rất biết ơn sự phục vụ và hy sinh của gia đình quý vị và chúng tôi luôn mong muốn quý vị trở lại [phục vụ].
Trong vài năm qua, với tư cách là đệ nhất phu nhân, tôi có được đặc ân rất lớn là đi khắp đất nước này. Và tất cả những nơi tôi đã đi qua, những người mà tôi đã gặp, và những câu chuyện mà tôi đã nghe, tôi đã thấy được những điều tốt đẹp nhất về tinh thần nước Mỹ.

16 thg 8, 2012

Sự Thật về huyền thoại “Bến Không Chồng”


Nguoiduatin.vn) - “Bến không chồng” bước ra từ tiểu thuyết của nhà văn Dương Hướng, trở thành một cụm từ có nghĩa chung cho tất cả những “làng” vắng bóng đàn ông.
Ám ảnh bởi những người con gái ngồi lặng thinh bên cầu Đá Bạc, rồi những gì nhà văn quê Thái Bình miêu tả khiến một vùng quê nguyên mẫu hiện lên. “Bến không chồng” là địa danh có thật nó gắn với nhiều câu chuyện buồn vui của xã Thuỵ Liên...
Lời nguyền bến sông nơi thiếu nữ trẫm mình
Bến sông ấy vốn chẳng có tên, người dân xã Thuỵ Liên, Thái Thuỵ, Thái Bình còn nhớ, đó là nơi “thôn nữ tắm tiên”. Cái bến sông có hai cây quéo cổ thụ gắn với bao vui buồn của người dân. Hai cây quéo xoè bóng mát khúc sông, ban ngày người trong thôn đi làm đồng về thường nghỉ ngơi, tắm mát. Tối đến, trai gái trong làng đưa nhau ra bến sông ấy, nơi có “đôi tình nhân cổ thụ” để hẹn hò yêu đương. Họ tin, cái bến sông ấy linh thiêng sẽ minh chứng cho một tình yêu thuỷ chung.

5 thg 8, 2012

Yếu tố không gian làng quê trong tiểu thuyết Dương Hướng

(từ tạp chí văn hoá Nghệ An)

1. Không gian và thời gian nghệ thuật là những yếu tố trong cấu trúc nội tại của tác phẩm. Sự miêu tả, trần thuật bao giờ cũng phải xuất phát từ một điểm nhìn trong một không gian nhất định, diễn ra trong một trường nhìn và trong một thời gian nhất định. Không gian và thời gian nghệ thuật chẳng những cho thấy cấu trúc nội tại bên trong của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng, mà còn cho thấy quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay của một giai đoạn văn học. Nó cung cấp cơ sở khách quan để khám phá tính độc đáo cũng như nghiên cứu loại hình của các hình tượng nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật xây dựng nhân vật.
2. Dương Hướng đã đặt nhân vật của mình vào thời gian và không gian khác nhau để khắc họa tính cách, số phận nhân vật. Không gian trong tiểu thuyết của Dương Hướng được mở rộng biên độ theo những biến cố lịch sử và theo số phận nhân vật: có không gian làng quê, không gian thành thị, không gian chiến trường, lại có không gian trải dài theo suốt dọc dài đất nước ở ba miền Bắc, Trung, Nam, tới biên giới, hải đảo…

1 thg 8, 2012

Từ trường hợp Bến không chồng[1], nghĩ về việc chuyển thể văn chương

Email In
           Với Bến không chồng, Dương Hướng đã kể cho chúng ta nghe câu chuyện về những phận người bị bóp nghẹt, bị “giết chết” trong cái ấu trĩ, hủ lậu của một thời kỳ. Không khí ngột ngạt, mục ruỗng, ủ dột của một làng quê “điển hình” Bắc Bộ hiện lên qua những dòng chữ chứa đầy nước mắt của Dương Hướng là chất liệu rất tốt để chuyển thể thành một bộ phim hay. Dầu vậy, khi tiếp xúc với “phiên bản” điện ảnh của Lưu Trọng Ninh, nếu đã từng đọc và yêu mến tiểu thuyết Bến không chồng, người xem không khỏi hụt hẫng. Gọi là phiên bản, bởi bộ phim gần như là bản sao của nguyên tác văn chương, nhưng lại là một bản sao có quá nhiều “vấn đề”.

Đọc lại “Bến không chồng”…

QĐND - 15 tháng trước 1284 lượt xem
Doc lai “Ben khong chong”…
QĐND - Với vai trò là những “nhân vật điển hình”, người lính trong tiểu thuyết viết về chiến tranh trước năm 1975 thường bị gạt bỏ những gì thuộc về đời sống riêng tư, tình cảm cá nhân, những vấn đề thuộc về bản năng lại càng bị cấm kỵ. Sau năm 1975, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, cùng với sự thay đổi quan niệm về hiện thực cũng như quan niệm về con người, cái nhìn chiến tranh thay đổi đáng kể trong nhiều tác phẩm. Có thể nói rằng, chưa có thời kỳ văn học nào lại nói nhiều đến nỗi buồn chiến tranh như thời kỳ văn học đổi mới. Đó là nỗi buồn vì quá khứ huy hoàng nhưng nhiều mất mát. Cuộc chiến đi qua còn để lại những ám ảnh bạo lực ghê rợn. Nỗi đau về tinh thần không thể chữa khỏi ngày một ngày hai…
Người lính trong tiểu thuyết “Bến không chồng” của Dương Hướng
                                                                                                Phạm Học
Tôi đã từng đọc tiểu thuyết "Bến không chồng" của Dương Hướng từ khi còn là học sinh phổ thông. Ngày ấy, cái hình ảnh bến không chồng cứ mãi “ám” lấy tôi, tựa như bến sông quê, với những người phụ nữ như cụ cố tôi, như bà tôi mòn mỏi chờ chồng, chờ con đi chiến trận. Và có lần, tôi cũng tự hỏi, không lẽ chỉ có biểu tượng "bến đợi", chỉ có hình ảnh người phụ nữ là trung tâm của tác phẩm này? Còn "con thuyền" - biểu tượng cho sự xê dịch, cho những người lính nữa chứ. Quả vậy, chính hình ảnh những người lính đã hoàn thiện bức tranh "Bến không chồng".

“Bến không chồng”- Bức tranh thê lương thời hậu chiến

(Dân trí)- Từ tiểu thuyết của Dương Hướng, những Nguyễn Vạn, những Nghĩa… đã bước lên màn ảnh với đủ cơ cực, đắng cay của số phận người lính bước ra cuộc chiến. Họ cô độc trên chính mảnh đất, với chính những con người- họ đã từng đổ máu để bảo vệ…

Tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng được trao giải thưởng của Hội nhà văn năm 1991. Tiểu thuyết đặt câu chuyện của mình trong bối cảnh làng Đông- một làng quê được đặc tả với những nét văn hóa điển hình Bắc Bộ. Không gian bao phủ trong lũy tre, mái đình, cây đa, bến nước. Thời gian bao phủ trong những ngày miền Bắc hối hả vừa lo xây dựng nông thôn vừa chi viện cho chiến trường miền Nam.
Bị thương nặng sau một cuộc chiến, Nguyễn Vạn trở về làng Đông với tất cả thương yêu, nhung nhớ. Vai khoác ba-lô, ngực áo đính đầy huân chương, từ trên đê Nguyễn Vạn phanh ngực nhìn về làng Đông. Nguyễn Vạn đã nghĩ, sự bình yên nằm chính ở nơi đây, nơi anh đã sẵn sàng đổ máu để bảo vệ.
Với ý nghĩ ấy, Nguyễn Vạn đã xông xáo, nhiệt tình với tất cả những công việc của làng xã. Nhưng, đối diện với Nguyễn Vạn là những hủ tục lâu đời của dòng họ. Những hủ tục có thể “bóp nghẹt” cuộc đời một con người. Đối diện với Nguyễn Vạn là lề thói cũ mòn cả trăm năm ở làng quê. Đối diện với Nguyễn Vạn còn là dư luận, là điều tiếng, là nếp sống cũ kỹ…

Vì những hủ tục, những lề thói đã tồn tại cả trăm năm ấy, Nguyễn Vạn không dám sống thật với mình. Ý thức mãnh liệt nhất trong anh là… “giữ gìn hình ảnh”. Anh không thể vượt qua dư luận để… yêu, để được sống như một người bình thường với mưu cầu bình thường nhất về hạnh phúc. Nguyễn Vạn sống trong sự kìm nén bất hạnh. Anh không dám đến với chị Nhân- dù bản năng thôi thúc. Chị Nhân cũng không thể đến với Nguyễn Vạn, chị không thể đến với bất kỳ ai, lý do chỉ vì… chị là vợ Liệt sỹ. Chồng hy sinh khi chị Nhân còn quá trẻ. Chị ở vậy thờ chồng, nuôi con. Chỉ một lần nghĩ về Nguyễn Vạn, chị Nhân đã day dứt không thôi, chị sẽ sống ra sao nếu xóm làng biết chuyện?
Đã có thời như thế, những lề thói cổ hủ nghiệt ngã giết chết những mưu cầu hạnh phúc giản đơn nhất của con người.
Song song với cuộc đời của Nguyễn Vạn là tình yêu bất hạnh của Nghĩa và Hạnh. Cuộc chiến đã cướp đi những người đàn ông khỏe mạnh, cường tráng của làng quê. Chỉ để lại sau lũy tre những người đàn bà mòn mỏi vì chờ đợi. Chỉ để lại trên bến nước mỗi chiều những người phụ nữ, già có, trẻ có, ngồi bên nhau lặng thinh…
Cuộc chiến đã cướp Nghĩa ra khỏi tay Hạnh. Cuộc chiến để lại những cuộc tình duyên cay đắng cho những thiếu nữ xinh đẹp như Cúc, như Thắm… Một đứa con thụ thai vội vã. Một lễ cưới vá víu với người đàn ông bị tâm thần. Hay, một anh chàng thợ ảnh hèn hạ, sở khanh, bỗng trở nên đắt giá ở làng quê…
Những số phận ấy đã góp thêm sự thê lương, buồn thảm cho bức tranh ở Bến không chồng thời hậu chiến.

Cảnh trong phim Bến không chồng (đạo diễn Lưu Trọng Ninh). Chị Nhân
(NSƯT Minh Châu) 3 lần nhận tin báo tử của chồng và 2 con trai... 
Trong những bước ngoặt cùng cực của cuộc đời, Hạnh đã bị xô đẩy vào bế tắc cùng với Nguyễn Vạn. Hạnh có thai. Sau khi sinh con, Hạnh trở về làng. Nguyễn Vạn- người đàn ông đã sống thoi thóp trong lề thói làng xã bao năm, nay biết tin mình có con với Hạnh(con gái của chị Nhân), sự sững sờ đủ để anh quyết định… treo cổ tự vẫn trên cầu Đá.
Cuốn tiểu thuyết của Dương Hướng là bức tranh buồn thê lương ở làng Đông- một làng quê miền Bắc thời hậu chiến. Ở đó, đã không có sự bù đắp nào, không có hạnh phúc nào dành cho những người lính trở về sau cuộc chiến.
Năm 2000, đạo diễn Lưu Trọng Ninh chuyển thể tiểu thuyết Bến không chồng của Dương Hướng thành kịch bản phim. Đã có những tranh cãi về việc chuyển thể, nhưng không thể phủ nhận những thước phim giàu chất điện ảnh mà Lưu Trọng Ninh gửi gắm trong Bến không chồng.

Nguyễn Vạn đã tự vẫn sau khi biết mình có con với Hạnh (con gái
chị Nhân).


Phim có nhiều cảnh quay đẹp. Những bông hoa gạo đỏ rực và những người phụ nữ ngồi lặng thinh trên bến nước như một nỗi ám ảnh.
Bến không chồng vẫn được đánh giá là bộ phim thành công nhất của đạo diễn Lưu Trọng Ninh tính đến thời điểm hiện tại. Bến không chồng cũng là bộ phim có sức ám ảnh dai dẳng nhất về số phận người lính thời hậu chiến.


Hiền Hương
“Bến không chồng”- Bức tranh thê lương thời hậu chiến
8 10 1

4 thg 5, 2012

Dương Thị Nhụn* và văn hóa tâm linh trong “Thuyền nghiêng”

Đặng Văn Sinh
VANTHOVIET.VN » 04/05/2012 | 05:37 Là tiểu thuyết đầu tay, nhưng "Thuyền nghiêng"**của Dương Thị Nhụn được xem như một tác phẩm văn xuôi viết khá chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp ở đây không chỉ dừng lại ở nội dung phản ánh hoặc hình thức biểu hiện mà nó dường như đã đạt đến độ cân đối khi tác giả xác lập được một tiêu chí thẩm mỹ của riêng mình Là tiểu thuyết đầu tay, nhưng "Thuyền nghiêng"**của Dương Thị Nhụn được xem như một tác phẩm văn xuôi viết khá chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp ở đây không chỉ dừng lại ở nội dung phản ánh hoặc hình thức biểu hiện mà nó dường như đã đạt đến độ cân đối khi tác giả xác lập được một tiêu chí thẩm mỹ của riêng mình.