Nguyễn Duy Liễm
Đã ngót hai mươi năm Tiểu thuyết Bến Không Chồng của nhà văn Dương Hướng ra đời, vậy mà tới nay giá trị đích thực của nó vẫn là một cái mốc sừng sững! (tái bản 11 lần, dịch ra tiếng pháp tiếng ý)
Muốn thấy được giá trị ấy... buộc chúng ta phải nhìn nhận lại hiện thực bối cảnh quá khứ.
Lúc ấy người cầm bút khi định đặt xuống trang sách thì trước tiên điều anh ta nghĩ đến là phải uốn phải nắn thế nào để có tác phẩm bảo đảm đúng tính... nguyên tắc, hợp với thời cuộc. Đấy là cái mẫu sổ chung đặt sẵn. Nó khe khắt. Nhưng đó là cái quyết định chỗ đứng cho tác phẩm. Vậy mà viết Bến Không Chồng Dương Hướng đã nghiễm nhiện rẽ ngoặt. Tác phẩm của anh là một nhát gạch chéo vào cái lối mòn rỗng tuếch mà nhàm nhẵn ấy- Cái mà bấy lâu chúng ta những người cầm bút buộc phải tuân thủ để rồi anh cho ra cái giá trị về tầm cao tư tưởng của Bến Không Chồng và nó sừng sững tới nay !
Đọc lại Bến Không Chồng, vẫn làm ta lặng đi ngồi suy ngẫm về sự "xé rào" táo tợn của anh. Như đoạn tả mụ Hơn con dâu nhà địa chủ Hào sau khi cha chồng bị xử tử để trả nợ máu cho nông dân, chồng mụ vì phẫn chí thắt cổ mà chết. Đứa con năm tuổi bị đám trẻ con những ông bà nông dân bắt chước người lớn dựng đấu trường trói vào gốc cây dùng Súng cao xu, đạn quả xoan bắn vào người thằng Tốn làm trò chơi: xử tử địa chủ. Xót con quá nhưng khiếp cái uy của "các ông các bà nông dân con" mà mụ không dám vào cứu con mình nên đành lòng nhờ vả đến Vạn- xã đội trưởng- một cốt cán là lòng cốt của cuộc cải cách ruộng đất. Hỹ nghe lời cầu khẩn của mụ Hơn:
- "Con cắn rơm cắn cỏ con lạy ông... Xin ông hãy cứu lấy thằng Tốn... Nếu không các ông nông dân con sẽ giết chết nó... Nó không có tội gì.. Con xin hứa sẽ giáo dục thằng Tốn sau này nó trở thành kẻ nghèo khổ..."
Đọc nó mà lòng chúng ta chao chát nhói lên... đau. Đau quá! Rồi khi nỗi đau chùng xuống ta tưởng mình như đang được rơi... Rơi tự do trong hụt hẫng... Chao ôi ! Sự mông muội- Sự ấu trĩ về một sai lầm nó... khủng khiếp quá...niềm tin bị sói mòn! Ta tưởng như mình bị một cú đập đánh bốp vào đầu... và cú đập đã làm ta tỉnh ra (!) (?)...Những đoạn văn ấy làm đảo lộn tất cả. Nó như sự cài đặt lại lập trình, Dương Hướng đã mở đường cho văn học đổi mới bứt phá. Xoá đi. Để rẽ ngang một giai đoạn cho văn học đương đại Việt Nam, nó chấm dứt giai đoạn người cầm bút chỉ biết thuyết trình và minh hoạ (!).
Chúng ta cũng phải thực sự biết ơn Nhà xuất bản tác phẩm mới của hội nhà văn lúc bấy giờ đã dám bứt phá vượt rào cùng nhà văn Dương Hướng để tác phẩm được ra đời. Và trân trọng ghi nhận sự mẫm cảm, tinh tường, công minh minh triết của hội đồng xét giải năm ấy- Người đã nâng, đưa tác phẩm đến đúng vị thế để nó toả sáng giữa văn đàn (Giải thưởng hội nhà văn Việt Nam) Để rồi gần hai mươi năm sau mới có tiểu thuyết "Dưới chín tầng trời" được ra đời lại gây một tiếng sét thứ hai cũng làm chếnh choáng nghiêng ngửa cả văn đàn.
"Dưới chín tầng trời" lần này gây một cú sốc mạnh quá (?)
Phải vậy mà nó được nhà sản xuất bản Hội nhà văn ấn hành cho ra mắt bạn đọc đã hai năm rồi. Nó được dư luận bạn đọc và các nhà phê bình văn học râm ran bình luận. Nhưng vẫn chỉ là tiếng nổ âm nổ ngầm như thể cuộc thử nghiệm hạt nhân từ trong lòng đất. Còn tuyệt nhiên cho đến nay (20/7/2009) chưa thấy loạt bài bình luận nào xuất hiện mang tính chính thống tranh biện cho đến chốn đến nơi trên mặt nổi của văn đàn. Có chăng cũng chỉ một vài bài chạy quanh lấp lửng "vòng vo tam quốc". Phải chăng những người viết phê bình còn đang thăm dò nghe ngóng nên ngại không dám động tới cái ngòi nổ mà ta cứ gọi nó là những vấn đề nhạy cảm. Hiện tượng này làm người yêu mến và quan tâm đến văn học nên buồn hay nên vui?
- Dương Hướng nói gì trong Dưới chín tầng trời mà văn đàn phải giả lơ, giả tảng? Để dư luận cứ xôn xao mỗi người mỗi ý. Ai đã đọc "Dưới chín tầng trời sẽ thấu hiểu nỗi bi thương của gia tộc Hoàng Kỳ, gia tộc Đức Cường. Gia tộc Hoàng Kỳ đã có người con lên cấp tướng mà vẫn không giữ nổi mạng sống cho cha mẹ mình. Còn gia tộc Đức Cường đã hiến cho cách mạng những hai nhà máy để cuối cùng phải tự vẫn ngay trong căn hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng ở chính ngôi nhà của mình. Những nghịch cảnh mà tác phẩm đặt ra bắt người đọc phải quan tâm. "...Đám cưới chị Thu Cúc lại diễn ra trong cảnh tình cậu quý tử Đức Thịnh, người nối dõi dòng tộc nhà ông ngày ngày vẫn phải cậm cạch nạng gỗ lò cò nhảy lên chiếc xe ba bánh rong ruổi đi bán báo kiếm sống, và cô tiểu thư Thương Huyền xinh đẹp nhà ông lại phải lên rừng khai hoang. Ông Đức Cường soi xét lại bản thân, soi xét lại mấy đời gia tộc ông có ai làm điều thất Đức đâu mà cả con trai con gái ông phải chịu cảnh lỡ dở một đời ngang trái. Càng ngẫm, ông Đức Cường càng thấy đau đớn. Tất cả là tại ông, chính ông đã làm các con ông khốn khổ, chính ông là kẻ dại khờ, ngu muội lái con thuyền gia đình đi sai hướng. Trước bàn tiệc chất ngất đồ ăn thức uống, ông Đức Cường lặng lẽ nhấp từng ly rượu. Càng uống ông càng thấm thía sự đời..."...Ông Đức Cường đã không chịu nổi cái cảnh trái ngang diễn ra ngay trong ngôi nhà mình, ngay trên mảnh đất tổ tiên nên ông đã phải tìm con đường chết. "...Bà hãy ở lại với các con, tôi đi đây. Vĩnh biệt! Vĩnh biệt cuộc đời này. Ông lo sợ sự chậm trễ sẽ bị vợ phát hiện nên ông cầm lọ thuốc ngủ đi ra mảnh vườn sau nhà. Mảnh vườn xưa hoang vắng, chiếc ghế đá phủ đầy lá rụng. Âm thanh tiệc cưới của Thu Cúc vẫn vang lên bên tai ông. Ông bước tới gốc sầu riêng gạt lớp lá lâu ngày mục rữa, lật mở nắp căn hầm bí mật từ hồi kháng chiến ông vẫn còn giữ lại phòng khi bất trắc xảy ra. Căn hầm này đã trải bao biến cố thời cuộc, nó luôn là nơi che chở làm yên lòng người mỗi khi có sự. Trong chiến tranh, căn hầm này đêm đêm đã từng đón những chiến sỹ cách mạng về nhận vũ khí lương thực đưa ra vùng giải phóng. Căn hầm này đã che chở cho thằng Đức Thịnh, con trai ông bị thương trong chiến dịch Mậu Thân 68. Ông run rẩy dò từng bước, căn hầm tối bưng xông lên mùi ẩm mốc. Từ ngày giải phóng, căn hầm bị bỏ quên, và hôm nay trong khoảnh khắc, căn hầm lại bất chợt hiện lên rõ mồn một trong tâm trí ông. Lại một lần nữa căn hầm lại che chở cho ông giải thoát cuộc đời này..."
Đây là những điều đáng buồn cho thế thái nhân tình mà lẽ ra không đáng có. Và nguyên nhân trách nhiệm thuộc về đâu để niềm tin của những người như Đức Cường bị triệt phá? Nhà văn đang làm một cánh chim báo bão. Có người bảo:
- Dương Hướng viết Dưới chín tầng trời là anh đã dùng lối: Phản biện lịch sử.
Song lại có ý kiến phản hồi:
- Không! Dương Hướng không hề phản biện. Anh chỉ hiện thực hoá lịch sử trong tác phẩm quá trung thực đấy thôi. Bây lâu ta quen đọc một lối văn xuôi chiều, viết nó, nhà văn chỉ nhằm cho việc cổ suý, tự khẳng định trước mà hướng sẵn bắt người đọc cảm nhận theo. Bây giờ đọc Dương Hướng nó lạ. Nó đi chệch "ren" ấy nên ta mới ngộ nhận là anh phản biện (!). Có chăng Dương Hướng chỉ gián tiếp phản biện lại cái khuynh hướng sáng tác định sẵn bấy lâu ta đi quen thành lối mòn. Tôi đã ngồi với Dương Hướng thật lâu bên tách trà để cởi mở với anh về nội dung cuốn sách, về những vấn đề anh đưa ra mà đọc giả rất quan tâm. Trọng tâm cuốn sách là nhân vật Trần Tăng. Lâu nay người ta quen có cảm giác, đụng đến Trần Tăng là đụng đến vùng cấm, đất thiêng. Chuyện riêng tư của nhân vật này được xem như thuộc về "thâm cung bí sử". Bóc trần sự tha hóa của họ là đối mặt với một lực cản "vô hình". Nhưng Dương Hướng đã dám làm! Cái anh làm cho người đọc bất ngờ nhất là nhân vật Tuyết- sản phẩm tinh thần của Trần Tăng- (một thứ nô lệ tự nguyện) tưởng cô sẽ mãi là cái bóng của Trần Tăng . Nhưng anh đã làm bước ngoặt cho nhân vật này để cô rẽ ra thành một diện mạo riêng.Điều ấy đã làm lên thành công cho tác phẩm, làm cho tác phẩm phần kết lung linh. Hãy nghe những lời phán xét của Tuyết với Trần Tăng: "Chiến công đầu tiên, cũng là lỗi lầm đầu tiên của ông là giết chết ông bà Hoàng Kỳ Bắc, phá tan gia tộc Hoàng Kỳ, phá tan chùa Đông, phá tan Đình Đoài. Để đến bây giờ kẻ phản bội tổ quốc như Đỗ Hiền lại phải về xin được xây dựng lại. Để đến bây giờ người dân làng Đoài đang đấu tranh đòi chính quyền phải trả lại cái tên làng Đoài, trả lại nền đình Đoài xưa mà bây giờ chính là khu nhà đảng uỷ kia. Ông có thấy đau đớn khi thấy chính bàn tay của kẻ thù lại xây dựng lại những cái mà ông đã đập phá đi? Và những sai lầm tiếp theo thì không nói ông cũng rõ rồi. Ông đã biến người nông dân cần cù thành lũ lười nhác làm ăn dối trá phá tan nền móng gốc rễ làng quê, để dân tình đói rách phải bỏ làng mà đi như Đào Kinh, như mấy mẹ con bà Cháo. Ông có biết ông đã đẩy hai thằng con rể người Tầu của bà Cháo phải bỏ về bên kia để hai đứa con gái bà ta phải goá chồng cho tới bây giờ? May mà đứa con gái lớn nhà bà Cháo nó đã bất chấp giấu được chồng con trong rừng chứ không thì cũng chịu hậu quả như hai cô em nó. Có lẽ chúng căm thù tới tận xương tuỷ, nhưng may cho ông là chúng đâu có biết chính ông lại là kẻ chủ mưu phá tan gia đình chúng.
- Thôi thôi, đừng nói nữa, Trần Tăng khẽ rên lên run rẩy, cô tưởng tôi bảo thủ không biết những việc làm tội lỗi của mình sao? Tôi biết hết, biết ngay từ khi mình đang làm. Nhưng tôi cũng biết, nếu tôi không làm thì thằng khác cũng làm, mà thằng khác làm có khi hậu quả còn tồi tệ hơn cả tôi cô hiểu chưa?
- Vậy là cuối cùng ông vẫn đổ cho thời cuộc?
- Đúng vậy! Thời cuộc nó thế nên tôi đành thế. Có thế tôi mới là Trần Tăng hôm nay.
- Nhưng tôi lại cho rằng xã hội không có những người như ông thì thời cuộc sẽ khác, con người sẽ bớt khổ.
- Ôi không ngờ cô chủ tịch xã của tôi lại có được tư tưởng lớn đến vậy..."
Dương hướng đã dám moi tới tận cùng gan ruột tâm địa nhân vật Trần Tăng và Tuyết. Chính nhận ra một thời sai lầm mông muội ấy mà Tuyết đã rẽ ngoặt. Cô dám đương đầu chịu trách nhiệm trước cộng đồng về hướng đi tiếp của mình. Cô tự tin để đặt chân lên "con đường mới". Điều này đã làm lên cái hay bất ngờ và sự thành công của tác phẩm. Tạo ra cái kết rất lung tập hợp được đầy đủ mọi gương mặt của các nhân vật trong cái ngày xã đón danh hiệu anh hùng, nâng tác phẩm lên tầm cao giá trị tư tưởng. Nhưng với nhân vật Đỗ Hiền,, có một số bạn đọc chưa được hài lòng. Họ cho rằng anh chưa "dám" đi đến tận cùng với nhân vật. Đỗ Hiền có một lý tưởng- mục đích sống rất rõ ràng! Như ông bà ta vẫn nói:"Được làm vua thua làm giặc" Đỗ Hiền phải làm giặc vì thua cuộc. Song một con người đã dưngj lên cho mình một lý tưởng thì không dễ gì anh ta chịu để bị đổ vỡ một cách dễ dàng như vậy- dù đó cũng chỉ còn trong ý tưởng. Tuy đã bị khuất phục , song Đỗ Hiền chưa hẳn đã chấp nhận một cách ngọt ngào như trong "Dưới chín tầng trời" mà anh xây dựng. Đây còn là cả vấn đề lan giải...
Đỗ Hiền quay về với cội nguồn, nó khác với quay về để tuân thủ, tác phẩm còn hạn chế ở điểm này. (Tôi nói là hạn chế bởi chưa thâu nhận được sự đồng thuận của mọi đối tượng độc giả) Họ cho anh cố tình vo tròn trọn gói? Tự ý cưỡng chế nhân vật vào ý tưởng? Nghe vậy Dương Hướng không bối rối, cũng không cần đắn đo anh trả lời như đã nghiền ngẫm sẵn: Anh đã hiểu như vậy là được. Chúng ta hãy tạm dừng nhân vật Đỗ Hiền lại ở đây. Vì anh đã biết nó còn là vấn đề nan giải...
- Vâng! vậy đấy.
Nhưng có ở gần anh mới biết rõ điều này:
- Để có Bến Không Chồng và Dưới chín tầng trời Dương Hướng đã phải đánh đổi, cá cược, thế chấp cả cuộc đời mình đấy (.)
Xoay quanh những tác phẩm của anh xin dẫn ra một vài chuyện đã thành giai thoại.
- Sau khi tiểu thuyết Bến Không Chồng in ra. Một hôm Dương Hướng đang ngồi trong phòng làm việc thì có một người đàn ông tìm đến. Được người chỉ dẫn tận nơi nhưng thấy anh ông ta vẫn cẩn thận hỏi: "Dạ Thưa. Anh có phải là nhà văn Dương Hướng không ạ? Giây phút ngạc nhiên trước sự xuất hiện đường đột của người khách lạ qua đi là anh xởi lỏi: "vâng. Tôi là Dương Hướng ! Mời bác ngồi sơi nước"
Người khách vẫn cẩn trọng hỏi lại: "Có phải anh là tác giả của tiểu thuyết Bến Không Chồng ạ?" "Vâng. Tôi viết".
Khi biết chắc mình đã gặp đúng tác giả Bến Không Chồng, người khách càng trở nên xúc động. Sau mươi phút xin được trao đổi chuyện trò, ông rút ra một Chiếc phong bì nâng bằng cả hai tay đưa lên trước mặt Dương Hướng. Giọng ông ta rưng rưng: "Xin anh nhận cho. Đây là tấm lòng của tôi. Nó không nhiều đâu. Nó chỉ mang tính tượng trưng để tỏ lòng biết ơn của bạn đọc trước sự sáng tạo của anh đã tái hiện lại một quá khứ... Tác phẩm Bến Không Chồng đã làm vơi dịu đi những gì vẫn cộm trong tôi- một kẻ trong cuộc chưa thể tự giãi bày..."
Có lẽ câu chuyện hi hĩu: Nhà văn được nhận nhuận bút từ tay độc giả này nó xứng đáng là một giai thoại văn học để văn đàn ghi nhận mãi mãi.
Song Dương Hướng cũng nhận được không ít sự phản ứng khác sau khi tác phẩm được dựng thành phim.
Làng Đoài trong tiểu thuyết chính là khung cảnh bối cảnh thực của cái làng An Lệnh- xã Thuỵ Liên- huyện Thái Thuỵ- Thái Bình của Dương Hướng được anh bê nguyên vào tác phẩm. Xem phim xong người làng này nhận ra ngay những nhân vật được thể hiện qua phim đó chính là hình ảnh cha ông, thậm chí bản thân họ được Dương Hướng khắc hoạ, miêu tả quá sống động. Những nhân vật được đề cao thì tìm nhà văn để chúc mừng hỉ hả. Còn kẻ bị lột tả phơi bày trong nhân vật phản diện lại hậm hực cay cú: "ông ác quá đấy. Ông bê luôn cả chuyện của gia đình tôi mà đưa vào tiểu thuyết- vào phim.
Vậy cái tinh chất mà Dương Hướng chắt lọc từ đâu để có Bến không chồng và Dưới chín tầng trời?
Nhìn Dương Hướng chắc nịch, và vẫn mộc mạc nguyên bản như thể lão thợ cày vừa bước ra từ cánh đồng chua mặn của làng Đoài, bạn bè trêu:
- Bốn mươi năm hết quân đội lại đến ngành Hải quan ra công cải tạo và cả lớp lớp hào quang vinh danh bao phủ mà vẫn không làm thay đổi được cái tạng nông dân một cục của ông. Nhưng đây hình như lại là chất liệu chính để tạo lên thứ phong cách rất riêng của một nhà văn luôn "dương hướng" ?!
Nhắc đến điều này tôi lại nhớ đến chuyện xảy ra năm vừa rồi khi Đất khách- truyện ngắn của anh lần đầu được đăng trên văn nghệ Hạ Long đã làm cho dư luận một phen xôn xao khiến văn đàn đất mỏ sôi lên sùng sục:
Người thì bảo: Truyện hay mang tầm nhân loại. Vấn đề mà Dương Hướng đề cập nó không phải của một dân tộc một quốc gia mà nó vượt qua mọi biên giới để cảnh báo một hiện trạng buộc cả nhân loại phải quan tâm- Vì trọng nam khinh nữ mà bao con người bị đẩy vào bi kịch, tự nhẩy vào bi kịch....
Có người không nghĩ vậy: Họ cho rằng chuyện Đất khách của Dương Hướng đã thoá mạ nhân cách người phụ nữ Việt
Dương Hướng không một lời thuyết trình minh giải. Anh chỉ nói trong lúc vui vẻ với bạn bè: Không sao. Mỗi người đều có quyền cảm nhận của riêng họ.
Gần đây lại xì tiếp ra một chuyện nữa: "Đường chân trời" truỵện ngắn của tác giả trẻ Vũ Thị Hạnh đăng trên văn nghệ Hạ Long- Dương Hướng là người thẩm định biên tập. Truyện nói về khát vọng thăm thẳm của một người đàn bà và một đứa con tật nguyền mong ước gặp lại người đàn ông của đời mình sau nhiều năm xa cách từ sự kiện biên giới giữa hai nước Việt- Trung năm 1979. Câu chuyện xoay quanh một tháng tù mãn hạn gốc Hoa và Miên, người đàn bà lầm lỡ làm nghề hót rác. Họ gom những gì còn lại của cuộc đời mang đến cho nhau hết sức chân tình, lương thiện. Kết cục của mối tình bất đắc dĩ ấy cho họ một hạnh phúc cỏn con- Đứa con tật nguyền. Hồi....chia xa. Biên giới mở lại với bao sự kiện nghe thì sán nạn lắm. Vậy mà người đàn bà và đứa con tội nghiệp lại cứ phải khắc khoải đợi chờ ngày xum họp trong mong manh thăm thẳm tị hiềm....(?)
Truyện đăng lên có người bảo nó có vấn đề (.)
Thế là văn đàn lại một phen xôn xao. Bạn văn từ mọi miền đất nước nhiều người lên tiếng. Họ đồng quan điểm với cái nhìn nhân sinh, nhân bản của tác phẩm. Đồng tình với Dương Hướng dám đường đường tỏ rõ quan điểm bảo vệ cho một tác phẩm văn học đích thực bị một số ít người chẳng hiểu vì động cơ gì lại nhìn méo mó suy diến sai lệch như cái thời cải cách ruộng đất.
Nhận trách nhiệm trước HVHNT Quảng Ninh hàng ngày phải ngồi thẩm định hầu hết văn xuôi của hội viên và bạn văn cả nước gửi về. Công việc chiếm rất nhiều thời giờ của anh. Vậy mà hễ cứ có sự kiện "nóng" xảy ra là đã thấy có anh lên tiếng.
Sự kiện đáng nhắc đến gần nhất là tập phóng sự ảnh và bài viết "Con quái vật bên bờ Bái Tử Long" in trên báo văn nghệ Trung ương phản ánh quyết liệt về việc nhà máy Xi măng Cẩm Phả xả khói bụi ra môi trường.
Nhà máy Xi măng Cẩm Phả được xây dựng ngay mép biển, nơi giáp ranh giữa Hạ Long và Bái Tử Long. Nhà máy được quảng bá là được xây dựng với thiết bi hiện đại tân tiến nhất thế giới. Nhà báo Nguyễn Minh Triết đã có bài viết hết sức thuyết phục để khẳng định nó không ô nhiễm cho môi trường. Nhưng buồn thay, giờ đây mỗi khi khí núi toả ra hoặc những chiều trời đầy cơn, những đêm thức dậy đột ngột nhìn ra người dân thị xã Cẩm Phả lại thấy ống khói của nó toả khói mù mịt lên trời. Và nỗi bức xúc của người dân nơi đây dâng thành tiêu điểm.
Biết cả đấy. Nhưng các nhà báo chuyên nghiệp ẩn quanh khu vực vẫn giả ngơ vì không muốn đụng độ với những vấn đề ... tế nhị để được an bài. Tôi được biết, sau bài viết "Con quái vật..." của Dương Hướng tung ra đã có vài phóng viên từ Hà Nội đã nhảy xuống Quảng Ninh tìm hiểu sự tình hư thực rồi sẽ ra sao. Chẳng biết bằng cách nào từ khoảng cách gần 30 Km (Hạ Long- Cẩm Phả) mà Dương Hướng vẫn rình thâu được hàng chục tấm ảnh những lúc nhà máy đang tự do xả khói, thổi bụi một cách rất đương nhiên, rất thản nhiên ra giời đất núi non biển khơi trong lành. Phóng sự của anh đã buộc các ngành chức năng vào cuộc. Nhà văn Dương Hướng là người đi đầu dũng cảm không chỉ sẵn sàng bảo vệ cho những tác phẩm văn học đích thực ra đời, mà anh còn chấp nhận đương đầu với những điểm nóng- những tiêu điểm đang diễn ra giữa cuộc sống cộng đồng.
Nhân sự kiện này ngày 10/7 vừa qua Câu lạc bộ văn thơ Cẩm Phả tổ chức buổi gặp mặt hội viên trong câu lạc bộ và hàng trăm bạn bầu khắp...trong tỉnh. Họ có nhã ý mời nhà văn Dương Hướng. Họ chờ đón để tặng hoa, tỏ lòng ái mộ anh. Vậy mà anh lại từ chối không sang. Anh điện cáo từ: " Có gì đâu mà mà các bạn phải làm cho rôm chuyện. Chẳng qua là cái tính mình nó thế. Ai hiểu cho thì mừng, ai không hiểu thì đành chịu."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét