Chân dung Dương Hướng
CÓ MỘT NHÀ VĂN KHÔNG BIẾT TIÊU TIỀN
Đỗ Tiến Thuỵ
Những năm cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước, đất nước đang ở đỉnh điểm của sự khủng hoảng kinh tế, nhà nhà thiếu đói chạy miếng ăn đến bở hơi tai. Giáo viên sau giờ dạy trùm khăn kín mặt ra chợ bán rau. Sỹ quan quân đội nghỉ hưu mang bơm ra đứng đầu đường. Nông dân tất tưởi khoai sắn đắp đổi qua ngày… Cả nước nhuốm màu suy dinh dưỡng xanh xao vàng vọt.
Chính lúc đó có một công chức đang ăn lương ổn định bỗng dở chứng lên gặp lãnh đạo xin nghỉ không lương 6 tháng để… viết văn! Ông sếp của ngành hải quan Quảng Ninh trợn tròn mắt kinh ngạc nhìn người nhân viên như nhìn một người ngoài hành tinh. Này ông ơi, nếu ông muốn viết văn thì làm đơn xin chuyển sang Hội văn nghệ, ở đó người ta vẫn trả lương để ông có cái mà ăn mà viết. Ông nhân viên lắc đầu: Không, mình thích thì viết, sao lại bắt Nhà nước trả lương?
Người có hành động “kỳ quặc” ấy chính là nhà văn Dương Hướng. Ông nghỉ, nhà 6 miệng ăn chỉ trông vào một suất lương của vợ là cô giáo dạy văn cấp ba, chẳng cần nói cũng hiểu hoàn cảnh nheo nhóc thế nào. Đến bây giờ, cái mà ông nhớ nhất về những tháng ngày đói kém ấy là tiếng ca sắt vét gạo quèn quẹt vào đáy khạp, những bát cơm gạo đỏ độn bo bo ăn với những con cá ót nhạt thếch mà người dân Hạ Long vẫn gọi là “cá giáo viên”. Nhìn vợ con xanh xao, ông đau quặn ruột, nhưng đành nén lòng ngồi viết. Ông viết chỉ vì ông “máu viết” chứ chẳng nghĩ tác phẩm của mình có thể được in, lại càng không nghĩ mình có thể trở thành nhà văn. Thế nên khi viết xong cuốn tiểu thuyết “Bến không chồng”, ông đóng gói gửi đi và cảm thấy nhẹ lòng, tiếp tục đến cơ quan làm việc. Rồi một ngày kia ông nhận được thư của nhà văn Nguyễn Phan Hách, biên tập viên của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, thông báo tiểu thuyết của ông đã được in và cuối năm 1991 thì nó đoạt giải thưởng Hội Nhà văn, cùng với “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường và “Thân phận tình yêu” của Bảo Ninh, “Bến không chồng” là một trong những cuốn sách đoạt giải được nhắc đến nhiều nhất ở Việt Nam. Nó được Dương Hướng viết một cách “vô tư” và tác giả đã trở thành nhà văn một cách “vô tình” như thế.
Tôi gặp nhà văn Dương Hướng lần đầu khi ông lên tòa soạn Văn nghệ Quân đội chơi. Ông thân với nhà văn Nguyễn Bảo nên khi nghe tin Văn nghệ Quân đội mở trại viết ở Tây Nguyên, ông ngập ngừng đề nghị tham gia. “Các ông không phải lo gì, tôi sẽ chịu hết chi phí!”, ông nói như thế để tránh khó xử cho bạn, bởi đối tượng trại viên lần này chỉ dành cho các tác giả đang sinh sống ở miền Trung và Tây Nguyên. Ông nói và ông làm thật. Ông lại lên gặp lãnh đạo hải quan Quảng Ninh xin nghỉ không lương một tháng.
Khi đoàn nhà văn của Văn nghệ Quân đội đi bằng máy bay vào Tây Nguyên thì ông một mình lặng lẽ lên tàu từ Hà Nội. Đến ga Diêu Trì, ông hồn nhiên ngoắc một chiếc taxi. Anh tài xế giật bắn mình khi nghe địa điểm ông khách này vừa nói. Từ ga Diêu Trì lên đến Binh đoàn 15 ngót nghét 300 cây số, ông này chắc chắn là… tỉ phú! Vốn người tốt bụng, anh hỏi dặt dè: “Bố ơi, đây lên đó tiền cước hơn một triệu đồng, bố nên suy nghĩ cho kỹ…”. Đến lượt ông khách giật mình toát mồ hôi hột. Nhìn sắc mặt tái mét của ông, anh tài xế thương tình hỏi chuyện. Khi biết ông khách là nhà văn, tác giả của tiểu thuyết “Bến không chồng” nổi tiếng, anh tài xế đã chở miễn phí một cuốc đưa Dương Hướng ra ngã ba cầu Bà Ri để ông bắt xe đò ngược trại.
Sau lễ khai mạc, chúng tôi tỏa đi các hướng thâm nhập thực tế trên địa bàn Tây Nguyên. Mũi tôi phụ trách có nhà văn Lê Hoài Lương của Bình Định và nhà văn Dương Hướng. Nơi chúng tôi tới là một nông trường có cái tên Công ty 74 sát biên giới Campuchia. Nhà văn Dương Hướng tham vọng sẽ viết tiếp một cuốn Bến không chồng 2 nên rất háo hức. Ông thẽ thọt: “Cậu cho mình xuống chỗ nào có nhiều nhiều… chị em một tí!”. Tôi hào phóng quyết luôn. Thế là chỉ trong hai ngày, nhà văn Dương Hướng đã toại nguyện: Tiếp xúc với rất nhiều nữ công nhân. Một buổi tối ông rủ tôi đi gặp một cô gái 32 tuổi là tổ trưởng sản xuất, đã đạt danh hiệu “Đôi bàn tay vàng” cuộc thi cạo mủ cao su Binh đoàn năm ngoái. Cô quê Nam Đàn, Nghệ An, có một cá tính lạ lùng là không chịu tiết lộ về mình, mặc dù theo lời của lãnh đạo nông trường thì hoàn cảnh cô có nhiều uẩn khúc. Nhà văn Dương Hướng vận dụng hết kinh nghiệm moi thông tin nhưng vô hiệu. Trước sau cô gái chỉ nói một câu: “Em sẽ kể về công việc cho các anh viết với một điều kiện là không được nêu tên và chụp ảnh em; còn chuyện cá nhân xin hẹn đến lúc em lấy chồng xong sẽ kể.”. Đây coi như một dấu chấm hết cho cơ hội của nhà văn, bởi giữa núi rừng sâu hút thế này, biết bao giờ cô mới lấy được chồng? Mà nếu có ngày đó thì chúng tôi cũng không thể quay lại nơi này. Chúng tôi dõi cái nhìn ra trời đêm. Những ngôi nhà nhỏ nhoi của le lói ánh đèn. Gió thốc một vệt qua những cánh rừng cao su đen thẫm như một tiếng thở dài khủng khiếp. Không biết sau này những nguyên mẫu này sẽ được nhà văn Dương Hướng xây dựng như thế nào trong tác phẩm, còn bây giờ tôi đã thấy ông trăn trở.
Những ngày đi thực tế cùng Dương Hướng tôi mới biết là ông “lội” khỏe. Đường rừng như thế mà tối ngày ông đi. May mà sóng Viettel đã phủ ở vùng này. Ông đi quên ăn quên ngủ nên tôi luôn phải gọi ông về. Một lần tôi gọi, thấy ông reo rất to: “Thấy rồi! Thấy rồi!”. Cái mà ông “thấy rồi” ấy là một bác sỹ quân y có mặt ở nông trường 32 năm nay, trưởng thành từ một y tá, y sỹ rồi bác sỹ. Cái độc đáo là ông bác sỹ này đã tự tay… đỡ đẻ cho gần 400 sản phụ. Nhiều gia đình công nhân ở đây được ông đỡ đẻ cho cả mẹ cả con. Biết bao nhiêu câu chuyện buồn vui xung quanh vị bác sỹ này nên nhà văn Dương Hướng cương quyết “đeo bám”. Ông ghi chép kín cuốn sổ tay mà chưa xuể, bèn gọi điện bảo tôi mang sổ tới cho ông mượn. Vớ được nhân vật đầy hứa hẹn, nhà văn Dương Hướng vui như địa chủ được mùa. Ông cười nói suốt chặng đường hơn trăm cây số từ biên giới về thành phố.
Vừa về đến Pleiku, con gái ông điện thoại véo von: “Con gửi bố 10 triệu để bố tiêu vặt trong những ngày đi trại. Bố mang thẻ ra máy ATM rút tiền nhé!”. “Ơ…cái con này…”. Nhà văn Dương Hướng lắp bắp mắng yêu con gái. Ông thần người ra một lúc rồi rút máy gọi taixi. Khổ, Tây Nguyên đâu phải thành phố Hạ Long nên chiếc taxi đưa ông đi hút vào phố núi sương mờ. Mãi đến tối ông mới trở về. Ông hào phóng rút tiền ra thanh toán cước xe. 181.000 đồng, quyết thoáng luôn tờ 200.000 đồng mới khựa. Ông đặt trước mặt tôi tờ… biên lai vấn tin tài khoản của Ngân hàng Công thương: “Nó gửi… mà tôi chả biết tiêu gì nên chả rút”. “Ơ, không rút thì bác thuê taxi làm gì?”. “Ờ ờ…Thì con nó gửi, mình không tiêu nhưng nhìn thấy tài khoản của con nó biếu cũng thích…”. Ông gãi đầu nói thế và lại cười hiền hậu. Ban đầu tôi cứ tưởng ông đùa, sau mới biết là ông nói thật, bởi trong suốt thời gian Trại sáng tác văn học Tây Nguyên 2007 đóng tại Gia Lai, ngày nào nhà văn Dương Hướng cũng bắt taxi đi thành phố Pleiku. Khi trại hành quân về đến Qui Nhơn thì số tiền 10 triệu kia đã ngót mất 1 triệu bốn trăm ngàn đồng. Không phải nhà văn Dương Hướng tiêu gì, mà chỉ là tiền thuê taxi đi… kiểm tra tài khoản!
Nói chuyện mới biết rằng, nhà văn Dương Hướng là người chưa bao giờ biết đến đồng nhuận bút. Tất cả đều do vợ con ông quản lý. Mười một lần “Bến không chồng” tái bản trong nước nhuận bút là bao nhiêu ông không quan tâm. Khi nó được chuyển thể sang kịch bản phim truyện nhựa, ông cũng chỉ nghe đạo diễn Lưu Trọng Ninh gọi điện thông báo “được bốn triệu rưỡi, cái đứa con gái đang học ở Phân viện Báo chí tuyên truyền nó nhận thay ông rồi”. Hai lần “Bến không chồng” được dịch sang tiếng Italia và Pháp ông cũng ủy quyền cho con gái ông đi ký hợp đồng. Nghe con thông báo lại là “được 4.000 euro bố ạ!”, nhà văn cũng chỉ ậm ờ, không biết 4.000 euro qui ra tiền Việt là bao nhiêu. Khi tôi nói, tương đương 80 triệu đấy bác ạ, nhà văn Dương Hướng ngẩn người lẩm bẩm: “Thế cơ à?”.
Là nhà văn nổi tiếng nhưng Dương Hướng không mắc thói kẻ cả hợm mình. Những ngày cùng ông rong ruổi trên Tây Nguyên tôi quan sát thấy rằng, mỗi khi có độc giả nào nhận ra tác giả của “Bến không chồng” và có lời trầm trồ là mặt Dương Hướng cứ đỏ lựng cả lên. Ông ngượng nghịu đến tội nghiệp và lắp bắp mỗi một câu “Có gì đâu mà! Có gì đâu mà!”.
Ở trại viết, mọi người rất thèm thuồng nhìn cái laptop đời mới của nhà văn Dương Hướng. Nó là món quà của đứa con gái được hưởng nhiều “lộc văn” kính bố. Mặc dù trình độ vi tính như Dương Hướng tự nhận là “chưa thể nào bước vào thời kỳ hội nhập”, nhưng ngày nào ông cũng mang nó ra gõ. Ông gõ bằng… một ngón, như kiểu đồng bào Tây Nguyên dùng dùi chọc trỉa gieo hạt trên nương. Ấy thế mà những “hạt chữ” ấy đã “nảy mầm”. Thông thường thì các nhà văn sẽ cỗi đi theo tuổi tác, nhưng với Dương Hướng thì ngược lại. Mọi người cứ tưởng ông chỉ sở trường về tiểu thuyết và chỉ viết tiểu thuyết mà thôi. Nhưng không. Ông viết truyện ngắn rất “nghề” và đã in hai tập thể loại này. Bế mạc trại, ông nộp cái truyện ngắn tươi rói với cái tên “Thuyền neo bến khách”. Đây là một truyện ngắn hay, được in trên VNQĐ ở số 672 - tháng 6-2007 và nó đã để lại những dư ba đẹp. Khi tôi điện thoại hỏi: “Bác ơi, nhuận bút gửi về đâu?” thì nghe tiếng Dương Hướng trả lời: “Không phải gửi, có đứa nó đến lấy!”. “Thế bác đang ở đâu?”. “Tớ đang đi trại viết tiểu thuyết của Hội Nhà văn trên Đại Lải”. “Thế là bác lại… xin nghỉ à?”. “Ừ, tớ lại xin nghỉ không lương một tháng…”.
Hà Nội, 1-7-2007
ĐỖ TIẾN THỤY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét