12 thg 12, 2010

Tràn Chiểu đời báo đời văn

Dương Hướng
Đã qua mấy chục năm, ngôi nhà của Trần Ông vẫn kiêu hãnh chênh vênh trên sườn đồi dựng đứng thuộc phường Cao Xanh từ cái thời còn “bao cầp”, toàn dân khốn khó đủ đường. Tôi nhìn cái dáng ông cao to lừng lững như Tây, tay dắt xe đạp, vai đeo túi dết, ông lóc cóc leo lên cái lối ngõ dốc đứng lưng chừng giời để đi về ngôi nhà của mình khuya sớm...
Thoắt cái đã mấy chục mùa xuân. Đời ông cũng năm chìm bảy nổi chín cái lênh đênh ba mươi sáu cái gập ghềnh, Trần Ông bây giờ đã vào tuổi “thất thập cổ lai hy xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn tân kỳ hơn cả cánh trai trẻ. vai đeo Laptop cưỡi xe máy xông xáo khắp nơi xem chừng ông vẫn đang hồi xuân...
Là một trong những nhà báo kì cựu của Vùng Mò từ thời còn tem phiếu, ông xông xáo “Oanh tạc” trên địa bàn tỉnh nhà từ miền Đông: Đầm Hà Bình Liêu Móng Cái, đến Miền Tây: Hoành Bồ, Uông Bí Đông Triều. Không một cơ quan đoàn thể, công ty xí nghiệp nào không biết tên ông. Đến tuổi hưu, ngỡ ông an nhàn nghỉ ngơi cho sướng cái thân già, ai ngờ ông lại bắt đầu “chiến đấu” cho cuộc phưu lưu mới trên con đường văn bút. Lúc đầu tôi nghĩ ông chỉ viết chơi chơi vậy. Bất ngờ trong vòng năm trời ông ra mắt độc giả tập truyện ngắn với cái tên rất chi là ngộ: “Lễ Rước Cụ Thượng”. Lúc ấy ai cũng bảo sao lão lại cứ tự làm khổ mình? Hưu rồi nghỉ khỏe! Nửa ngày về sáng chả ăn ai, chiều tà còn làm nên trò trống gì. Có người còn cay độc bảo cái lối viết ào ào của ông văn chả ra văn báo chả ra báo? Thú thật khi đọc những truyện ông viết ban đầu tôi cũng hơi phũ góp ý thẳng tưng với ông rằng ông viết nó cứ rậm rạp như cây trong rừng mọc không hàng không lối, ngôn ngữ thì xô bồ nửa văn nửa báo nhưng lại rất chi là độc đáo, dữ dằn ở những chi tiết. Có lẽ chính vì những lời thẳng tưng đó đã khiến ông nổi cơn tam bành quyết chí minh chứng cho thiên hạ biết thế nào là sức lao động phi thường của tuổi đã hưu của mình. Rồi nhoằng một cái, chỉ trong vài ba năm, những “đứa con tinh thần” của ông cứ sòn sòn mau mắn nối nhau ra đời dày di dít như con cái vợ chồng thuyền chài mắn đẻ “Cái giá phải trả” tập truyện ngắn; “Con Trời” tập truyện ngắn: “Ngã ba chia tay” tiểu thuyết, “Người đi thầu đất” tiểu thuyết; “Phố lắm người nghèo” tiểu thuyết; “chủ tịch tỉnh tôi” tiểu thuyết; “Người đàn bà đuổi gió” tiểu thuyết; “Ma ở đất” tiểu thuyết. Và mới hôm qua ông đi trại sáng tác Sầm Sơn, của nhá xuất bản Công An về tức tốc lên hội văn nghệ xông thẳng vào phòng tôi hừng hực tinh thần chiến đấu. Giọng ông oang oang, tay cầm USB bảo tôi cóp vào Laptop để đọc giúp ông bản thảo tiểu thuyết mới ông vừa viết xong với cái tên “Chín chín và một trăm”. Ai đã đọc hết những sáng tác kể trên sẽ thấy cái nội lực, sự trải nghiệm cuộc đời làm báo của Trần Chiểu, đã giúp ông có được những chi tiết, những câu chuyện sống động, gần gũi với vùng đất ông đang sống. Những số phận, những cuộc đời thăng trầm của các nhân vật trong các tác phẩm của ông lấp ló bóng hình ông nọ bà kia, khiến cho dư luận không ít xôn xao: kẻ khen người chê và khối kẻ giật mình. Dư luận bắt đầu xôn xao về tính chiến đấu không khoan nhượng ở ông trong một số tác phẩm gần đây ám chỉ ông này bà nọ. Một lần tôi hỏi ông một câu cũng thẳng tưng khi tôi vừa đọc xong cuốn “Ma ở đất” ông tặng tôi. “Có phải ông là kẻ thích “Gây sự” với cả thiên hạ?” Ông cười rõ to: “Có thế mới là tớ. Tớ viết theo kiểu của tớ không giống ai. Văn Trần Chiểu không thể lại giống văn Dương Hướng.” Ông nói đúng! Trời sinh ra mỗi người một tạng riêng, văn chương là muôn vẻ. Tôi cho rằng cuộc đời làm báo đã ngấm vào máu, nên trong sáng tác của Trần Ông, cứ tuôn trào những chi tiết, những tình huống giống như ông đã từng trải qua, ông đã từng là người trong cuộc. Văn ông cũng giống như con người ông lăn lộn trên thương trường, xông xáo trong làm ăn, ào ào trong giao tiếp, và hay nổi khùng khi bức bách. Ông cũng đau đời chua chát khi thất bại. Và ông cũng lại rất đam mê cuồng nhiệt, biết chăm lo chu đào cuộc sống cuộc sông gia đình. Ai hiểu rõ tâm tính ông mới thông cảm cho cái tính xô bồ đến sống sượng, trung thực đến tận cùng của ông, khiến không ít người ghét ông. Ông chả chấp những điều tiếng ong ve. Ông đau đời ở những bất công của xã hội. Gần đây tôi nhận ra ông cũng rất tâm đắc và quan tâm tới thời cuộc chính trị xã hội, chống tham nhũng trong chốn quan trường. Tôi bái phục ông ở sự thâu lượm tin tức từ những sự vụ nhỏ nhặt vỉa hè cho đến những thâm cung bí sử triều chính. Văn ông cũng bày biện sống động hết thảy mọi chuyện của đời sống thường nhật của mọi tầng lớp từ thượng lưu đến hạ đẳng. Tôi đọc các tiểu thuyết của ông và hình dung nó giống như một cái chợ quê xô bồ bán mua ồn ào của những người nông dân chân thật đáng yêu nhưng cũng ngoa ngoắt điêu toa như ả Thị Mầu...
Văn Trần Chiểu không giống ai, ông quyết chí tuyên bố hùng hồn rằng còn sống, ông còn viết. Ông viết theo kiểu của riêng ông. Ai khen cứ khen ai chê cứ chê ông đều “dui dẻ” cảm ơn. Ông cười bảo rằng: Tên lửa thì bắn mục tiêu trên trời qua màn hình ra đa, còn ông nguyện chỉ là khẩu AK bóp cò bắn pằng pằng trực diện vào mục tiêu bằng con mắt từng trải của mình.
06/14,2008 Posted to Dương Hướng viết về nhà văn

Không có nhận xét nào: