4 thg 12, 2010

Hãy cứ để cuốn sách bước ra cuộc đời của nó

Dương Hướng trả lời phỏng vấn Báo Lao động
Sau 15 năm im lặng, Nhà văn Dương Hướng, tác giả "Bến không chồng" chuẩn bị tung ra cuốn tiểu thuyết mới với nhan đề "Dưới chín tầng trời". Một cuốn sách mà khi vừa cầm bản thảo trên tay, hội đồng thẩm định của một nhà xuất bản uy tín đã không ngần ngại tuyên bố: Đây sẽ là sự kiện "hot" nhất của đời sống văn xuôi Việt Nam năm 2007

PV: "Dưới chín tầng trời" - Cái tên sách của ông xem chừng có vẻ mông lung quá...
Nhà văn Dương Hướng: Có thể. Vì lúc đầu nó có tên là "Cửu trùng đài". Nghe còn mông lung hơn. Nhưng mà thật ra có gì mông lung đâu. Dưới cái chín tầng trời kia chính là mặt đất, là cuộc sống này với tất cả niềm vui, nỗi buồn. Thanh bình và giông bão. Hạnh phúc và khổ đau. Dường như trời cho thế nào, con người ta được nấy. Và dưới cái chốn cửu trùng này, con người ở vào tầng thấp nhất. Trong mỗi số phận ở đây, có máu thịt và nước mắt của cả anh, cả tôi cũng như tất cả người thân, bè bạn của chính chúng ta. Nó là cuộc đời này. Là mảnh đất mình hằng sống bằng tất cả niềm hy sinh, khát vọng cùng cả nỗi hoài nghi đau đớn.
PV: Ông viết cuốn này trong bao lâu nhỉ?
Nhà văn Dương Hướng: 3 năm. Trong đó một năm tôi xin nghỉ không lương để dốc toàn bộ sinh lực vào cuốn sách. Xem ra, mình vẫn là thứ công chức chả ra gì. Nhưng biết làm sao được khi đã vướng vào cái nghiệp dĩ này. Thế mà dung lượng thì cũng chỉ 600 trang in.
PV: Có mỏng quá không so với một quãng đời phải tiêu tốn?
Nhà văn Dương Hướng: Cái này nên để người đọc phán quyết. Về phần mình, tôi đã ép đến cùng kiệt cả dung lượng thời gian cũng như năng lượng sống.Không gian mà gần 100 nhân vật chính - phụ có mặt là cả một chặng dài nửa thế kỷ. Tất cả cùng xuất hiện trong chương kết trên cái nền của một làng quê đúng vào cái ngày trọng đại: xã đón danh hiệu Anh hùng. Ở đây, lịch sử đã hiện ra như một đám rước. Mà cái làng ấy cũng chẳng có gì xa lạ cả. Nó chính là cái làng mà bạn đọc từng biết tới trong " Bến không chồng".
PV: Vậy "Dưới chín tầng trời" chính là sự tiếp nối của một "Bến không chồng" thời đương đại?
Nhà văn Dương Hướng: Đúng vậy. Lịch sử thường đứt gãy. Nhưng thực tế cuộc sống thì như một dòng chảy không bao giờ ngừng nghỉ. Và nụ cười văn minh của ngày hôm nay lại cái "ngoác mép" bi hài, ngớ ngẩn của ngày mai. Bổn phận của nhà văn là phải liên tục khơi thông dòng chảy ấy. Thậm chí, phải băng bó và làm liền lại sự đứt gãy ấy nếu như nó có.
PV: Trở lại quá khứ một chút: Ông viết "Bến không chồng" năm ấy là?
Nhà văn Dương Hướng: 1990. Đang viết thì nghe tin Liên xô (cũ) sụp đổ. Điều đó chả liên quan gì tới văn chương mình nhưng mà tôi cứ nhớ. Có lẽ nhớ vì đói khát và thất vọng. Hai bàn tay tôi lúc ấy xanh bóng như càng cua óp. Cứ nghe tiếng bà vợ vét gạo trong cái hòm mìn là nước mắt muốn ứa ra. Nhưng còn chua xót hơn là bản thảo "Bến không chồng" bị một nhà xuất bản địa phương trả lại và yêu cầu cắt xén bươm bét. Ngay cả chi tiết nhân vật chính Nguyễn Vạn tự tử và chi tiết anh ta ngủ với cô gái đáng tuổi cháu mình cũng đòi phải vứt bỏ. Họ chất vấn tôi: Tất cả các số phận nhân vật trong BKC được gì? Dường như người ta chỉ muốn nhìn sự kết thúc của chiến tranh bằng hào quang của những tấm huân chương...
PV: Xem ra, ông có vẻ là một nhà văn tỉnh lẻ khá "ngoan cố"?
Nhà văn Dương Hướng: Chẳng thể làm gì khác được khi bản chất của thời cuộc là như thế. Bởi vì giai đoạn ấy đã để lại những vết hằn sâu nhất, đau đớn nhất trong số phận tất cả các nhân vật của "Bến không chồng" mà cho đến tận thời tôi sống vẫn đầy ám ảnh. Đó là nỗi ám ảnh lớn của lịch sử. Mà lịch sử thì "ngoan cố" hơn nhiều.
PV: Thế còn sau "Bến không chồng", hai tập truyện ngắn và một tiểu thuyết có cái tên "Trần gian đời người" của ông thì sao?
Nhà văn Dương Hướng: Chìm ráo. Có lẽ một phần chúng bị lấn át bởi ấn tượng của người đọc đối với "Bến không chồng". Phần khác, lẽ ra tôi nên trầm tĩnh lại. Nhiều năm sau này, tôi luôn cảm thấy mình hệt như một chiếc cát-tút rỗng.
Nhà văn Dương Hướng
Sinh năm 1949 tại xã Thụy Yên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Năm 1965, vào Công nhân Quốc phòng, làm nhiệm vụ vận tải hàng hóa; sau đó, học Trung cấp Tàu sông. Năm 1971, đi bộ đội, chiến đấu ở chiến trường khu V. Năm 1976, chuyển ngành, về công tác tại Hải quan Quảng Ninh. Hiện sống tại Quảng Ninh.
Tác phẩm: Gót son (1989), Bến không chồng (1990), Trần gian đời người (1992), Người đàn bà trên bãi tắm (1995), Bóng đêm mặt trời (1998).
PV: Người Trung quốc có câu: "Cho con một núi vàng không bằng một nghề hay. Nhưng một nghề hay cũng không bằng đặt cho con một cái tên hay". Hình như ông có vẻ hơi vụng về khi đặt các tên sách cho mình?
Nhà văn Dương Hướng: Đúng quá. Bao giờ đấy cũng là cái tôi loay hoay nhất. Mãi sau này, tôi mới hiểu "cái mũ" cho cuốn sách quan trọng biết chừng nào. Bởi vì anh đội chiếc mũ nào thì sẽ được đối xử như thế ấy. Văn chương tôi viết ra cũng vậy, quá nhọc nhằn.
PV: Ông nghĩ thế nào về cuốn sách đang in? Liệu nó có trở thành một cú "sốc" đối với người đọc đã từng biết tới một Dương Hướng của "Bến không chồng" 15 năm trước đây?
Nhà văn Dương Hướng: Thật lòng, tôi cũng đầy phấp phỏng. Nhưng quả khó so sánh. Biết rằng, khi bắt đầu khởi thảo, ngay từ trang đầu tiên, tôi bỗng phát hiện ra rằng tất cả niềm đam mê cùng những rung cảm sâu xa nhất của 15 năm trước đây dường như đã sống lại y nguyên. Nhưng chốt một câu đóng đinh vào số phận cuốn sách ngay lúc này là điều không dễ nói. Tốt nhất, hãy cứ để nó bước ra cuộc đời và người đời sẽ cho điểm nó.

PV: Xin cảm ơn ông.

Hạnh Vũ (thực hiện

Không có nhận xét nào: