4 thg 12, 2010

Dì Sa

Truện ngắn
Dương Hướng
"Anh chị về ngay, mẹ em bàn chuyện rất cần! Ký tên Nguyễn Thị Mong". Đọc đi đọc lại nội dung bức điện trong đầu tôi nảy ra không biết bao nhiêu câu hỏi. Chuyện vui buồn gì đã xẩy ra với dì tôi. Dì Sa đã cho em Mong gọi điện ắt phải là chuỵên hệ trọng.

Bao năm nay dì Sa sống lặng lẽ, nhất là từ khi Mong, đứa con gái duy nhất của dì lấy chồng. Dì một mình một niêu với gian nhà ngói, vuông sân nhỏ và mảnh vườn trước cửa. Mỗi lần vợ chồng tôi về quê sang thăm dì, dì mừng mừng tủi tủi và thế nào cũng phải ăn bữa cơm rau với dì.
Một người nhan sắc nồng nàn như dì Sa mà chịu sống cô đơn hơn hai mươi năm nay kể cũng lạ. Hồi tôi chưa lấy chồng, về lần nào tôi cũng sang nằm chung với dì, mục đích tấn công vào tư tửng "cổ hủ" của dì Sa, mong muốn di đi "bước nữa". Dì chỉ lặng thinh. Sự lặng thinh đầy song gió. Tôi ôm nghì lấy thân hình còn tràn đầy sức sống mãnh liệt của dì Sa mà thấy thương thương, tiếc cho dì. Tôi hỏi: "Chả lẽ dì thế này mà không có chú nào nhòm ngó tới?". Dì tôi thở dài: "Mình lại nhiễm lối sống thành thị mất rồi. Ai còn nghĩ tới chuyện ấy. Tối hôm qua tao lại mơ thấy chú mày về", và: "Điều duy nhất bây giờ là tìm được mộ chú mày". Lại chuyện mộ, lại chuyện chú. Có lẽ không lúc nào dì không nghĩ tới chú.
Tôi cầm bức điện đưa cho chồng, chồng tôi suy nghĩ một lát rồi nói:
- Hay lần này dì đã chịu đổi đời, muốn đi bước nữa.
- Làm gì có chuỵên ấy. Hồi còn trẻ dì chả màng bây giờ già rồi.
- Biết đâu đấy - Chồng tôi nói - Hồi còn trẻ dì phải lo cho tương lai của cái Mong, bây giờ nó đã có nơi có chốn.
Đã lâu lắm chồng tôi chưa về thăm dì Sa, chẳng phải vì quá bận mà vì mỗi lần , dì tôi cứ mê muội hỏi chồng tôi về đủ mọi chuyện ở chiến trường. Dĩ nhiên không ngoài chuyện về ngôi mộ chú tô. Hồi mới giải phóng, dì Sa đã bảo chồng tôi hỏi trên đài: "Nếu có ai biết mộ liệt sĩ Nguỹên Xuân Tùng ở đâu xin báo về địa chỉ…", cũng từ đấy, dì mua chếc đài National hầu như các buổi nhắn tin dì Sa đều chăm chú theo dõi không sót buổi nào. Dì còn cẩn thận dặn hàng xóm theo dõi giùm. Với chồng tôi dì căn dặn tỉ mỉ hơn: "Anh phải giúp dì gặp gỡ đồng đội, bạn bè của anh ở chiến trường xưa, may ra có người quen biết chú". Chồng tôi cũng chỉ biết ngoan ngoãn nhận lời và rồi anh lại bảo riêng tôi "Khổ thân dì! Dì cứ ngỡ chiến trường miền Nam nó cũng nhỏ như cái làng Đông nhà mình".
Hai vợ chồng tôi ngồi yên trí trên xe, chồng tôi bảo:
- Nếu đúng lần này dì đã kiếm được ông nào đó, em phải bàn với bố mẹ và dì nổ pháo liên. Chồng tôi nói đúng. Người như dì Sa nếu không đi bước nữa thì khổ thật. Sống lúc nào cũng nung nấu nghĩ về người đã chết. Đời dì Sa có lẽ chỉ sống vô tư, hạnh phúc vào thời gian dì tôi bắt đầu yêu. Năm ấy tôi mới lên mười, dì mười bảy, cha mẹ tôi cho tôi sang ở hẳn với bà ngoại, đi đâu dì Sa cũng dắt tôi theo. Tôi thầm tự hào, kiêu hãnh, đến đâu cũng được mọi người khen dì Sa đẹp. Dì Sa đẹp thật, vẻ đẹp đằm thắm, mơ màng. Đặc biệt, tóc dì Sa cứ đen nhánh và dài quá mức bình thường. Mỗi lần gội đầu dì phải đứng lên nghế để chải tóc. Kiểu chải tóc của dì cũng hết sức duyên dáng, điệu nghệ. Dì chăm chút cho mái tóc của mình bao giờ cũng sạch, óng ả và thơm mùi hương bưởi và bồ kết. Mùi thơm của tóc dì cứ phảng phất suốt cuộc đời con gái của tôi. Mãi sau này lớn lên tôi mới hiểu ngày ấy chú Tùng mê dì có lẽ cũng chính vì mái tóc của dì. Và có lẽ cũng chính vì thế, dì Sa càng chăm lo cho mái tóc của mình. Tôi thường xuyên chăm lo cho mái tóc của mình. Tôi thường xuyên được dì cho gội đầu chung, nhất là những lần dì có hẹn với chú Tùng. Dì bảo: "Muốn được đi chơi phải gội đầu cho sạch". Một lần dì nấu nước gội đầu sao mà nhiều thế, hai dì cháu gội vẫn không hết. Đến tối dì dắt tôi đi. Cũng vẫn dưới dặng phi lao trên đường ra bờ đê, đã không biết bao lần di Sa cho tôi đi theo, với điều kiện: "Cấm không được khoe bà". Tôi chẳng hiểu vì sao dì đi với chú Tùng cứ phải kéo tôi theo. Dì nói " để bảo vệ dì". Đứa con gái lên mười rảnh rớt như tôi thì bảo vệ sao được dì. Với lại, tôi thấy chú Tùng chẳng có gì nguy hiểm. Tối nào cũng như tối nào , vẫn đoạn đường ra bờ đê, dì và chú ngồi ngắm trăng nghe gió, nhìn dòng sông Trà Lý ào ào chảy. Thỉnh thoảng lại có vài người gò lưng kéo thuyền ngược dòng. nước táp vào bờ ràn rạt. Dì và chú nói với nhau không biết bao nhiêu là chuyện. Mãi sau này tôi mới hiểu đó là lơi tỏ tình yêu đương của dì và chú. Thỉnh thoảng dì mới cho chú nắm lấy bàn tay mình. Và lúc ấy người dì cứ run lên bần bật, vội vã nắm lấy tay tôi kéo áp sát vào lòng dì. Có lẽ bảo vệ dì chính là như thế.
Lần này chú Tùng vẫn chờ dì Sa dưới gốc phi lao lớn nhất bên dốc cầu Đá. Dì vừa tới, chú Tùng đã nắm chặt lấy cổ tay dì Sa vẻ nôn nóng, cuống quýt như có chuyện gì rất hệ trọng. Khác với mọi lần, dì để nguyên bàn tay dì trong tay chú Chú Tùng dắt dì ra bờ đê. Chú nói với dì giọng run run "Anh sẽ đi bộ đội". Tôi nghe bước chân dì Sa bối rối khi chú kéo dì đi quá giới hạn quãng đường mọi khi dì và chú vẫn đi. Ra tới bãi sông, nước sông cuồn cuộn trôi loang loáng trong trăng. Tôi vô tư chạy nhảy tung tăng tìm những hòn đất ném lên mặt sông, nước bắn tung toé. Như mọi lần, dì Sa đã quát mắng kéo tôi vào lòng, nhưng bữa này không ngờ dì lại dễ dãi bảo: "Cho Vi đi chơi, nhưng đừng có xuống sông nghịch nước "Tôi được thả tự do lao vào bãi dâu tìm bắt những con cánh cam. Những con cánh cam ẩn nấp đâu đó, thấy động chúng bay lè xè lao cả vào người tôi. Mải chơi quên khuấy cái bổn phận của mình là "bảo vệ dì Sa", khi quay lại tôi ngỡ ngàng nghe tiếng chú Tùng thổn thức "Anh yêu em". Tôi như bừng tỉnh hiểu ra chú và di Sa đang yêu nhau. Đôi cánh tay dì Sa ôm riết lấy chú Tùng. Mái tóc dì xoã ra ánh lên trong ánh trăng. Dưới mặt sông một chiếc thuyền đang no gió lao xuôi về cửa biển, một giọng hò vang lên trong đêm "ơ.. ơ…ơ …hò….ai làm cho bướm lìa hoa, cho chim xanh nỡ bay qua vườn hồng. Ai đi muôn dặm non sông. Để ai chứa chất sầu đong vơi đầy. Mãi sau này lớn lên tôi hiểu giây phút ấy là giấy phút hạnh phúc duy nhất của đời dì. Ngay sau đó chú Tùng vào bộ đội. Hai tháng sau chú gửi một lá thư về và đám cưới dì được tổ chức thật linh đình nhưng không có mặt chú rể. Đêm tân hôn dì Sa kéo tôi sang ngủ chung với dì. Khi tôi thức giấc, nghe tiếng dì Sa khóc tấm tức. Nước mắt dì ướt nhoè má tôi. Tôi rúc đầu vào ngực dì hít hà hương tóc cứ thơm lừng cả căn phòng hạnh phúc của dì. Bảy tháng sau dì sinh em bé. Dì mong chú về. Dì bảo: "Tao đặt tên em là Mong". Nỗi mong ước của dì rõ thấu trời cao. Sinh bé Mong đúng một tuần chú Tùng về. Cả chú và dì quấn quít bên bé Mong đúng mười ngày chú phải ra đi. Dì bế bé Mong ra cửa đứng tần ngần nhìn theo chú khoác ba lô ra ngõ. Dì vội giục tôi: "Vi ra tiễn chú đi", tôi chạy theo chú Tùng ra đường, chú quay lai cúi xuống hôn vào trán tôi. "Vi về đi, ở nhà chịu khó bế bé Mong giúp chú và đừng quên "nhiệm vụ" bả vệ dì đấy, chú đi đánh Mỹ đây". Thế là chú đi, đi mãi và dì Sa cứ mong nhớ suốt cả cuộc đời dì. Năm bé mong lên mười. tôi tròn tuổi hai mươi, tôi cũng đã yêu và người yêu tôi cũng lại ra đi như chú Tùng. Lúc này tôi mới thấm thía nỗi nhớ mong của dì. Hôm chồng tôi đi B, tôi và dì cùng bé Mong đạp xe hơn ba chục cây số sang tận ga Nam Định tiễn. Mãi tới lúc chồng tôi sắp sửa lên tầu, dì bảo: "Anh đi và trong ấy cố gắng tìm gặp chú", dì đưa cho chồng tôi một lá thư và một tám ảnh bé Mong. Chồng tôi đi được chừng ba tháng, dì nhận giấy báo tử chú Tùng…
Vợ chồng tôi về tới nhà, bố mẹ tôi đi làm đồng vắng, hai vợ chồng tôi sang ngay nhà dì Sa.
- Ôi mẹ ơi anh chị Vi về! Mong reo lên. Dì tôi từ trong nhà lao ra, ánh mắt dì sáng lên.
- Tao biết vợ chồng nhà mi thế nào cũng về. Chồng tôi bấm tay tôi. Nhìn vẻ tươi tắn của dì Sa tôi hiểu dì dang vu - Nhận được điện là chúng bay về ngay à? Vất vả quá nhỉ. Hoá ra chồng tôi đoán đúng. Dì sa có tin mừng thật.
- Biết dì có tin vui chúng cháu phải về ngay chứ!
- Bọn bay biết rồi à? Dì tôi ngỡ ngàng hỏi. Ai bảo mà biết?
-Nhận được điện chúng cháu đoán - Chồng tôi nhanh nhảu nói -Cái Mong bây giờ lấy chồng rổi, dì kiếm người về ganh vác giang sơn là phải lắm.
- Chúng bay lại nghĩ chuyện tàm bậy, tầm bạ rồi. Không phải thế. Dì tôi vội thanh minh - Vào đây, vào đây tao bảo. Dì tôi trịnh trọng rót nước mời vợ chồng tôi -Đúng là có tin mừng đấy. Tao mừng lắm nên điện cho chúng bay về. Dì với tay lên bàn thờ lấy ra một phong thư và hai tấm ảnh bọc rất cẩn thận trong túi nilông đưa cho tôi, một tấp chụp chính diện một bia một trắng, một chụp toàn cảnh nghĩa trang liệt sĩ in đậm dòng chữ trên đài tưởng niệm "Tổ quốc nghi công", tôi cầm lá thứ đọc những dòng chữ đánh máy rất cẩn thận:
"Uỷ ban nhân dân xã Hoài Châu
Kính gửi gia đình liệt sĩ Nguyễn Xuân Tùng. Chúng tôi xin trân trọng báo tin để gia đình được biết hiện nay mộ chí của liệt sĩ Nguyễn Xuân Tùng đã được nằm ở hàng thứ bảy số 102 (có gửi kèm theo hai ảnh), nếu gia đình có điều kiện vào thăm viếng, chúng tôi rất chân thành đón tiếp…"
Đọc thư xong, nhìn lá thư nhăn nhúm tôi hiểu dì đã đưa qua tay không biết bao nhiêu người đọc, Tìm được mộ chú, dì Sa cứ làm như thể chú Tùng vừa được sống lại. Tôi nhìn mãi vào tấm ảnh. Nước ảnh cứ sáng lên trước mắt tôi những bia mộ trắng toát lặng lẽ uy nghiêm kế tiếp nhau từng hàng, từng hàng thẳng tắp. Tôi không cầm nổi lòng mình, nước mắt ứa ra. Tôi ôm choàng lấy dì Sa khóc mà không hiểu mình khóc vì mừng cho dì Sa hay là thương cảm cho dì.
- Dì biết vợ chồng anh chị hiểu và thương dì nên điện anh chị về để bàn cách giúp đỡ đưa chú ra ngoài này. Dì nói - bao nhiêu năm nay dì chỉ mong tìm thấy mộ chú. Bây giờ thấy rồi, dì lại muốn đưa chú về. Làm xong việc này dì có chết cũng thấy yên lòng. Chiều nay vợ chồng anh chị phải ở đây ăn cơm với dì. Con Mong đi nấu cơm, tao giăng vó. Mẻ cá tao thả con nào cũng lớn cả rồi, chỉ chờ vợ chồng anh chị về.
Dì nói nhanh nhảu mang bộ giọng vó giương ra giữa sân mắc, rồi thả xuống cái ao cạnh nhà. Dì lật đật chạy vào bếp mang chiếc cào đi vòng quanh bờ ao sục một lượt. Mặt ao bỗng xao động. Những chú cá rẽ nước chạy thành những đường loằng ngoằng. Có con hoảng loạn lao vụt lên, lại rơi tõm xuống nước. Chỉ cần nhắc một lượt vó dì Sa đã chọn bắt được hai con trôi, hai con chép to nhất quăng lên sân gạch. Bốn chú cá thi nhau giẫy đành đạch. Cái Mong từ bếp lao ra lấy ống dao đập vào đầu mỗi con một nhát rồi ném vào rổ bê xuống cầu ao.
Vợ chồng tôi cứ ngồi lặng nhìn hai mẹ con dì Sa, nhìn cảnh vật quanh nhà, mọi thứ bỗng trở nên già cỗi, cũ kỹ. Lòng tôi nhói đau - Một nỗi đau cũng mơ hồ.
- Em phải giải thích cho dì không nên đưa hài cốt chú Tùng về.
- Chồng tôi nói rồi lại nhìn bức ảnh mộ chú Tùng.
- Nếu đúng hài cốt chú Tùng còn nguyên vẹn thì chuyện này thật đơn giản. Anh chỉ lo một điều, biết đâu đó chỉ là một tấm bia tượng trưng. Em không thể hình dung nổi chiến tranh khốc liệt đến mức nào đâu. Có tới trăm ngàn cái chết khác nhau và không phải ai cũng lấy được xác.
Tôi bỗng thấy lo sợ cho dì Sa. Nhưng dù sao cũng không thể nó ra với dì sự thực nghiệt ngã đó.
Bữa cơm dọn ra mau lẹ, dì tôi còn cho cái Mong mời cả cậu tôi sang ăn cơm.
- Thôi mời bác, mời hai cháu xơi cơm - Dì tuyên bố - chuyến này em vào trong đấy đưa nhà em về, bác phải sang trông nhà giúp em. Còn hai cháu đây, một đứa phải đi với dì, về kinh tế thì khỏi lo, mọi ý định sửa nhà, mua sắm tivi, xe đạp bây giờ dẹp hết, nếu cần vay vợ chồng cái Mong, chúng nó còn khoản tiền tiết kiệm…
Chồng tôi nhìn tôi lo lắng, khẽ bấm vào tay tôi.
- Thưa cậu và dì - Tôi mạnh dạn lên tiếng - Nhà cháu dứt khoát tình nguyện đi với dì vào trong ấy. Theo ý cháu chúng ta chỉ tổ chức vào thăm viếng mộ chú và gặp gỡ cám ơn sự quan tâm của chính quyền địa phương. Còn chuyện đưa hài cốt chú về thì dì phải suy nghĩ cho kỹ có nên không. Bây giờ chú cháu đã nằm yên nghỉ ở nghĩa trang trong ấy, cháu thấy cũng tốt đẹp, trang nghiêm, cao quý lắm rồi.
- Tao cũng biết thế dì tôi nói. Nhưng dù sao đưa chú mày về được vẫn hơn. Để chú ở trong ấy dì không yên tâm chút nào.
Tôi quay sang cầu cứu ông cậu.
- Cháu nó nói đúng đấy. Cậu tôi hiểu ý nó, bây giờ nam bắc là một, để chú ấy ở trong đó cũng được rồi. Thời đại bây giờ tân tiến, phương tiện đi lại hiện đại, cô muốn vào trong ấy, chỉ bay vèo một cái là tới.
- Chuyện ấy thì em cũng đã hiểu rồi. Dì tôi lại nói. Nhưng mà…nhưng mà.. bác và hai cháu không hiểu được đâu.
- Còn những cái gì nữa - Cậu tôi gắt lên - Có chuyện gì mà không hiểu?
- Nhưng mà em lo. Dì Sa ngập ngừng, nét mặt lộ rõ vẻ lo lắng - Bác và hai cháu không hiểu đâu. Em lo lỡ ra… biết đâu, chiến tranh lại xẩy ra nữa thì sao?
Tôi bàng hoàng nghe dì Sa nói lên nỗi lo sợ trong lòng. Dì sợ chiến tranh. Cuộc chiến tranh dai dẳng đã ám ảnh suốt cả cuộc đời dì. Nỗi lo này tôi dám chắc chỉ có những người gặp cảnh ngộ như dì mới nghĩ được tới chuyện đó. Chuyện đó thật xa vời mà rất chân thực. Chân thực tới tận cùng của sự chân thực. Điều này chỉ riêng tôi hiểu rõ nỗi lòng dì Sa lúc này. Còn cậu tôi chẳng hiểu, dì Sa vừa nói dứt câu, cậu đã cười ngất. Giọng cậu oang oang.
- Cái cô này rõ ngớ ngẩn. Bây giờ đã là thập kỷ 90 rồi mà cô cứ lo sợ vẩn vơ. Ừ, cứ giả dụ chiến tranh lại xảy ra, sao cô không lo cho chính bản thân mình, lo cho con cháu, cho những người đang sống mà lại lo cho người đã nằm dưới mộ. Rõ là vớ vẩn chưa.
- Đúng là em lo thế đấy, dì Sa bỗng gắt lên. Đã bao năm nay em chỉ mong tìm được mộ nhà em, bây giờ tìm được rồi em quyết không để mất một lần nưa. Em là thân phận đàn bà, con gái nghĩ sao nói vậy. Dì Sa bỗng dịu giọng, đã bao năm nay hương hồn nhà em lưu lạc, bây giờ em muốn được thường xuyên chăm lo hương khói. Bác phải ủng hộ em chuyện này. Dì tôi nói giọng mỗi lúc một lạc đi và không cầm nổi lòng mình, dì bật khóc nức nở.
Khi tôi viết những dòng này, chồng tôi và dì Sa đã lên đường vào Nam. Câu nói của dì Sao cứ vẳng lên ám ảnh tôi mãi "Lỡ chiến chanh lại xảy ra…bây giờ em không chịu để mất nhà em một lần nữa". Đêm nằm, có lúc tôi giật mình lo sợ, nỗi lo sợ vu vơ về dì, về chiến tranh lại xảy ra lần nữa.

Không có nhận xét nào: