4 thg 12, 2010

Người mắc bệnh tâm thần

 Truyện ngắn
Dương Hướng
I
Đang tuổi ăn tuổi ngủ, nên sáng nào Biên cũng phải để bố gọi ơi ới như gọi đò. Sáng nay bố chỉ véo nhẹ một cái Biên đã bật dậy. Không hiểu bố dậy từ khi nào mà nhà cửa sạch bong, mọi thứ đều ngăn nắp ngọn gàng. Biên lập cập ra bể nước rửa mặt, vô tình đánh rơi cái gáo múc nước bằng vỏ quả dừa lăn cồng cộc trên sân. - Rõ hậu đậu, vô ý vô tứ ! - Bố khẽ mắng - Anh chị cả mày đêm qua lạ nhà khó ngủ…..
Bố đã vặt trụi lông chú gà trống thiến để sẵn trên thớt. Hai bố con Biên lặng lẽ sắm bữa cơm sáng.

Lần đầu tiên anh cả dẫn vợ về làng. Anh biên thư báo trước một tuần mà bố vẫn lúng ta lúng túng. Mọi ngày có hai bố con ăn uống qua loa thế nào cũng xong. Dù là con cái trong nhà, nhưng anh cả đi đã lâu nên bố vẫn coi là khách. "Anh chị mày ở thành phố về, không thể luộn thuộm được. Bố đã phải mang cả cái liếp cũ ra quây kín chỗ đi giải ngoài vườn chuối. Bố sợ như mọi khi Biên cứ đứng thõng lưng, mặt vểng lên khoái chí nghe ti ếng "ro ro"  trong nồi nước giải.
Anh cả chiều qua lệ khệ xách va li dẫn vợ rẽ vào ngõ, trẻ con lũ lượt theo sau, lúc đó chúng mới nhận ra người làng: "Anh Bàng về! Anh Bàng dẫn vợ về". Bọn trẻ reo lên. Bà cụ Son hàng xóm lộc cộc chống gậy sang ngó trừng trừng chị Hiên: "Vợ Bàng hả? Chà, phúc đức nhà anh nhé! Khéo chọn được vợ đẹp nhất làng. Ra đi cơm gạo chính phủ có khác". Anh cả cười thật tươi, nheo mắt nhìn vợ. Chị Hiền mặt đỏ bừng bẽn lẽn. Cụ Son vẫn tấm tắc đưa bàn tay nhăn nheo nắm chặt lấy những ngón tay thon nhỏ trắng hồng của chị Hiền.
Lúc này vợ chồng anh cả đã dậy, Biên ngồi nấu cơm dưới bếp nghe rõ tiếng guốc của chị Hìên lộc cộc, lộc cộc gõ nhẹ trên nền nhà. Anh cả vận bộ quần áo ngủ kẻ sọc xanh đứng giữa cửa vươn vai rồi chạy lạch bạch quanh sân tập thể dục. Chạy một lúc anh lại đứng sững, ngửa mặt lên trời hít hít thật sâu rồi lại thổi phù khoan khoái tận hưởng không khí mát lành của buổi sáng. Chị Hiên xắn tay áo trùm đầu bằng chiếc khăn voan đỏ thắm ngấp ngó ngoài cửa bếp.
- Để mặc em nó! - Bố nói - Các con cứ đánh răng rửa mặt rồi ăn cơm là vừa.
Bữa ăn sáng dọn ra thật chu tất. Bố vui vẻ cầm chai rượu trắng mua bên cụ Son từ mấy hôm trước đặt xuống mâm. Anh cả rót cho mỗi người chén rượu đầy và nâng cốc trước tiên chúc: bố khoẻ mạnh, chúc chị Hiên hạnh phúc, chúc chú Biên thành đạt việc thi cử sắp tới.
- Chú thích nhất ngành gì? -Anh cả hỏi.
- Dạ! Em chưa nghĩ tới! - Biên rụt rè trả lời.
- Xì! Không ước mơ, không chí hướng - Tuổi trẻ như vậy là yếu. Sống phải nhiều khát vọng vươn lên, dám nghĩ dám làm, chớ nhu nhược. Học và học - Anh cả phẩy tay - giành giật từng phút để học. Chú hiểu không? Thời buổi bằng cấp chú cứ phải giật được cái bằng đại học như của anh. Ra trường anh sẽ lo cho chú mọi chuyện.
Chị Hiên tủm tỉm cười. Anh cả nhấc chén rượu nhấp nháp, quay sang bố, xuýt xoa:
- Bố già rồi. Con thương bố con mới nói: Chuyện nhà cửa bố cứ nghĩ đi. Con biết ngôi nhà này là mồ hôi nước mắt của bố mẹ gây dựng, giờ bán đi ai chả tiếc. Nhưng chả lẽ bố cứ sống trơ trọi mỗi mình đến lúc chết ở đây sao? Bố vẫn giữ quan niệm cũ kỹ, ai lại coi chuyện bán nhà là bán tổ tiên ông bà. Ngôi nhà chẳng qua chỉ là nơi trú mưa nắng. Bây giờ người ta khái niệm về quê hương cũng khác. Ở đâu - Quê hương đấy. Bố bán ngôi nhà này đi ra thành phố, con sẽ xây căn nhà mới và đẹp hơn. Đâu cũng là mảnh đất Việt Nam xã hội chủ nghĩa - Anh cả rót thêm rượu và chén của bố rồi ngước nhìn bố bằng ánh mắt trìu mến - Chẳng qua dân mình còn nghèo bố ạ. Có người làm cả đời không có nổi một chỗ cho mình ở. Bởi vậy nên họ coi nhà cửa là quan trọng. Bây giờ là thời buổi khoa học, xã hội văn minh hơn, nhu càu con người cũng cao hơn. Người ta lo xây nhà năm tầng, mười tầng. Lúc đó căn nhà này chả có nghĩa lý gì cả.
- Bố cũng mong cho xã hội được thế bố mừng.
- Bố khẽ cười nhìn anh cả âu yếm - Bố mừng cho cuộc đời này tốt đẹp hơn, các con được sung sướng. Bố còn sống được ngày nào trên đời này cũng vì các con…
Rồi vợ chồng anh cả lại ra đi.
Việc vợ chồng anh cả về như một sự kiện lớn với hai bố con Biên. Anh chị đi rồi, bố cứ phấp phỏng vừa mừng vừa lo.
Cây đàn tranh treo trên tường vẫn lặng im tới một tuần nay bố không động đến. Trước đó, tối nào bố cũng bập bung vài bài chầu văn. Tiếng đàn quen thuộc của bố đã lắng lại suốt thời thơ ấu của Biên.
Mấy đêm nay, Biên thấy bố ít ngủ. Bố chong đèn suốt đêm. Nằm chán bố lại lục sục dậy hút thuốc lào, rồi ngả người ra nghế, mắt đăm đăm nhìn mãi lên mái nhà. Bố nhìn như thể đang đếm từng viên ngói, từng chiếc cầu phong ly - tô. Đêm cứ lặng đi. Tiếng chuột rúc rích bên cót thóc, tiếng dế rên rỉ ngoài vườn chuối.
- Khuya rồi bố ngủ đi chứ!
- Mày cũng dậy à út? Bố khó ngủ quá - Bố cầm chiếc xe điếu gỗ cách cách, khẽ thở dài - Bố nghĩ về chuyện bán nhà nó cứ thế nào ấy út à. Đành rằng bán đi thì được tiền. Bố chẳng tính toán đắt rẻ thiệt hơn đâu. Nhưng bố nghĩ có được ngôi nhà này bố mẹ phải vất vả chắt chiu cả đời. Bố thấy như có tội với mẹ mày. Đúng ra mẹ mày đã ốm chết vì làm việc quá sức, để xây dựng ngôi nhà này - Bố nói giọng càng trầm lặng xuống, mắt khẽ chớp chớp nhìn ra cửa - Lại còn cả cây bưởi kia nữa, mẹ mày trồng từ ngày có thai anh cả mày. Bố nhớ cây bưởi bói quả đúng vào năm anh cả mày biết cắp sách đi học. Suốt thời kỳ học cấp một, mùa bưởi nào anh mày cũng leo lên hái cả những quả bưởi non làm bóng đá.
- Mỗi lần nhắc tới anh cả, bố lại phấn chấn. Bố rít đấy hơi thuốc lào rồi tắt phụt đèn, loạng choạng lên giường. Qua ô cưa sổ, ánh trăng ngan ngát hương bưởi tràn vào. Tháng tám đêm mát dịu, vi vút tiếng sáo diều.
- Mày ngủ chưa út?
- Bố bảo gì ạ?
- Sáng mai mày chọn buồng chuối nào già nhất chặt đem ủ. Anh cả mày ưng ăn chuối lắm đấy….
*
*   *
Như một gánh hát rong, hai bố con Biên mang xủng xẻng đủ mọi thứ diễu trên đường phố. Một chiếc ấm nhôm, một chiếc chảo gang, ba chiếc xoong lớn nhỏ và một chiếc mâm đồng đã cũ, Biên đánh kỹ vẫn còn sáng bóng. Lũ trẻ con trên phố nhìn hai bố con Biên lạ lẫm. Chúng chạy nhẩy tâng tâng theo sau khoai trí cười bố con Biên.
Có đứa còn vỗ bộp bộ vào cây đàn tranh bố đeo lủng lẳng sau lưng.
- Đi biểu diễn ở đâu vậy bố già ơi!
Hai bố con Biên vẫn lặng lẽ đi như hai kẻ câm điếc, lạc lõng giữa thế thới xa lạ, tràn ngập nền văn minh hiện đại của phố phường. Từng đoàn xe ô tô lớn nhỏ chạy vun vút trên đường nhựa bóng loáng. Những dãy nhà tầng cao ngất tầng trời.
- Giá bố bỏ quách cây đàn ở nhà thì hơn - Biên khẽ thủ thỉ.
- Nếu có phải vứt, bố vứt hết mọi thứ này, trừ cây đàn, bố sẽ mang nó đi cùng trời cuối đất.
- Ở thành phố chả ai người ta chơi đàn tranh đâu bố ạ. Thời đại của tivi, catsét mà bố mang cây đàn này họ cười là phải.
Bố lặng thinh bước trên đường phố…
"Chỉ vài ba chục mét vuông ở đây cũng có giá bằng mấy cơ ngơi nhà ngói cây mít của bố ở nhà" - Anh cả bảo thế. Bước đầu anh em hãy dựng vài gian ở tạm, sau lên lầu. Ở đây trung tâm thành phố nhiều người mơ cả đời cũng không được. Anh cả trách mãi về việc Biên học hành chẳng ra gì nên thi đại học mới trượt vỏ chuối. Nhưng dù sao con đường công danh của Biên chưa hẳn đã hỏng. "Chú cứ giúp anh chị xây xong nhà cửa, anh chị sẽ xin việc làm cho chú. Dù sao vẫn còn hơn ở nhà theo trâu lội ruộng".
Suốt ba tháng ròng, Biên và bố cùng anh chị xây xong hai gian nhà cấp bốn. Buổi liên hoan khánh thành nhà mới, anh cả hạch toán chi tiêu: xi măng, gạch ngói, các khoản, tiền bán nhà còn thừa hai chục ngàn. Hai chục ngàn này là của bố, bố giữ phòng khi tuổi già sức yếu. Con nghĩ viêc gì thì cũng phải có đầu có đuôi. Anh cả bảo thế.
Anh cả hiện nay là phó phòng tổ chức, anh hy vọng cơ chế làm ăn mới này, anh sẽ còn tiến xa. Gần anh, Biên mới thấy ở anh có nhiều tính cách rất độc đáo. Là cán bộ tổ chức, nhưng anh lại rất thiên về khoa học. "Làm gì cũng phải cần đến khoa học". Đó là câu cửa miệng anh thường nói. Anh tỏ ra thông thạo về đủ mọi thứ: Không nên ăn ghẹ vào tuần trăng. Anh bày cho chị Hiên cách chọn trứng nhiều lòng đỏ, chọn rau muống ruộng chua. Theo quan niệm của anh: Chỉ nên đọc sách khoa học, sách lịch sử, sách nói về các danh nhân. Anh giơ tay lý giải rất cặn kẽ; "Thế giới có thêm một nhà văn - Con người lại thêm một rắc rối". Anh còn cho biết thêm. Hiện nay trong số thanh niên nam nữ chiếm tám mươi phần trăm ghiện tiểu thuyết tình cảm, trong số ấy có tới hai mươi phần trăm sa đoạ, bốn mươi phần trăm chê vợ ghét chồng, còn lại hai mươi phần trăm cứng đầu, cứng cổ nổi loạn. Tính cách này, anh thể hiện rõ ngay từ ngày học phổ thông. Anh ghét môn văn, ghét luôn cả cô giáo dạy văn. Anh học đại học kinh tế kế hoạch, nhưng cái chức phó phòng tổ chức, anh đã thể hiện rõ tài năng của mình làm ông giám đốc phải kính nể. Ngày nhận chức đầu tiên, anh đã lục lọi sắp xếp lại toàn bộ hồ sơ cán bộ. Anh nghiên cứu nắm vững mọi thành phần để phân loại đối tượng. Anh kê lại bàn ghế trong phòng làm việc theo hướng “phát”, tách chén lúc nào cũng sạch bong. Anh nghiêm khắc đặt ra cho mình về giờ giấc tác phong làm việc: Đúng bảy giờ sáng phải chụp mũ lên đầu.
Chị Hiên vừa chải tóc, vừa liếc mắt thấy anh cắp cặp ra đến cổng, chị dã cuống quýt chạy theo.
- Bữa nay hơi vội hả - Anh nói. Mai dậy sơm hơn nửa tiếng.
Anh ân cần đưa tay vuốt lại nếp nhăn trên ve áo chị và khen chị mắc chiếc áo hoa cà này thật nền nã. Anh rất thích chị cùng đi với anh đến cơ quan "Phải rèn  để em quen tác phong đi làm đúng giờ. Luộm thuộm như mấy mẹ dòng trong cơ quan suốt ngày cứ lụng tụng với mớ rau, con cá thì còn đầu óc đâu mà nghĩ chuyện phấn đấu".
Biên nhìn hút theo anh chị ra tới tận đường phố. Anh chị cả đi làm, căn nhà bỗng trở nên vắng lặng, bố ngồi thu lu trên ghế lặng lẽ hàng giờ liền. Những âm thanh rộn rã của phố phường cứ dậy lên suốt từ sáng đến đêm khuya. Từ ngày ra đây, bố mất hẳn tính hoạt bát. Hồi ở quê bố luôn tay với con dao cái cuốc xông xáo trong vườn, trông bố tươi tỉnh khoẻ hơn. Mấy tháng nay bố không hề động đến cây đàn tranh. Tối nào anh chị cũng xem tivi. Chủ nhật khách khứa ra vào nườm nượp. Bố cứ phải ý tứ lặng lẽ vào gường nằm. Vừa nhìn thấy Biên bước vào cửa, bố đã rót cho Biên cốc nước vừa pha còn bốc hơi nóng.
- Thế nào anh cả cũng xin được việc cho con! Bố động viên Biên. Có điều bố con mình ở quê mới ra nên nhiều cái cứ ngỡ ngàng. Được cái anh mày cũng vững vàng. Như chị dâu mày đấy, cũng gốc gác nông thôn chứ đâu phải thành phố, thế mà anh mày kèm cặp cứ đâu vào đấy.
Biên hiểu bố chỉ lo cho Biên, nên động viên thế. Thực ra Biên lại lo cho bố hơn. Cả đời bố đã gắn liền với làng xóm, đến khi đầu bạc răng long lại đùng đùng bán nhà, bán cửa ra đi.
- Những lúc vắng vẻ rỗi rãi, bố cứ lấy đàn ra mà chơi cho đỡ buồn.
- Nhiều lúc cũng muốn chơi, những bố nghĩ nó thế nào ấy - Bố ngước mắt nhìn Biên hơi buồn - Xung quanh đây nhà nào họ cũng có máy quay băng. Bố để ý thấy họ nghe toàn những bản nhạc quốc tế. Nhạc cụ dân tộc ở đây như đàn tranh, níu, nhị, bố chỉ thấy họ chơi trong đám ma.
Nói thế, nhưng bố cũng đứng dậy lấy cây đàn lau qua bụi rồi ngồi xuống ghế vẻ thanh thản, bật tưng tưng lẩy lai dây. Bố chơi liên tiếp mấy bài chầu văn quen thuộc. Nét mặt bố trông rạng rỡ hẳn lên. Biên cũng thấy vui như thể mình đang ở ngôi nhà cũ trên quên hương. Biên mơ hồ nhìn ra cửa, mấy đứa trẻ thành phố ngấp ngó. Chúng trố mắt nhìn bố lạ lẫm….
*
*     *
Chị Hiên được anh cả giao nhiệm vụ trọng trách dẫn Biên đến trình diện ông giám đốc. Chị Hiên ít hơn anh cả những chục tuổi, đã vậy, son phấn vào trông chị cứ trẻ như gái mười tám. Chị có dáng người cân đối, gương mặt trẻ trung tươi tắn. Ở chị, dường như vừa được tạo nên bằng nét duyên dáng mềm mại đất quê, lại vừa rực rỡ, sống động nơi phố phường. Trên đường từ nhà đến cơ quan, chị dặn Biên cặn kẽ đủ mọi chuyện; Nào là phải dạ thưa tử tế, ăn nói đứng ngồi phải ý tứ. Chị căn dặn quá cẩn thận làm Biên bối rối. Mới bước vào cổng cơ quan, tim Biên đã đập rộn lên. Biên thấy loá mắt bởi chiếc bóng cao áp sáng trắng trước cửa phòng giám đốc. Chị Hiên đưa tay xem đồng hồ rồi mạnh dạn gõ cửa cộc - cộc - cộc.
- Ai đó?
- Em Hiên đây!
- Hiên hả! vào đi.
Hiên khẽ đẩy cửa, Biên khép nép bước theo sau chị.
- Mời ngồi.
Biên và Hiên cùng ngồi xuống chiếc xa - lông mút đối diện với giám đốc. Giám đốc trạc tuổi năm mươi, người cân đối khoẻ mạnh, da trắng hồng. Ông đưa tay vuốt nhẹ những sợi tóc rũ xuống vừng trán cao đã hơi gợn lên những nếp nhăn. Chị Hiên ngồi lặng trước mặt ông lộng lẫy như một người mẫu ngồi trước mắt người hoạ sĩ tài ba. Ông có vẻ thích thú giữ lại những giây phút lặng yên - phút giây yên lặng đáng quí với ông lúc này.
- Đại học trượt hả - Ông bỗng phá tan sự yên lặng.
- Dạ!
- Đẹp trại, khoẻ mạnh. Người này rồi cũng đáo để lắm đấy! Ông nói như người xem tướng rồi bỗng nheo mắt, hạ giọng - Nhưng không sao. Anh em anh Bàng…
- Dạ! Thủ trưởng cứ nói thế. Chú ấy lành như đất, chả như anh Bàng nhà em - Chị Hiên cười rất duyên ngước mắt nhìn giám đốc.
- Tôi hỏi thực - Ông hất hàm nhìn Biên chằm chằm - Liệu sau này cậu có chửi tớ không đấy?
- Dạ! Dạ! Ai dám - Biên ấp úng.
- Thế mà tớ đoán có ngày cậu sẽ chửi tớ cơ đấy. Giám đốc cười đắc ý.
- Thủ trưởng cứ đùa - Chị Hiên xoa dịu.
- Không đùa đâu! - Giám đốc làm bộ nghiêm mặt - Làm giám độc mà cứ nghĩ rằng sẽ không có ai chửi mình là quan liêu. Dù tài hay bất tài cũng thế. Sẽ có kẻ nó chửi. Nó không chửi trước mặt thì sau lưng nó chửi. Cái khôn của anh giám đốc là phải biết được đích danh kẻ nào chửi mình…
Hình ảnh ông giám đốc từ lần gặp đầu tiên làm thui chột đi bao mơ ước ở tuổi trẻ của Biên. Đã một năm Biên vẫn chưa làm được gì để giám đốc và anh cả vừa lòng. Ngoài giờ đến cơ quan, về nhà anh cả luôn chỉ dẫn cho Biên cách quan hệ và làm việc thế nào để gây được uy tín với giám đốc. Anh tỏ ra nôn nóng giận dỗi đối với chú em bất tài. Cả nhà ăn cơm xong vừa ngồi vào bàn, anh cả đã lên tiếng:
- Vào nhà ai cũng thế - Anh nói - Muốn được kính trọng trước hết phải biết làm vừa lòng chủ nhà - Anh  nhìn Biên tỏ ý răn bảo, anh đã bao nhiêu lần nói với Biên bài học kinh nghiệm của đời anh, khiến Biên không thể chịu nổi.
- Sự kính trọng của em chỉ giành cho ai đáng được kính trọng. Đó là câu em nghe bố thường nói - Biên mỉm cười nhìn anh cả. Mặt anh tái đi như có gì đó tắc nghẽn trong cổ. Anh tức lắm. Biên hiểu, nhưng cái tính của Biên trước nay vẫn thế. Từ ngày ra ở với anh chị, thỉnh thoảng Biên cũng nổ đột xuất những câu tương tự thế. Anh cả đã không chấp "Chú mày còn nông nổi lắm. Cuộc đời sẽ dạy khôn cho chú mày". Biên hiểu anh cả vẫn coi Biên như thằng trẻ trâu. Lúc này Biên quyết định để ông anh hiểu mình. Biên ngúc ngắc đầu cười mỉm - Theo em, ông giám đốc chưa hẳn đã như ý anh ca ngợi. Cho dù ông ta thực sự là nhân vật đáng kính, anh cũng không nên có thái độ tôn sùng quá đáng vậy làm mọi người xem thường.
- Bố nghe nói nói cứ như ông tướng - Anh cả giận dữ nói với bố rồi quay sang nhìn Biên - Tao nói để chú mở mắt ra mà sống. Cách đây mấy năm về trước cơ quan đã có nguy cơ suy sụp. Lão giám đốc già dốt nát khổ hạnh đã về hưu. Giám đốc Tường hiện nay là thành viên quan trọng của Bộ điều về. Đấy chú xem, mới vài năm ông ta đã xây dựng cho cơ quan cả một cơ ngơi khang trang bề thế như vậy. Ông ấy là nhân vật đầy tài năng trong việc cải tổ đổi mới. Chú mới về, biết quái gì. Ông Tường đã thành công một cách rực rỡ. Danh tiếng ông đã lan truyền khắp mọi nơi. Ông Tường là biểu tượng một trong những giám đốc làm việc theo phong cách công nghiệp hiện đại nhất trong tỉnh này đấy.
- Không! Biên phản đối- Em tranh luận với anh ở khía cạnh khác - Biên nói và nhìn anh cả vởi ánh mắt đầy khiêu khích. Là cán bộ tổ chức lẽ ra anh phải hiểu rõ hơn em. Ông Tường hiện nay đã làm được một điều kỳ diệu cho ông ta- Chỉ cho mình bản thân ông ta thôi. Ông ta giỏi ngoại giao, đúng hơn là có thủ thuật trong công tác ngoại giao. Ông ta có con mắt tinh tường nhìn nhận, phán xét một con người. Phải nói là ông ta biết dùng người theo ý của ông ta. Ví dụ như ông ta biết dùng anh làm công tác tổ chức - Biên nói, mắt lấm lét nhì anh cả. Anh ngồi ngay đơ trên nghế. Anh nhìn Biên như thể ai đó xa lạ chứ không phải cái thằng con trai củ mỳ cù mỳ xưa. Biên vẫn không chịu buông tha - Ông ta sẵn có cái thế mạnh "Người của Bộ" nên ông ta chạy vào cửa nào cũng lọt. Tài chính - kế hoạch - vật tư, có được những thứ đó, ông ta trổ tài, cho thiên hạ sáng mắt. Ai cũng coi ông là con người hết lòng vì cơ quan. Nhưng em thử hỏi anh, tiền của đó ở đâu ra? Tiền Nhà nước - Nhà nước mà chả là của dân. Lẽ ra cơ quan ta chỉ cần xây cái nhà vừa phải phù hợp với hoàn cảnh làm việc hiện nay, thì ông ta lại tính chuyện xây công trình cho một trăm năm sau. Trong khi đó nhiều cơ quan gặp khó khăn cần được xây dựng thì lại không được. Ông ta cũng giống y như ông Chính chủ nhiệm hợp tác xã ta -Biên quay sang bố, như để cố thanh minh cho lời mình nói - Chuyện này cả bố cũng biết đấy. Lẽ ra nông dân chỉ cần vỗ béo con trâu để nó cày ruộng thì ông ta lại đem bán hết trâu đi. Có bao nhiêu vốn liếng ông ta dồn vào mua máy cày hết. Thế là danh tiếng của ông ta lẫy lừng trên  huyện, trên tỉnh. Nhưng khốn nỗi thay máy cày lại không biết ăn rơm, ăn cỏ, uống nước ao như con trâu. Thế là trâu không có để cày, máy cày vất xó, tiền mua phân bón không. Đến mùa thất bại, thế là đói. Đã đói thì dân họ nổi đoá lên. Nhưng giám đốc nhà ta thì không ai dám nổi đoá cả. Anh có biết vì sao không! Bởi vì ông ta đã cách mạng hoá được đội ngũ cán bộ dưới quyền ông đều hết lòng trung thành với ông ta. Ông ta rảnh rang với ghế giám đốc của mình, không kẻ nào dám nhòm ngó tới. Em có cảm giác tất cả mọi người, hễ nhắc đến tên tuổi ông ta thì chỉ có quen ca ngợi. Đến nỗi những việc ông làm sai họ cũng ngỡ là đúng. Và cứ thế họ lại khen ngợi cả những cái sai của ông để khẳng định rằng ông ta lúc nào cũng đúng. Tất cả guồn máy hoạt động cứ trơn tru một cách dẻo dai bền bỉ. Em có cảm giác, ông ta biến tất cả mọi người làm việc đúng như một cái máy. Cái bóng ông ta cao lừng lững như bóng núi. Trước ông ta, mọi người thấy mình nhỏ bé, thấp hèn nhu nhược đi, mọi người đến làm việc lúc nào cũng chỉ lo thể hiện để vừa lòng giám đốc.
- Thôi im đi! -Anh cả quát -Mày không nhỏ bé thì đòi to lớn với ai? Tao nói để mày hãy coi chừng - Anh rít lên - thói phát ngôn bừa bãi của mày, tính gàn dở của mày sẽ làm khổ mày suốt đời em ạ. Tao là anh mày tao mới nói thế. Mày nghĩ thế nào để giám đốc khỏi coi thường tao không biết bảo ban mày. Bố thấy đấy! Nó cứ gàn dở thế thì làm sao mà con vực nó được.
        *
          *    *

Như mọi cuộc họp trước, giám đốc bao giờ cũng đón nhận được những lời tán thưởng. Cho dù ông cởi mở hết tấm lòng chân tình của mình. Miệng ông cười rất tươi, khuyến khích "Các đồng chí cứ thực lòng phê thẳng thắn, nếu tôi có khuyết điểm… Nào! Bác Khiêm đại diện cho lớp già. Nào anh Long bí thư đoàn thanh niên, cô Tâm nữ công…. phát biểu đi chứ! - Mắt giám độc nhìn lần lượt từng người vẻ ưu ái - Biết đâu tôi có khuyết điểm mà chính tôi không nhận thấy. Các đồng chí cứ mạnh dạn vạch ra. Dám đốc có cởi lòng mở dạ, mọi người cũng chỉ lặng im, hoặc có phải đứng lên phê, cũng chỉ dám phê 'Thủ trưởng đôi khi hơi nóng quá ạ! Nhưng động cơ nóng nảy cũng là vì việc chung thôi ạ!”…
Cuộc họp góp ý kiến phê bình cán bộ lần này có cả đại biểu cấp trên về dự. Trước mắt toàn thể cán bộ nhân viên trong cơ quan. Giám đốc Tường vẫn giữ phong thái rất đĩnh đạc, tự tin, miệng ông vẫn nở một nụ cười thân thiện. Ông bắt đầu diễn lại lời khai mạc như mọi khi. Mắt ông sáng lên nhìn hết lượt những gương mặt thân quen mà ông đã từng tin cậy. Cả hội trường lặng đi. Cuối cùng cặp mắt ông dừng lại nhìn Biên. Miệng ông cười tỉm tỉm.
- Nào! Đồng chí Biên, thành viên trẻ nhất.
Biên hơi bị bất ngờ. Chẳng hiểu nổi ông nghĩ thế nào lại gợi ý Biên phát biểu. Điều chắc chắn mà ông đinh ninh tin tưởng ở Biên cũng sẽ lại nói như mọi người. Biên cũng sẽ lại như những con hoạ my mà ông đã từng nghe nó hót. Thực sự Biên rất bối rối tới mức run rẩy. Anh đứng lên mà chẳng hiểu mình định nói gì.
- Nào! Mạnh dạn lên - Giám đốc khuyến khích - Ở đây chúng ta có quyền bình đẳng. Hãy nói thẳng thắn với nhau…
Tiếng giám đốc Tường cứ vang lên. Tai Biên nghe u u như có tiếng sáo. Không tự chủ được nên miệng Biên cứ mấp máy mãi mới nói được lên lời. Cũng giống như người ta khởi động một cái máy nổ, lúc đầu còn ậm ạch. Đến lúc nổ được, nó lại gầm rú lên như thể loạn ga. Và lúc này Biên cũng ý như một cái máy nổ hết ga. Những ý nghĩ trong anh lâu nay cũng giống như chất dầu cặn lâu ngày tích tụ dồn nén nay được dịp xả ra.
- Vâng! Tôi sẽ phát biểu. Tôi nghĩ sao nói vậy. Có thể tôi nói hơi lộn xộn. Nhưng tôi nói lộng xộn còn hơn không nói. Giám dốc đã khuyến khích tôi mạnh dạn nói thẳng thì tôi xin nói thế này. Chúng ta có thành lập Ban Thanh tra công nhân, có tổ chức công đoàn, có đoàn thanh niên, phụ nữ và lúc nào cũng luôn nhắc tới quyền dân chủ, nhưng thực sự chỉ là dân chủ hình thức. Tất cả mọi tổ chức đoàn thể của chúng ta hoàn toàn phục thuộc vào đồng chí giám đốc. Vâng! Đúng thế! Đồng chí Tâm trưởng ban nữ công là bạn thân của giám đốc, anh Long bí thư đoàn thanh niên là rể tuơng lai của giám đốc. Đồng chí Phan, Thư ký công đoàn năng lực yếu nên nhu nhược chẳg dám nói ai. Còn đồng chí Hà trưởng ban thanh tra lại là cháu giám đốc. Bởi vậy nên chị Hoa cấp dưỡng đánh vỡ cái phích phải đền hai mươi nghìn đồng, trong khi đó đồng chí Sơn, con nuôi của giám đôc làm hỏng chiếc máy điêgen trị giá năm sáu trăm nghìn đồng thì không ai nhắc đến. Còn hồi đầu năm cơ quan ta có sáu đồng chí làm đơn xin đi học. Cơ quan xét được ba đồng chí. Ba đồng chí được diện đi học, nhìn về mọi mặt cả ba đồng chí đều không bằng ba đồng chí ở lại. Tôi cứ nói thẳng ba đồng chí đi học vừa rồi đều là đối tượng con giám đốc công ty công nghệ phẩm, cháu giám đốc công ty vật tư, em vợ ông giám đốc ngân hàng. Đấy là tôi chỉ ví dụ một vài ý mà chúng ta ở đây ai cũng biết. Và tôi xin phát biểu một ý này nữa, chẳng phải nhìn đâu xa mà nhìn ngay ở cuộc họp này. Chúng ta có nói gì cũng chỉ là hình thức để có cớ ghi vào nghị quyết rằng cuộc họp đã có cán bộ cấp trên về dự. Tôi tin đồng chí cấp trên kia cung chỉ ngồi dự để lấy cớ về truyền đạt với cấp trên nữa rằng đã đi sâu đi sát xuống từng cơ sở…Tôi khẳng định điều tôi vừa nói ai cũng biết. Đồng chí giám đốc cũng biết, bác Kha kia cũng biết, anh Tâm kia cũng hay, cô Thời kia cũng hiểu. Thế nhưng rút cục thì chẳng ai dám nói thẳng ra cả…
Biên nói và nhìn mọi người. Ai nấy đều ngỡ ngàng nhìn Biên bằng ánh mắt lo sợ. Mặt giám đốc tái hẳn đi. Biên đã nói hết mọi sự thật, nói đúng mọi sự thật đến nỗi không một ai phản đối nổi.
Xong cuộc họp, Biên loạng choạng bước ra cổng và thầy mình như lửng lơ bay trên không trung.
Biên về tới nhà, đựơc một lúc thì anh cả và chị Hiên cũng về. Anh cả quăng chiếc cặp xuống bàn giận dữ:
- Thằng khốn nạn -Anh gầm lên vò đầu bứt tai dậm chân bành bạch - Đồ ăn cháo đá bát. Mày định nổi loạn phá cơ quan hả - Anh quay sang bố nói với giọng thảm hại - Bố thấy đấy! Con lo cho nó từng ly từng tý, căn dặn nó đủ điều. Bây giờ tôi còn biết ăn nói với người ta ra sao.
Biên chẳng nói chăng rằng. Biên không sợ anh cả mà chỉ lo cho bố. Gia đình Biên đã quen sống hoà thuận, bố chưa bao giờ phải phiền vì con cái. Biên thấy hơi lạ về thái độ thản nhiên tới mức lạnh lùng của chị Hiên. Chị đứng ngắm mình trước gương chải tóc. Anh cả vẫn chưa nguội cơn giận. Mặt anh đỏ lựng. Anh khua loảng xoảng chiếc chậu nhôm cúi xuống bể múc nước rửa mặt.
- Mày không biết điều thì đừng có trách! Đợt này nó sẽ tống cứ mày đi lính hiểu chưa. Ra biên giới mà đánh nhau cho sướng.
- Anh im đi! Biên hét lên - Trong chuyện này tôi không có lỗi.
- Không có lỗi! - Anh cả bĩu môi- Bố nghe nói đấy! Chuyện tày đình như vậy mà không có lỗi. Chỉ riêng tội sỉ nhục cán bộ cấp trên cũng đáng đuổi việc. Thằng ngốc mà vẫn không biết là mình ngốc. Thời buổi này nói một hiểu mười . Người ta nói con cò - Có thể lại là bồ câu. Nói bồ câu, có thể lại là cò. Khối kẻ đã sống bạc tóc ở cơ quan này cũng chả ai dám ho he. Thế mà mày…Giá chuyện ấy để người khác nói thì lại đi một nhẽ. Đằng này người phản đối giám đốc lại là mày, em trai của phó phòng tổ chức. Rõ hay ho chưa. Mày thấy tai hại chưa? Cái chức phó phòng tổ chức của tao cũng khối kẻ đang nhăm nhe. Mày vừa phát biểu trong cuộc họp ra đã có dư luận bảo tao đã mớm lời cho mày để tẩy chay giám đốc. Ôi đất trời ơi! Ông ấy là một ân nhân của tao. Mày cứ u u, mê mê mới không biết chính giám đốc đã là người cưu mang tao. Có ông ấy thì mày mới được ra đây, chị mày mới được ung dung thế này. Ông ấy đã cưu mang cả gia đình này, mày đã hiểu chưa hỡi thằng ngu dốt.
Anh cả nói gần như mếu. Anh chạy vào ngồi phịch xuống ghế cạnh bố. Bố đã hiểu hết đầu đuôi câu chuyện nhưng không nói nửa lời.
- Bố thấy hết rồi đấy! - Anh cả nói tiếp - Con đâu muốn gây sự với nó. Chỉ có thằng điên mới hành động điên như nó. Thế mà mới tuần trước đây thôi, con đã bàn với giám đốc định cho nó đi học lớp quản lý kinh tế đợt này cơ đấy…
Lần đầu tiên Biên thấy anh cả nổi trận lôi đình. Đúng là một ngày đầy giông gió đối với Biên. Lúc này đêm đã lặng đi buồn tẻ. Tiếng còi tàu ngoài ga bỗng thét lên lanh lảnh. Bố vẫn khắc khoải trở mình. Phòng anh chị cả cũng lặng ngắt. Suốt buổi tối cả nhà chẳng ai nói với ai nửa lời, Biên có cảm giác mình giống như một quả bóng bay cao, bay cao, cao mãi và đột ngột nổ "bụp" Thế là hết!
Sáng ra, anh cả vừa bật khỏi giường đã dõng dạc tuyên bố:
- Chỉ có cách cuối cùng để chuộc tội -Anh cầm bàn chải đánh răng gõ cốc cốc vào chiếc ca men trên tay - Hãy tự giác viết kiểm điểm. Phải tỏ rõ thái độ thật ăn ăn hối lỗi thành khẩn nhận khuyết điểm. Rằng do bồng bột suy nghĩ nông cạn, rằng phải hứa từ nay sẽ không bao giờ tái phạm. Bây giờ đừng vác mặt đến cơ quan nữa. Ở nhà viết xong bản kiểm điểm đem nộp cho giám đốc. Anh cả lập cập bước ra cửa đi đánh răng rửa mặt. Suốt bữa cơm sáng, anh không nói thêm nửa lời. Anh liếc nhìn đồng hồ chưa tới bảy giờ, anh đã chụp mũ lặng lẽ cắp cặp đi, không có ý đợi chị Hiên.
Được hai phút sau chị Hiên đã thấy anh tất bật quay về với vẻ phấn trấn. Anh kéo Biên ra đứng cạnh bể nước giọng dịu hẳn:
- Anh hỏi thật em! Có kẻ nào xúi giục em phải không? Anh tim em không bao giở…
- Em đâu còn là trẻ con - Biên gắt.
- Không hẳn thế - Anh năn nỉ - Con người ta đôi khi nhẹ dạ. Nếu đúng đã có kẻ nào đó chủ tâm xúi giục em, em hoàn toàn không có lỗi trong chuỵên này. Chỉ cần em thú thực với anh kẻ nào đã xúi giục. Em lại sẽ được đi học. Em còn trẻ, hay lo đến tương lai của mình.
- Nào! Nói đi! Có đúng là tay Cần?
- Cần nào? - Biên gắt.
- Cần phó ấy! Không phải à? Hay thằng Tư kế hoạch?
- Anh im đi! Chẳng có ai xúi giục em hết.
Chị Hiên định xách túi đi theo anh, nhưng nghĩ thế nào chị lại ngồi xuống ghế nhìn Biên bằng ánh mắt thông cảm:
- Mấy năm trước, chị cũng nghĩ như chú - Mặt chị Hiên thoáng buồn - Chị cũng nhìn đời thật đơn giản. Học xong ra trường, bao nhiêu kiến thức, sách vở đem ra dập thẳng băng. Chú có biết thế nào không? Lộn nhào hết. Đã có lúc chị định cắp nón về quê, nhưng anh chú là người nhìn thấu đáo mọi sự. Anh đã đến với chị. Chị còn nhớ lúc đó anh nói với chị một câu thật xa vời mà cũng dễ hiểu "Tất cả, hay chẳng có gì" Thế đấy! Chị tin là chú chẳng ngây ngô như anh chú nghĩ về chú đâu, có điều phải lựa mà sống. Hành động của chú rất dũng cảm giống như người nhảy vào lửa. Người ta nhảy vào lửa để dập tắt, còn chú nhảy vào lửa để tự thiêu mình.
Chưa bao giờ Biên thấy chị Hiên nói với Biên như lúc này. Nói rành rẽ, có suy xét thận trọng. Cặp mắt den lóng lánh quen làm duyên kia bỗng ánh lên vẻ khác thường. Lâu nay Biên cứ nghĩ chị chỉ là con búp bê Nhật Bản, con ngựa cực kỳ xinh đẹp và ngoan ngoãn của anh - Chú cứ tưởng chỉ mình chú bất bình với sự giả dối sao? Chú lầm! Ai cũng bất bình. Chú, chị, anh chú, cả ông giám đốc nữa, cũng đều thấy được sự giả dối nhưng vẫn phải chấp nhận. Người ta chấp nhận như một lẽ tự nhiên. Bởi vì sao? Bởi trong mỗi người chúng ta dần dần cứ hình thành ra hai con người. Chị nói nôm na thế này - Chị Hiên khẽ đập đập lên chiếc Bots giọng chị bỗng sôi nổi muốn bộc bạch với Biên cặn kẽ mọi điều - Đúng là trong mỗi chúng ta, dần dần hình thành ra hai con người, một con người trong hội nghị, trong các cuộc họp và một con người đích thực của gia đình, vợ con, anh em, bố mẹ. Từ ông bộ trưởng đến người dân thường, tất cả đều phải chịu chung sự trái ngang của xã hội tới mức trở thành thói quen. Ông bộ trưởng đến cơ quan bộ đều phải thể hiện đúng vai trò của vị bộ trưởng. Về nhà biết vợ con buôn lậu vẫn phải làm ngơ. Trăn trở đấy, đau xót đấy, nhưng rồi cũng quen đi. Cũng giống như cô giáo biết chạy chợ, biết mở quán bán dưa. Lúc đầu còn "sĩ" bịt đầu bịt tai kín mít, sau quen cứ phơi mặt ra đấy. Thế đã sao! Biết là chẳng hay ho gì. Nhưng khối kẻ thế. Chú thế, tôi thế ai cũng thế. Có thế mới sống được. Cứ thế mà bon chen, cứ thế mà tiến. Kẻ nào tiền nhiều thì lên cao...
- Chị nói thế mà không sợ đi tù à? - Biên mỉm cười khiêu khích.
- Tôi cóc sợ. Chỉ có như chú mới dễ bị đi tù. Sự thật tôi vừa nói, nó trần trụi ra đấy, ai chả biết nhưng họ cũng chỉ dám nói trong gia đình, nói ngoài lề, cũng như chị, cũng chỉ dám nói với chú thì việc quái gì.
- Cứ như chị, sự văn minh hiện nay được mua bằng tiền.
- Dúng! Chú nói phải. Chú thử ra chợ xem những mụ phe thịt lợn đua nhau đọc "Trăm năm cô đơn", họ được di xe cúp, họ có tivi, tủ lạnh có cả giấy mời vào nhà hát xem nghệ thuật, còn cái ông nhà văn hàng xóm với mình kia kìa, đạp mãi cái xe tồng tộc đi làm. Về đến nhà, ông ta phải xoay trần ra băm rau lợn thì còn văn vẻ cái quái gì.
- Chị cho xã hội cứ mãi thế này? - Biên hỏi ỡm ờ.
- Chị không phải là nhà tiên tri, nhà chính trị, nhưng dù sao chị vẫn phải chấp nhận cuộc sống này.
- Chị nói lạ - Biên cãi - Ai chả chấp nhận. Đã có ai phải tự tử đâu. Vẫn phải sống. Nhưng em nghĩ, phải sống như thế nào mới khó. Em tranh luận với chị không phải để bao biện cho thái độ của em hôm qua. Em không chịu nổi tại sao cả một tập thể trong cơ quan lại cứ phải chịu sống mãi trong tình trạng gò ép hình thức giả tạo quá đáng vậy? Em nghĩ nó giống như một quả trứng thối chưa đập lớp vỏ bên ngoài chẳng ai ngửi thấy thối. Lẽ ra phải quẳng nó vào sọt rác, lại đem hấp nó vào nồi cơm và cứ bảo nó là trứng gà gô. Rõ to nhé! Rất nhiều lòng đỏ nữa.
- Chú nói cứ như một triết gia - Chị Hiên cười, có nghĩa là chú bảo có bao nhiêu kẻ tồi tệ đem quăng vào sọt rác hết. Ôi kể nó là quả trứng thì quẳng dễ. Đằng này nó lại là những con hổ - Nhưng con hổ, chú hiểu không?
- Thế mới nguy hiểm - Biên nói. Người lãnh đạo bất tài yếu kém thường lo sợ cho cái ghế của mình nên chỉ thích nghe những lời xu nịnh. Anh ta dựng lên quanh mình toàn những thằng xu nịnh thiếu nhân cách, chẳng tài cán gì nhưng lại hót hay như khiếu. Thế cho nên mọi chuyện mới đảo ngược hết cả. Một thằng thiếu nhân cách lại đi dạy nhân cách cho thằng có nhân cách. Điều tồi tệ hơn những người có nhân cách lại cứ  phải ngồi há mồm nghe cái thằng thiếu nhân cách nó dạy dỗ về nhân cách mới lạ. Chị đã thành thật với em, em cũng thành thật với chị - Biên nhìn chị Hiên không chút băn khoăn. Biên nghĩ lúc này là lúc cần phải nói. Chị là vợ anh, chị cũng phải có trách nhiệm về cách sống của chồng. Lâu nay Biên đã không chịu nổi những tiếng xì xào về cách sống của anh cả với giám đốc - Ông giám đốc của chúng ta là tên độc tài, là kẻ cơ hội - Biên gay gắt - điều này cả cơ quan ai cũng biết. Anh cả bây giờ đang là cái bóng của giám đốc. Chị thấy đấy! Lúc nào anh cũng xum xoe. Báo cáo anh, ủng hộ anh. Ông ta tập đánh bóng, cũng đánh bóng, ông ta tắm biển cũng tắm biển. Sức khoẻ là trên hết, rèn luyện sức khoẻ để cống hiến. Hãy đưa gương giám đốc vào chương trình thi đua. Đưa gương vợ giám đốc nuôi một năm được bốn tạ lợn cho chị em phụ nữ học tập.
Trong khi đó nhà nhân viên không nuôi nổi con gà…
Biên bước vào tới cửa phòng giám đốc. Ông Tường đang mải mê viết gì đó. Khi nhận ra Biên, ông hơi chau mày vẻ không hài lòng vì Biên đến không đúng lúc lại không báo trước điện thoại qua phòng thường trực. Nhưng khi thấy Biên xồng xộc bước tới đứng sững trước mặt ông vẻ thản nhiên, ông liền thay đổi thái độ thật khéo. Ông mỉm cười giống y lần đầu gặp Biên.
- Mời anh bạn trẻ ngồi. Có việc gì đấy? - Ông hỏi ra vẻ như ông và Biên chưa hề có chuyện gì xảy ra.
- Giám đốc bắt tôi viết kiểm điểm về tội gì vậy? - Biên hỏi hơi bất nhã.
- Bậy! Tôi đâu bắt cậu viết bản kiểm điểm - Giám đốc chối đây đảy -Ai bảo cậu rằng tôi bắt cậu viết kiểm điểm? Mà cậu mắc khuyết điểm gì tôi cũng chưa hề biết đấy. Tôi đang tuyên dương cậu trước chi đoàn thanh niên về tinh thần thẳng thắn phê bình lãnh đạo một cách trung thực.
- Anh Bàng bảo tôi viết kiểm điểm đem nộp cho giám đốc.
- À ra thế ! - Giám đốc cười thản nhiên - Đấy là giữa anh cậu và cậu! Cậu hơi coi thường tớ đấy. Tớ đâu phải là người sợ khuyết điểm. Thẳng thắn với nhau là tốt. Tớ còn những điểm gì hôm qua cậu chưa nói hết, hoặc chưa dám nói hết cậu cứ phê nữa đi. Ngay ở đây! Tớ xin tiếp nhu.
Cặp mắt đầy kiêu ngạo của giám đốc nhìn Biên chằm chặp. Biên hơi bất ngờ về cách cư xử của giám đốc. Mặt Biên nóng ran. Thà rằng ông ta cứ gầm lên trước mặt anh có khi còn dễ chịu hơn.
 Chiều đến, Biên thấy anh cả đi làm về vẻ khác lạ:
- Anh báo cho chú một tin - Anh Bàng nói - chú đừng vội nói với bố. Đợt này chú sẽ đi khám tuyển nghĩa vụ. Qua thử thách trong quân đội, anh tin chú sẽ trưởng thành. Nhiều tay vào lính tiến nhanh ra phết. Anh hy vọng ở ngày em hoàn thành nghĩa vụ về. Anh cũng báo cho chú biết tin mừng. Đợt này anh sắp có quyết định lên trưởng phòng…

II

Biên vào bộ đội tròn năm năm. Ngày trở về Biên cưới vợ. Vợ Biên là cô giáo Huệ dạy cấp I trường Long Vị mãi xa tít mù tắp trên miền núi.
Anh giành phần lớn thời gian trong những ngày hè đến các trường lân cận quanh thành phố lo xin chuyên vùng cho Huệ. Lần nào về đến nhà, Huệ cũng đon đả hỏi: "Thế nào anh?" và lần nào anh cũng gượng trả lời trống lảng "Mai anh sẽ đến trường "Hồng Phong" may ra có thể".
Hôm nay vừa lọc cọc dắt xe về đến cửa, Huệ đã sốt sắn lên tiếng:
- Liệu có được không anh?
- Mai anh quyết tâm đến trường Lê Văn Tám may ra có thể.
- Mai dài hơn cuốc! - Chị Hiên ở trong nhà nói vọng ra - có mà trăm  mai không bằng cuốc. Chú hãy vứt cái đầu bã đậu của chú đi. Thời buổi này đi xin việc mà vác xác đi không. Đã thế lại còn diện bộ đồ vô sản không sao không gạch thì càng chối.
- Em tưởng ngành giáo dục ai lại thế!
- Giáo dục mà chẳng phải ăn à? Họ cũng là con người. Cũng phải lo trăm thứ. Rồi xem chú có phải lo không. Bây giờ là chú thím còn sướng đấy. Về một cái có nhà cửa rung rinh ngay, ở xứ này một mét đất mấy chỉ vàng. Như ngôi nhà này giờ bán đi về quê mua được chục cơ ngơi như cơ ngơi ông bán đi ngày xưa - Mỗi lần nghe chị Hiên nhắc đến nhà cửa, mặt bố tái đi co rúm lại. Tay bố ru run kéo cái Mai con anh cả vào lòng gượng hôn lên trán nó. Chị Hiên mở tủ lấy ra chiếc bots nhỏ đặt xuống bàn. Anh cả ngồi ngả người trên xích đu, bắt chéo chân đọc báo.
- Chú thím ấy mới về, còn bỡ ngỡ, em hãy lo giúp chú ấy một tay - Anh cả nói mắt vẫn nhìn vào trang báo.
- Chả cần phải anh nhắc, tôi cũng nghĩ chán rồi. Có điều cứ để chú ấy chạy, tiếp xúc với bên ngoài cho quen. Đây! Chú cầm tạm ít tiền này - Chị nói và lấy trong bots ra xấp tiền đặt xuống bàn - chán cho anh chú bây giờ nghỉ hưu cứ chéo chân đọc báo chả hiểu trời đất mây mưa ra sao. Việc gì cũng phải đến tay vợ. Đấy, có ông biết, giá hai chục ngàn của ông ngày ấy cả như anh chú cứ để đến bây giờ thì mua nổi ba cái nồi nấu cám lợn. Tôi bàn với ông mua luôi cái GF. Chú thấy đấy! cái GF kia bây giờ coi như là của ông. Nói ra bảo nói dại, tuổi già của ông biết thế nào . Lỡ ra ông có mệnh hệ gì cũng còn trông thấy chút của mình để lại.
Nghe chị Hiên nói Biên thầy gờn gợn chua chát. Thảo nào mỗi lần có khách đến chơi, chị thường khoe đấy! Của ông tôi đấy!chiếc GF" Bố nghe mà nẫu cả ruột gan. Anh cả vẫn tỉnh bơ. Chẳng hiểu thế nào Biên lại cầm xấp tiền trên bàn trả lại cho chị Hiên.
- Thà rằng nhà em nó bỏ quách cái nghề dạy học.
- Chú nói đúng đấy! Thím cứ bỏ quách cái nghề đói ăn ấy đi. Về thành phố này khối việc làm còn kiếm bằng mấy.
Chị  Hiên nói thế mà đúng. Một là Biên phải bỏ cơ quan lên trường Long Vị với Huệ, hai là Huệ bỏ trường Long Vị về đây. Cuối cùng Huệ cũng đành  bỏ cái nghề mà mình yêu thích. Cuộc sống thế biết làm thế nào được. Chả lẽ lại phải mỗi đứa một nởi.
Xa cu cún một ngày là anh thấy nhớ nó.
Chị Hiên có khách thường xuyên. Chị khẽ liếc mắt, anh cả dù đang mải mê việc gì cũng bỏ đấy. Dù anh bực mình cũng phải cười "Nụ cười của anh lúc có khách đáng giá ngàn vàng đấy" - Chị Hiên bảo với anh thế. Nhìn cách cư xử của chị, anh cả cũng đoán ra những đối tượng anh cần phải tiếp loại thuốc gì, uống gì. Trong tủ chị Hiên đã có sẵn đủ loại bia "333", bia hộp, rượu Napôlêông, Vốtka, thuốc lá ba số 555, Heroo, riêng bao Du Lịch và lọ chè Thái lúc nào cũng để trên bàn. Vợ chồng phải có cái tổ riêng mới ấm cúng. Phòng bên đấy dành riêng cho chú thím. Những thứ gì của nhà còn trước khi chú đi phần chú thím tất - Chị nói và đưa mắt nhìn anh cả - Riêng anh cả thì không muốn chú thím ăn riêng. Lẽ đơn giản ăn chung thì bao việc nội trợ anh ấy dây dưa cho thím Huệ kham tất. Thử hỏi cả khu này có ai về hưu được sướng như anh chú không. Mới có bốn mươi tám về hưu già. Nếu dập đúng chính sách thì còn lâu. Từ ngày về hưu trông anh chú béo trắng. Ra đường khối cháu gọi bằng anh - Chị Hiên lúng liếng cặp mắt hết nhìn anh cả lại nhìn vợ chồng Biên cười - trai bốn tám tuổi đang xuân. Điều này cứ nhìn anh chú thì thấy ngay. Chú thấy không, bằng tuổi anh chú khối kẻ còn phải lao vào hầm lò, nhà máy làm quần quật tối ngày.
Anh cả cười hì hì bập bênh trên xích đu, tay phải cầm nhíp nhổ râu, tay trái xoa cằm. Cái tính năng nổ hoạt bát của anh xưa đã dồn cả cho chị.
Chị Hiên hết thời cắp nón le te chạy theo anh. Chị như một học trò cực kỳ tài ba của anh đang lên phơi phới, thì anh càng ngày càng như quả bóng bị xì hơi. Sáng sáng cơm nước xong, anh đứng dậy lấy tăm xỉa răng, mắt ngấp nghé nhìn đồng hồ "bảy giờ mười" anh vui vẻ dong chiếc cúp màu rêu ra dựng sẵn trước cửa cho chị. Son phấn ngắm nghía trước gương xong, chị Hiên vung vẩy chiếc túi đen ngoắc vào ghi đông. Anh cả ngồi uống nước trà để ý cả những động tác của chị ngồi trên xe rất thành thạo "xạch xạch, bin bin" đèn hiệu nhấp nháy, chiếc xe từ từ lao vút ra đường phố. Anh cả bước ra cửa ngẩn ngơ nhìn hút theo bóng chị.
Những lúc chị Hiên đi vắng, anh cả thường huyên thuyên với vợ chồng Biên đủ chuyện. Năng khiếu nói chuyện của anh vẫn thiên về đề tài khoa học. Anh nói nhiều tới tương lai khoa học sẽ đưa người máy vào thay thế sức lao động của con người con người. Biên hỏi tại sao anh lại xin về hưu trong khi anh còn đang khoẻ mạnh. Anh bảo" Chú hãy phấn đấu được như anh. Khoa học luôn nhắc nhở chúng ta không nên toan tính tham vọng vượt quá sức mình. Phải luôn luôn giữ được trạng thái cân bằng cho cơ thể. Cũng như cái máy, hoạt động quá định kỳ sẽ gây ra hư hỏng". Anh ngả người ra ghế bập bênh thưởng thức cái thú vị an nhàn, giống như con bò nằm nhai cỏ sau buổi cày mệt nhọc. Ngày này qua ngày khác, mỗi ngày chị Hiên ngồi xe máy đi làm, khi tiếng xe xành sạch về tới ngõ anh cả lại đon đả chạy ra đón. Mỗi lần chị đi về như thế đều mang lại ít nhiều lợi nhuận về kinh tế. Đôi khi chị đi môt chốc bằng vợ chồng Biên làm cả năm. Khoản lời lãi anh nhìn tận mắt, sờ tận tay là bằng chứng để anh tuyệt đối tin tưởng tài năng làm kinh tế ở chị. Đôi khi chị tỏ ra quá vất vả khiến anh thương hại. Anh sốt sắng nấu nước nóng, hì hụi là quần áo cho chị tắm. Chị tắm xong anh lại don đả giặt quần áo. Anh lặng lẽ làm những việc này rất kín đáo. Trước mọi người anh cố thể hiện mình hoàn toàn làm chủ mọi sự trong gia đình và cũng ra vẻ am hiểu tinh tường về chuyện buôn bán. Anh ngồi nhà mà cũng biết đủ mọi chuyện.
Anh hiểu những ông khách nào của chị được xếp vào hạng ngoại hạng. Nghĩa là họ được quyền tự do đi lại gia đình như người nhà. Để tránh tình trạng những ông khách có thể chạm trán nhau, anh dành riêng căn gác trên để cho chị tiếp. Những lúc đó chị tiếp khách trên gác, anh thường băn khoan đi lại ngấp ngó ngoài cửa.
Để tỏ ra không khí bình đẳng với mọi người trong gia đình, chị Hiên thỉnh thoảng cũng làm cơm chiêu đãi mời cả vợ chồng Biên "khách của anh chị, cũng như của gia đình, chú thím đừng ngại", rượu bia vào làm cho mọi người dễ dãi với nhau hơn. Những ông khách thi nhau nói đủ chuyện đông, tây, kim, cổ , "giống người Nhật ngày nay to cao như người Châu âu. Đó là một biện pháp tích cực của phụ nữ Nhật đã thành công trong việc lai giống để hoàn thiện vẻ đẹp chiều cao của con người. Luật pháp nước Mỹ hiện nay đứng đầu thế giới về nhân quyền. Sẽ có ngày nào đó trái đất bùng nổ…
Giám đốc Tường là một trong những vị khách đặc biệt của chị Hiên. Từ ngày Huệ được vào cơ quan làm việc cùng phòng với chị Hiên, giám đốc Tường thường hay lui tới thăm gia đình luôn.
- Chú Biên thấy đấy! Mới có mấy năm chú đi bộ đội, ở nhà anh chị chú đã xây dựng được cái tổ ấm này thật lý tưởng.
- Vâng ạ! -Anh cả nói - Em nghĩ gia đình em được như thế này là do công lao của thủ trưởng đã tận tình giúp vợ chồng em.
--Dạ! Cũng hiếm có vị thủ trưởng nào lại tận tình như anh Tường đây - Chị Hiên cười, cặp má phấn của chị lại lựng lên, đôi mắt đen cứ lúng liếng.
Bố trầm ngâm ôm cu cún trong lòng, cái Mai con anh cả ôm cổ ông nhảy tâng tâng hát nghêu ngao.
Huệ vẫn giữ nét mặt buồn buồn. Huệ đến cơ quan lặng lẽ như cái bóng. Ngoài giờ đi làm, về  nhà Biên cố chăm chút cho cái tổ ấm nho nhỏ. Nhưng cuộc sống hiện tại cứ xới lên từng giây từng phút. Tiếng xe máy của chị Hiên vân khuya sớm đi về. Biên và Huệ vẫn phải gượng cười đón chào các vị khách của chị. Hai đứa vẫn  chịu chung những cái nhìn khinh khỉnh của mọi người. Bố ngày càng quắt héo đi gần như câm lặng. Trong những bữa quá chén đón khách, bố bị anh chị lãng quên trong xó tối. Bố muốn lấy cớ sang ở với vợ chồng Biên để trông nom cu cún còn nhỏ. Nhưng khốn nỗ vợ chồng Biên lại nghèo quá! Đồng lương không đủ cho hai bữa cơm rau. Đầu óc Biên nhiều lúc choáng váng quay cuồng, thần kinh anh căng thẳng. Nhiều đêm anh nghe Huệ sụt sùi khóc mà anh vẫn lặng thinh. Phòng bên khách của anh cả vẫn mở những băng nhạc đầy kích động. Toàn những chuyện thế giới đó đây.
Tiếng giám đốc lại ân cần khuyên nhủ anh cả.
- Chú Bàng phải để cho cô ấy phấn đấu vươn lên nữa. Cô ấy còn trẻ, đợt này tôi đề nghị cho cô ấy đi học lớp quản lý kinh tế.
Tiếng anh cả cười giòn tan.
Bố ốm! Đã một tuần nay bố chỉ uống chút nước cháo. Vợ chồng Biên phải đưa bố sang phòng mình cho tiện chăm sóc. Anh cả rầu rĩ bảo" "Khoản chăm sóc người ốm, anh vụng về lắm. Công việc của chị lại không dừng được. Trăm sự nhờ cô chú".
Sáng nay Huệ phải xin nghỉ việc ở nhà trông nom bố. Đến chiều, anh vừa đi làm về, tới ngõ đã thấy chị Hiên dẫ khách về ngồi đầy nhà. Biên gượng cười chào khách rồi bước vội về phòng mình. Huệ đang ngồi đăm chiêu bên bố. Bố nằm xẹp lép bất động. Nhận ra Biên, bố khẽ đưa cặp mắt mờ đục khẽ mấp máy như muốn nói điều gì đó. Phòng bên anh chị cả vẫn không bỏ lỡ dịp may gặp gỡ bạn bè. Anh chị không thể nói rằng bố đang ốm mệt làm không khí kém vui.
- Chiếc GF của bà chị bây giờ được mấy chỉ?
- Chiếc GF của ông tôi đấy! - Chị Hiên háo hức khoe. Tiếng nhạc cứ dậy lên, làm mạch máu trong cơ thể anh như tắc nghẽn. Chân tay Biên như bị co giật. Bản năng nén chịu của anh không giữ được. Anh sầm sầm chạy sang phòng anh chị nhìn chằm chằm chiếc GF đang phát ra nhưng âm thanh ghê rợn. Anh đưa tay ấn mạnh vào cái nút STOP. Căn phòng bỗng lặng đi. Anh hầm hầm nhìn những vị khách đang ngơ ngác.
- Các ngươi thật tàn nhẫn!
Anh ôm đầu chạy ra cửa. Anh lang thang trên đường phố lơ đãng nhìn những dãy nhà cao tầng, cao vút. Có tiếng xe phanh xít bên tai anh. Một cái đầu to sù gớm ghiếc thò ra khỏi ca bin.
-         Thằng điên! Muốn chết hả.
                                     ***
Anh cả nằm trên xích đu lim dim mắt. Chị Hiên ngồi thừ trên ghế xa - lông mệt mỏi. Trên bàn ngổn ngang cốc chén và những chai bia uống dở! Vừa nhìn thấy Biên về tới cửa, mặt chị bỗng đanh lại.
- Chú ngồi xuống đây tôi nói chuyện! - Chị Hiên lạnh lùng nói. Anh cả mở mắt ra rồi lại lim dim. Biên lặng lẽ ngồi xuống trước mặt chị - Chú tưởng mình vợ chồng chú biết thương ông thôi hở? Mấy năm chú đi ai nuôi ông? Anh chú cứ nằm khểnh ra đấy.
- Thôi mà - Anh cả nói.
- Thôi cái gì! - Chị gắt - Anh tưởng anh em nhà anh đã giỏi giang lắm đấy. Nhà này không có con này thì khối ra đấy.
- Đã bảo thôi mà! - Anh cả nói giọng khổ sở. Mặt anh lúc này trông phì phị ra - Chú Biên cũng quá lắm - Anh trách - Ai đời khách người ta đang vui, chú làm thế không được…
Suốt đêm hai vợ chồng Biên thay nhau túc trực bên giường bố. Nửa đêm, anh vừa chợp mắt đã nghe Huệ gọi dậy. Huệ cuống cuồng đứng ép sau lưng Biên. Anh vừa lo lắng ngồi cạnh bố đã bắt gặp ngay ánh mắt bố nhìn anh. Môi bố mấp máy mãi mới nói lên lời, giọng bố yếu ớt đứt quãng:
- Bố! ..Bố không thể sống được nữa…Bố muốn nói riêng với vợ chồng con điều này. Bố tin chỉ có vợ chồng con hiểu ý bố! Khi bố chết, bố chỉ có một ước muốn sau này con sẽ cố gắng đưa bố về nơi mẹ con ở Đồng Mả, con biết rồi đấy. Ngôi mộ thứ hai ở hàng thứ tư.
Bố ngất đi. Huệ cuống quýt sang gọi anh chị cả.
- Bố ơi bố! Bố bỏ chúng con thật rồi sao? - Anh cả từ phòng bên bước sang khóc rống lên.
- Cái anh này hay chửa - Chị Hiên nói - Bố đã chết đâu mà anh khóc - Chị cả bình tĩnh lay gọi bố.
- Bố ơi! con đây mà, con là Hiên đây- Bố khẽ cựa mình nói trong hơi thở yếu ớt.
- Bố không thể sống được nữa đâu. Bố mong các con hãy thương…yêu lấy ….nhau.
Cái chết của bố đã xua tan mọi định kiến trong gia đình. Sáng ra chị Hiên trở lại bản năng hoạt bát của chị dâu cả.
- Mọi việc lo tang lễ cho ông phải xong xuôi trong ngày hôm nay. Việc đánh điện báo cho các cụ ở quê ra cứ đánh. Việc mình lo cứ lo - Chị hướng cặp mắt về phía anh Bàng - Anh phải lo việc sắm sửa mua bán mọi thứ. Chú Biên  lo hương khói cho ông. Thím Huệ lo trông coi hai đứa trẻ và chỉ huy bếp nước. Cứ phải làm cho thật chu đáo. Tôi dự trù chi hết cái GF của ông.
Chị nói và xách túi đi thẳng ra cửa. Tiếng xe máy của chị giòn tan, rồi lặng đi xa dần…
Cả buổi sáng Biên lẩn quân bên bố. Anh không làm nổi một việc gì. Anh cả tất bật tiếp khách, Khách đến thăm viếng đã chật ních trong nhà ngoài hiên. Thợ kèn trống thản nhiên ngồi uống trà hút thuốc giữa nhà. Huệ không lo nổi bếp nước, cuối cùng chị Hiên phải kham tất. Chị tất tưởi lên nhà xuống bếp chỉ huy đám sắp cỗ. Tiếng băm chém chan chát dưới bếp, tiếng kèn trống bắt đầu tru lên át tiếng chuyện trò của khách đến thăm viếng. Ngoài hiên đám thanh niên nam nữ còn bấm chí nhau che miệng cười khúc khích. Tới lúc chị Hiên và Huệ đến khóc trước quan tài bố, thì Biên lại không sao khóc nổi. Đầu anh reo réo những tiếng u u và tiếng búa nện chát đóng nắp quan tài bố cứ dội lên nhức nhối. Anh cảm giác như mọi người đang nhìn xoáy vào anh như thể họ thầm trách tại sao anh không khóc bố. Chị Hiên và anh cả thỉnh thoảng lại khóc rống lên thảm thíêt. Anh cảm giác như mọi người đến để chứng kiến lúc này ai thương bố nhiều nhất. Bỗng dưng những ý nghĩ kỳ quặc lại liên tiếp có trong anh. Giấy phút này anh thèm khát được yên tĩnh bên bố. Anh bỗng thẩy căm ghét cả tiếng khóc của anh chị cả, căm ghét tất cả mọi người. Họ đâu có biết bố anh là ai. Họ đều là những kẻ xa lạ với bố. Họ đâu có thương tiếc gì bố. Họ đến cũng chỉ vì sự quan hệ gắn bó với anh chị cả. Ngay những anh em trong cơ quan họ đâu có ưa gì anh chị cả. Bất giác anh nhìn thấy giám đốc Tường, ông ta đang đứng nhìn mọi người như thể điểm danh xem ai vắng mặt. Anh loạng choạng bước sang quan tài bố! Người ta đưa bố lên xe tang, mọi người lũ lượt theo sau lố nhố lên những chiếc xe khách đỗ sẵn ngoài đường phố. Tai Biên u u và mắt anh hoa lên. Anh ngất đi…Khi tỉnh dậy anh thấy mình nằm trên giường. Anh lơ đãng nhìn theo những bóng người dắt díu xiêu vẹo bước ra cửa. Bữa cỗ nhà đám đã tan, trên bàn, trên giường, dưới nền gạch men, mâm bát ngổn ngang.
- Dọn hết xuống bếp - Tiếng chị Hiên nói với Huệ - Còn một mâm gia đình, thím gọi chú ấy dậy uống rượu…
Người chết đã chết, người sống vẫn sống, quy luật muôn đời như thế. Tiếng xe máy chị Hiên vẫn lạch xạch đi về. Anh cả vẫn thường ngả người ra chiếc ghế xích đu. Những vị khách vẫn dập dìu vào ra khuy sớm…
Bốn mươi chín ngày, chị Hiên làm cơm cúng bố. Chị bảo: "Chẳng bày vẽ gì nhiều, chỉ mời mỗi giám đốc Tường. Ông ấy đã nhiệt tình giúp đỡ tang lễ bố". Hương khói xong xuôi, mâm cỗ được đặt xuống nền gạch men.
- Hôm nay mới thực thư thả! Mời giám đốc cứ tự nhiên - Anh cả nói - Gia đình em coi giám đốc như người nhà.
- Tôi vẫn coi gia đình ta như người nhà đấy thôi - Giám đốc cười vui vẻ nói.
- Thôi dẹp chuyện dài dòng khách khí - Chị Hiên nói và liếc nhìn giám đốc - Mời anh Tường….
Huệ ăn qua loa rồi xin phép dẫn hai đứa trẻ về phòng mình cho chúng ngủ.
- Uống đi chứ! - Anh cả nói - Có cả giám đốc đây, anh cũng cứ nói thật. Từ ngày chú đi lính về, anh thấy tính khí chú thất thường. Ở cơ quan làm ăn chả biết ra sao, nhưng về nhà cả hai vợ chồng cứ lầm lầm lì lì. Anh em phải biết dựa vào nhau mà sống. Là anh em với nhau chả mấy khi chú ấy tâm tình với tôi. Uống đi anh! - Anh cả nâng cốc quay sang giám đốc mặt đỏ lựng, cặp mắt dại đi vì men rượu - Giám đốc thấy đấy – Anh cả tiếp - Chú ấy nghe tôi thì giờ đâu đến nỗi. Đã nửa đời rồi mà chả có gì. Người ta đi lính lên cấp này, cấp nọ. Chú ấy lại vội đi lo chuyện tay bồng tay bế còn phấn đấu chó gì. Anh nói thật đấy, chú có giận anh cũng nói…
Mới uống chừng vài chén, Biên đã thấy đắng ngắt. Anh khước từ về phòng mình. Huệ đang nằm lặng im với hai đứa trẻ. Phòng bên bữa tiệc vẫn chưa tàn. Anh cả và giám đốc vẫn rì rầm tri kỷ. Thỉng thoảng chị Hiên lại cười ré lên.
- Uống nữa đi! - Anh cả lè nhè - Nếu say không về được, mời anh lên gác ngủ. Hương hồn ông hôm nay có về sẽ phù hộ độ trì cho anh mạnh khoẻ, lãnh đạo cơ quan mọi việc như ý.
Đêm càng lắng đi, Biên trằn trọc không sao ngủ được. Tiệc rượu đã tàn, phòng bên lặng lẽ. Điện tắt và Biên nghe có tiếng chân bước rón rén lên cầu thang… Một lúc sau anh cũng nhận ra mình đang rón rén đi trong mơ lên cầu thang. Bằng linh tính bất thường anh nghe rõ tiếng cười rúc rích trong phòng tiếp khách đặc biệt của chị Hiên. Anh đạp cửa. Cả thế giới sa đoạ hiện lên trước mắt anh. Dưới ánh đèn màu hồng, chị Hiên trần trụi nằm lọt trong vòng tay ông giám đốc. Đang tâm trạng điên khùng, anh nhấc bổng chiếc ghế lao tới. Trong khoảng khắc, chị Hiên bật dậy lao tới ôm chầm lấy Biên. Chiếc ghế quăng rầm xuống nền nhà. Ông giám đốc Tường vụt chạy ra khỏi cửa.
- Chị lạy chú! Chú điên hay sao mà xử sự như thằng điên - Chị nói và buông Biên ra, vội nhào tới giường mặc quần áo - Chú hãy ngồi đấy, chị muốn nói chuyện với chú -Chị kéo ghế ngồi đối diện trước mắt Biên - Đến nước này chị cần phải nói thẳng với chú một điều. Chú ở mãi trong cái nhà này, chú phải tự hiểu chứ! Tôi hỏi chú - Chị nhìn vào mặt Biên giọng đanh lại - Cả cái nhà này ai làm? Chú tưởng anh chú tài ba lắm hở? Tôi biết! Bây giờ chú coi tôi như một con đĩ. Đúng vậy! Chẳng ai sinh ra lại muốn trở thành con đĩ. Chính anh chú! Sự hèn hạ của anh chú đã biến tôi thành con đĩ. Đã là con đĩ, hỏi còn gì là nhân cách. Đã không còn nhân cách thì chẳng từ một thủ đoạn nào. Chú đừng nghĩ đây là cuộc ngoại tình. Đó là cuộc đánh đổi. Tôi đã đánh đổi cả cuộc đời tôi chú hiểu chưa. Nhiều lúc nghĩ mà nhục - Chị nói, nước mắt bỗng trào ra giọng xúc động. Cũng nhiều lần tôi đã nói với chú. Đời tôi cũng đã ước mơ có một cuộc sống chân thật. Nhưng tôi đã gặp phải anh chú và lão ấy. Nhiều lúc tôi cũng muốn phá phách cho tan hoang nhưng không được. Uy tín của con người ấy lớn lắm. Nó cũng giống như con cáo già, đánh không nổi đâu. Với lại còn cả đời mình nhìn lại cũng chẳng ra sao. Chị là người đàn bà yếu đuối đã một lần vấp khó lòng mà vực dậy được. Và còn cả điều này nữa. Chị cũng nói thẳng với chú. Việc xin cho thím Huệ đi làm cũng không đơn giản như chú nghĩ đâu. Thím ấy không vững thì cũng dễ bị sa gã chị. Chú! Chú hãy bình tĩnh, chú hãy nhìn thẳng vào sự thật.
Mặc cho chị Hiên van vỉ, anh chạy như bay xuống cầu thang. Anh đẩy cửa vào phòng anh cả. Anh cả say mềm, nằm thượt trên giường bất tỉnh. Biên lại lao về phòng mình, Huệ đang khóc nức nở. Huệ đã biết hết mọ sự việc xảy ra.
- Hắn đã làm gì em hả? Hãy nói đi? Hắn đã làm gì?
- Hắn…hắn - Huệ lắp bắp - Hắn định giở trò khốn nạn, nhưng em đã không chịu. Ôi đời em sao lại khổ thế này! - Huệ tức tưởi khóc.
Anh như một người điên, cầm dao lao ra cửa. Anh chạy trên đường phố vắng tanh mà ngỡ như mình đang bay. Ánh điện hai bên đường nhoè nhoẹt trước mắt anh. Anh đứng sững trước cửa phòng giám đốc. Anh đạp cửa. Và anh nghe giám đốc kêu ú ớ "Bắt lấy nó! Bắt lấy nó - Kẻ giết người". Trong trạng thái của kẻ tâm thần, lúc này anh chỉ biết cần phải giết, giết bằng được. Anh chỉ mang máng nhận ra mình đã vung dao chém. Và ngay sau đó, anh nghe rõ những bước chân huỳnh huỵch chạy từ bên ngoài…Anh ngất đi. Và lúc này anh mơ hồ thấy mình đang nằm trên đệm xe êm ru. Tiếng xe vo vo lướt đi như bay…
Anh ngơ ngác nhận ra mình đang nằm trong phòng kín. Anh nhìn thấy cửa sổ để mở. Ánh nắng buổi sớm in hàng song cửa nghiêng lên mảng tường trắng ngay chỗ anh nằm. Anh lắng nghe mội âm thanh hỗn tạp bên ngoài; Tiếng cãi lộn nhau ở phòng bên. Tiếng xô bàn ghế loảng xoảng. Lại có cả kẻ nào đó hát nghêu ngao những bài hát không đầu không cuối. Lại có ai đó tập nói tiếng anh liến thoắng. Và bất chợt lại có ai đó khóc thét. Biên nghi ngờ cái thế giới quanh anh đang lên cơn điên? Hay chính mình đang điên? Và lúc này anh bỗng nghe thấy tiếng xe máy quen thuộc. Gương mặt chị Hiên bỗng xuất hiện ngay cửa sổ. Chị len lén ném cho Biên lá thư…
Anh nhận ra nét chữ của anh cả.
Chú Biên!
Ông ấy hiện đang nằm viện, bị thương nặng, nhưng vẫn còn tỉnh táo. Dưới đây là ý kiến của ông ấy. Chú cần phải sáng suốt nhìn nhận sự việc cho thấu đáo. Xét về lý, chú đã là kẻ phạm tội, có chủ tâm giết người. Kẻ bị chú ám hại dù chết hoặc không chú đều phải chịu tội trước pháp luật. Sự việc đã rồi, ý ông ấy không muốn làm rùm beng. Để giải thoát cho chú, ông ấy lại giữ được uy tín trước công chúng, gia đình ta cũng tránh được mọi tai tiếng. Ông ấy đã đưa ra một phương pháp tối ưu: Chú hãy tự nhận mình là kẻ tâm thần, “pháp luật không kết tội kẻ mát trí". Anh chị và ông ta ở ngoài này sẽ tìm mọi cách để chứng minh chú bị tâm thần do vết thương tái phát. Chú hãy tỉnh táo và khôn khéo hơn. Đừng hồ đồ dại dột.
                                                                              Anh của chú
Bàng
KHÔNG! Biên thét lên y như một kẻ tâm thần! TÔI KHÔNG PHẢi KẺ TÂM THẦN.
Biên lao lại phía cửa sổ và nhận ra Huệ đang bế cu cún trên tay run rẩy. Huệ nhìn anh hoảng sợ.
- Huệ! Em đừng sợ…Anh không phải là kẻ tâm thần.
Anh gầm lên như con thú trong lồng muốn phá phách mọi thứ. Anh lấy hết sức lay lay hàng song sắt trước mặt. Những chấn song to và vững chắc. Máu trong anh sôi lên. Anh căm giận những điều bưng bít và dối trá.
- Huệ! - Anh lại gọi Huệ - Em đừng sợ! Dù có phải chết anh cũng không chịu nhận mình là kẻ tâm thần.

Không có nhận xét nào: