4 thg 12, 2010

Bức tranh hiện thực hoành tráng

"DƯỚI CHÍN TẦNG TRỜI"
BỨC TRANH HIỆN THỰC HOÀNH TRÁN
Hữu Tuân
   
Sau tiểu thuyết “Bến không chồng” nhận giải thưởng hội nhà văn Việt Nam, Dương Hướng im hơi lặng tiếng khá lâu, nay bỗng bất ngờ cho ra mắt độc giả tập tiểu thuyết có cái tên đầy ấn tượng “Dưới chín tầng trời” thật  Hoành tráng- Hoành tráng không chỉ ở độ dày tác phẩm. 
 Hoành tráng không chỉ ôm trọn một thời kỳ lịch sử nửa thế kỷ đất nước trải qua nhiều biến động dữ dội. Và hoành tráng không chỉ ở hàng chục nhân vật, đủ các thành phần xã hội, đủ già trẻ gái trai mà gương mặt nào cũng đầy cá tính sắc sảo. Có thể nói không ít nhân vật, nếu đứng riêng ra, cũng tạo nên những cuốn truyện đầy kịch tính như Trần Tăng, Đào Kinh, Yến Quyên, Thương Huyền, Cam Quýt, Mít Dừa...Lại cũng có thể nói, không ít gia đình nếu được khai thác cặn kẽ, sẽ hình thành những bộ tiểu thuyết bề thế như các gia đình Hoàng Kỳ Bắc, Đào Kinh, Đức Cường, Đỗ Hiền...Song tôi cho đó chỉ là bề nổi. Chiều sâu tác phẩm khiến “Dưới chín tầng trời” mang dáng dấp sử thi chính ở tư tưởng nghệ thuật có tính khái quát cao, ở ý nghĩa nhân sinh sắc bén, ở lĩnh vực tâm linh bí ẩn ? Từ thôn Đoài, điển hình làng quê Việt Nam, ba tính cách, ba số phận con người biến đổi, xoay lông lốc trong bão tố thời cuộc. Đào Kinh, từ một cổ nông đi ở cho nhà địa chủ, trải qua những năm tháng thăng trầm, khi là cán bộ hợp tác xã thét ra lửa, khi trắng tay đào cua bắt ốc, khi ngồi tù mười năm vì tổ chức đưa người vượt biên trái phép, khi ra biên giới thời mở cửa làm đầu gấu, trông coi ổ chứa gái mại dâm...nhưng nhờ tính nhẫn nhục, lại sẵn ý chí vượt lên số phận, nên cuối cùng trở thành tay cự phú, được mọi người nể phục...Vương, Nam tình nguyện lên đường ra trận, dũng cảm chiến đấu. Kết thúc chiến tranh, người ngồi xe lăn suốt đời, kẻ thành nhà báo nổi tiếng. Măng, cô gái làng Đoài đi theo con đường khác. Dựa vào cái bóng khổng lồ của ông bố, cô ta nghiễm nhiên ngự trên ghế đồng tiền đầy quyền lực. Hoàng Kỳ Trung, tham gia hai cuộc chiến tranh, về hưu với hàm cấp tướng ngực gắn huân chương sáng chói. Ngược lại, Đỗ Hiền chạy vào nam đăng lính quốc gia, lập nhiều chiến tích được phong hàm đại tá. ngay đến bà Cháo cũng ba con gái, chỉ nghe mấy cái tên Muôi, Muỗng, Thìa cũng biết thuộc tầng lớp nào, từng khổ nghèo, điêu đứng nhưng nhờ ngọn gió mới, họ đã làm giàu nhanh chóng. Còn những ai ở lại làng quê, qua cơn chấn động cải cách ruộng đất, tắm con thác lũ hợp tác hoá nông nghiệp, đặc biệt vượt cơn bão tố chiến tranh, thì đều đổi đời, giữ được cái gốc nhân bản như cụ Khi, mẹ Đỗ Hiền, Yến Quyên...Ngọn gió thời đại đã lay động đến tận các tế bào xã hội. Dương Hướng đưa vào tác phẩm ba gia đình tiêu biểu, trải bốn thế hệ, mỗi gia đình đánh dấu một số biến cố lịch sử nhất định. Trước tiên là ông bà Hoàng Kỳ Bắc, nạn nhân bị thảm của cải cách ruộng đất. Vốn giầu có nhờ kinh doanh, lại con người nhân đức nhưng bị quy oan địa chủ cường hào, việt gian phản động chịu án tử hình, Nhà cửa, của cải bị sung công chia cho nông dân. Sang thế hệ con cháu, gia tộc này khá hiển vinh. Song cái chết thê thảm của ông bà Hoàng Kỳ Bắc vẫn ám ảnh bà con nội tộc và làng xóm khôn nguôi.Thứ hai là gia đình Đào Kính. Mẹ ông bị bệnh hủi chết không được chôn trên đất làng. Khi đã có vợ con, gia đình ông điển hình cho cái phức tạp, cái đa đoan của thời đại, nào sóng gió cải cách ruộng đất, nào khói lửa chiến chinh, nào cái bất cập của buổi đầu xay dựng chủ nghĩa xã hội. Nào sôi động của nền kinh tế thị trường. Bi có, hài có! Hùng tráng có, tủi hờn có.Thứ ba là ông bà Đức Cường, tư sản dân tộc giầu lòng yêu nước, thời chống Mỹ, ông ủng hộ cách mạng. Thời cải tạo công thương  nghiệp tư doanh, ông hiến cả nhà máy, cả ngôi nhà đồ sộ cho chính quyền mới. Nhưng rồi vợ chồng ông phải kết thúc cuộc đời thật bi đát. Cả hai con ông cũng chịu những bi kịch đơn đau. Gia đình ông bà là nạn nhân của cuộc cải tạo tư sản với nhưng sai lầm tả khuynh ấu trĩ, với cái nhìn lập trường giai cấp cực đoan, và cũng chịu hậu quả chiến tranh đẫm nước mắt.Nói như vậy, đâu cho rằng âm hưởng "Dưới chín tầng trời" là bi quan. Trái lại mới đúng. Bởi giữa bao nhân cách bị nghiêng ngả, nhiều gương mặt vẫn sáng đẹp phẩm chất, đạo đức. Và cũng bởi sau trận bão, đất nước lại hồi phục, phát triển rực rỡ như huyền thoại như chính sách thức thời của Đảng Nhà nước, nhờ những bộ óc nhạy bén thời cuộc, tư duy đổi mới trong kinh doanh, sản xuất, có thể kể ra đây những Đào Kinh, Măng, Tuyết, Nam, mấy mẹ con bà Cháo, cả đến bà Mai tầu nữa, tiêu biểu cho lớp người mới, làm ăn năng động.Dương Hướng là nhà văn giàu lòng nhân ái, ngòi bút thấm đượm chủ nghĩa nhân văn cao cả. Đặc biệt khi nhà văn viết về người phụ nữ. Trong truyện, mỗi người trong họ là một nhân cách toả sáng, dù có vết hay không có vết. Thành công nhất là hai nhân vật Yến Quyên và Thương Huyền, Yến Quyên, con dâu Hoàng Kỳ Bắc, vợ Hoàng Kỳ Trung, mẹ Hoàng Kỳ Nam, tuy thấm nỗi đau của phận đàn bà giữa bao thăng trầm lịch sử, ở con người này vẫn lấy chữ trung làm lẽ sống: Trung thực, trung kiên, trung hậu và trung trinh...có thể, nàng là nhân vật toàn bích mà vẫn rất thực. Còn Thương Huyền, nạn nhân của hai phía chiến tranh, sống những chuỗi ngày dằng xé nội tâm giống như các nhân vật trong bi kịch cổ điển thời phục Hưng, dù phần sau cuộc đời được đền bù hạnh phúc. Cách xây dựng nhân vật của nhà văn Dương Hướng, một mặt tiếp thu truyền thống tiểu thuyết phương Đông, chỉ vài nét chấm phá nhưng gây ấn tượng rất mạnh như các nhân vật ông bà Hoàng Kỳ Bắc, ông bà Đức Cường, ông chồng bà Mai Tầu, Sáng Hoa Kiều, Thịnh lính nguỵ quyền Sài Gòn, đến Đỗ Hiền, cố vấn Mỹ Bell. Mặt khác tiếp nhận tiểu thuyết hiện đại, tính cách nhân vật đa dạng, xấu tốt xen lẫn, sáng tối chen nhau, ngoài Yến Quyên, ông bà Hoàng Kỳ Bắc, phần lớn khó đánh giá là nhân vật tích cực hay tiêu cực, khẳng định hay phủ định. Trong đó, Trần Tăng được tác giả "săn sóc" đầu tư trí tuệ và giấy mực nhiều nhất. Trong cải cách ruộng đất, ông ta là một trung thần và hiếu sắc. Đường công danh của ông ta trải rộng, chức tước lên vù vù, là một siêu quyền lực đầy tham vọng. Tựu trung, Trần Tăng là một con người cơ hội, xảo trá, dâm đãng, quái thai của một thời đại anh hùng, sôi động nhưng lại lắm ngõ ngách tối sẫm. Điều vớt vát lại nhân cách ông ta là những giây phút sám hối cuối đời trên mảnh đất làng Đoài mà ông đã gây bao tội ác tày trời.Như góc khuất tâm linh huyền bí, cái chết bất đắc kỳ tử của Trần Tăng có một bàn tay vô hình nào đó xô đẩy. Nhìn lại bao nhân vật của truyện, đôi lúc ta không thể lý giải được, tại sao vào thời điểm nào đó, trong hoàn cảnh nào đó, con người ta vốn thông minh bỗng trở nên ngu muội đến vậy, vốn trung dung bỗn trở nên cực đoan đến vậy, vốn thanh cao bỗng trở nên dẫm đãng đến vậy, thậm chí vốn nhân từ bỗng trở nên độc ác đến vậy? Đa số cho là vì hoàn cảnh phải thế, vì thời đại không thể sống khác hơn. Nguỵ biện chăng ? Đời người vào tuổi đầu bạc răng long, sau những năm tháng tìm đường trở về quê, về cội nguồn để lọc sạch bụi trần, để chuộc lại lỗi lầm nếu mình đã từng nhúng chàm, và cao hơn, để sống trong tình sâu, trong nghĩa nặng gia tộc, bà con lối xóm. Đấy cũng là một biểu hiện của tính nhân văn trong cuốn tiểu thuyết hoành tráng "Dưới chín tầng trời".


       Chú thích:
         (1) "Dưới chín tầng trời", Dương Hướng.Nhà xuất  bản Hội nhà văn - 2007   

Không có nhận xét nào: