19 thg 12, 2010

Dưới ánh pháo hoa

TÂY THI: Tranh minh hoạ
 DƯỚI ÁNH PHÁO HOA
Truyện ngắn của Dương Hướng
Mấy năm nay tết đến, từ giữa tháng chạp trên con đường xi măng thẳng tắp từ bưu điện trung tâm thành phố chạy dọc dưới chân Ba Đèo, người ta đã ngăn lại chia ô để làm chợ hoa ngày tết. Từ các dãy nhà ven chân núi Ba Đèo thuộc khu phố tôi nhìn xuống cứ rực lên như một rừng hoa đủ mầu sắc từ khắp mọi miền mang tới. Đào tím Nhật Tân, mai vàng Sài Gòn, dơn, ly, phong lan tím tía trắng hồng đủ loại. Lô hàng cây cảnh cam quất núc nỉu những chùm quả vàng rực. Chợ hoa ngày tết rõ phong phú, phục vụ mọi đối tượng sang hèn. Tiền nào hoa ấy, thượng vàng hạ cám. Có những chậu hoa lan hồ điệp tới vài ba triệu, lại có những bó hoa cỏ chỉ dăm ba chục ngàn. Khách mua bán tấp nập suốt từ sáng sớm tới đêm khuya.  
  Cậy chợ hoa gần nhà nên năm nào tôi cũng chờ đến tận chiều ba mươi mới ù xuống đường hy vọng mua được hoa rẻ. Có năm giá hoa hạ tới một nửa so với ngày hai tám hai chín tết. Lúc này đã là chiều ba mươi, ngày cùng tháng tận nên các chủ hàng đã bán tống bán táng cho hết hàng kịp về ăn tất niên.  Tôi bàng hoàng nhìn cảnh chợ hoa lúc này giống như bãi chiến trường xơ xác nát bươm. Các chủ hàng hoa đã dọn dẹp ra về vứt lại ngổn ngang cả mớ rác rười hoa thừa cây héo. Những cành đào, cam quất gẫy nát vứt thành đống đang được các bác vệ sinh môi trường hót lên xe rác. Chẳng hiểu sao tôi cứ ngẩn ngơ xúc động đứng nhìn trong đống những cành đào bị chất lên xe rác vẫn sót lại những nụ hoa non nõn tươi rói như nụ cười trẻ thơ. Những nụ hoa vô tư kia đâu biết chỉ vài giờ nữa chúng sẽ bị vùi lấp ngoài bãi rác. Số phận hẩm hiu của những nụ hoa kia bị người đời nhìn bằng con mắt rẻ rúm, chỉ vì hoa năm nay ế ẩm không ai mua, không mang lại hiệu quả kinh tế gì cho chủ của nó. Tôi lang thang thơ thẩn trên đoạn đường mới sáng nay còn ngàn ngạt người hoa rực rỡ mà lúc này đã tan hoang. Số phận và thời khắc của con người và những cánh hoa cũng khắc nghiệt lắm thay. Đang ngơ ngác trước giờ khắc tàn canh của chợ hoa ngày tết, tôi chợt nhận ra dưới chân cột điện gần trung tâm bưu điện vẫn còn một ông lão bày bán đủ loại hoa cây quả. Hình như ông lão đã đi nhặt lại hoặc mua rẻ của những chủ hàng muốn về sớm chợ. Tôi tới gần nhận ra vẻ bình thản trên khuôn mặt khắc khổ của ông lão bán hoa. Ông chẳng có vẻ gì vội vã khi chi ít giờ nữa là tới giờ chuyển giao giữa năm cũ năm mới. Thiên hạ kẻ náo nức người tất bật nhưng ông lão vẫn dửng dưng như thể tết là của thiên hạ không liên quan tới ông. Cả chợ hoa đã tàn mà ông và những bó hoa ế ẩm của ông lão vẫn ung dung khoe sắc dưới làn mưa xuân lất phất bay giữa lòng thành phố. Thi thoảng có những đôi trai gái rú xe lao vút qua còn ngoái cổ nhìn quầy hoa đơn lẻ của ông lão vẻ ngạc nhiên cười hơ hớ. Có đứa còn ngứa mồm tếu táo:
-         Bố già ơi, ôm ấp mấy bó hoa nát ấy làm gì cho mệt, về cho sớm, bà lão ở nhà đang mong. 
Tôi đến gần cúi xuống chọn những bông hoa hồng còn tươi rói bó thành một bó cho gọn. Tôi lựa lời hỏi ông già lấy bao nhiêu tiền. Ông lão vẫn dửng dưng:
-         Hoa người ta bỏ đi, tôi tiếc lượm lại, chị cứ chọn mang về đón xuân. Tôi chỉ lấy công gom vài ba ngàn là được. Tôi cảm động trước tấm lòng của ông lão.
-          Con không dám, ông cầm vài chục cho con vui, trời rét mướt thế này.
Tôi dúi tờ hai chục ngàn vào tay ông lão rồi vội bước đi như sợ ông không nhận. Đi một đoạn tôi ngoái lại nhìn thấy ông lão vẫn cầm tờ hai chục ngàn ngẩn ngơ nhìn hút theo tôi. Tôi bước vội lên dốc Ba Đèo về nhà trong nỗi xúc động mơ hồ.

***

Tôi năm nay đã vào tuổi ba mười, lấy chồng gần nhà ngoại, đã hai mặt con nhưng với mẹ, tôi vẫn còn là đứa trẻ. Mỗi lần từ nhà chồng về thăm mẹ. Tuy đã không còn là tuổi mộng mơ nhưng tôi vẫn ham khám phá mọi điều, kể cả những bí mật về mẹ mà tôi chưa biết, hoặc chỉ biết mơ hồ. Mẹ tôi có một bí mật. Trước khi mất, ba cho gọi riêng tôi căn dặn “Con hãy cố dành thời gian đi tìm “Người ấy” về cho mẹ và hãy “tử tế” với người ta. Người ấy là người tốt. Từ khi ba tôi mất, đã nhiều lần tôi hỏi mẹ “người ấy là ai”. Mẹ nghiêm mặt bảo đấy là chuyện riêng của mẹ con không cần biết. Ba mẹ  tôi đều là dân từ Thái Bình, Hải Dương về Đất Mỏ lập nghiệp rồi mời gặp nhau nên vợ nên chồng. Bao năm ba mẹ tôi sống hạnh phúc trong căn nhà của khu “tập thể” công nhân chừng 40 mét vuông nằm chênh vênh bên núi Ba Đèo giữa lòng thì xá Hòn Gai. Từ cái thị xã suốt ngày đêm lanh canh tiếng xe goòng, nhom nhem than bụi với khói nhà sàng, nay đã đổi đời lớn vụt lên một thành phố du lịch lộng lẫy sắc mầu, có núi Bài Thơ lịch sử, với Vịnh Hạ Long xanh mát- di sản thiên nhiên thế giới. Trước sự huy hoàng hôm nay, ký ức tuổi thơ tôi lại không sao quên được những ngày vất vả thiếu thốn của mấy chục năm về trước. Ngày ấy cứ vào cuối năm, ba mẹ thường giao cho tôi một nhiệm vụ quan trọng là “trực nước” ( nước máy chảy là tôi phải mở vòi hấng vào chậu rồi đổ vào bể) Năm nào cũng vậy, tết đến ba mẹ tôi luôn lo lắng chuyện cái bể nước phải được đầy mới yên lòng. Ngày thường có hết nước sang hàng xóm xin được, ngày tết hết nước xin đâu. Tết đến người ta lo mua sắm thịt cá, rượu ngon, giò chả, bánh chưng bánh mật, ba mẹ tôi chỉ lo sao đầy bể nước là mừng. Ngày ấy nước máy chả mấy khi bơm được lên cao nên luôn thiếu nước. Thiếu cơm thiếu gạo đã khổ, thiếu nước còn khổ hơn. Cả buổi sáng có khi tôi chỉ hứng được ba bốn chậu nước đổ vào bể chỉ đủ dùng trong ngày. Ba mẹ tôi có đêm phải thức trắng chờ nước chảy. Và cũng chính vì cái sự thiếu nước ấy nên có lần đang đêm ba mẹ tôi cãi nhau làm tôi tỉnh giấc. Tôi không rõ nguyên nhân từ đâu nhưng chỉ nghe mẹ khóc tấm tức tôi hiểu giữa ba mẹ đã xảy ra chuyện gì đó hệ trọng lắm nó liên quan đến việc trực nước của ba mẹ tôi. Ngày ấy tôi còn là trẻ con nên không hiểu hết mọi chuyện. Sau cái lần ba mẹ tôi cãi nhau ấy, ba tôi mua thêm một gian tập thể của chú Đồng giáp vách nhà tôi. Chú Đồng là cán bộ cùng trong công ty ba mẹ tôi. Từ năm ấy nhà tôi có những hai bể nước nên sự lo thiếu nước vào dịp tết không còn trầm trọng nữa. Nhưng chú Đồng bỗng dưng ra đi bất ngờ làm tôi thấy buồn. Tôi hỏi mẹ, chú Đồng làm sao phải bán nhà đi đâu hả mẹ. Mặt mẹ thoáng buồn: chuyện người lớn con hỏi làm gì. Từ nay mẹ cấm con không được nhắc đến chú Đồng. Nhưng chú Đồng lại là người rất tốt với tôi, hay cho tôi bánh kẹo, hay giúp tôi đổ nước vào bể khi tôi mải chơi để nước chảy tràn ra khỏi chậu. Chú sống trơ trọi một mình khi cô vợ dẫn cả con cái bỏ chú vượt biên trốn sang Hồng Kông. Thời gian trôi đi, mọi chuyện cũng qua đi tôi không còn nhớ. Và nhờ thời thế đổi thay, trên cái nền nhà cũ của gia đình tôi và nhà chú Đồng, ba tôi đã dựng lên ngôi nhà ba tầng khang trang nhìn ra trung tâm thành phố. Nhiều lần tôi ngẩn ngơ đứng trên sân thượng nhìn ra Vịnh Hạ Long xanh ngắt, ngắm núi bài thơ sừng sững trước mặt. Hồi xưa tôi đã âm thầm tự hào khi nghe chú Đồng bảo “cháu cứ coi núi Bài Thơ kia là hòn non bộ khổng lồ của riêng hai chú cháu mình” Bây giờ nghĩ lại mới thấy tiếc cho chú Đồng đã bỏ nơi này mà đi và không biết bây giờ chú ở đâu. Rõ cái số chú đen đủi, chẳng biết đi nơi khác có khá hơn không. Giá đất nơi đây giờ đã lên đên năm mươi triệu đồng một mét vuông. Chẳng gì gian nhà chú đồng xưa bây giờ riêng tiền đất đã là hai tỷ.

                                                          ***
Tôi mua được bó hoa hồng của ông lão bán hoa, lòng khấp khởi mang về nhà chia ra làm hai, một nửa mang sang cho mẹ. Từ ngày ba tôi mất, tết năm nào tôi cũng dành việc mua hoa tết giùm mẹ.
-         Năm nay con mua toàn hoa hồng. Mẹ thấy đẹp không? Tôi vừa bước vào cửa đã háo hức khoe.
-         Đã là hoa thì hoa nào cũng đẹp, mỗi loài một vẻ. Mẹ nói, thế hoa năm nay rẻ hay đắt?
-         Rẻ mẹ ạ, nhưng tàn chợ con mới ra, tưởng về không, may còn mỗi ông già gan lỳ ngồi bán tới giờ vẫn chưa chịu về ăn tết.
-   Con lại mua hoa của ông ấy sao? Mẹ tôi sững lại.
-         Mẹ biết ông già bán hoa sao?
-         Ông ấy chính là…Mẹ ngập ngừng.
-         Là ai hả mẹ. Tôi gặng hỏi và nhìn mặt mẹ biến sắc.
-    Con trông ông ta thế nào, ông ta có nhận ra con không?
-         Con chẳng biết nữa, Ông ấy tiều tuỵ lắm, để râu dài như ông lão.
-         Lạy trời, lại đến nước ấy sao!
-         Ông ấy là ai hả mẹ?
-         Con không nhận ra thật sao! Ông ấy chính là chú Đồng vẫn hấng nước cho con ngày xưa đấy. Mấy năm nay tết nào ông ấy chả ngồi dưới chân cột điện gần ngã tư trung tâm bán hoa ế cho những ai lỡ chợ? Vậy là ông ấy không nhận ra con. Giọng mẹ buồn rầu- Ông ấy cũng chính là “Người ấy” đấy.
-         “Người ấy” lại chính là chú Đồng sao? Tôi sửng sốt trách mẹ. Tại sao bao năm nay mẹ không nói cho con biết. Tôi bàng hoàng cả người khi nghe mẹ nói tới “người ấy”. Lâu nay tôi âm thầm những mong sao tìm được “người ấy” theo nguyện vọng của ba tôi trước lúc hấp hối. Nhưng tôi không ngờ người ấy lại là chú Đồng. Tại sao mẹ biết người ấy năm nào cúng ngồi bán hoa dưới chân cột điện mà lại dửng dưng với người ta đến lạ lùng.
-         Chuyện qua rồi nhắc lại mà làm gì. Lỗi lầm là do chú ấy gây ra cho mẹ khiến ba con ghen quá nên mới xử tệ thế.
-         Chú Đồng đã cưỡng bức mẹ sao?
-         Không! Thực ra giữa mẹ với chú Đồng chẳng có chuyện gì quan trọng. Nhưng do ba con xử ép chú ấy nên mới thành chuyện hệ trọng. Chuyện đã qua lâu rồi mẹ muốn quên đi. Bây giờ ba con mất rồi, mẹ nói để con rõ. Ngày ấy có lẽ chú Đồng quá cô đơn khi vợ con chú ấy vượt biên trốn sang Hồng Kông nên mới liều thế. Đêm ấy mẹ đang “trực nước” chú Đồng có lẽ không ngủ được ra sân tán chuyện gẫu với mẹ. Chẳng hiểu sao bất thình lình chú ấy nhảy qua tường rào ôm ghì lấy mẹ hôn tới tấp khiến mẹ bị bất ngờ quá kêu toáng lên. Chú đồng hoảng hốt bỏ chạy. Ba con từ trong nhà chạy ra vặn hỏi chuyện gì. Nếu mẹ giữ được bình tĩnh, chỉ nói tránh đi là con rắn con chuột nào đấy chạy qua mẹ sợ mới la lên thì ba con cũng chẳng biết đấy là đâu. Điều tệ hại chính là mẹ đã dại dột kể thành thật với ba con. Ai ngờ ba con lại ghen đến vậy. Ba đã ngấm ngầm dấu mẹ doạ chú Đồng, sẽ tố cáo chú ấy trước chi bộ nếu chú không tự giác cuốn gói biến khỏi nơi này. Chú Đồng ngày ấy là Đảng viên lại giữ chức phó bí thư chi bộ nên mới lo sợ cái chuyện ấy vỡ lở thì mất mặt. Con không hiểu đâu, uy tín Đảng viên ngay ấy thiêng liêng lắm. Và điều tệ hơn nữa ba con đã bắt chú ký giấy bán nhà cho mình. Không biết ba con có thực sự trả cho chú ấy đồng nào  hay lại cướp không của người ta nữa. Thật là kinh khủng. Tất nhiên trị giá gian nhà ngày xưa chả đáng là bao nhưng ngày nay gian nhà của chú ấy là cả một khoản tiền lớn. Nó chính là phần nửa diện tích ngôi nhà này đây.
-         Con hiểu rồi, chuyện này ba con đã ân hận lắm, trước khi mất ba con đã dặn con phải chủ động tìm chú ấy và cư xử cho tử tế.
-         Ba con nói với con thế sao? Mẹ sững sờ hỏi và lặng lẽ bước lên gác.
 Bây giờ thì tôi đã rõ mọi chuyện. Chuyện đã xảy ra hai mươi năm, vào cái đêm cha mẹ tôi cãi nhau với ba, tôi mời tròn mười tuổi. Và sau cái đêm khủng khiếp đó chú Đồng phải bỏ lại nhà cửa cho ba mẹ tôi để ra đi. Tất cả chỉ vì cái sự thiếu nước nên mới xảy ra chuyện mẹ tôi và chú Đồng. Tất cả chỉ vì một cái hôn, vì khao khát được yêu. Rõ là bi hài đến thế là cùng. Và cũng có thể vì nhan sắc của mẹ nên chú Đồng đã không kìm lòng. Đúng là ngày ấy mẹ tôi đẹp rực rỡ, nhiều đàn ông ngấm ngầm ngẩn ngơ nhìn mẹ. Và có lẽ chính vì mẹ đẹp nên ba mới quá yêu sinh ghen nên xử ác với chú Đồng. Số phận con người thật ác nghiệt quá.
   Nghĩ tới chú Đồng giờ này vẫn đang đứng bán hoa dưới chân cột điện, tôi lao ra khỏi nhà chạy hộc tốc chỉ sợ chú Đồng đã bỏ đi đâu mất. Tôi vừa thở dốc vừa đứng sững nhìn ngắm kỹ gương mặt chú Đồng. Đúng là chú Đồng thật rồi. Lúc mua hoa tôi không nhận ra chú vì chú cố tình để râu dài cho dân tình nơi đây không ai nhận ra chú. Chú chí tầm tuổi mẹ tôi mà trông già quá thể. Có lẽ cuộc sống chú quá lam lũ vì vợ con trốn đi Hồng Kông nghe đâu bị đắm tầu chết mất xác, và sau đó lại  bị ba tôi tìm cách đuổi khéo, chú phải bỏ nơi này mà đi. Ba mẹ tôi rõ đã mắc tội lớn với chú Đồng. Có lẽ chú căm thù vì đã cướp không cả cơ nghiệp của chú nên cuộc sống của chú mới khốn khổ thế này. Trước lúc ra đây tôi đã không sáng suốt hỏi ý kiến mẹ bảo chú Đồng về nhà mình ăn tết. Tôi còn đang băn khoăn trước chú Đồng thì bất ngờ chú nhìn tôi mỉm cười.
     -   Ta biết ngay thế nào con cũng quay lại, con có phải con gái me Thoa.
-         Vậy là chú nhận ra con từ lúc con mua hoa của chú.
-         Khi con dúi tiền vào tay ta, ta mới thoáng nghi ngờ bởi con bây giờ giống y mẹ con xưa. Ta chưa kịp hỏi thì con đã vội bỏ đi. Tôi xúc động nắm đôi bàn tay khô gầy của chú nức nở.
-         Con cám ơn chú đã xử tốt với con, cả nhà con có tội với chú. Thôi mọi chuyện sẽ nói sau, giờ chú về ăn tết với mẹ con con.
-         Mẹ con bảo con thế sao? Chú Đồng ngạc nhiên hỏi.
-         Vâng! Tôi nói dối để chú yên lòng- chú cứ về ăn tết với mẹ con con.
-         Ta làm sao bỏ đây mà đi được. chú Đồng nói, con nhìn kia, ta đứng đây nhưng việc chính ta phải trông coi cái lán bên kia đường của cái nhà cao tầng đang xây dở đấy. Thợ thuyền về ăn tết cả. Chủ nhà họ trả  ta tháng hai triệu. Ta đứng bán hoa chỉ cho đỡ buồn thôi. Con cứ về ăn tết cho vui vẻ. Chuyện xưa ấy mà. Ta mới là người gây ra mọi chuyện làm khổ ba mẹ con. Con về nói với mẹ cho ta xin lỗi. Ta lúc nào cũng muốn làm hàng xom tốt với gia đình con. Chỉ tại ta quá yêu mẹ con nên mới có chuyện, nếu ta cố tình không đi mẹ con sẽ khổ suốt đời với ba con.
-         Chú quả là người tốt, ba con trước lúc hấp hối đã dặn con phải đi tìm chú, mong chú tha thứ.
-         Thật thế ư? Tốt rồi, nghe con nói làm ta xúc động. Thôi con về đi. Chúc con sang năm mới mạnh khoẻ. Cho ta gửi lời thăm mẹ con.
Tôi cố tình nán lại hỏi thăm chú Đồng đủ mọi chuyện. Trời đã sập tối. Đêm ba mươi, ngày cùng tháng tận của năm cũ sắp qua. Phố phường nhà nhà treo cờ cắm hoa sáng rực. Trung tâm Bưu điện kéo dây kết đèn mầu  lung linh giữa ngã tư đường phố. Tôi vội chào chú Đồng ra về lòng vẫn lâng lâng.  Loanh quanh lo chu tất cho việc lễ tết, tôi giật mình khi tiếng thằng con tôi hét lên bảo tôi ra xem bắn pháo hoa, và sang bà ngoại. Từ ngày ba mất, năm nào tôi cũng về với mẹ đón giao thừa.Thắp hương xong, vợ chồng con cái tôi kéo nhau sang ngoại. Chẳng hiểu sao lúc này tôi có cảm giác rất lạ khi nhìn ngôi nhà ba tầng quen thuộc ba mẹ tôi xây khá khang trang trên nền của hai căn hộ tập thể xưa của gia đình tôi và chú Đồng. Cuộc nói chuyện giữa tôi và chú Đồng vẫn còn ám ảnh tôi. Mẹ đã ngồi trước cửa chờ chúng tôi từ lúc nào. Mấy năm nay mẹ tôi thân một mình sống đơn độc trong căn nhà rộng mênh mông cao ngất. Chỉ rằm mồng một hoặc giỗ chạp mẹ mới leo lên tầng ba thắp hương. Mẹ tôi đóng cửa lại cùng chúng tôi leo lên tấng để xem bắn pháo hoa và ăn cỗ đón giao thừa. Từ trên tầng cao cả nhà tôi ra ban công. Khoảng trời thành phố sáng rực từng đợt pháo hoa tung lên nở bung thành trăm ngàn đốm sáng lân tinh. Ngọn núi Bài thơ nhập nhoà ẩn hiện. Tôi nhìn về Trung tâm bưu điện, căn lán lụp sụp bên đường cạnh ngôi nhà xây dở có chú Đồng đang ở đó. Tôi nói với mẹ chuyện đi gặp chú Đồng. Mẹ dõi nhìn ra ngoài trời đêm, trong ánh chớp sáng của pháo hoa tôi nhìn thấy mắt mẹ ngân ngấn nước.

Không có nhận xét nào: