12 thg 12, 2010

Tạ Kim Hùng suốt đời đi tìm công lý

Dương Hướng

Nhà văn Tạ Kim Hùng quê Thái Bình, ra công tác tại Quảng Ninh từ những năm.1959. Ông viết văn xuôi và ứng khẩu thơ "châm" rất nhanh. Trước bàn trà, hay ngồi trên xe ông thường bất ngờ đọc lau làu những vần thơ vui làm mọi người cười sảng khoái: Ở đời sướng nhất phó thường dân / Quyền chức không mơ gái chẳng cần / cửa cao nhà rộng không màng tới / xuất ngoại buôn ba chẳng đến lần / Gặp bạn khề khà chung rượu nhạt / cuộc đời sướng nhất phó thường dân...
Tôi là người gần gũi ông từ mấy chục năm nay, tôi hiểu tính ông. Ông yêu- ghét rất rõ ràng không quỵ lụy, nịnh bợ bất kỳ ai. Nhất là với quan chức ông càng tỏ rõ tính cương trực, thẳng thắn nên không ít người ghét ông nhưng vẫn nể ông. Ông đã yêu ai thì yêu hết mình. Ông đã khinh ghét ai thì người đó coi chừng ông "thưởng" cho mấy vần thơ châm thì chỉ còn biết chui xuống đất. Người đời bảo ông cực đoan.Ông hay "châm" người, người cũng lại "châm" ông với những vần thơ vui vui:
Quảng Ninh có Tạ Kim Hùng
Chuyên chống tiêu cực khắp vùng Hạ Long
Chưa chống thì nước còn trong
Chống rồi nước đục đau lòng cò con.
Mỗi lần nghe ai đó châm chọc ông chả giận, ông chỉ cươì và lập tức ứng khẩu ‘châm" lại liền. Ông có nhiều những bài thơ châm biếm rất dễ thuộc, xin được giới thiệu bài ‘Quay vòng"
Ban y tế thị Hồng Gai
Vừa phát kiến một mẹo hay lạ lùng
Tiền bồi dưỡng đặt vòng tránh đẻ
Liền bị đưa vào "kế hoạch ba"
Chị em thông cảm để ra
Dùng làm vốn, mấy vị ta quay vòng
Tiền lãi lờ mấy ông lẻm tuốt
Chung quy là chỉ buốt chị em....
Những người ưu ái ông thì lại ca ngợi ông cũng bằng những vần thơ "châm" đáng yêu: Ông Hùng có một tạ kim / "Chọc" quân tham nhũng "châm" phường gian manh /Ông thề chỉ trọng cái danh / Tiền ông không hám chức ông chẳng thèm / Quan trên quan dưới lèm nhèm / Ông phang tuốt tuột chẳng tha quan nào /Cho dù đất thấp trời cao / Tạ Kim Hùng vẫn "chọc vào" "châm ra"
Tạ Kim Hùng năm nay đã qua tuổi thất thập xưa nay hiếm nhưng nhiệt huyết với đời với nghề văn bút vẫn nóng rẫy từng ngày. Ông lặn lội ngược xuôi lên rừng xuống biển vào tận xứ Thanh viết phóng sự điều tra. Có lần ông về Hà nội bị cơn đau tim nằm cong queo bên hồ Hoàn Kiếm. Có người trách ông sao lại tự mình làm khổ cái thân. Ai bắt mà phải tội thế? Chẳng ai bắt cả. Ông thích thế. Có thế mới là Tạ Kim Hùng. Ông là nhà văn mà không cầu kỳ về câu chữ mầu mè văn hoa. Ông viết toàn những chuyện thật trăm phần trăm. Người ta trân trọng yêu quý ông ở sự trải nghiệm và tấm lòng trung thực. Sự trung thực đôi khi thái quá khiến có người bảo ông là kẻ gàn. Có lần ông mang tới cho tôi bài viết "phê phán" về một đơn vị kinh tế. Tôi đang ngần ngại đọc thì ông nổi xung bảo, một giám đốc lâm trường cho triệt phá trái phép hàng trăm ha rừng để trục lợi, Hành động này còn tàn bạo hơn cả bọn lâm tặc thì đem chém đầu cũng không oan. Lần khác ông đưa một phóng sự, đọc xong tôi bảo: Tay chi cục trưởng này vừa đượcchính phủ tặng bằng khen, tỉnh biểu dương là chiến sỹ thi đua của mười năm đổi mới, ông không biết sao?. Ông lại nổi xung bảo: Cứ có cái danh chiến sỹ thi đua thì không được phê phán để rồi nó muốn làm gì thì làm sao. Bất ngờ ông hạ giọng: Cái kỳ lạ của đất nước này là vậy, có quá nhiều cái danh, cái sỹ rởm, nào là chiến sỹ thi đua, nào là tiến sỹ, thạc sỹ...toàn những sỹ là sỹ mà không ít sỹ hão thành ra loạn sỹ. Tin sao được những loại quan tham thời nay rõ khéo chống chế...Ông nói và bằng giọng châm biếm sâu sắc, ông đọc làu làu bài thơ về chuyện ‘Kê khai tài sản" của cán bộ nghe ngồ ngộ: Cha cha đứa bảo ông giàu / Ô tô ông mượn, nhà lầu ông thuê / Bạt ngàn trang trại sum xuê / Của con dâu nó mang về hồi môn / Chúng bay độc miệng độc mồm / Rủa nhà ông có mấy hòm đô la / Rõ là nhìn cuốc hóa gà / Đô la âm phủ thế mà cũng tin / Mấy thửa đất cạnh công viên / Con trai ông nó đứng tên rõ ràng / Chút ngoại tệ gửi ngân hàng / Tít bên Mỹ cũng có thằng ‘xía" vô / Đấy đâu phải của tham ô / Mà là của cố nội cho dưỡng già / Rõ ràng trong ngọc trắng ngà / Kiểm kê tài sản ông là cố nông / Loại quan nghèo khổ như ông / Thời nay xe chở đấu đong thiếu gì.
Ông có lối tư duy trào lộng sâu sắc đến thế, ai dám bảo ông gàn. Ông có những nguyên tắc bất di bất dịch cho cách sống và viết của mình: không vụ lợi. không cầu danh. Những sáng tác của ông thiên về bút ký phóng sự. Những bài phóng sự nổi tiếng với những cái tít rất ngộ như "Vật giá hay giá vật" " Thủ tục...hành là chính". Đặc biệt bài "Thủ tục...Hành là chính" gây chấn động cả bộ Công an, bộ Lao động thương binh xã hội, bộ Tư pháp. Ông đến với độc giả cả nước bằng sự trải nghiệm tìm tòi xông xáo viết về những thân phận người khổ đau khốn cùng ngoài đời. Ông làm cho độc giả biết đến ông bẵng những câu chuyện rất độc đáo với những chi tiết lạ lùng ám ảnh mãi người đọc. Ông mê mải tìm tòi những câu chuyện liên quan đến nhiều lĩnh vực gai góc nguy hiểm như mại dâm, nghiện hút, buôn bán ma túy. Những vụ trọng án cướp của giết người. Ông trường kỳ mai phục theo đuổi đến cùng những vụ án kinh tế, án hình sự phức tạp. Ông không ngại xông vào trại cai nghiện, trại cải tạo trực tiếp gặp gỡ con nghiện, gặp gỡ phạm nhân. Cánh văn sỹ Quảng Ninh nói vui bảo, Tạ Kim Hùng có những "hai nhà" Văn- Báo và có cả Tạ Kim thì còn sợ ma quỷ nào. Bọn gian tà nhìn thấy ông là ngại. Quả thực cái uy của của ông được khối việc. Ông tới chốn công đường được các sếp nể, bạn bè anh em quý trọng. Không ít cán bộ ban ngành trong tỉnh gần gũi thân tình tin cậy lắng nghe ý kiến của ông. Nhiều lần ông chia sẻ với tôi về quan điểm của mình: Ông bảo "Đã là nhà văn mình phải có trách nhiệm "cố vấn" cho lãnh đạo chính quyền họ hiểu cánh văn nghệ chúng mình, để tạo ra mối qun hệ gần gũi, hiểu biết lẫn nhau. Cứ như cái anh Cà Mau thì buồn lắm. Ai đời cả tỉnh Cà Mâu bao năm mới nổi lên được một văn sỹ gọi là có tiếng tăm mà chả biết nuôi dưỡng, lại định trục xuất người ta ra khỏi "lãnh thổ" tỉnh nhà thì quả là một chuyên khôi hài. Cả nước bôi bác, thật xấu hổ. Vài năm gần đay ta có số ít nhà văn cho ra đời vài ba tác phẩm có nội dung đổi mới tương đối mạnh mẽ nhưng chưa quen với nếp đọc của một số độc giả nên có ý kiến trái ngược nhau. Mỗi lần gặp gỡ, được các đồng chí lãnh đạo tỉnh gợi hỏi về quan điểm của mình, nhà văn Tạ Kim Hùng rất thẳng thắn khẳng định rằng: Việc cho ra đời những tác phẩm có nội dung đổi mới như thế, nước láng giềng Trung Quốc đã làm từ lâu rồi. Các nhà văn phản ánh những sai phạm, những hạn chế của quá khứ cũng là những bài học để các thế hệ đi sau khỏi dẵm lên bước chân sai phạm của người đi trước, tránh cho đất nước lặp lại những thảm họa to lớn như cách mạng văn hóa hay cuộc đại nhảy vọt...là quan điểm quang minh của đảng cộng sản Trung Quốc. Chính nhờ quan điểm sáng suốt ấy mà vài chục năm qua, Trung Quốc xuất hiện tới trăm nhà văn lớn với hàng trăm tác phẩm văn học mang tầm cỡ thế giới. Có người nói: Các nhà văn Trung Quốc rất có tài, nhưng ban văn hóa tư tưởng Trung Quốc còn tài hơn vì chinh họ đã giải phóng tư tưởng để tạo ra các nhà văn. Các nhà văn mới lại cho ra đời những tác phẩm tầm cỡ thời đại.
Chính những lời chí tình chí lý của nhà văn Tạ Kim Hùng đã giúp không ít các lãnh đạo và bạn bè của ông hiểu ra nhiều điều. Ông thường đến dự các phiên tòa xử phạm nhân xem cán cân công lý ra sao. Một lần đồn biên phòng số 7 Móng Cái bắt quả tang hai cửu vạn tuổi đời mới mười chìn đôi mươi vác thuê hai thùng hàng từ bờ sông vào chợ Móng Cái với giá 500 ngàn đồng.một thùng. Hai thùng hàng đóng kín, nên hai cửu vạn không biết bên trong có 10.000 ống thuốc gây nghiện. Chủ các thùng hàng đến đồn biên phòng xin hàng bị bắt giam rồi trốn thoát. Hai cửu vạn buộc bị lập hồ sơ phạm pháp quả tang vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới với số lượng lớn.( tương đương mức án tử hình) Khi trao đổi với chánh án tòa án nhân dân tỉnh xong, Tạ Kim Hùng đã phóng xe về tận quê hương hai phạm nhân, đến đồn biên phòng số 7 Móng Cái để điều tra. Từ Móng Cái về, ông xin phép công an tỉnh vào trại giam lán 14 gặp hai phạm nhân. Một tuần sau ông có phóng sự với cái tít: "vì 500 ngàn đồng mang án tử hình" đăng báo Tiền Phong và baì "pháp luật phải nghiêm minh" đăng báo Quảng Ninh. Khi bài báo của ông được đăng, tòa án nhân dân tối cao đã quyết định cho thay đổi tội danh từ vận chuyển trái phép chất ma túyqua biên giới với số lượng lượng lớn sang tội danh: vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.Tòa án tỉnh Quảng Ninh đã xử hai cửu vạn mức án 3 năm và 4 năm tù giam với tội danh trên.Còn thủ phạm chính của vụ án đến nay vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật. Bởi thế nên Tạ Kim Hùng mới có thơ rằng: Hùm beo thì cứ nhởn nhơ / Cái tôm cái tép đi tù cả xâu / Hỏi rằng công lý ở đâu / Hỏi ngựa ngựa hý hỏi trâu trâu cười...
Ở đất Quảng Ninh này, nhà văn, nhà báo Tạ Kim Hùng được mệnh danh là người của công lý. Ông luôn bênh vực người dân nghèo lương thiện, ông đau đớn cùng nỗi đau oan khuất của nhân dân. Ông luôn biểu lộ sự căm ghét kẻ nhân danh pháp luật hành dân. Những bài phóng sự sắc sảo của ông vạch mặt chỉ tên những vị quan tham, những kẻ lừa đảo xảo trá, những chuyện vô lý, những thói quan liêu, tư tưởng bảo thủ, lạc hậu của bộ máy công quyền. Ông đích thực là nhà văn, nhà báo chân chính. Và ông cũng đích thực là một nông dân chính hiệu cần mẫn am tường bách nghệ với đôi bàn tay vàng chăn nuôi lợn, gà, ngan, vịt và cả hái dâu chăn tằm, xây cả hồ trên núi thả cá. Vậy mà từ ngày tôi biết ông đã mấy chục năm, ông vẫn sống một cuộc sống giản dị đạm bạc và dẻo dai. Ông dẻo dai sống , dẻo dai chống tiêu cực, dẻo dai viết trong ngôi nhà tường vôi mái ngói cao chót vót trên đỉnh đồi "Cơ Khí" mà ông thường tự trào: Nhà tôi ở đỉnh đồi cao/ đường đi noắt ngốe biết đâu mà tìm/ nhà tôi như cái chuồng chim/ giữa trưa đốt đuốc đi tìm không ra. Ngôi nhà trên cao đêm đêm từ cửa nhà ông nhìn thấy cả ánh đèn tầu lung linh trên vịnh Hạ Long lẫn với cả sao trời. Có lẽ ông trời thấu hiểu và định đoạt mọi chuyện đã se duyên cho ông có được người bạn đời cũng tuyệt vời. Tôi từng được nghe trong giới văn nghệ vùng mỏ lớp tuổi ông như Trần Chiểu, Triệu Nguyễn Sỹ Hồng... kể về mối tình của chàng trai bộ đội Tạ Kim Hùng với nàng văn công xinh đẹp Thúy An. Cặp uyên ương này đã trải qua bao thăng trầm của cuộc sống dắt díu nhau về dựng lên ngôi nhà trên đồi Cơ Khí cao chót vót lưng chừng trời này. Hình ảnh Tạ Kim Hùng thời bao cấp cứ khắc mãi trong tâm trí tôi không bao giờ quên. Chiều chiều vào giờ tan chợ, tôi thường nhìn thấy cái dáng ông lòng khòng mải mê đạp cái xe đạp cà tàng không phanh không chuông không gác đờ bu, phía sau, bữa thì ông chất đầy dây khoai lang, rọc mùng, bữa lại lủng lẳng bị xơ mít hay những bao cám bao rau muống héo úa về nuôi lợn. Đức tính đảm đang của bác Tạ khiến bà vợ tôi lấy làm kính nể hay nhắc khéo tôi rằng thì là hãy nhìn bác Tạ Kim Hùng đấy mà làm gương. Hết thời bao cấp, kinh tế khá hơn, Tạ Kim Hùng thay thế cái xe đap cà tàng bằng chiếc xe máy Nhật nhãn hiệu DREM lùn. Có xe máy nhưng ngày ngày ông vẫn kiên nhẫn cưỡi xe đi về trên con dốc ngoằn ngèo khúc khuỷu leo lên lao xuống làm cái nghề văn báo kiêm nghề chăn nuôi gia súc tổng hợp. Tết năm nào vợ chồng tôi cũng lên thăm nhà Tạ Kim Hùng. Vợ chồng ông niềm nở ân tình rót món rượu tằm truyền thống vàng rộm sánh như mật ong mời khách quý gần xa. Ông quảng bá món rươu tắm uống vào tươi da thắm thịt sức khỏe dẻo dai. Ông bảo trong muôn loài, chỉ có con tắm là loài duy nhất dám quyết tử cho sự duy trì nòi giống, chúng chỉ một lần giao phối rồi con đực phải chết để cho con cái sinh sản. Sự lạ lùng đến kỳ quặc ở Tạ Kim Hùng là ông dám nuôi tằm ở giữa trung tâm đô thị lấy đâu ra đủ lá dâu cho tằm ăn hàng ngày. Vừa rồi nâng cấp nhà xong ông lại xây "hồ" trên núi để nuôi cá. Chuyện nuôi tằm của Tạ Kim Hùng cũng đã đi vào huyền thoại của giới văn sỹ Quảng Ninh.Vào những ngày đông tháng giá cây cối trụi lủi, thương con tằm trên nong, ông vác bị đi khắp nơi lần mò tìm kiếm lá dâu, có những lần ông đang ngồi chồm hỗm hái dâu, chủ nhà tưởng trộm vác gậy đuổi, ông vội vàng xưng danh là Tạ Kim Hùng đây. Chủ nhà và ‘tên trộm" ôm nhau cười ngất.Tết rồi lên nhà ông, tôi ngạc nhiên khi ông dẫn đi xem cái "hồ" nuôi cá. Nói là hồ cho oai, thực chất nó chỉ là cái bể, được ông xây kiên cố cho các loại cá khác nhau. Nhìn vào trong bể, chẳng thấy con cá nào, toàn những chai lọ, bình tích, hũ sành ngâm trong nước với vài ba cánh bèo tây nổi lều bều. Mỗi chiếc lọ đều có sợi dây cột vào thành bể. Khi ông cầm sợi dây lần lượt nhấc từng cái lọ lên khỏi mặt nước. Tôi ngỡ ngàng thấy những chú cá trê, lúc nhúc trong lọ, bóng nhẫy đến là ngộ. Ông bảo, hôm nay trời lạnh chúng chui rúc hết vào "ổ".
Trước hôm hội thảo về nâng cao tính chuyên nghiệp trong văn học tại Ninh Bình ông đã phải làm một thám tử tư đi mãi Thanh Hóa điều tra cho bài báo của ông với cái tên "thần dược" giúp cai nghiện ma túy?. Khi ông về tới Hà Nội thì bị ngất xỉu bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Cứ Ngỡ Tạ Kim Hùng chuyến này không thể đi dự hội thảo Ninh Bình được. Ai ngờ sau bài tham luận của một nhà phê bình có một ý "Nhà văn mà cứ viết theo lối kể chuyện và nhăm nhăm lên giọng chửi bới thì sẽ không bao giờ có tác phẩm lớn" Đầu giờ chiều, Tạ Kim hùng bất ngờ lên tham luận "vo" với lập luận rất chặt chẽ, dẫn dụ ý tứ rất cụ thể rằng tác phẩm "ngàn một đêm lẻ" tác giả hoàn toàn viết theo lối kể chuyện mà cả thế giới đều thuộc, nó hay đến nhà vua còn mê mẩn. Theo ông, văn học không có thể loại "chưởi bới" đừng vơ đũa cả nắm mà quy cho thể loại văn học hiện thực phê phán là thứ văn"chửi bới"vì lên án thói hư tật xấu, lên án cái ác để hướng thiện cũng là chức năng quan trọng của văn học đấy chứ. Sức mạnh văn chương phê phán làm thay đổi bộ mặt cả thế giới. Tôi cho rằng Tạ Kim Hùng nói đúng. Văn kể chuyện, văn ca ngợi hay phê phán, chỉ là hình thức thể hiện.Quan trọng là tầm tư tưởng của nó đến đâu. Khi tôi đang ngồi mải mê viết những dòng này thì nghe vợ gọi có bác Tạ Kim Hùng đến nhà chơi. Tôi rời bàn viết ra tiếp ông. Tôi hỏi ngôi nhà của ông định nâng cấp xong chưa. Ông bảo cái số ông quả là vất vả, vừa đào xong móng, toan xây lại mấy bức tường thì giá vật liệu lên vù vù. Xuất phát từ thực tế chuyện nâng cấp nhà mà ông có đươc bài in trong mục "tiếng nói nhà văn" báo văn nghệ có tít rõ khéo"Vật giá hay giá vật" Có lẽ cũng tại cái giá nó "vật" ông trong cái vụ nâng cấp ngôi nhà trên đồi cao nên cái bệnh tim của ông ngày càng nặng. Mấy năm nay bất kể đi đâu xa gần ông luôn phải trữ thuốc trong người. Tôi rót nước mời nhà văn, ông đưa cho tôi tập báo Tiền Phong cuối tuần vừa phát hành có in bài của ông với cái tên "Thần dược" giúp cai nghiện ma túy?. Tôi lướt qua đã thấy rõ tính "chiến đấu" quyết liệt ở ông với những dòng tít nhỏ "Thần dược" hay "chiêu lừa" và trách nhiệm của cơ quan cai nghiên" và lại một cái tít nhỏ giữa bài "hành trình hơn ngàn cây số đi tìm những người cai nghiện" Nhìn tôi lướt qua trang báo, ông bảo, muốn làm việc thiện đâu có dễ.. Tớ viết thành công được bài này đã phải bỏ ra mấy tháng trời lặn lội khắp nơi, lần mò gặp những người nghiện hút, tới các cơ quan, ban ngành, kiến nghị, cầu khẩn vã bọt mép mới có đựơc những tư liệu, những chứng cứ quan trọng này để viết bài, với hy vọng những người cai nghiện ma túy có được nơi cai nghiện tại cộng đồng có hiệu quả để họ tự cứu mình, chứ không bị cơ quan nhà nước ra lệnh cấm những người nghiện đến cai như hiện nay (chuyện lạ ở Quảng Ninh) mà đã được đâu. Làm văn làm báo phải kiên trì dám xông pha vào hang cọp mới bắt được cọp, mới thấu cái tình, đạt cái lý, có thế viết mới thuyết phục được mọi người...
Nhà văn Tạ Kim Hùng là người như thế, ông đã quên mình, suốt cả cuộc đời đi tìm công lý. Đời văn của ông đã cho chúng ta những đầu sách với những cái tên cũng rất chi ấn tượng "Thảm rượu mất"- "Kẻ phản bội ân nhân"- "Người đánh trổng ước"- "Chuyện đời của phin"- "Phiên tòa xử lại". Và giờ đây cánh văn sỹ mỗi lần nhắc đến ông lại bắt đầu bằng câu vui vui; Bác Hùng có một tạ Kim...
11/21,2008 Posted to Dương Hướng viết về nhà văn

Không có nhận xét nào: