4 thg 12, 2010

Bi kịch lạc quan

BI KỊCH LẠC QUAN
 TRONG "DƯỚI CHÍN TẦNG TRỜI"

Bùi Việt Thắng

  Tôi cứ hình dung khi viết tiểu thuyết Bến không chồng (xuất bản 1990, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1991) Dương hướng giống như một ông chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp cấp cao thời bao cấp -  ngày đêm lặn lộn với cơ sở và lúc nào cũng trăn trở với vấn đề "tam nông" (nông thôn - nông nghiệp - nông dân). Từ đấy đến nay đã ngót hai mươi năm, vẫn viết, nhưng dường như "ông chủ nhiệm" này cứ luôn ấp ủ một cuộc bứt phá ngoạn mục hơn, nghĩa là viết một tác phẩm quan trọng, hay nhất của đời cầm bút. Tôi thấy Dương Hướng có cái tâm thế sảng khoái và cái tư thế tự tin khi Dưới chín tầng trời ra mắt bạn đọc (cuốn sách còn rất nóng hổi, vì in và nộp lưu chiểu quý IV năm 20007). Dương hướng bây giờ không còn "bùi xùi" như độ viết Bến không chồng mà đã trở nên đĩnh đạc, sang trọng như một vị Tổng Giám đốc một tổng công ty ăn nên làm ra và có thương hiệu. Có thể đoán rằng cái cấu tứ của Bến không chồngTrần gian người đời (Hai cuốn tiểu thuyết in liền trong hai năm 1990 và 1991) là cái "xương sống", cái "cốt tuỷ" để Dương Hướng tiếp tục triển khai, mở rộng, đào sâu và nâng tầm lên với một bút lực mới trong Dưới chín tầng trời. Ai đó nói chí lý rằng: "Không phải là nhà chép sử, mà chính nhà văn là người chép lại lịch sử cuộc đời".
     Dưới chín tầng trời là một cuốn tiểu thuyết "ròng ròng sự sống" và xây cất được những tư tưởng thời đại thể hiện sinh động trong những số phận bi kịch - nhưng là những bi kịch lạc quan - Từ Trần Tăng, Đào Kinh, Măng, Hoàng Kỳ Trung, Yến Quyên, Tuyết đến Hoàng Kỳ Nam, Thương Huyền, Thu Cúc, Đào Vương...Sở dĩ tôi nói đến những bi kịch lạc quan trong Dưới chín tầng trời là vì đồng thuận với ý kiến của Hoàng Ngọc Hiến trong bài viết in cuối tiểu thuyết của Dương Hướng: "Đây là cách nhìn truyền thống của Phương Đông: Thấy Dương trong Âm, cái Sống trong cái Chết, cái Dũng trong cái Hèn, Phúc trong Hoa, Thiện trong Ác, Tích cực trong Tiêu cực. Dưới chín tầng trời là một tiểu thuyết toàn bích về những góc khuất của lịch sử - những góc khuất này thể hiện qua nhiều nhân vật có tính cách, số phận và hơn thế tạo ra được những ám ảnh nghệ thuật. Vì thế có thể nói rằng Dưới chín tầng trời không có nhân vật chính mà lịch sử mới là nhân vật chính và nó được hoá thân vào những cá nhân cụ thể, những thân phận hay kiếp người từ Trần Tăng ở "ngôi cao" đến Hall - một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở chiến trường Việt Nam đã xuất hiện ngay chương 1 của tiểu thuyết. Lịch sử từ trước đến nay vẫn được xem như là một cái gì sáng rõ, lojic và trung thực. Nhưng nếu nhìn lịch sử qua thân phận cá nhân thì sẽ thấy nó cũng có khía cạnh: "mù mờ", phi lý và không chính xác. Chẳng hạn nếu nhìn lịch sử hiện đại qua nhân vật Trần Tăng ta sẽ thấy rõ và sâu hơn tính phi lý, tính ngẫu nhiên và thậm chín cả cái "hư vô" của nó. Ở chương kết (chương 33) nhân vật đi suốt tác phẩm và chi phối hoạt động của nhiều nhân vật khác - Trần Tăng - chết đột quỵ. Trước lúc chết ông ta đã "lần đầu tiên trong đời Trần Tăng mới thực sự cảm thấy tin vào điều gì đó trong cõi hư vô". Con người này đã "ngộ" ra chân lý ở giờ phút cận kề cái chết - như vậy đó là một bi kịch lạc quan.

    Mỗi nhân vật của Dưới chín tầng trời là một thân phận trĩu nặng một vấn đề của nhân tình thê thái. Hoàng Kỳ Nam, nếu có thể nói là nhân vật được tác giả thổi vào cái nhiệt hứng của mình khi viết Dưới chín tầng trời  cũng bởi anh ta là một nhà báo, nhà văn. Những kinh nghiệm sống và kinh nghiệm ngề nghiệp của nhà tiểu thuyết được gửi gắm vào nhân vật này. Hoàng Kỳ Nam là một nhân cách - một cá tính tự do đã đi tới những quyết định vừa táo bạo vừa đau đớn: bỏ vợ (Tuyết) và bỏ nghề (nghề báo) để sống bên Thương Huyền: "Nam âm thầm sống bên Thương Huyền trong tâm trạng mơ hồ nửa hưa nửa thực. Trong tâm trí Hoàng Kỳ Nam nảy nở bao nhiêu chiêm nghiệm lớn lao về một cuốn tiểu thuyết mà Nam nung nấu. Nam muốn nói tiếng nói của mình, muốn có quan điểm riêng của mình". Xét ở một phương diện nào đó thì cuộc đời của Hoàng Kỳ Nam cũng là một bi kịch lạc quan của một con người một đời phấn đấu và dám sống vì mình.

    Những bi kịch lạc quan người đọc có thể nhìn thấy rõ qua số phận các nhân vật khác trong tiểu thuyết như Hoàng Kỳ Trung, Yến Quyên, Tuyết, Đào, Vương, Măng....Đúng là mỗi người một vẻ mà mười phân chưa vẹn được mười.
    Bi kịch lạc quan trong tiểu thuyết của Dương Hướng rõ ràng là có tác dụng “tẩy rửa tâm hồn” con người.
     Dưới chín tầng trời  của Dương Hướng là một cuốn tiểu thuyết đậm chất  sử thi và tâm lý. Lâu nay là một số người cho rằng thười đại của sử thi trong văn chường đã “hết thời”, nhường chỗ cho văn chương đời thường. Những thực tế thì sử thi vẫn còn đất sống và đôi khi còn có sức tung hoành, công phá. Nói tiểu thuyết mới của Dương Hướng đậm chất sử thi và tâm lý hoàn toàn có cơ sở. Tác phảm được mở ra với một thời gian dài (ngót nửa thế kỷ) và một không gian rộng (khắp mọi miền đất nước, chưa kể nhân vật Hall như là một địa diện của một không gian sống khác ngoài lãnh thổ) và tâng tầng lớp lớp nhân vật (từ Hoàn Kỳ Bắc, Hoàng Kỳ Trung đến Hoàng Kỳ Nam...). Một hình ảnh đời sống trọn vẹn, đa chiều và phức tạp từ “thượng đỉnh” tới “hạ giới”...Như vậy, có thể tiểu thuyết của Dương Hướng có tính sử thi. Cái khéo của người viết tiểu thuyết là đan cài  lịch sử - sự kiện và lịch sử tâm hồn, điều đó tạo nên một cấu trúc đặc biệt phức tạp, đòi hỏi nhà văn phải có tay nghề cao để xử lý chất liệu, điều khiển nhân vật và tổ chức  các lớp lang của tác phẩm. Hãy lấy một nhân vật của tác phẩm – Trần Tăng – làm ví dụ. Nhân vật này đại diện cho kiểu người quyền lực (và tha hoá về quyền lực). Bước đường công danh (hay là quan lộ )của ông ta gắn với những biến cố lịch sử ghê gớm của đất nước: Cái cách ruộng đất – chiến tranh – hoà bình và đổi mới xã hội. Chưa hết ông ta còn dính dáng đến Đào Kinh và Măng .. Trần Tăng là một góc khuất lớn nhất của nhân vật lịch sử (nếu như ta coi lịch sử là một nhân vật chính của tác phẩm). Có thể coi Trần Tăng cũng là một đại  biểu của “thời xa vắng” như nhân vật Giàng Minh Sài của Lê Lựu trong tuyể thuyết Thời xa vắng . Những nhân vật này cúng nổi hình nổi khối về tâm lý, nói cách khác là nhà tiểu thuyết đã chỉ ra được cái “biện chứng tâm lý” trong tính cách và số phận của nó. Con người quyền uy ngang trời ấy đến lúc cũng cạn kiệt sức sống và không thoát khỏi quy luật :sinh –lệnh – lão – tử” của thế gian này. Nó là định mệnh, nó là quả báo cuối vùng nó là hư vô “Anh Câm chỉ cho Trần Tăng tìm tới ngôi mộ của Hoàng Kỳ Bắc rồi cúi xuống đẩy xe khoai lang lên mặt đường. Trần Tăng ngồi thụp bên ngôi mộ Hoàng Kỳ Bác. Tay ông run run với nắm cỏ khô đốt cho ngọn lửa cháy bùng lên để châm hương. Mắt ông hoa lên nhìn khói bay lên không trung. Bất chợt một luồng gió lộng lên tạt cả khói và tàn hương vào mắt vào miệng làm ông ho sặc sụa (...). Trần Tăng kinh hoàng nhìn lên bầu trời(...) . Trần Tăng run rẩy nghĩ rằng ông trời đang trừng phạt mình”. Đó cũng là lúc “Lần đầu tiên trong đời Trần Tăng mới thực sự cảm thấy tin vào điều gì đó trong cõi hư vô” (trang 499 và 500). Trần Tăng quả thực là một “ca tâm lý” phức tạp, ở con người này vừa có ác quỷ vừa có  thánh thần, vừa có phần đời sống bẻ gãy tan tành. Quá trình tâm lí của nhân vật Trần Tăng (cũng như các nhân vật khác), đã làm cho chất sử thi của tiểu thuyết  Dưới chín tầng trời thêm vững vằng, bề thế.
    Đọc dưới chín tầng trời tôi thấy vui mừng về cách viết của Dương Hướng: chuyển từ bản năng, chân phương (trong Bến không chồng) Tới sự hoà quyện giữa bản năng và trí tuệ trong tiểu thuyết mới này. Đó là một quá trình rèn luyện, phấn đấu không ngừng để tích luỹ vốn sống, vốn nghề nghiệp. Ở vào độ tuổi “lục tuần” Dương Hướng quả thật đẫ bình tĩnh, tự tin khi trình bày những tư tưởng lớn về đời sống bằng văn chương. Tôi đoán sẽ có một số ít người “xì xầm” về Dưới chín tầng trời ở điểm này hoặc điểm kia (vấn đề quyền lực và bi kịch, vấn đề định mệnh – quản báo, vấn đề hư vô - cái vô nghĩa lý của cuộc đời... ) Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng bao trùm lên từng câu chữ, hình ảnh, sự kiện, nhân vật là niềm tin vào con người. ở chương cuối (chương33 với tựa đề Con đường mới), có người cho đó là một kết thúc”có hậu” không cần thiết và nếu trở thành một biểu tượng văn chương thì đó là “một biểu tượng vặt không hơn, không kém” (Hoàng Ngọc Hiến). Tôi nghĩ khác, Dương Hướng là con người có hậu nên đã tìm đến một cách kết thúc tiểu thuyết của mình theo cách này. Kết thúc này cũng gần với Bến không chồng, khi Vạn chết thì Hạnh và con mình (của Vạn) mới bắt đầu sống cuộc đời mới. Tinh thần nhân vật của tác giả đã kiến tạo nên bằng nghệ thuật những bi kịch lạc quan trong tiểu thuyết Dưới chín tầng trời./.


 

Không có nhận xét nào: