4 thg 12, 2010

Đầu xuân gặp gỡ Nhà văn Dương Hướng

ĐẦU XUÂN TRÒ CHUYỆN VỚI
NHÀ VĂN DƯƠNG HƯỚNG
    Quốc Huấn
        Sau “Bến không chồng”, cuốn tiểu thuyết đã đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, Dương Hướng gần như “im hơi lặng tiếng…Cho đến cuối năm 2007, mới lại cho ra mắt bạn đọc tác phẩm mới “Dưới chín tầng trời”, một cuốn sách được dự đoán có thể là “sự kiện nóng” của Văn học Việt Nam năm qua…         
        - Xin chúc mừng anh vừa hoàn thành cuốn tiểu thuyết mới nhất: "Dưới chín tầng trời". Vậy là "đứa con" mà anh "thai nghén" bao năm ròng đã được sinh ra...Tết này chắc anh vui và thấy thoải mái, nhẹ nhõm lắm, phải không?     

        - Dân mình ngàn năm nay vẫn thế. Vất vả quanh năm, ngày tết đến, lòng thấy ấm lại. Ta cảm nhận rõ được sắc xuân tươi tốt non tơ của cỏ cây hoa lá, sự huyền diệu của trời đất bao la, sự huy hoàng của non sông đất nước. Và quan trọng hơn cả, ngày tết, ta được vui bởi tình đời, tình người, tình cha mẹ, tình anh em bè bạn xa gần về quần tụ bên mâm cơm, đượm khói hương trên bàn thở tổ tiên, gia tộc nhà mình. Với tôi cũng thế thôi, xuân về năm nay, niềm vui được nhân lên bởi cuốn tiểu thuyết “Dưới chín tầng trời” vừa ra mắt bạn đọc sau nhiều năm trăn trở, lo âu. Vậy là nỗi lòng mình gửi hết vào tác phẩm và đã đến được với công chúng. Biết nói thế nảo nhỉ: Văn là đời mà! Tôi đã trải nghiệm qua nhiều năm tháng, nhìn nhận thấu đáo mọi biến cố thăng trầm của đất nước và đã hết sức cố gắng thành tâm khắc hoạ nên những biến cố đau thương hào hùng của dân tộc trong nửa thế kỷ qua. Tôi mong sao mang lại được cho bạn đọc một sự đồng cảm sẻ chia nào đó trong niềm vui cũng như nỗi buồn vào dịp đầu xuân này…      
          - Anh có nhớ tết năm ngoái, khi đang viết "Dưới chín tầng trời", tâm trạng anh thế nào không? Hay nói cách khác, khi đang viết hoặc đang ấp ủ viết một tác phẩm nào đó, tâm trạng anh như thế nào? Nhất là vào thời điểm chuyển giao năm cũ và năm mới? (Lúc đó con người ta thường ý thức rõ nhất sự trôi đi của thời gian đối với công việc mình đang làm...)…      
       -Thú thật, khi viết xong tiểu thuyết này, nỗi lo duy nhất của tôi là làm sao để cuốn sách được bước ra cuộc đời của nó. Được đến với bạn đọc suôn sẻ. Đó là nỗi niềm mong muốn nhất của người cầm bút. Ngày này năm ngoái, tôi đang viết những chương cuối cùng cuốn tiểu thuyết này. Tôi nhớ, trước phút giao thừa, mình vẫn còn mải mê cậm cạch trước máy tính, đánh vật với từng con chữ…Khi tiếng chuông chùa Long Tiên đổ dồn từng hồi âm vang vách núi Bài Thơ, tôi mới bừng tỉnh chạy ra sân thượng nhìn ngắm bầu trời thành phố rực rỡ sắc mầu pháo hoa, và mùi hương thơm ngát từ chùa Long Tiên toả sang (nhà tôi cạnh Chùa mà!). Vậy là lại một năm nữa trôi đi, mình thêm một tuổi. Theo lệ, năm nào giao thừa tôi cũng cùng vợ con ra chùa thành tâm niệm Phật, đón xuân hái lộc, thấy lòng lâng lâng thanh thản. Và quan trọng hơn cả là cái nghiệp văn chương nó sẵn trong tâm, trong máu, mình hay quan sát thiên hạ vào những phút giây thiêng liêng này. Vào thời khắc quan trọng của sự chuyển giao giữa năm cũ, năm mới, con người ta cần gì? Cảm gì? Phải chăng mỗi khi con người ta còn thiếu cái gì đó, thiếu cơm áo, hay thiếu lòng tin vào luật pháp, (luật pháp chưa nghiêm), họ lại tin vào thần pháp? Tôi nhìn kỹ vào từng gương mặt, từng ánh mắt và nhận ra một điều, rằng họ gửi đức tin vào Thần Phật một cách tự nguyện! Họ kiếm tìm điều gì?Tất cả chúng ta, cả anh, cả tôi, đều biết: Đó là lòng khát khao cầu mong được khoẻ mạnh, an bình, no ấm và hạnh phúc…        
         - Có người đã dự đoán "Dưới chín tầng trời" rất có thể là sự kiện hot nhất  của Văn học Việt Nam năm 2007! Trên thực tế, từ khi mới ra mắt, nó đã có vẻ được bạn đọc rất quan tâm. Cảm xúc của anh thế nào? Có giống hay khác khi viết xong "Bến không chồng" và các tác phẩm khác trước đây? (Hỏi nhỏ thêm một chút: -Anh có lo nó bị “Bến không chồng” làm cho “chìm nghỉm” như một vài tác phẩm gần đây của anh không?)        
        - Hồi tôi viết tác phẩm “Bến không chồng” tôi chỉ nghĩ  viết thế nào cho thật hay chứ không nghĩ đến chuyện được giải thưởng. Lại càng không nghĩ nó lại có thể được dịch sang tiếng Pháp, tiếng Ý... Ngày ấy tôi còn chưa được bạn đọc biết đến nhiều nên không bị sức ép nào. Mãi 15 năm sau tôi mới lại quyết định viết tác phẩm “Dưới chín tầng trời”. Tất nhiên lần này tôi đã rút kinh nghiệm qua tiểu thuyết “Trần gian đời người” (xuất bản chỉ sau “Bến không chồng” một năm, năm 1991) chưa được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận. Chính vì lẽ đó tôi càng phải quyết vượt lên chính mình. Cụ thể phải vượt qua được tác phẩm “Bến không chồng”. Nghiệp văn chương nó vô cùng khắc nghiệt. Những người trong nghề hiểu rõ chuyện này. Để vượt qua được cái “Bến Đỗ” của mình, quả chẳng dễ chút nào. Muốn có một tác phẩm lớn, phải có tư tưởng lớn. Muốn có tác phẩm hay phải có tài. Điều này qua đúng! Nhưng có được cả hai thứ, tài năng lớn và tư tưởng lớn, lại còn phải có bản lĩnh nữa để vượt qua được những rào cản, vượt qua cả những hạn chế của xã hội, hạn chế của thời đại. Thật khó lắm thay! Khi tác phẩm văn học đã ra mắt bạn đọc, nhà văn chẳng thể nói được điều gì, chẳng còn quyền hành gì, bởi đứa con tinh thần của mình lúc này hoàn toàn phụ thuộc vào bạn đọc. Bạn đọc yêu mến hay gét bỏ là do cốt cách, hình hài của nó. Nó là bóng đêm hay mặt trời, là đốm lửa hay ánh sao, nó toả sáng được tới đâu là do sức nóng của chính nó. Tác giả không thể “phù phép” để cho tác phẩm của mình sáng giá hơn được. Và ngược lại những tác phẩm hay và lớn, tôi tin thời gian sẽ sàng lọc và độc giả là người thông minh sáng suốt hơn cả. Và sự khen chê khác nhau trong cùng một tác phẩm cũng là lẽ bình thường, bởi nhận thức của mỗi người chẳng ai giống ai. Thật may mắn từ khi tiểu thuyết “Dưới chín tầng trời” tới tay bạn đọc, tôi đã nhận được không ít lời khen từ khắp nơi, người thì nhắn tin,  gọi qua điện thoại, người thì gặp gỡ rủ đi cà phê, chè chát, mừng ra mặt. Hạnh phúc của nhà văn là thế. Báo chí phỏng vấn nhiều, quá sức tưởng tượng của mình. Và đúng như anh vừa nói, có phóng viên còn dự đoán, “Dưới chín tầng trời” có thể là “sự kiện hot nhất” của Văn học Việt Nam 2007; người lại bảo nó sẽ được giải cuộc thi tiểu thuyết năm tới…Tất cả thực hư ra sao còn phải đợi, bạn đọc và các nhà phê bình sẽ là người đánh giá công tâm nhất…    
       - Nhưng lại cũng có người nhận xét: Trong "Dưới chín tầng trời", "cái ác" thao túng ghê quá (!). Anh nói gì về điều này? Thậm chí anh có e ngại không nếu cuốn sách "bị soi" (là nói giả dụ thế!) về mặt quan điểm tư tưởng v.v. chẳng hạn?    
     - Để hoàn thành cuốn tiểu thuyết “Dưới chín tầng trời” với hơn 500 trang, gói trọn cả một giai đoạn lịch sử dân tộc nửa thế kỷ qua, tôi đã dàn dựng các tuyến nhân vật theo một sơ đồ gắn kết, ràng buộc, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau từ Bắc vào Nam, từ chiến trường đến biên giới, cửa khầu. Từ nông thôn đến phố phường... Bi kịch của Gia tộc Hoàng Kỳ và số phận long đong của người dân làng Đoài ở miền Bắc thời kỳ cải cách và hợp tác hoá. Sự suy vong của gia đình nhà thương nhân Đức Cường sau giải phóng. Gia tộc Hoàng Kỳ và gia đình thương nhân Đức Cường, đại diện cho hai miền Nam-Bắc và trên họ, là hai nhân vật có thế lực quyền uy: Thu Cúc và Trần Tăng. Nếu nhân vật Thu Cúc lạnh lùng, say sưa chiến thắng, ham mê quyền lực, công danh thì Trần Tăng cũng đầy tham vọng và si mê cả về nhục dục ái tình. Tiếng tăm Trần Tăng lẫy lững thiên hạ bởi những mưu kế thâm sâu ma mãnh, luôn tìm mọi cách để vươn tới quyền lực thống trị thiên hạ, khiến dân tình khiếp sợ… Tất cả, thông qua các nhân vật nêu trên, nói lên số phận của dân tộc, số phận nhân dân, đất nước và đời sống long đong của những mảnh đời trôi dạt.       Câu chuyện là như vậy! Còn tất nhiên, một tác phẩm văn học đã ra mắt công chúng thì tất cả mọi người đều có quyền phán xét. Có ai đó nhận xét rằng trong “Dưới chín tầng trời”, cái ác thao túng quá, đó cũng là quan điểm riêng của mỗi người. Với tôi, trong hiện thực xã hội, “cái ác” còn thao túng hoành hành hơn nhiều! Nhưng tầm tư tưởng của tác phẩm lại không phải ở chỗ ấy, không phải một tác phẩm có giá trị hay không là bởi nó nói tới cái ác, cái thiện nhiều hay ít. Quan trọng là nội dung tác phẩm có làm cho ta xúc động hay không. Đọc nó ta căm phẫn cái ác. Đọc nó ta muốn sống nhân ái hơn, có tình hơn. Điều cốt tử của một tác phẩm tốt là phải trung thực, nói lên được nỗi niềm khát khao cháy bỏng chính đáng của nhân dân, của cả dân tộc…         Nói thì dễ, nhưng làm được điều này nhọc nhằn cơ cực lắm thay. Tôi nhận thức rất rõ điều đó trước khi cầm bút viết “Dưới chín tầng trời”. Và sẵn sàng chấp nhận mọi sự “soi xét” của tất cả độc giả…      
           - Nghĩa là ngoài tài năng, nhà văn còn phải có tấm lòng nhân ái và phải có một bản lĩnh vững vàng thì mới  nhìn được xa, được cao, mới có những tác phẩm lớn ? Với quan niệm ấy, anh tự đánh giá mình như thế nào? Khi viết "Dưới chín tầng trời", anh thấy mình thành công nhất là gì? Và còn gì mà anh thấy chưa thoả mãn?   
       - Tôi tin vào cuộc đời tôi đang sống- sống trung thực, chân thành và viết với tấm lòng nhân ái. Bản năng tôi luôn bênh vực điều thiện và người nghèo khó. Tôi đấu tranh đến cùng với cái ác và ghét cay ghét đắng sự giả dối. Quan điểm này tôi thể hiện rõ trong tất cả tác phẩm tôi đã viết từ trước đến nay. Nhưng riêng với tác phẩm “Dưới chín tầng trời”, tôi thể hiện rõ hơn cả, nói được nhiều điều hơn cả. Có nhiều người đã đọc “Dưới chín tầng trời”; họ đã khẳng định: “Dưới chín tầng trời” hơn hẳn “Bến không chồng” ở cả mọi phương diện- tầm cao tác phẩm, có sức nặng và khái quát cao, phản ánh đầy đủ suốt cả quá trình dài của lịch sử nước nhà…  Trong “Dưới Chín tầng trời” có những điều nhạy cảm mà lâu nay ta còn e ngại lăn tăn, không thể nói ra và không thể tuyên ngôn bằng văn bản. Nhưng bằng hình tượng văn học lại có thể minh hoạ một cách dễ chấp nhận hơn cả. Tôi đã cố gắng bằng tấm lòng, bằng cái tình chân thật của mình, nói ra một cách thành tâm nhất, giaỉ toả được mọi điều đau đáu nỗi niềm lâu nay của mọi người về những hạn chế của lịch sử. Thật may mắn, “Dưới chín tầng trời” được ra mắt bạn đọc trong xu thế đổi mới, xu thế mở cửa hội nhập với thế giới. Đảng và Nhà nước ta hiện nay đã có cái nhìn khách quan hơn. Các nhà xuất bản cũng vừa mạnh dạn phát hành một loạt các tác phẩm lâu nay được coi là “có vấn đề” như Phan Khôi, Phạm Quỳnh... “Dưới chín tầng trời” ra mắt vào dịp này phản ánh đúng xu thế thời đại mình đang sống, xoá bỏ mọi hận thù, bắt tay làm ăn với toàn thế giới, tôi tin sẽ được đông đảo bạn đọc đón nhận…     
       - Sau "Dưới chín tầng trời", anh đã có dự định gì mới cho sáng tác của mình chưa?        
        - Tôi đang có một hợp đồng đã ký với Ban quản lý sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng. Cụ thể, tôi đã làm xong đề cương và đã được Ban quản lý sáng tác thông qua, đã tạm ứng 5 triệu đồng; hơn một tháng rồi, tôi đi gặp gỡ các nhân vật, vào các quân khu và đã thu thập mang về được một bịch tới 10kg tài liệu mà chưa kịp đọc dòng nào. Tôi đang mong tới ngày được… về hưu sớm đề hoàn thành công việc này! (cười).     
        - Xin cảm ơn anh! Và nhân dịp năm mới, chúc anh dồi dào sức khỏe và luôn trẻ trung, cả ngoài đời cũng như trong sáng tác, cho dù có …về hưu sớm hay không!  

Không có nhận xét nào: