1 thg 8, 2012

Đọc lại “Bến không chồng”…

QĐND - 15 tháng trước 1284 lượt xem
Doc lai “Ben khong chong”…
QĐND - Với vai trò là những “nhân vật điển hình”, người lính trong tiểu thuyết viết về chiến tranh trước năm 1975 thường bị gạt bỏ những gì thuộc về đời sống riêng tư, tình cảm cá nhân, những vấn đề thuộc về bản năng lại càng bị cấm kỵ. Sau năm 1975, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, cùng với sự thay đổi quan niệm về hiện thực cũng như quan niệm về con người, cái nhìn chiến tranh thay đổi đáng kể trong nhiều tác phẩm. Có thể nói rằng, chưa có thời kỳ văn học nào lại nói nhiều đến nỗi buồn chiến tranh như thời kỳ văn học đổi mới. Đó là nỗi buồn vì quá khứ huy hoàng nhưng nhiều mất mát. Cuộc chiến đi qua còn để lại những ám ảnh bạo lực ghê rợn. Nỗi đau về tinh thần không thể chữa khỏi ngày một ngày hai…

Nguyễn Vạn trong tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn cựu chiến binh Dương Hướng (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam-1991) trở về làng Đông trong hình ảnh một vị anh hùng, nhưng đằng sau vẻ rạng rỡ ấy vẫn là một tính cách hằn in di chứng chiến tranh. Nguyễn Vạn sống lặng lẽ, cô đơn, lấy sự lãnh đạm, khô khan, cứng nhắc để che giấu những nỗi niềm, khao khát riêng tư. Nếp sống thời chiến, lối tư duy thời chiến ngấm sâu vào Vạn, biến anh thành một khối ý chí rắn đanh. Ngay cả đến thứ tình cảm quý giá nhất là tình yêu của những người phụ nữ như Nhân, như Hạnh, Vạn cũng chối bỏ: “Chú đây cũng có thời yêu mẹ cháu. Nếu như chú không vững vàng giữ mình thì bây giờ cũng đã mất hết cả”.
Trong chiến tranh, những người xả thân vì việc lớn như Vạn đáng quý biết bao. Nhưng trở lại với cuộc sống thời bình với muôn vàn những sự phức tạp, hỗn độn, Vạn không chỉ trở nên lạc lõng mà còn có khi thành ra nỗi “khiếp sợ” đối với dân làng. Những tấm huân chương lấp lánh trên ngực từng là niềm kiêu hãnh của Vạn, là sự ngưỡng mộ của dân làng Đông đã không giúp Vạn sống hạnh phúc. Thậm chí anh ta bị đứa cháu yêu thương kết án: “Chú hèn lắm! Chú là người không có tim”. Vạn đã muốn sống như một biểu tượng của cả làng Đông: “Mày cứ nhìn chú đây mà sống”. Vạn hụt hẫng, đau xót và phẫn nộ trước thái độ thờ ơ của mọi người. Người ta bận bịu với hiện tại, Vạn thì say mê quá khứ. Con người ấy đã sống trong niềm kiêu hãnh và sự cô độc đúng như Hạnh nhận xét: “Một người không ai tốt bằng nhưng cũng không ai cô đơn và khổ bằng”.
Nhưng đau đớn là ở chỗ trong Vạn, phần con người bản năng vẫn sống, vẫn thức dậy và nó làm cho Vạn khổ sở. Vạn luôn bị vật lộn, giằng co giữa lý trí và tình cảm, giữa lý tưởng và bản năng, giữa hành động và suy nghĩ, giữa ý thức giai cấp và tình người. Một cuộc vật lộn âm thầm, dai dẳng nhưng đầy quyết liệt. Dương Hướng đã nhìn thật sâu vào tâm tư của Vạn để nhận ra bi kịch của con người khốn khổ này. Vạn tự tách mình khỏi thế giới bình thường, khăng khăng làm một "thánh nhân" để rồi hằng đêm Vạn sống trong sự vật lộn đau đớn ê chề. Cái gì đã làm Vạn trở thành con người khốn khổ đến thế? Nỗi khổ không được là mình, không dám sống với những khao khát rất con người của mình. Vạn cứ cày xới cái quá khứ oai hùng để ngoảnh mặt quay lưng với bao điều tốt đẹp Vạn xứng đáng có. Vạn muốn làm một thánh nhân để xứng đáng với sự ngưỡng mộ của dân làng. Chỉ trong khoảnh khắc say rượu, Vạn mới dám buông mình cho tiếng gọi mạnh mẽ của bản năng. Một lần duy nhất “Nguyễn Vạn bàng hoàng cả người, không hiểu mình đang mơ hay tỉnh. Men rượu vẫn nung nấu trái tim làm tâm trí Nguyễn Vạn quay cuồng. Da thịt đàn bà nần nẫn trong vòng tay và hơi thở đầy dục vọng phả vào mặt Vạn…Vạn buông thả cho thân xác tự do gây tội lỗi, tự do rên xiết trên thân thể rừng rực của người đàn bà”.
Hạnh phúc ngắn ngủi trong đêm đầy giông bão không làm cuộc đời Vạn tươi sáng hơn. Trái lại, Vạn luôn sống trong cảm giác dằn vặt, tội lỗi: "Qua cái đêm giông bão của cuộc đời, Nguyễn Vạn không còn dám nhìn vào bất cứ ai ở làng Đông. Vạn tự thấy xấu hổ với cả những đứa trẻ con tí teo…". Luôn kiểm soát mình, tin vào lý trí mình, tự trói mình, Vạn không thể tránh khỏi bi kịch, tự đưa đầu vào bi kịch, suốt đời bi kịch. Đặt ra vấn đề hạnh phúc của con người giữa sự ràng buộc và quán tính của đời sống cá nhân là đóng góp đáng kể của tiểu thuyết Dương Hướng. Vạn luôn mang trong mình một niềm tin thiêng liêng vào những chuẩn mực đạo đức đã lỗi thời. Niềm hạnh phúc bất ngờ ập đến với Vạn, khi Hạnh xuất hiện, cái hạnh phúc cả một đời anh chưa từng được hưởng, nhưng chưa bao giờ anh dám nghĩ, có thể đánh đổi uy tín danh dự để có nó cho nên anh đã để tuột mất rồi tìm đến cái chết, như một cách trốn tránh. Một cái chết gây bao thương cảm, xót xa cho dân làng, làm nên một kết thúc, không hẳn là bi quan, hay chỉ là bi quan một nửa của “Bến không chồng”. Dương Hướng có ý thức chọn một đám tang như một “hóa giải” cho biết bao xót xa, lầm lạc, bất hạnh có mặt trong cõi đời. Đám tang cả làng đưa tiễn Vạn có ý vị một cuộc tiễn đưa quá khứ. Và nói “hóa giải” là nói đến một nhe nhắm, gửi gắm về con đường mới cho làng Đông, không phải cho tất cả những ai từng sinh ra ở làng Đông, mà cho một thế hệ khác, thế hệ tương lai, có thể là đứa con của Hạnh...
Trong tiểu thuyết “Bến không chồng”, ngoài Vạn được nhà văn khắc họa nổi bật, người đọc cũng nhận ra nhiều bi kịch không gọi thành tên của những người lính trở về từ chiến trường như Nghĩa, Thành…Với Nghĩa, quân hàm thiếu tá không giúp anh hạnh phúc hơn. Trái lại, bước ra từ chiến trường máu lửa, cuộc đời Nghĩa đi qua biết bao ngã rẽ mà anh không thể lường trước được: Cuộc chia tay đau đớn với Hạnh - người vợ anh rất mực yêu thương; cuộc kỳ ngộ với Thủy và một cuộc hôn nhân chóng vánh như trốn chạy quá khứ cũng không làm cho quãng đời còn lại của anh sáng sủa hơn. Nhưng đau đớn hơn cả là chiến tranh đã cướp đi của anh khả năng làm cha, khiến cả hai người đàn bà gắn bó với anh đều dang dở. Khác với vẻ “lành lặn” bên ngoài của Nghĩa, Thành lại mang bộ mặt ghê sợ tới mức quái dị do bị bỏng bom na-pan. Gương mặt ám ảnh anh cả trong giấc mơ. Gương mặt ấy đã hủy hoại cuộc đời Thành vì không một cô gái nào dám nhìn vào khuôn mặt biến dạng ấy dù biết rằng sau khuôn mặt đó là một tâm hồn vô cùng đẹp đẽ. Có những sự thật nghiệt ngã vẫn xảy ra trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ này và con người buộc phải chấp nhận.
Nhà văn áo lính Nguyễn Minh Châu từng viết: “Bước ra khỏi một cuộc chiến tranh cũng cần bản lĩnh và sự tỉnh táo như khi bước vào một cuộc chiến tranh”. Người lính trong tiểu thuyết hậu chiến phải nếm trải nỗi đau, ngộ nhận lầm lẫn khi nhận thức cuộc sống, về những đổi thay chóng mặt. Tiểu thuyết “Bến không chồng” đã góp thêm sắc màu mới trong việc khắc họa chân dung người lính. Đó là gam màu trầm tối, xót xa nhưng chân thực và ám ảnh.
Đặng Thị Tuyết

Không có nhận xét nào: