29 thg 3, 2011

Một dân tộc lớn bắt đầu từ trẻ nhỏ

Tháng tư năm ngoái, tôi có dịp thăm cháu học ở bên Nhật 2 tháng, ở thành phố Kitakyushu, tỉnh Fukuoka, phía nam Nhật Bản. Ban đầu nghĩ chỉ sang chơi, thư giãn, nhưng quan sát thấy nhiều chuyện đáng nói, lại thêm Trần Dũng ở nhà điện sang dục viết bài. Tôi đã mail về để 5 bài báo đăng trong nước, nội dung chủ yếu những chuyện sinh hoạt thường ngày của những người bình thường ở Nhật mà mình nhìn tận mắt, nó giống ở ta mà cũng thật khác ở ta. Sau thảm họa động đất, sóng thần hôm 11/3/2011, và nguy cơ thảm họa hạt nhân mới thấy tính cách Nhật rõ nét.
Hồi đó tôi ngạc nhiên lắm, khi thấy trẻ con thành thị ở đây, sau giờ học cũng lăn lê bò toài, phơi nắng, phơi gió ở sân chơi, đứa nào cũng đen nhẻm đen nhèm như trẻ trâu ở ta.
Tôi thường thấy những đứa trẻ loạch oạch ngã khi chạy theo mẹ, và người mẹ chỉ dừng lại đợi con chứ không ngoái lại. Họ muốn dạy những đứa con mình tự đứng dậy khi bị ngã.
Tôi đã thấy đứa trẻ mè nheo, vòi vĩnh, khóc theo mẹ, nhưng mẹ nó vẫn thản nhiên bước lên xe rồi sập cửa lại, khi thằng bé tự mình thôi khóc, người mẹ mới mở lại cửa xe cho cháu bé lên. Họ không muốn con mình ủy mị.
Một lần ở vườn trẻ tôi thấy các cháu đi trên trục lăn bị ngã, vội đỡ cháu dậy, người mẹ cúi đầu cám ơn, rồi lại lắc đầu, có vẻ không hài lòng động thái đó của tôi, họ muốn con họ phải tự tìm ra cách mà khắc phục.
Một lần khác ở vườn trẻ mẫu giáo, tôi dẫn cháu tôi đi cầu trượt, cháu tôi lanh chanh chen lấn các bạn đòi trượt trước, các bạn la hét ngăn lại, tôi hỏi vì sao? Các bạn bảo phải xếp hàng chứ. Tôi bảo, cháu còn nhỏ, chưa biết xếp hàng, các bạn (cũng chừng 4, 5 tuổi) cầm tay cháu gái tôi bảo, vậy thì nhường cho em lần này thôi, nhưng lần sau phải tập xếp hàng nhé!
Một lần đi trên phố, tôi thấy hai cháu nhỏ, một trai một gái, đứa lớn cũng chừng 5 tuổi, săm sắn soi mói các ngóc ngách nhặt rác bỏ vào túi xách tay, người bố thì chỉ hết góc này góc khác cho con tìm rác. Hóa ra họ dạy con nhặt rác trước khi đến tuổi tới trường học chữ.
Một lần đi chuyến tàu thủy chiều từ Kyoto về Kitakyushu, cơm nước xong, thấy một anh xe thùng đồ như bán hàng rong ở “Câu lạc bộ” trên tàu, trẻ con hớn hở bu quanh, lại tưởng chúng đến mua kẹo kéo. Anh ta mở thùng đồ, lấy ra đủ loại hình cắt bằng bìa, và bắt đầu câu chuyện. Anh kể toàn chuyện cổ tích, chuyện dân gian, người thiện thì dũng cảm thương người, kẻ ác thì gian manh, xảo quyệt, nhưng bao giờ cái thiện cũng thắng cái ác. Anh ta lại minh họa bằng hình cắt dán với đôi tay khéo léo rất sinh động. Sau mỗi câu chuyện người chủ trò lại đặt câu hỏi hỏi từng cháu nhỏ, cháu nào phát biểu đều được chia kẹo, cháu nào trả lời đúng được gói kẹo to. Buổi sinh hoạt không mất tiền mua vé ấy chỉ kéo dài hơn một tiếng nhưng sôi nổi lắm, lại được chia quà, bọn trẻ cười nói râm ran. Hóa ra người Nhật tìm cách giáo dục trẻ con ở mọi nơi, mọi lúc …
Và những ngày này, đọc thông tin về trận động đất, sóng thần hôm 11/3/2011 ở Nhật Bản thấy bức thư này trên mạng VnExpress.net, bức thư Hà Minh Thành gửi Nguyễn Đình Đăng đang công tác tại Nhật:
"Xin chào anh Đăng.
Xin được giới thiệu tôi tên là Hà Minh Thành. Hiện tại tôi được tăng phái công tác hỗ trợ cho cảnh sát tỉnh Fukushima, cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 khoảng 25 km. Dân địa phương họ tự động thành lập các đội tự quản, tương trợ lẫn nhau. Giả sử có ai muốn ăn cắp ăn trộm cũng khó. Vấn đề an ninh không lo lắm. Người chết nhiều quá, tụi tôi chỉ còn lấy dấu tay, chụp hình và trùm mền lại rồi giao người đem đi thiêu. Ngày đầu còn mặc niệm, có cảnh sát tăng phái còn khóc nhưng bây giờ thì không còn thời gian để mà mặc niệm và khóc nữa.
Tối hôm kia tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho các người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng tôi chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc ao thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn nên mới lại hỏi thăm. Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường nó nhìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe tôi hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh run lập cập tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài,tôi nhặt lên đưa cho nó và nói: "Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói".
Thằng bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn. Tôi nghĩ bình thường nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để vào thùng thực phẩm rồi lại quay lại xếp hàng. Tôi sửng sốt và ngạc nhiên vô cùng , mới hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nỏ trả lời: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ“.
Tôi nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác để khóc để nó và mọi người đang xếp hàng không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy một thằng có ăn có học từng có bằng tiến sĩ như tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh. Tôi nghĩ một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này giờ đây đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.
Lên đây rồi bây giờ tôi mới thấm thía câu nói của vị thiền sư phụ của tôi ở Tokyo trước khi lâm chung dạy lại cho tôi đó là “Nhân sinh nhất mộng , bất luận kiến tâm, Tâm vô sở cầu thị Phật“. Cái sự hy sinh vì người một cách vô ngã của đứa nhỏ 9 tuổi khiến tôi ngộ ra được những điều cả cuộc đời bon chen của mình tôi chưa nhận thấy được. Tôi nhường khẩu phần ăn tối của tôi cho thằng bé để nhận của nó một lời cám ơn, còn nó cho đi cả buổi ăn tối của nó một cách vô tư không so đo dù nó đói còn thê thảm hơn tôi nhiều và chắc còn phải đói nhiều trong cả cuộc đời vì không gia đình nữa".
Có thể nhiều người đã đọc bức thư này, có thể báo này, bão khác đã đăng, nhưng tôi nghĩ vẫn cần phải chép lại để đông đảo mọi người nhìn thấy. Một dân tộc lớn cũng bắt đầu từ trẻ nhỏ.
                                                                       Nam Ninh


Không có nhận xét nào: