13 thg 2, 2011

HOAN HÔ ÔNG MUBARAK

TRẦN KỲ TRUNG
Mới đầu, tôi vẫn tưởng ông sẽ ngoan cố, cố sức chống lại sức mạnh nhân dân, chống lại trào lưu dân chủ. Chẳng gì, với gần hai chục ngày nhân dân đấu tranh, biểu tình rầm rộ, ông vẫn cương quyết không nhượng bộ. Ông vẫn tin sức mạnh quân đội, họ sẽ đứng đằng sau để ủng hộ. Ông vẫn tin vào sự che chở của chính phủ Mỹ, mà ông là một đồng minh đáng tin cậy ở Trung Đông. Ông lại càng tin những Bộ trưởng trong chính phủ, một tay ông cất nhắc. Ông càng tin hơn nữa, gần ba mươi năm cầm quyền, với chế độ độc tài, quyền của ông là trên hết, ông có đầy đủ kinh nghiệm và bản lĩnh bóp chết mọi sự chống đối, nhất là chống đối của nhân dân,  từ trong trứng…
 Chúng tôi, nếu cách đây hơn một tháng cũng tin như thế, khi thấy chính thể của ông, qua các phương tiện thông tin, không hề có một dấu hiệu nào của sự sụp đổ. Nhưng… nếu như chúng tôi tin, có thể dễ giải thích, vì chỉ là người đứng ngoài, còn nhân dân Ai Cập không bao giờ tin như thế. Một chế độ độc tài, như ông thực hiện, ngự trị gần ba mươi năm, nhân dân nhìn rõ chân tướng, dù ban đầu ông có thể khoác lên nó những mỹ từ “ dân chủ”, “ tự do, “ vì người nghèo”… nhưng thực tế không phải! Gia tài của ông do tham nhũng  lên đến nhiều chục tỷ đô la, biệt thự, tiền gửi tài khoản nước ngoài nhiều không kể xiết. Những dự án kinh tế lớn của nhà nước Ai Cập, ông và người thân gia đình đều được hưởng lợi. Bất công xã hội, khoảng cách giàu, nghèo ngày càng lớn…Ông đàn áp tất cả mọi phong trào đòi dân chủ, mật vụ ông rải khắp nơi, theo dõi dân chúng khít khao… Nhân dân phản ứng, cũng may cho ông thoát được nhiều vụ ám sát.  Chắc ông cũng nghĩ, như vậy mà không sao, thì cương vị tổng thống của ông “vững như bàn thạch”.
Điều chết của người lãnh đạo là không đi theo nhân dân, phải bội lại nhân dân, hay cụ thể hơn, là không chấp nhận những quyền lợi chính đáng như dân chủ, tự do, minh bạch…của nhân dân. Và khi nhân dân lên tiếng phản đối, mới đầu dù đó chỉ là những tiếng nói của cá nhân, nghiệp đoàn… người lãnh đạo nên lắng nghe, cùng thảo luận công khai, biết sửa chữa…ông không làm thế, đàn áp tất cả, lún sâu thêm vào tội lỗi. Và, như ông thấy, mới đầu chỉ là những cuộc biểu tình nhỏ, lẻ, sau này bùng phát thành những cuộc biểu tình lớn, rộng khắp Ai cập, hàng chục vạn người tham gia. Lúc này, mọi sự đàn áp, như ông cho công an, cảnh sát thực hiện, hơn ba trăm người chết, không thể đẩy lui sức mạnh lớn hơn cả triều dâng của nhân dân..
  Trước sự việc như vậy, những vị bộ trưởng, nhất là bộ trưởng  bộ Quốc phòng, từng được ông ưu ái, cân nhắc,  họ quay lưng với ông, để quân đội đứng về phía nhân dân. Nếu ông còn ngoan cố không chịu từ chức, đất nước Ai Cập sẽ rơi vào biển máu. Mạng của ông chưa chắc đã còn, mà ngàn đời tên tuổi của ông, lịch sử sẽ nguyền rủa. Ông  nhận ra điều này.
           Ông cũng nhận ra rằng, ông  và chính phủ của ông  từng là một đồng minh tin cậy bảo vệ quyền lợi của Mỹ ở Trung đông. Trước sức mạnh chính nghĩa của những cuộc biểu tình tay không mà nhân dân Ai Cập đang tiến hành, chính phủ Mỹ, cá nhân tổng thống Obama, dù vẫn giữ quan hệ tốt với ông, cũng không thể ủng hộ, vì ủng hộ ông là đi ngược lại quyền lợi của nhân dân, đất nước Ai Cập. Lúc đó, tôi giả thiết, dù chính phủ Mỹ có mang quân sang như đã làm ở I Rắc để cứu ông, cũng nhất định thất bại. Nhân dân và những lực lượng dân chủ tiến bộ Ai Cập sẽ vẫn chống ông, chống Mỹ đến cùng. Một chỗ dựa ông cúc cung tận tụy bảo vệ gần như trung thành cũng bỏ ông vì sự đồng lòng thống nhất đấu tranh của nhân dân trong nước.
 Như vậy làm sao ông có thể tại vị an toàn được!   Một chính thể, dưới sự lãnh đạo của một tổng thống không làm tròn sứ mạng mà nhân dân giao phó. Ngược lại, chỉ làm cho dân khổ, nạn tham nhũng lan tràn, những tai ương xã hội, dù kinh tế có phát triển, vẫn nảy nở ngày một nhiều, băng hoại cả xã hội, lòng dân không yên, phong trào đòi dân chủ ngày càng rộng, đàn áp không thể ngăn được …Ông nhận ra, đây không phải do các thế lực “ thù địch” bên ngoài chống ông, kích động. Cũng không phải do những kẻ bất mãn quyền lợi với ông, phát động, Càng không phải là “ diễn biến hòa bình” mà một số chính phủ, cá nhân không thích ông ngầm ủng hộ “lực lượng phản động bên trong”. Tất cả là do ông. Vì sau gần ba mươi năm cầm quyền độc tài, ông  đi ngược lại quyền lợi nhân dân, quyền lợi dân tộc. Nhân dân phải đứng lên!
 Cuối cùng, có đau đớn, uất hận, ngoan cố … ông đành chấp nhận từ chức để cứu mạng sống của mình và không để đất nước  Ai Cập đổ máu nhiều thêm nữa!!!
 Chuyện này hơi muộn, nhưng dù sao cũng là một sự cảnh tỉnh cho các chế độ độc tài khác, tránh đi theo vết xe đổ của ông.
 Vì thế tôi hoan hô ông!!!    

Không có nhận xét nào: