27 thg 6, 2011

Gặp gỡ Hạ Long


Anh 1: Nhà văn Nguyễn Khắc Phục (Đầu bạc)

:“Cũng vào tầm này của năm 1965, lớp ta tan đàn để bươn trải vào trong cái mông mênh của xã hội…” Trải qua 46 năm, nay mới lại có cuộc gặp mặt thật xúc động- cả đám học trò lớp 10 nay đã thành “các cụ” mà vẫn mày mày tao tao- nụ cười hoà cùng nước mắt…
   Báo Hạ Long kỳ này trân trọng giới thiệu sáng tác mới nhất của nhà văn Nam Ninh nhân chuyến đi thực tế về khu mỏ cùng các nhà văn do Ban đề tài Hội nhà văn Việt Nam phối hợp với Chi hội nhà văn Việt Nam tại Quảng Ninh, Tập đoàn TKV tổ chức vào cuối tháng 5/2011.
Gặp gỡ Hạ Long
Ký của Nam Ninh

Chúng tôi, là lớp học sinh phổ thông từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước, cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc đến hai tiếng Hồng Gai đều gợi lên trong lòng cảm giác chộn rộn, ký ức cứ trải ra dần, buồn vui muốn khóc. Hồng Gai hồi đó yên ả thanh bình, không hiện đại, xô bồ, inh ỏi như ngày nay. Hồi đó đêm đến còn nghe thấy cả tiếng những gòong than va vào nhau lịch kịch, vần nhìn thấy chiếc cần cầu cần mẫn quay vòng đổ than xuống tàu ở Cảng; mặc dù ở giữa thị xã, có cả một bãi than của Xí nghiệp Tuyển than mà vẫn thấy Hồng Gai sạch sẽ, không hiểu không gian trong sạch hay lòng người yên ả!
Ngồi nhâm nhi tách cà phê nơi trung tâm Thành phố Hạ Long hôm nay vẫn nhìn thấy mõm cá sấu nhô ra trên đỉnh Núi Bài Thơ như dấu ấn vĩnh hằng, vẫn còn đó những bài thơ khắc vào vách đá, tên gọi Núi Bài Thơ có lẽ có từ năm 1468 khi vua Lê Thánh Tông vạch bản đồ đất nước và khắc vào Núi Truyền Đăng (tên cũ) bài thơ như để khẳng định nơi này là mảnh đất trường tồn của Đại Việt.
                       “… Phía bắc, bọn giặc giã nh­ư hùm beo đã dẹp yên
                        Vùng biển phía đông, khói chiến tranh đã tắt
                        Muôn thuở trời Nam, non sông bền vững
                        Bây giờ chính là lúc giảm việc võ, tu sửa việc văn”.
          Hồng Gai, hay nói rộng ra cả tỉnh Quảng Ninh là dân tứ xứ ở khắp  các vùng miền, đến đây rồi thì gắn bó như quê hương thứ hai. Lớp học của tôi cũng vậy, mỗi đứa một quê, nhưng có chung một điểm, từ quê hương thứ hai này chúng tôi cùng bước ra ngoài xã hội.
Hôm bạn cùng lớp tôi, Nguyễn Đức Ngọc, từ Thành phố Hồ Chí Minh bay Hà Nội, muốn gặp mấy bạn cùng học lớp 10 (hồi đó lớp 10 là lớp cuối cấp 3) đang cư trú ở Hà Nội, tôi bấm máy gọi từng người, thế là một lúc đã tề tựu đông đủ 6 vị. Sau bữa nhậu lai rai, ôn nghèo kể khổ, ước ao được gặp lại các bạn cùng lớp cuối cấp 3, đã 46 năm rồi, giờ trông chắc khác xưa nhiều lắm, cứ thế mà mường tượng, mà ước mơ có ngày gặp lại. Giờ đã về hưu cả, ai còn, ai mất? Thế là đi đến quyết tâm, phải tổ chức một cuộc gặp lại chứ.
 Cuộc gặp mặt nhất định phải ở Hồng Gai (Thành phố Hạ Long ngày nay), vào ngày 28, 29 tháng 5 năm 2011, là ngày cuối cùng của năm cuối cấp. Cách xưng hô từ khi nghỉ hưu, chúng tôi thích gọi nhau bằng các cụ. Bản báo cáo trong cuộc gặp mặt này tôi đã viết:
 “Cũng vào tầm này của năm 1965, lớp ta tan đàn để bươn trải vào trong cái mông mênh của xã hội, nhưng vì là năm đầu tiên không có cuộc thi vào đại học, thành ra các cụ mới lung tung, người thích học toán thành nhà văn, người thích môn học tự nhiên lại đi nghiên cứu xã hội, mất trật tự mà không ồn ào, nhưng các bạn ơi, từng số phận nghiệt ngã, trớ trêu mới làm nên xã hội”.
 Mọi thủ tục: thông báo, giấy mời, chương trình, địa điểm, kinh phí bổ đầu … do lãnh đạo, tức là tôi, toàn quyền lo liệu. Tôi được bầu làm nhóm trưởng mấy cụ cựu học sinh ở Hà Nội cũng do một cuộc nhậu lai rai, gọi là phải có một thằng làm đầu mối mỗi khi có cụ hứng tình bày trò đãi rượu. Tôi nói vui, được làm lãnh đạo không phải chạy quyền chạy chức gì, lại không phải bận tâm đến tham ô tham nhũng gì nên tôi chỉ còn biết toàn tâm toàn ý phục vụ. Lại mường tượng giờ gặp lại các cụ đầu bạc răng long, không chắc đã nhận ra nhau nên thấy thú vị lắm. Đầu tiên chúng tôi tính phải tìm ra Nguyễn Văn Long, tôi biết trước khi nghỉ hưu, Long làm Chánh Thanh tra Sở Công nghiệp, cái giống thanh tra mà gầy đét như cụ Long là mẫn cán lắm, Quả thật, không có cụ Long thì sao kiếm nổi Mai Thị Tần, Nguyễn Thị Xuân, Trần Đức Nhi. Thế rồi cứ từ người nọ lần ra người kia, ròng rã hai tháng trời, cuối cùng cũng tìm ra được địa chỉ của 30 cụ, các cụ lại ở tản mạn khắp nơi, trong Nam, ngoài Bắc. Hồi đó (năm 1965) Hồng Gai chỉ có một lớp 10 (Cả tỉnh chỉ có 2 lớp, một lớp ở Hồng Gai, một lớp ở Cẩm Phả), lớp 10 đó cũng chỉ có 37 cụ, không bằng số trường cấp 3 hiện có ở Quảng Ninh, còn số lớp cuối cấp ngày nay thì không đếm xuể.
Điều an ủi nhất đối với tôi khi các cụ nhận được giấy mời đều phấn khởi đến xúc động mạnh, có cụ lào phào “Có thật không đấy mày ơi!” Nhất là thấy nói cuộc gặp mặt ở Hồng Gai thì mừng muốn khóc. Vì thế tôi mới vạch ra một chương trình cho hai ngày gặp mặt. Trước mắt phải có phòng họp, tôi mượn Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, vừa trung tâm thị xã Hồng Gai cũ, nơi đây các nhà văn Khu Mỏ thường xuyên quần tụ để bàn đến số phận con người, cũng từ cái trung tâm này chúng tôi đem số phận mình cá cược ngoài xã hội. Rất mừng được chủ tịch Hội Lê Toán đồng ý ngay, hóa ra đối với chúng tôi, lớp học sinh già, lại muốn trở về quê cũ thì ai cũng quí.
Tôi dự kiến bầu Nguyễn Đức Ngọc làm Trưởng Ban liên lạc, cụ Ngọc là người chỉn chu, cẩn trọng, có khả năng tụ tập được bạn bè trong Nam ngoài Bắc, và điều quan trọng, cụ cũng có cái thú ngây ngất như chúng tôi. Nhưng tôi đã bị chính cụ Ngọc cho đo ván. Hóa ra, cái nghề quan chức của cụ cũng lắm mưu, (cụ làm Phó tổng Giám đốc Bảo hiểm gì đó, phụ trách phía Nam) hôm đó khi nghe tôi phân tích xong, mọi người thấy tôi nói vậy thì hưởng ứng, nhưng cụ Ngọc lập tức giơ tay phát biểu ngay, cụ khen tôi tận tâm, tận tình, không có công đầu của tôi thì làm sao có cuộc họp này, tôi mới là người xứng đáng nhất làm Trưởng Ban liên lạc, rồi cụ khuỳnh hai tay như bắt nhịp: vỗ tay! Thế là cả lớp vỗ tay. Chưa hiểu cái gì cũng vỗ tay, mắc cái bệnh vỗ tay theo nên không tìm ra minh triết.
Lớp học của tôi có thể chia ra làm hai loại, một con nhà quan, tức là con từ Chủ tịch tỉnh đến các cán bộ lãnh đạo ngành Than, hai là con thường dân hiếu học, lý lịch thường được địa phương gốc nhận xét, bố đẻ nếu không là địa chủ, tư sản thì cũng tham gia Quốc dân đảng gì đó. Đối tượng thứ nhất thì được gửi ra học ở nước ngoài hoặc vào thẳng các trường đại học, đối tượng thứ hai thất nghiệp lang thang, rồi ra lính, nhưng phần đa sau này đều học qua đại học. Sự phân cấp đó thuộc xã hội, hay cụ thể là Ban Tuyển sinh, còn trong lớp không mảy may có sự phân loại. Về điều này tôi khảng định, vì tôi thuộc đối tượng thứ hai. Hồi còn học chia nhóm, tôi thuộc nhóm có Lê Ngọc Thư, con gái ông Trịnh Nguyên, chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, Nhóm học ngay trong nhà ông ở Dốc Bò Hòn, chân Núi Bài Thơ, ông cũng đôi lần chiêm nghiệm mấy đứa học sinh chúng tôi cãi nhau váng cả nhà, tranh nhau phần sắn luộc. Tôi và Lê Ngọc Thư vẫn giữ mối quan hệ bè bạn mấy chục năm nay, vì thế tôi biết cả những chuyện sâu kín nhất của bố con họ. Ông đã nói riêng với con gái khi đã rời chức vị Phó ban Tổ chức Chính Phủ về nghỉ tuổi già: “Con có thể mất đi bạn này bạn kia, nhưng bạn bè của lứa tuổi học sinh phổ thông trong sáng ấy thì cố mà giữ lại”. Hôm đến viếng ông ở Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, tôi thấy lòng mình se lạnh!
Điều đó có thể hiểu vì sao chúng tôi, không phải ai cũng có cuộc sống suôn sẻ từ đầu nhưng vẫn yêu Hồng Gai đến thế. Lúc còn đang học lớp 10, Nguyễn khắc Phục mới 17 tuổi, vậy mà hắn, đã đi nói chuyện thơ ở khu sơ tán Quang Hanh, mà nói hấp dẫn đến nỗi cả cái hội trường chật cứng mà ngồi im như thóc, nghe thằng mặt mũi non choẹt bình luận về thơ. Phục là một tài năng, khao khát được vào Đại học Tổng hợp văn lắm, nhưng ra trường nhờ chỗ quen biết nên mới được đi học lớp trung cấp Hàng Hải. Nhớ kỷ niệm xưa, Phục hay kể câu chuyện kiếm mẩu bánh mì từ Nguyễn Mạnh. Mạnh thuộc lớp thứ nhất, con quan, sáng đi học thường được ăn bánh mì, chiếc bánh mì ấy Mạnh thường nhét ngay vào cặp để chia cho bạn. Một hôm bà mẹ bất ngờ bắt con phải ngồi ăn hết suất trước khi ra khỏi nhà, thế là Phục đói! Nguyễn Mạnh học Đại học Giao Thông, suốt cuộc đời làm một giáo viên quèn, nhưng trên bàn hắn thấy bày la liệt các luận án từ phó tiến sĩ đến tiến sĩ, hắn viết hộ, hắn thích thú viết hộ người, nhưng không thấy viết cho mình. Trước hôm khánh thành cầu Vĩnh Tuy, thấy hắn lên ti vi khẳng định chiếc cầu này chuẩn về kỹ thuật thì tôi tin. Hắn không có hàm vị cao nhưng là chuyên gia đầu ngành của nước ta về cầu cống. Hôm họp lớp, hắn đang làm tư vấn gì đó về cầu cống ở Hải Phòng, còn lỉnh kỉnh đeo máy ảnh, ống nhòm, máy tính xách tay đến lớp. Hôm sau, mấy cụ bà bảo tôi, thằng Mạnh nó rút ví chỉ có 3,3 triệu, ủng hộ lớp 3 triệu (ai bắt nó nộp những 3 triệu?), lại rửa ảnh rửa hiếc, hay trích ra cho nó vài trăm để có tiền về Hà Nội. Tôi biết tính thằng này nên bảo, duyệt! Lớp tôi nhiều thằng quái dị lắm, Văn Ngọc, thuyền trưởng tàu viễn dương, hồi chiến tranh thì chở súng đạn, hắn thích làm ăn lớn, nhưng chưa thành đại gia, có tới hai cái biệt thự ở Đà Lạt, một cái tên là Biệt thự Xanh, một cái tên là Biệt thự Đỏ, nghe đến cách đặt tên đã thấy ngay tính cách hắn, nhưng khó quên, đến Đà Lạt hỏi dân cũ ở đây thì ai cũng biết. Hắn thích đủ thứ, trang trại, trồng hoa, chơi chứng khoán, lúc được, lúc thua. Vậy mà thằng này mắc bệnh nghiện ô tô. Mở mắt ra là đã ngồi trên ô tô, gọi điện lần nào cũng thấy bảo tao đang lái xe trên đường, ra ngoài này gặp lớp cũng phải mượn được cái ô tô để chạy ngang chạy dọc, nắng phản chiếu từ kính ô tô đốt xém cả mặt, nhưng giờ đang thấy rao bán đi một cái biệt thư rồi. Tôi hy vong thời gian tới hắn rao bán nốt cái thứ hai. Lương Duyên Nga, Trưởng phòng Khoan cơ điện Dầu khí Vũng Tàu, làm chuyên gia cả cho Tây lẫn cho ta, cả trong nước, ngoài nước, tiền tây, tiền ta bộn bề, giờ lại nghiện nuôi yến. Đụng vào chuyện nuôi yến hắn say sưa kể cả ngày, nhà hắn yến bay như ong, báo chí ca ngợi hắn như một lão nông có kinh nghiệm đầy mình về sinh sản của loài chim yến…Nhưng tất cả, không còn quỹ thời gian để bạn tôi định vị ước mơ.
Lớp tôi đa phần ra lính trước khi trở về trường đại học, đa phần vất vả trước khi có chút thành công, một số bạn đã hy sinh, có người đã mất vì bệnh tật, nên trước khi vào họp buổi đầu, chúng tôi giành một phút mặc niệm. Cái phút lặng im đó, Trần Quốc Toàn bỗng lừng lững hiện ra, nó vẫn thế, tếu táo, hay đùa dai, trêu Nguyễn Thị Hồng đến phát khóc, thế là bọn tôi ghép Toàn bún với Thị Hồng, ai ngờ người nhà Toàn lại tưởng chúng nó yêu nhau thật, hôm dỗ đầu ngày nó hy sinh, gia đình mời Hồng đến thắp hương, Hồng khóc như một đứa con của gia đình Toàn, đến nay vẫn chưa ai biết đó chỉ là chuyện đùa tếu táo. Bùi Văn Thái, người cao gầy, bọn tôi hay gọi đùa là “hươu cao cổ”. Bố Thái tên là Sơ, làm nghề lái xe khách, nên gọi là bác Tài Sơ. Khi Thái bị thày giáo gọi lên bảng, tụi tôi bảo Thái bị “sờ tai”. “Sờ tai” trả lời thày giáo nhát gừng, mắt đảo xuống dưới xem có đứa nào sờ lên tai để nhắc. Thái hay đi với Phi lùn, một thằng cao lêu đêu, một thằng lùn tịt, trông không khác cặp DonKisot và XangsaPanson, bọn tôi thích thú đi sau hò hét trêu chọc. Nhưng bạn tôi không bị chiếc cối xay gió đánh gục mà ngã xuống ở chiến trường khốc liệt Miền Nam. (từ đây đến trang đàu sửa nhiều)
    Buổi đầu tiên ngày gặp mặt, đa phần chưa nhận ra nhau, tôi cứ thấy người nào có đồ đoàn lỉnh kỉnh, mặt mũi lơ ngơ là vẫy tay. Vậy mà cũng không ít trường hợp bị nhầm, Thấy Đoàn Hữu Thanh ở bên kia đường dơ một cánh tay nhận tín hiệu, tôi chạy đến bắt tay, sở dĩ nhận ngay ra Đoàn Hữu Thanh, bởi vì trước khi đến cụ có gọi điện, bình thường không nhận ra nổi, ngày xưa Thanh gầy gò, ốm yếu, tuy là lớp trưởng nhưng cả lớp vẫn gọi là Thanh còm, trước khi nghỉ hưu làm Phó chủ tịch huyện Cát Hải, to béo phục phịch, đầu lại hói, kính trắng nghênh ngang, người đi cạnh Thanh tôi chắc là vợ lão (vì trong giấy mời chúng tôi có mời cả phu quân hoặc phu nhân), tôi bắt tay hai người, thầm nghĩ, thằng cha này làm chức to nhưng lấy vợ già, rồi cùng nhau ra quán nhập cuộc cùng mấy cụ đến trước đang ồn ã bên li cà phê. Tôi thấy có người phụ nữ xách túi lẽo đẽo đi sau từ nãy, mặt mày xinh xẻo, nhu mì, tôi hỏi thầm Thanh xem ai đấy, Thanh bảo, vợ tao chứ còn ai, tôi ngẩn người, thế còn người đi bên cạnh? Thanh bảo, đây là cái Xuân, mày không nhận ra sao. Nguyễn Thị Xuân là bí thư chi đoàn hồi lớp 10, tôi chỉ mới nghe kể, từ khi ra trường, Xuân vẫn ở Hồng Gai, nghe tin làm ở phòng Tổ chức của Mỏ Hà Lầm, cùng với Trần Đức Nhi làm trưởng phòng Cơ điện Mỏ. Hóa ra thời gian có cái khốc liệt của nó! Thày giáo duy nhất dạy lớp 10 còn ở Hồng Gai là thày Thanh Dân, tôi định đến tận nhà mời thày đến dự, thày giáo thày cũng vừa là ban tri ân của chúng tôi, mỗi khi bàn đến cốt lõi của văn học, nhưng hỏi ra mới biết thày dạy văn của chúng tôi đã mất rồi. Tôi ngửa mặt lên trời giận dữ, thời gian, thời gian tàn nhẫn, ngươi không biết độ lượng một ai!
Các cụ hỏi nhau không hết chuyện, thôi thì đủ thứ, nhà cửa, vợ con, người mất người còn, thượng vàng hạ cám. Xa nhau từ thuở còn xanh, giờ gặp lại có người đã trải qua hai đời vợ. Có cụ ông còn ôm hôn cụ bà rưng rức.
Tại buổi họp, tôi đọc báo cáo. Bản báo cáo ôn lại cả một quãng đời dài vất vưởng của lứa chúng tôi, cho dù đến nay nó chỉ còn trong hoài niệm:
 “Từ hồi lãnh đạo (tức là tôi) gặp cụ Phi với hai cái can vàng (nghi là rượu lậu), nghênh ngang từ dốc Nhà Thờ đi xuống, thấy lãnh đạo đi chiếc honda 82, cụ hỏi: “Xe của mày đấy à?” Lãnh đạo hãnh diện bảo, không của tao thì của ai, cụ Phi chẳng nói chẳng rằng cứ thế là đi thẳng. Hóa ra cái nghề giấy tờ tổ chức khi xưa khiến cụ mang tính đa nghi. Lãnh đạo vênh vang đèo Nguyễn Mạnh bằng chiếc xe máy đập hộp ấy vào tận Núi Xẻ rồi lại đèo ra, thỉnh thoảng lại rướn ga một cái, cốt để cụ Mạnh khen cho một câu, nhưng cụ chẳng nói chẳng rằng, mãi đến hôm gặp nhau ở Hà Nội cụ mới nói: “Thương cho dân Quảng Ninh chúng mình, có mỗi cái xe mà đã hí ha hí hởn”. Dân Quảng Ninh hồi ấy còn nghèo lắm. Hôm cụ Mạnh nhờ lãnh đạo trông hộ nhà để cả nhà phởn phơ đi đâu đó, lãnh đạo thấy nhà cửa không được gọn gàng, ngăn nắp, xứng danh với chức vị giáo sĩ trường đại học to nhất nhì Đông Dương, lãnh đạo mới gọi bọn chè chai lông vịt làm cho một mẻ sạch banh từ trong nhà ra ngoài sân. Tiếc thay cả cái hũ mắm thối kinh người cũng bị đổ đi bằng sạch. Hôm về, cụ ngẩn cả người, cụ bảo, cái hũ ấy ngâm da voi làm thuốc, giá tiền triệu đấy. Nhà cụ đang sống chính bằng nghề thuốc Nam không gia truyền, bệnh sỏi gan như lãnh đạo đây, bệnh viện Việt-Đức bắt lên bàn mổ ngay lập tức, vậy mà cụ chỉ cho một liều ba thang là sỏi bay sạch. Bệnh trong người lãnh đạo thì chữa được, bệnh ngoài đời  của cụ Thư thì cụ Mạnh vái chào thua. Dạo mới lên Hà Nội, lãnh đạo đánh máy tờ đơn đòi đất cho Lê Ngọc Thư, hóa ra cụ bà Lê Ngọc Thư đã kiện đông kiện tây, kiện ngang kiện dọc, đến nay đã hơn mười năm rồi mà vẫn chưa đòi được đất ở Cầu Diễn. Nhưng được cái cụ lúc nào cũng lạc quan, lúc nào cũng hy vọng, đứng ở nơi Kẻ Chợ mà còn đọc “Hàng hóa lương tâm …” thì đúng là tố chất con nhà quan. Việc này lại phải nhờ đến cụ Nguyễn Văn Xiển ở Gạch ngói Giếng Đáy giải mã hộ. Cụ Xiển có mái tóc bay bay, tinh thông sử sách, nhưng cụ không thành sử gia, đành làm anh đỡ đẻ cho những thằng con Chí Phèo sinh ra từ cái lò gạch cũ!  Đã bảo các cụ đừng nên lãng mạn quá mà phí đời, thích giàu thì đi buôn, từ hồi lãnh đạo theo cụ Vũ Đức Toán đi buôn vải ở phố Khâm Thiên, cụ Toán đi trước, lãnh đạo đi sau, cụ Toán ra giá, lãnh đạo cũng đế theo, cụ Toán bảo, mày có câm cái mồm đi không nào, lãnh đạo đành câm tịt, nên cụ Toán phất lên, lãnh đạo không phất lên nổi. Thương tình, cụ Toán giao cho lãnh đạo mang chục gói mì chính xuống Quảng Ninh bán, ai ngờ Khu Mỏ đang được nhà nước quan tâm, lương thưởng cũng được qui ra mì chính, lãnh đạo thật thà mang mì chính quay về Hà Nội, cụ Toán lắc đầu: “Mày ngu thế thì dạy đến bao giờ ”. Đi với cụ Toán, lãnh đạo phải nhận phần ngu, nhưng cụ Toán cũng không thông minh gì, Tốt nghiệp Học Viện quân sự Hunggari, cụ chẳng biết vươn lên con đường chính trị, lại thả mình ở chốn thương trường, mà thương trường Việt Nam thì không khác gì bức tranh trừu tượng của cụ Nguyễn Khắc Phục. Giờ cụ Phục chuyển nhà đi đâu cũng phải tha lôi ngần nấy bức tranh to như cái liếp chắn chuồng trâu. Tranh bầy từ tầng cao đến tầng trệt, chỉ để cụ ngắm. Nghệ thuật nó làm cụ thành cái xác ve, cụ ham mê đủ thứ, viết văn, viết kịch, làm đạo diễn, giờ lại vác thêm cây cọ vẽ người thành ma, các cơ quan đoàn thể ở nơi cụ tong teo hết cả. Cụ Văn Thành Nho thì ru  thiên hạ bằng Đất nước lời ru, lãnh đạo cũng ngủ bằng lời ru đó, nhưng giờ tỉnh lại, thao thức không ngủ được, chờ đến 14 năm nay mà cụ Nho chưa cho bài thuốc nào để chữa trị.  Lớp ta có ba cụ theo con đường văn học nghệ thuật thành danh, lại muốn xây tháp ngà nhưng còn thiếu gạch chịu lửa, như cụ Phục, cụ Nho, hay bét ra cũng như lãnh đạo đây, vậy mà các cụ bà Ngọc Thư, Vân Hải, Kim Oanh còn bảo lãnh đạo rằng, ai viết văn thì còn tin được, mày mà viết văn thì tao đi đầu xuống đất. Các cụ cứ hiểu lãnh đạo không khác gì người nâng khăn cởi áo vậy! Làm nghệ thuật khổ lắm, vậy mà lại còn nảy nòi ra cụ Hòang Ngọc, tức Nguyễn Văn Ngọc choắt, Hà Lầm, lãnh đạo động viên, thực ra là xúi bẩy, ban đầu cụ còn hăng lắm, in tới 5 cái truyện ngắn liền, sau mới thấy nhược người, thở hắt ra, nhiều lần tuyên bố không thèm theo cái trò của chúng mày nữa. Lãnh đạo lấy tiêu đề cho cuộc họp mặt này với cái tên: “Tình yêu là mãi mãi” là tên truyện ngắn đầu tay của cụ Văn Ngọc, nó bao hàm cái ý muôn đời, vâng, chỉ có tình yêu mới thành vĩnh cửu”…
Báo cáo tổng kết của tôi cứ rề rà móc nối người này sang người khác. Khi tôi đọc đến phần kết luận thì chính bản thân mình cũng “Bỗng dưng muốn khóc”
Báo cáo của tôi đọc xong, cũng gây ra một chút cảm kích, có cụ thì cười ngặt nghẽo, có cụ lâm li, vậy mà cụ Nguyễn Khắc Phục bảo đã có văn rồi (tức là cụ bảo tôi đang đọc văn), cụ chuyển sang đọc thơ cho cả lớp nghe, cụ Trần Đức Nhi thì bảo văn có rồi, thơ có rồi, cụ hát cho lớp thư giãn. Bàn đến chuyện đi Vịnh tham quan, nội dung vừa ngắm cảnh vừa trò chuyện. Nhưng cụ Đoàn Hữu Thanh lại bảo, đằng nào cũng ngắm cảnh Hạ Long, chi bằng đi tàu thẳng ra nhà cụ ở Cát Hải để vợ chồng cụ đãi rượu. Cũng là ý hay, đường ra Cát Hải, qua Vịnh Hạ Long, thế là cả lớp đồng ý.
Rồi cuối cùng lại ôn nghèo kể khổ, tuổi già hay hoài niệm, lại nhớ đến ngày xưa. Ngày xưa Hồng Gai làm công nghiệp êm đềm, không hoành tráng và dữ dội như Hạ Long bấy giờ.
Hồi đó thiếu tiền ăn học chúng tôi đi làm than,  một lần mấy thằng vác xẻng xuống tàu Nam Hải làm nghề đánh tẩy, tức là khi cần cẩu rót than xuống giữa khoang tàu, chúng tôi có nhiêm vụ san nó ra bốn góc khoang. Giữa khoang thì chóp than cao, bốn góc thì rỗng, lần ấy không hiểu mọi người hăng hái đánh tẩy quá, hay do cụ Toán tiện chân nhảy một phát xuông giữa chóp than nên cụ mất biến. Tìm hết nơi này nơi kia không thấy, tôi lo sốt vó gọi ời ời, bất ngờ thấy hai cái chân cụ thòi ra ở góc khoang, mọi người hò nhau kéo, cụ bị chìm xuống đống than, may mà góc khoang tàu còn rỗng nên hai chân cụ mới thòi ra được. Sau cuộc ấy, cụ thở không ra hơi, chẳng nói chẳng rằng, cứ thế là vác xẻng về thẳng. Tôi cũng bỏ cuộc luôn, lạch bạch chạy theo cụ để còn an ủi, cụ đi rõ nhanh, đến phố Cây Tháp, gần nhà Nguyễn Đức Phong cùng lớp, cụ mới thấy hoảng, quay lại bảo tôi: “Tao cấm mày nói với đứa nào trong lớp đấy!” Thế là tôi câm tịt, đến tận giờ mới lại nhớ ra, nhớ ra thì kể lại để mà cười. Sở dĩ chúng tôi có việc làm, đó là nhờ ông Cẩn, bố Lê Vân Hải làm giám đốc Xí nghiệp Tuyển than Hồng Gai, thấy chúng tôi cần tiền, cụ mới kiếm việc cho làm, thế nên mới có câu chuyện Lửa trung tuyến. Lửa Trung tuyến ở đây là cái bữa nắng đổ lửa xuống Xí nghiệp Tuyển Than Hồng Gai, khi lớp tôi đang lao động gây quỹ gì đó, cụ Lương Duyên Nga được bế cụ Lê Vân Hải (mơn mởn non tơ, tóc dài chấm gót), nhưng đã ngất xỉu vì nắng nóng hầm hập thải ra từ lò than luyện, cụ ông xốc cụ bà băng qua đốm lửa tưởng tượng ở bãi than, để nới lỏng lấy gió. Cảnh ấy không khác gì Lâm Tới đóng trong phim.
Lớp tôi lộc trời ban ít, vất vưởng lầm than thì nhiều, cũng có vài cụ định diễu võ dương oai thì rụng cánh. Không có đại gia, không có tội đồ, không có quan trường đáng nêu trong bảng vàng gia tộc, Nhưng có tâm, nhưng có tình, có cả tấm lòng vì nhau mà đón đợi … Và có hôm nay!
Hôm sau ra bến ở Tuần Châu để đi Cát Hải, đi trên con đường nhựa thẳng tắp ra đảo, cả lớp ồn ào, Tuần Chấu đây á? Lớp tôi, không ít người đã qua các châu lục, đến như cụ bà Kim Oanh còn mang hàng mây tre Việt Nam sang Mỹ để quảng cáo, nên mới thấy kiến trúc Tuần Châu pha trộn, Tuần Châu ngày nay như cái bến tàu dân sự có chút quy mô ở một mơi nào đó. Năm học lớp 10, chúng tôi được đi “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) nó nằm trong chương trình giáo dục của trường phổ thông, nơi ba cùng ấy là đảo Tuân Châu. Đi bằng thuyền buồm, từ Bến tàu Hồng Gai đến Tuần Châu phải mất gần bốn tiếng. Háo hức đến không ăn không ngủ chờ đến sáng để đi ra đảo. Tuần Châu dạo ấy có Xóm Nam, Xóm Bắc và Xóm Cát, có nhà nghỉ của Bác Hồ, điều ngạc nhiên hơn, hầu như nhà nào ở Xóm Nam cũng có ảnh chụp với Bác Hồ, Bác như cụ ông trong mỗi gia đình cùng quấn túm với cả đàn con cháu. Thày giáo nói, Bác Hồ bảo Tuần Châu là hòn ngọc của Vịnh Hạ Long, Tuần Châu đẹp tinh khôi, tĩnh lặng đến vô cùng, đi trên con đường quanh nhà Bác nghe tiếng lạo xạo của từng viên sỏi, con người hòa quyện với thiên nhiên, tiếng chim kêu thanh thản lạ, Tuần Châu hòa quyện nhuần nhuyễn với Hạ Long như một bức tranh thủy mạc trữ tình. Nguyễn Mạnh khoe đã đi xem hết 13 cái biệt thự ở Tuần Châu hồi đó, 12 cái đại diện cho 12 nước xã hội chủ nghĩa anh em, có kiến trúc đặc thù của từng nước, cái thứ 13 để đón khách tư bản. Trong cuộc đời công tác, tôi đã đi khắp vùng miền của nước ta, nhưng đẹp như Tuần Châu xưa thì không nơi nào có được.
Lúc xuống tàu đi Cát Hải, lênh đênh trên Vịnh Hạ Long, tôi mời từng cụ ra mạn tàu, chụp riêng mỗi người một tấm ảnh, gọi là “dung nhan” từng cụ sau 46 năm. Tàu chạy, nên cảnh chụp mỗi nơi một khác, núi non chập chờn như thả trôi trên nền nước biếc xanh dập dờn, cái cột đèn, con chim hải âu, cái gì cũng muốn ghi lại. Kinh phí các cụ ủng hộ đâm dư thừa, nên tôi quyết đinh làm mội cái phóng sự ảnh, in trên giấy ảnh có láng nến chống thấm hẳn hoi để giữ nó như một kỷ vật. Kỷ vật hằn vào đất Hạ Long không thể phai mờ.
Hôm nay, đứng trên đất Hạ Long đã đổi thay đến kinh ngạc, Trung tâm Thành phố Hạ Long không còn lò than luyện, không còn Cầu Cao đi sang Nhà máy Cơ khí Hồng Gai, không còn cầu Bạch Long vượt qua bãi than sang Núi Ba Đèo, không còn những gòong đầy than nối đuôi nhau ra Cảng, tất cả đã chuyển ra ngoài phạm vi Thành phố, Hồng Gai văn minh lên, Hồng Gai có Núi Bài Thơ/ Có hang Đầu Gỗ, có Chùa Long Tiên. Chúng tôi tự hào vì Hồng Gai đã thay da đổi thịt, đẹp hơn xưa nhiều, hiện đại hơn nhiều, và cũng không hổ thẹn với Hồng Gai khi chúng tôi là những đứa con xa nhà đang trở về nguồn cội. Nhưng vì yêu Hồng Gai nên còn nhiều điều muốn nói, kinh tế thì nhất thời, nhưng thiên nhiên ban tặng thì mới là muôn thuở, sao lại biến hòn ngọc lung linh Tuần Châu thành bán đảo hỡi ai!
          Bạn tôi, nhà văn Dương Hướng đang sống tại Hạ Long, có lẽ là người  chứng kiến ngay từ ngày đầu, khi người đầu tiên của lớp tôi, cụ Nguyễn Khắc Phục đang làm phim trên đỉnh cao nhất ở Miền Trung, đỉnh Ngọc Linh, đã xuống núi, bay ngay ra Hạ Long từ tối ngày hôm trước và ông cũng chứng kiến những người cuối cùng còn bịn rịn với Hạ Long đến tận hai ngày sau. Nhà văn Dương Hướng nói: “Có lẽ phải là những người thật hiểu biết, mới có được cuộc gặp thấu đáo này”. Nhà văn nói vậy có quá đi không? Bởi tôi nghĩ thật giản đơn, có lẽ Hạ Long đã nuôi chúng tôi thành người bằng những hòn than lấp lánh, có hồn, cái chất thợ ở Hồng Gai xa xưa ấy đã thấm đẫm vào mỗi tâm hồn trẻ thơ trong sáng nhất, vô tư và quyết liệt, của một thời, của một đời mỗi con người trước khi bước vào xã hội. Chúng tôi từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Vũng Tàu, nơi nào trên đất nước ta có mặt bạn học lớp tôi, thì ngày hôm nay đều quay về với nguồn cội. Hạ Long, dù còn khó khăn, ồn ã, trớ trêu, dù có bị cày xới nát bươm để tìm kiếm hòn than cuối cùng, thì chúng tôi cũng không bao giờ chối bỏ.             
                                                                                       Nam Ninh




Không có nhận xét nào: