8 thg 6, 2011

Nhân chuyến đi nhận thưởng tác phẩm xuất sắc về đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Bộ nông nghiệp & PTNT kết hợp với Hội nhà văn Việt Nam tổ chức tại Trung Tâm nghệ thuật Âu Cơ Hà Nội. Trước sự quan tâm đặc biệt của báo chí và độc giả, về vai trò lớn lao của các nhà tiểu thuyết trước hiện trạng nông thôn ngày nay. Tôi trân trọng giới thiệu với bạn đọc một vài cảm nhận về cái nghiệp văn của mình với làng quê, nơi tôi sinh ra…

Những nhân vật ngoài đời đi vào tiểu thuyết
Dương Hướng

Tiểu thuyết đối với tôi là niềm đam mê suốt đời. Thời còn là học trò mê mải đọc tuốt tuột tất cả các loại sách đông tây kim cổ mình kiếm được. Từ tác phẩm nhà thờ Đức Bà pari, Những người khốn khổ của Victor Hugo; Đonki HoTe của Miguel de Cervantes Saavedra đến Tam Quốc, Thuỷ Hử, Đông Chu Liệt Quốc, Tây Du Kí của các nhà văn Trung Quốc. Lớn lên nghiền đọc Đất vỡ hoang của Mi Khail Sôlôkhốp, Anna Carenina của Lev tolxtoi. Thậm chí còn lén đọc cả “sách cấm” và mơ sẽ viết văn. (chỉ mơ chứ không tin mình thành nhà văn) Bây giờ nghĩ lại thây nực cười. Có phóng viên hỏi tôi về kinh nghiệm viết tiểu thuyết của mình?...ba cuốn tiểu thuyết cùng đề cập tới nông thôn, cuốn nào thích nhất…?
     Tới lúc này tôi thành thật thú nhận mình thực sự chẳng rút ra được một quy luật nào chung cho cả ba cuốn tiểu thuyết của mình- (từ Bến Không chồng, Trần gian người đời đến Dưới chín tầng trời). Nói dông dài hình tượng một chút, mỗi lần bắt tay vào viết một tác phẩm mới, tôi đều có cảm giác háo hức như mình đang đứng trước khu rừng lạ, ngon núi lạ, dòng sông lạ cần được khám phá, chinh phục. Phải biết tường tận khu rừng đó có gì để “lựa cơm gắp mắm” khai thác? Nó la Gỗ quý lim gụ sến táu hay toàn lau sậy cỏ rác, dây leo. Quan trọng hơn nữa, anh đã săn bắt được gì trong khu rừng đó? Chim muông, hổ báo, lợn rừng, hay chỉ tóm được vài con chim sẻ. Nếu anh quyết khám phá dòng sông thì anh phải biết rõ nó sâu nông, hiền dữ ra sao, cá tôm nhiều ít. Khi leo núi, anh phải biết rõ ngọn núi kia cao thấp đến đâu.
    Xưa nay có rất nhiều người định nghĩa về tiểu thuyết- mỗi người có một cách nói khác nhau- tôi thấy tất cả các “nhà” đều đúng, bởi  mỗi người đều có góc nhìn riêng của mình. Tiểu thuyết nó mênh mông là thế. Nó chính là “cỗ máy cái của văn học” nhưng với tôi, là người sáng tác không mấy chú ý đến chuyện này, chỉ tâm niệm viết thế nào cho hay, mình thích chắc độc giả sẽ hài lòng. Kinh nghiệm cho thấy, mỗi một tác phẩm viết xong, để lâu lâu đọc lại, những chương nào, đoạn nào hay, thường là chương ấy, đoạn ấy mình thuộc, khi viết lại rất “chạy” (nhanh). Đôi lúc ta quá cường điệu “quan trọng hoá” khi bắt tay vào sáng tác một tác phẩm.
    Tôi có được cuốn tiểu thuyết đầu tay “Bến không chồng” lý do rất đơn giản, chỉ từ một chuyến về quê thấy cảnh làng quê mình, từ ruộng đồng, dòng sông, bến nước, bạn bè người thân đều khác đi quá nhiều. (Điều này chỉ những người xa quê lâu ngày mới nhận ra) Con người đều cũ kỹ, già đi, dòng sông bến nước đều nhỏ lại- nhưng tất cả mọi hình ảnh xóm làng, người thân đều lung linh, sống động trước mắt mình. Nó vừa lắng sâu, vừa dữ dội, vừa vui vừa buồn, vừa đau đớn uất giận lại vừa thương cảm xót sa. Khi tôi xây dựng nhân vật lão Vạn, chính là ông chú họ tôi. Ông là hình tượng người hùng trong suốt cuộc đời thơ ấu của tôi. Từ nhân vật Hạnh, Dâu, Thắm đều là bạn bè trang lứa thuở chăn trâu cắt cỏ cắp sách đến trường. Có lúc yêu thầm nhớ trộm mà chả dám động đến bàn tay nhau. Rồi cái bất ngờ chiến tranh ập đến, tôi phải ra đi, khi hoà bình trở về, tất cả trở nên khác biệt. Khác biệt lớn nhất mà chỉ người cầm bút mới dễ nhận ra đó là sự tàn phá của chiến tranh, nó giam cầm, nó huỷ hoại tuổi xuân của con người, cụ thể là huỷ hoại những người con gái quê tôi- họ không chồng hoặc có chồng cũng như không. Khi tôi ra đi họ còn là những cô gái mười sáu đôi mươi, non tơ, khi tôi về nom họ già sụ, đen nhẻm. Làng quê thì xao xác do đời sống khó khăn, những vết thương của bom đạn đã khoét sâu vào vết thương lòng, nảy sinh mâu thuẫn. Những mâu thuẫn, xung đột ấy lại xuất phát không phải ở cái ác, cái xấu mà ở ngay chính những con người chân chất, tốt bụng. Và có lẽ điều quan trọng hơn cả, anh nhìn họ có thiện cảm hay không. Yêu ghét đến đâu. Nhân chuyện này tôi xin hé lộ chút chuyện riêng của mình. Tôi phải trốn nhà ra đi năm mới mười bảy tuổi, thế mà đã biết yêu đơn phương một cô gái. (yêu ngô nghê kiểu học trò) Chả biết người ta yêu mình đến đâu, nhưng mình thì yêu khổ yêu sở, nhưng khi giáp mặt chả nói được lời nào. Bữa ra đi mới tiếc ngẩn tiếc ngơ. Điều đáng nói là ngày tôi về, nàng đã đi lấy chồng nơi khác. Tôi tiếc nuối mang theo hình bóng nàng vào trong tác phẩm của mình. Cho dù tôi có đổi tên, đọc tôi nàng vẫn nhận ra tôi đã viết về nàng. Bữa tôi về quê xây mộ tổ, nàng đang cấy dưới ruộng, vừa nhận ra tôi, nàng hớt hải chạy tới không chút ngại ngần. Nàng bảo “Ngày xưa cậu yêu tớ thật sao? Thế mà tớ chả biết đếch gì. Tớ mà biết sẽ quyết đợi cậu đến ngày này có khi đời hoá hay. Số tớ rõ chán mớ đời mới lấy phải cái thằng vũ phu ấy. Nó đọc truyện của cậu cũng nhận ra đấy. Nó nổi cơn ghen uỵch tớ một trận, tớ liền khăn gói về làng đi cấy cho bu. Lần này thì tớ quyết bỏ nó cho sướng cái thân. Ở với loại đàn ông ấy khổ một đời.” Nói xong, nàng lại tất tả lội xuống ruộng cấy. Tôi bàng hoàng, tới bây giờ nghĩ lại vẫn còn băn khoăn về nghề viết, mỗi khi cầm bút chạm vào những chi tiết có thực trong đời sống, viết không khéo dể xảy ra chuyện mình không lường tới. Những người mới cầm bút quá say mê (non tay) thường hay lệ thuộc vào những chi tiết có thật kiểu này. Với tôi trong tiểu thuyết “Bến không chồng” cũng để xảy ra chuyện tương tự (chuyện này tôi đã nói vài lần khi báo chí phỏng vấn) trong tiểu thuyết ‘Bến không chồng tôi lấy tên một nhân vật có thật, ông tên là Đột, làm chủ tịch xã trong thời cải cách không biết chữ cầm ngược tờ đơn của một lão nông xin bán trâu đọc. Khi xuất bản lần đầu tôi háo hức mang sách về tặng Đảng uỷ xã vào đúng ngày đảng bộ Đại hội. Đến tối đang ăn cơm đã nghe tiếng bà vợ ông Đột oang oang ngoài ngõ: “Thằng Hướng đã viết sách nói xấu gì lão Đột nhà tao đấy hả! Suốt ngày nay người ta kháo nhau ngoài Uỷ ban…” Tôi phải vội chạy tới vui vẻ tiếp đón phân trần với bà vợ ông Đột “Từ xưa tới nay bà biết đấy, cháu luôn là người yêu quý kính trọng ông bà. Cháu phê phán là phê cái hạn chế, ấu trĩ của chính quyền xã thời ấy chứ đâu nói xấu gì cá nhân ông Đột. Cái thời ấy nó khốn khổ thế nào bà biết rồi còn mắng cháu…” Tôi phải khéo léo giải thích chân tình, bà vợ lão Đột mới nghe ra. Tối ấy bà Đột còn hào hứng kể về cái thời lão Đột làm chủ tịch xã. Quả là lão làm chủ tịch chưa đầy một tháng mà có biết bao chuyện để kể. Tôi còn vui vẻ thành thật thú tội đã có lần đi tắm trên sông Đình, tôi còn quậy phá lặn vào giữa vó lão Đột giả làm cá quẫy để trêu lão. Sau này tiểu thuyết Bến không chồng dựng thành phim, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã đổi tên nhân vật “Đột” thành “Đạt”, nhưng dân làng Đông quê tôi xem phim vẫn cứ bảo đấy là lão chủ tịch Đột xã mình. Ngỡ chuyện ông Đột chỉ có thế, ai ngờ sau này con trai ông Đột lại căn cứ vào một chi tiết trong tiểu thuyết “Bến không chồng” có chi tiết “Ông Đột làm chủ tịch xã” kiện chính quyền xã tắc trách quên béng không mời ông Đột đi dự ngày hội đón danh hiệu xã anh hùng. Ngày hội đón danh hiệu anh hùng hôm ấy, xã có mời tôi về dự, người con trai ông Đột gặp tôi, anh ta thành thật một câu khiến tôi bàng hoàng: “Bác thấy bố em đường đường là một chủ tịch tiền bối của xã này, được bác viết cả vào sách, cả làng cả nước biết, vậy mà xã không thèm mời bố em hôm nay. Lẽ ra bố em phải được ngồi vào hàng ghế danh dự trên khán đài kia mới phải.”
        Những chuyện về làng quê với tôi viết mãi vẫn không hết. Tôi nghĩ người cầm bút luôn phải nhìn ra “cái tình” sâu kín đối với nhân vật của mình. Kể cả những nhân vật phản diện trong các tác phẩm của tôi như lão Xung trong Bến không chồng, lão Kình, Ngô Quất trong “Trần gian người đời” hay Trần Tăng trong “Dưới chín tầng trời” đều rất “tình”. Là người cầm bút, với tôi luôn quan niệm một tác phẩm văn học dứt khoát phải mang hơi thở chân thực của thời đại. Các nhân vật từ ông tướng đến thằng chăn vịt, người ăn mày, đến ông thủ tướng đều phải chịu chi phối bởi mọi biến động của xã hội, mọi thay đổi của thời cuộc. Tới giờ phút này tất cả các tác phẩm của tôi đã ra mắt công chúng, được dư luận phán xét, giới phê bình phân tích và tôi đã đọc tới năm cái luận văn tốt nghiệp của các sinh viên khoa văn, học viên cao học, tiến sỹ văn học viết về tác phẩm Bến không chồng, Trần gian người đời, Dưới chín tầng trời, tôi mới sáng ra mọi lẽ về lý luận, về học thuật.... Thực tình, người sáng tác như tôi khi viết hoàn toàn “vô tư” Nếu cứ chăm chú vào quan điểm lập trường giai cấp, quá đắn đo suy xét nọ kia có khi lại chả viết được. Nhiều phóng viên báo hỏi tôi nhà văn còn tiếp tục viết về nông thôn, người lính? Tôi bảo trời còn cho sức khoẻ tôi vẫn viết về cái làng Đông quê tôi, về những đồng đội tôi đã công hiến tuổi xuân cho mảnh đất này. Trong ba cuốn tiểu thuyết, tôi viết địa danh làng Đông, làng Đoài, làng Nguyệt Hạ, tất cả đều chỉ là làng Đông quê tôi. Tất nhiên mỗi tác phẩm hướng tới một chủ đề khác nhau. “Bến không chồng” nói về một thế hệ phụ nữ thời đánh Mỹ không chồng hoặc có chồng cũng như không. “Trần gian người đời” nói tới lỗi lầm, hạn chế của quá khứ đã phá vỡ đi cái nền móng gốc rễ cội nguồn của văn hoá làng xã do nhân dân bồi đắp tạo dựng từ ngàn đời mới có được. Thật vô lý, khi làng quê đang yên bình, ngày đêm vi vút tiếng sáo diều, ấy vậy mà khi quyền lực vào tay kẻ lãnh đạo văn hoá mà lại vô học, lập tức bị phá tan tành. Tiểu thuyết “Dưới chín tầng trời” đã gói trọn hiện thực xã hội Việt Nam trong suốt chặng đường nửa thế kỷ đánh Pháp, đánh Mỹ và thời kỳ đất nước mở cửa hội nhập với thế giới. Nhiều bạn hỏi có làm đề cương? Với tôi, đề cương chỉ để đi trại sáng tác của hội, xin tiền đầu tư. Thực ra tất cả những gì định viết, mình phải thuộc trong đầu, còn khi viết, nhân vật nó dẫn dụ mình đi đâu mình tỉnh táo theo nó để khám phá mới hy vọng có được những ngõ ngách bí mật, hấp dẫn, miễn đầu óc phải minh mẫn, và cái tâm phải sáng, đừng để nhân vật nó mê hoặc đi lạc đường. Viết tiểu thuyết cũng giống vị tướng cầm quân xuất trận. Tướng tài là người tung quân ra trận phải biết đường đi nước bước thu quân về an toàn. Tiểu thuyết Dưới chín tầng trời có tới trăm nhân vật chính phụ, đều xuất phát từ một làng quê. Các nhân vật phải toả đi muôn nơi sao cho hợp lý, tự nhiên. Đó là cái “thế” (mở rộng không gian, thời gian) của tiểu thuyết để bao quát được hết mọi sự kiện của thời đại. Các nhân vât bám sát vào thời cuộc: Kẻ ra chiến trường thành tướng, kẻ lên quan tỉnh, kẻ đi cầu bơ cầu bất lại gặp may thành tỷ phú, kẻ sa cơ lỡ vận ra biên giới làm điếm. Tiểu thuyết dạng này có thành công, điều quan trọng nhất phải có cái kết cấu (bố cục) chặt. Tất cả các nhân vật tung ra, phải có cách nào thu gom về một cách hợp lý, không được gò ép. Một tác phẩm hay còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tài năng đã đành nhưng thời vận không tới cũng chẳng thành. Thời thế tạo anh hùng là thế. Khi viết tới phần kết của cuốn tiểu thuyết “Dưới chín tầng trời” tôi bế tắc, không có cách gì “gom” (thu quân) được các nhân vật của mình đang tung hoành khắp nơi, từ Nam tới Bắc. Có nhân vật còn sang cả nước Mỹ. Đang hoang mang chưa có cách nào mở lối, bỗng nhiên tôi nhận được giấy mời về dự ngày hội đón danh hiệu anh hùng của xã. Thật là may mắn như thể trời giúp, sau cái ngày hội đón danh hiệu anh hùng của xã, tôi nhanh chóng viết xong phần kết của tác phẩm. Ngày hội đón danh hiệu anh húng của xã thật sinh động, có mặt tất cả các nhân vật của làng xã từ khắp miền đất nước về dự. Tôi sung sướng nhận ra phần hồn cốt, tầm tư tưởng của tác phẩm thể hiện rõ nét qua các gương mặt về dự hội. Tôi quan sát họ- những “nhân vật” của tôi trong tác phẩm hiện rõ trước mắt mình. Từ Trần Tăng, nhân vật quan chức đang ngồi kiêu hãnh với người tình (chủ tịch Tuyết) trên kỳ đài; Tỷ phú Đào Kinh sang trọng tuyên bố ủng hộ ngày hội với số tiền lớn khiến dân làng đoài kinh hãi. Kẻ phản bội tổ quốc từ Mỹ trở về xin xây trường học cho con em làng Đoài, xin xây chùa chỉ vì đền chùa bị Trần Tăng phá trụi hồi cải cách. Cái Muôi, cái Muỗng con bà Cháo sa cơ phải đi làm đĩ giờ trở thành nhà doanh nghiệp có tài, có tiền ủng hộ ngày hội. Còn chủ tịch Đột tiền bối của xã lại bị cánh cán bộ trẻ bây giờ quên béng không mời đi dự ngày hội đón danh hiệu anh hùng. Tất cả mọi gương mặt trẻ già trai gái trong làng xã, cả xưa và nay, cứ sống động mãi trong tôi cả ngoài đời lẫn trong tiểu thuyết của mình.

Hạ Long 4/6/2011

Không có nhận xét nào: