26 thg 11, 2010

CHÁO Ơ...

CHÁO Ơ…
Truyện ngắn Dương Hướng

 Cháo ơ…! Tiếng rao lắng nghẹn lòng người mỗi sáng sớm nghe lúc xa lúc gần.
    Mấy năm nay trên con đường vành đai giáp ranh giữa hai khu dân cư cũ và khu đô thị mới, người dân quá quen với hình dáng tất bật, tiếng rao cháo ơ… của người bán cháo rong. Tiếng rao “cháo ơ..” luôn song hành với dáng liêu xiêu tất tả đôi quang gánh long tong trên vai, bên nồi cháo, bên cái thúng đựng hầm bà làng những thứ bà bán cháo mua giùm ai đó dặn từ sáng hôm trước. Người nắm chè tươi, mớ rau quả trứng, kẻ dăm lít rượu trắng. Bà bảo để cho “gánh” nó “cân” với nồi cháo của bà. ‘Chồng đánh không bằng gánh mênh” Những bữa không có ai dặn mua gì bà lại phải gánh lệch khi nồi cháo còn đầy. Khổ hơn nữa những buổi trời mưa giông, hoặc mùa đông mưa phùn gió bấc lạnh thấu xường.
 Nhịp sống trong khu đô thị mới diễn ra trước mắt bà bán cháo mỗi ngày một sôi động. Nhất là dịp xuân về, năm hết tết đến nhà nhà đua nhau sắm tết. Khu đô thị mới mỗi năm có tới vài chục lô đất mọc lên những ngôi nhà cao tầng lộng lẫy sắc mầu. Khu dân cũ nom mỗi ngày một nhom nhem lùn tịt xuống. Nhà nào khá giả hơn thì cố tân trang tu sửa cảnh quan nhà mình để đón mừng xuân mới. Người háo hức may sắm áo quần cho mẹ già con trẻ. Riêng bà bán cháo rong thì không có nhu cầu mua sắm gì nhiều, nhưng bà lại tường tận sự đổi thay hàng ngày của mọi nhà. Như nhà ông giám đốc xây dựng, tết năm ngoái khánh thành ngôi biệt thự  mua cả xe ô tô cây cảnh và hoa tươi về đón tết. Còn “người ấy” bạn bà làm nghề bơm vá sửa chữa xe đạp thì quanh năm hì hụi lo kiếm sống, nhưng đêm giao thừa năm nào cũng quân phục chỉnh tề rung rinh huân chương trên ngực đi chúc tết mọi nhà. Sang năm nay “người ấy” còn hăng hái giúp bà kê khai thành tích để nhà nước tặng thưởng huân chương chống Mỹ cho bà. Người ấy bảo bà xứng đáng được huân chương. Có người lại mỉa mai bảo già rồi còn huân chương mà làm gì, để rồi đem ra “Đèo Sen” (*1) mà treo á. Người ấy lại lên lớp lý luận với bà “ Còn sống một ngày cũng cần trọng cái danh.” Vậy là bà nghe lời người ây khuyên. Bà đã làm hồ sơ kê khai thành tích gửi lên tỉnh. Chả cần thịt cá nhiều, tết năm nay bà sẽ có món quà tinh thần là cái huân chương chống Mỹ để mà ăn mừng xuân mới. Ông nhà bà đã cho quét sơn lại gian nhà cho đẹp để còn treo cái huân chương cho oách để con cái nó mừng. Nếu tết này có cái huân chương treo trong nhà bà cũng thấy vẻ vang tự hào với xóm láng. Vậy là nhà nước đã chính thức công nhận công lao cả thời con gái trong chiến trường miền Nam của bà.
        Cháo ơ…bà bán cháo vừa rao vừa khấp khởi bước tới gian quán sửa xe của “người ấy”. Người ấy đang loay hoay với chiếc xe đạp ngẩng lên hỏi bà đã có tin tức gì về cái huân chương chưa.. Bà bảo chưa thấy người ta nói gì. Vài bữa nữa tôi sẽ lên tỉnh hỏi xem sao. Tết nhất đến nơi rôi. Bà nói và tấp tểnh bước đi với nồi cháo vẫn còn ủ nóng rẫy một bên gánh. Cháo ơ…Tiêng rao cháo ơ… lại vang lên trên con phố giáp ranh giữa hai khu dân cư mới và cũ. Trước kia cái xóm ven vịnh này của bà đa phần là dân ngèo nhà tranh vách lá. Người làm thợ mỏ, kẻ giăng câu chài lưới. Trước nhà bà là cả một rừng sú vẹt. Ngày còn nhỏ vào những giờ nước triều xuống thấp, bà thường lần mò ra bãi bắt sò câu cáy.  Bây giờ cả bái sú vẹt xưa đã trở thành khu đô thị hiện đại. Những ngôi biệt thự sang trọng, những dãy nhà cao ngất tầng trời đua nhau khoe sắc. Bãi tắm, công viên xanh, nhà hàng khách sạn, sàn nhảy, biển quảng cáo đêm đêm đèn mầu chớp nháy sáng rực cả khoảng trời đô thị. Cây cầu bê tông dây văng hiện đại nhất Đông Nam Á lồng lộng cả khoảng trời vắt ngang eo vinh đã khiến cho hàng chục con phà anh hùng thời chống Mỹ phải “Về vườn” nằm phơi khô trên bãi hoen rỉ. Cả cái “người ấy” của bà cũng phải về hưu sớm vài ba năm lĩnh tiền “một cục” theo chế độ chính sách. Trong tâm tưởng bà gọi “người ấy” bới người ấy không là gì của bà- không phải chồng, không phải người yêu, không phải bạn bè, cũng không họ hàng thân thích. “Người ấy” chỉ vương vào bà như cơn gió ấm lúc trời đông lạnh giá cô đơn thời chiến tranh. Bà đã tự nguyện dâng hiến cho người ấy cái cao quý nhất đời con gái cảu minh. Cho mà không đòi hỏi, không hy vọng, không cầu xin, không cầu lợi bất kỳ điều gì ở người ấy. Nói thể chả phải bà coi rẻ cái trinh tiết thời con gái của bà. Cái thời chiến tranh mọi suy nghĩ nó khác bây giờ. Con gái bây giờ mới lớn đã lo trang điểm phấn son kẻ mày tô môi đánh móng chân tay xanh xanh đổ đỏ. Đến tuổi lấy chồng phải dày công tính toán thiệt hơn mai phục được thằng nào đẹp trai con nhà giàu mới sướng đời con gái. Cái thời con gái mười tám đôi mươi của bà chỉ say sưa đoàn đội phơi phới hát hò tưng tưng vô lo. Bà xuất thân là gái nông nghiệp theo cha mẹ ra vùng mỏ nên chỉ say sưa với những bài hát “Quảng Bình quê ta” hay bài “Đường cày đảm đang” nghe nó rộn ràng náo nức. “Từ ngày anh đi việc đồng em giỏi giang/ ruộng cấy chăng dây/ cây lúa thẳng hàng / đào đắp mương dẫn nước quanh làng/ tiếng hát ba đảm đang…” Có lẽ cái bản tính vô tư trong sáng vượt trội ở thời con gái đã khiến bà tình nguyện theo đoàn quân vào chiến trường miền Nam không quản thân gái dặm trường. Bà là nữ y tá duy nhất trong đội phẫu tiền phương cắm sâu dưới vùng giáp ranh. Có lần bà được giao nhiệm vụ đi mua thuốc gặp càn bị mắc kẹt dưới vùng địch không về được. Trong hoàn cảnh giữa sự sống cái chêt cận kề, bà phải đóng vai “vợ chồng” với người con trai cùng cảnh ngộ ở đơn vị khác để che mắt địch. Suốt trong bảy ngày đóng giả vợ chồng dưới vùng địch cuối cùng bà đã tự nguyện hiến dâng đời con gái cho “người ấy” để đổi lấy sự an toàn tính mạng. Chuyến ấy bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mang được thuốc về cho đội phẫu có thuốc phục vụ bộ đội. Còn chuyện ấy với “người ấy” bà đã phải giấu kín trong lòng. Bà đã âm thầm hy sinh trinh tiết đời con gái của mình. Chiến tranh trôi qua cũng nhanh. Đời con gái của bà trôi qua cũng nhanh. Cái chuyện bí mật với người ấy bà coi như chuyện qua đường. Không yêu, không bạn, không thân thiện. Chỉ là chuyện bất đắc dĩ mà sao cứ bám riết lấy bà cả khi bà đã trở về quê hương làm bạn với sú vẹt câu cáy bắt sò nơi xóm bãi. Kể cả khi bà lấy chồng sinh con. Rồi đến một ngày “người ấy” bất ngờ xuất hiện trước mặt bà. Bà ngỡ ngàng không nhận ra người đàn ông quân phục chỉnh tề vai đeo sắc cốt ra dáng sỹ quan quân đội. Giữa con đường đèo dốc vắng xuống bến phà, bước chân bà bối rối. Một loạt câu hỏi vang lên của người ấy: “Tại sao em trốn tránh tôi? Bao năm qua tôi tìm kiếm em khắp nơi…” Bà bất ngờ ví những câu hỏi của người ấy. Bà không nghĩ người ấy lại đi tìm bà. Nhưng bây giờ đã quá muộn rồi. Bà đã có chồng. Thế thôi. Gái đã có chồng. Chấm hết. Người ấy chỉ dám cầm tay bà luyến tiếc. Tiếc cho thiên tình sử thời chiến tranh giữa bà và người ấy. Gia sử sau lần ấy, người ấy gặp lại bà???... Ôi biêt sao được. Chiến tranh khác thời bình là thế. Mọi chuyện chẳng nói trước được gì. Chẳng thề bồi. Chẳng hứa hẹn. Giờ nói lại thêm buồn. Bà đã có chồng. Thế thôi. Gia đình nhà chồng dù nghèo khó, bà vẫn vui. Thời gian trôi qua đã mấy chục năm, hình bóng người ấy thi thoảng vẫn hiện lên trong tâm trí bà. Bà biết rõ người ấy bây giờ đã lĩnh tiền “một cục” theo chế độ hưu non. Bà không ngờ thời thế vô tình hay người ấy cố ý về mở hiệu bơm vá sửa chữa xe đạp ngay nơi bà đang sống. Ngay trên con đường ngáy ngày bà vẫn đi bán cháo rong. Người ấy bảo đến đây dễ kiếm sống hơn ở quê. Thấm thoắt đã mấy chục năm. Đã tưởng chẳng còn gì ngoài cái kỷ niệm duy nhất chỉ có bà và người ấy biết. Đã tưởng chuyện ấy nó chỉ thoáng qua trong tình cảnh bắt buộc của chiến tranh. Ai mà ngờ người ấy lại giấu mãi trong lòng thầm yêu trộm nhớ, bỏ cả vợ con đi tìm bà suốt cuộc đời. Để đến nỗi bây giờ người ấy phải sống thân một mình trong gian quán tạm bợ ngày ngày bơm vá sửa chữa xe đạp. Chả biết có phải chỉ vì miếng cơm manh áo hay vì bà mà người ấy tới đây. Bao lần bà khuyên ông nên về với vợ con mà sống nhưng ông đều lặng thinh. Và bây giờ ông ta còn ra tay giúp bà viết thành tích để lĩnh huân chương nữa.  Cháo ơ…Tiếng rao của bà vẫn đều đều vang lên mỗi sáng sớm trên con đường bao quanh khu đô thi mới.
      Cháo ơ… Nay đã sang tháng chạp. Nhà hàng Biển Đông đã bày bán hàng tết. Khách sạn Sao Mai bữa qua mua đâu được cây đào vĩ đại rợp kín gian sảnh. Những nụ đào tím non tơ. Cháo ơ…! Có tiếng gọi bên nhà hàng mát- sa Hàng Châu. U cháo ơ… cho con một bát. Lại con Lan Cần Thơ bắt chước con gái miền Bắc gọi bà là u. Khổ thân con bé mới mười bảy tuổi  đã phải đi làm cái nghề xoa bóp cho những kẻ thừa mỡ. Nó bảo đi làm nghề này mới có tiền về chữa cho mẹ bị bệnh nặng phải nằm liệt giường mấy năm nay. Ngày đầu ra đất này, để có tiền, con bé đã phải bán trinh lấy 10 triệu gửi về cho mẹ. Để rồi sau đó phải lén lút đi hút thai. Đận ấy nó phải nhờ bà mua trứng gà nấu cháo bồi dưỡng giấu nhà chủ sợ phải đuổi việc. Bữa nay mày lại ăn cháo ư? Bà lo lắng. Không! Con sắp về quê, má con …không chắc qua khỏi. Không biết ra giêng con còn ra lại đây không. Con mừng tuổi trước cho U vài đồng lỡ qua tết con không ra lại. Con Lan Cần Thơ rơm rớm nước mắt dúi vào tay bà tờ một trăm ngàn mới cứng rồi bỏ chạy. Bà run run cầm tờ một trăm ngàn công sức của con Lan. Bà rờ rẫm nhẩm đếm lại từng tờ tiền lẻ hai ngàn, năm ngàn, mười ngán tiền bán cháo từ sáng. Từ sáng bà đã bán cho cô Son, bà Đán, cháu Kim… Cả thảy được sáu lăm ngàn, cộng với tờ một trăm ngàn con Lan cho là một trăm sáu mươi lăm ngàn đồng. Vậy là số tiền con Lan cho bà còn nhiều hơn tiền bán cháo từ sáng đến giờ. Cháo ơ…Tiếng rao nghẹn lại. Bà cất gánh cháo lên vai. Bà lại đi ngang qua cửa hiệu người ấy để báo cho người ấy cái tin quan trọng. Bà chưa kịp nói gì người ấy đã hỏi :
-         Tết đến nơi rồi, bà đã nhận được tin gì chưa? Bà líu nhíu bảo.
-         Chiều qua em đi chợ mua xương để ninh cháo, vừa về đến nhà thì nhận được điện người ta bảo sáng mai đi mà nhận huân chương về ăn tết cho ngon.
-         Vậy là tốt rồi. Người ấy cười rạng rỡ với bà.
-          Em còn hỏi kỹ có phải thủ tục gì nữa không. Họ ngập ngừng một lát rồi bảo cứ nộp hai trăm ngàn là được. Bà háo hức khoe với người ấy.
-         Bậy nào! Người ấy gắt lên với bà. Lại phải hai trăm ngàn gì nữa. Lẽ ra nhà nước, chính quyền còn phải tổ chức long trọng trao tận tay cho bà đàng hoàng ấy chứ. Thế này hoá ra cái danh dự của bà phải đi mua bằng tiền à. Huân chương gì lại rẻ rúm vậy. Đây là công sức cả đời bà.
-         Tôi biết đâu đáy, bà thanh minh, họ bảo mọi người đều thế cả. Cái cô gọi điện cho tôi còn bảo đây là công cô ấy đi lại xin chữ ký, chứng nhận đóng dấu vất vả lắm. Thôi thì hai trăm ngàn mấy buổi bán cháo của tôi là đủ.
-          Láo nào! Rõ ngược đời, mình có công đổ mồ hôi xương máu ngoài chiến trường suýt bỏ cả mạng không thèm kêu ca vất vả thì thôi, cán bộ bây giờ ăn lương nhà nước ngồi  trong phòng lạnh chỉ việc ký đóng dấu lại kêu vất vả. Để tôi đi với bà trị cho chúng nó một trận.
-         Thôi tôi xin ông. Ông làm thế họ giận lại huỷ cái huân chương của tôi đi thì tết này biết ăn nói với ông nhà tôi và cac con ra sao. Biết tôi sắp được huân chương, ông nhà tôi đã lo sửa sang sơn lại gian nhà đón huân chương của tôi về treo tết rồi đấy. Chuyện này ông cứ để tôi lo. Bà bán cháo hốt hoảng bỏ đi để mặc người ấy đứng mãi nhìn theo bóng bà xa dần. Cháo ơ…Tiếng rao cháo ơ lại vang lên trên con phố chạy giữa khu dân cư cũ và khu đô thị mới. Lúc này nồi cháo đã vơi một nửa nên bà thấy đỡ lệch. Mai bà sẽ chuẩn bị đủ hai trăm ngàn để đi lĩnh cái huân chương về ăn tết. Lúc này cả tiền con Lan cho, bà đã có trong tay một trăm sáu lăm ngàn đồng. Cháo ơ…bà thấy lòng nao nao khấp khởi ngẩng lên nhìn trời.  Cây cầu bê tông dây văng bắc qua đôi bờ vịnh lồng lộng giữa trời, vàng rực trong nắng  xuân.

Không có nhận xét nào: