28 thg 1, 2011

ĐÃ MẤT MỘT NGƯỜI TỬ TẾ HOÀNG NGỌC HIẾN

NGUYỄN THỊ MINH THÁI


Một: Ứng xử tử tế với văn chương…
Ông cũng là một người đàn ông giản dị đến không thể giản dị hơn của đời thường, là ông chồng luôn bị vợ cằn nhằn trách cứ với đầy yêu thương theo cách riêng của vợ ông - bà Tố Nga. Cũng chính ông, cả đời là ông bố quý hoá bậc nhất dễ chịu của hai cô con gái rượu Tố Hoa - Tố Mai, luôn gọi bố là “ông Hiến” với tình yêu dân chủ và sự hài hước trẻ trung mà ông vẫn cho rằng cần phải có ở đời để “luôn giã từ quá khứ một cách vui vẻ” như K.Marx từng nói.
 Và ông là ông Hiến, là người lập ngôn rực rỡ với cách diễn đạt linh hoạt, chặt chẽ, sáng sủa, thông minh không ai sánh kịp, khi đăng đàn thuyết giảng trước đám đông bạn nghề và học trò, với một tư duy luôn phát sáng bất ngờ, bởi vốn nó đã hàm chứa phẩm chất sáng tạo cao nhất, theo định nghĩa thâm trầm của ông: Phẩm chất của tư duy lý thuyết.


Và ông, cũng là một trong những nghiên cứu sinh thế hệ vàng của Việt Nam, ngay từ những năm 50 của thế kỷ XX, được cử sang du học ở trường ĐH danh tiếng thế giới Lomonoxov ở Mátxcơva, đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ văn chương về thi sĩ vĩ đại của nước Nga Xôviết Maiacovxki, xứng đáng được giới nghiên cứu của cả Nga Xôviết lẫn Việt Nam đánh giá rất cao và phong tặng danh hiệu: Nhà Maiacovxki học ở Việt Nam...


Dường như cả đời ông là cuộc chạy đua ráo riết. Lúc nào ông cũng vội vã. Lúc nào cũng thấy thiếu thời gian cho nội tâm suy luận ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm không ngừng về văn chương và về những người viết văn. Chính vì thế, ông đã không ngừng phát sáng cả trong nghiên cứu khoa học lẫn trong “cõi người ta” thường nhật, với những cử chỉ cứu giúp những người thế hệ sau ông, khi họ lâm nạn, với tinh thần nhà Phật có lẽ luôn đậm đà trong sâu thẳm lòng ông: Cứu một người phúc đẳng hà sa...


Và phải chăng, ông cũng góp phần phát ngôn rất bộc trực, khỏe mạnh, đầy tinh thần triết học, mong cứu chuộc nền văn chương hiện đại Việt thoát hiểm, khi có lúc (hay nhiều lúc) nhìn nghiêng hiện thực, theo một lối “phải đạo” mà ông thấy thật không ổn trong quá trình hiện đại hoá và nhất thiết cần phải đổi mới tư duy văn chương...


Bởi vậy, ông cũng là người trần ai gian khổ, từng chìm nổi thăng trầm, từng mang “vạ miệng”, từng chịu tiếng bấc tiếng chì bởi những lập ngôn “gây sốc” của ông - mang cách riêng của Hoàng Ngọc Hiến, ngay cả khi ông buông thõng một câu buồn thảm nhất, trong trường hợp cần phải rút một nhận xét chung về thực trạng phát triển của tư duy và lối ứng xử Việt mà theo ông, đang bị kẹt, chỉ vì: Cái nước mình nó thế, trẻ con và nông dân...


Song, ấn tượng chói sáng nhất từ ông, với không chỉ riêng tôi, không phải ở những phát ngôn “gây sốc” ấy, mà ở dưới đáy sâu chúng: Đó là sự song hành không dễ có giữa hai phẩm chất trong con người tử tế của ông, sự từ tâm và một trí tuệ sáng láng rất đặc trưng của một người Việt, đã tự thiết kế để cả đời luôn luôn khát khao đạt đến và luôn luôn thực thi một phép ứng xử văn hoá cực kỳ tử tế với văn chương và cũng không chỉ với văn chương...


Hai: Ông Hiến để lại nhiều nhất những con chữ


Với kiểu sống và kiểu tư duy đặc hiệu Hoàng Ngọc Hiến như thế, ông đã để lại cho hậu thế hàng chục tác phẩm nghiên cứu, đã được xuất bản và cũng để lại không ít câu nói nổi tiếng đã được truyền tụng chính thức và không chính thức. Vẫn theo lời kể của GS Nguyễn Đăng Mạnh - người bạn thân nhất của Hoàng Ngọc Hiến, ông Hiến luôn có những ý kiến thật sắc sảo và thông tuệ: “Nghiên cứu khoa học, quan trọng nhất là nghĩ bằng cái đầu của mình và viết bằng lời văn của mình. Đọc người khác rất cần, song lại phải thấm thế nào đó để trở thành của mình, để khi nghĩ là nghĩ bằng cái đầu của mình và viết bằng lời văn của mình. Quán tính của con người là thường quy những điều chưa biết vào cái sơ đồ có sẵn, sơ đồ biết rồi. Do lười nghĩ. Quán tính rất mạnh, lay chuyển được quán tính, được cách nghĩ là khoa học.


Khoa học trước hết là cách đặt vấn đề đích đáng. Tìm ra cái mới hoàn toàn rất khó. Thường chỉ chỉnh lại một tí. Vấn đề đặt ra đúng nhưng chưa đúng hẳn. Chỉnh lại một tí như chỉnh lại tivi cho hình nét hơn, âm rõ hơn. Thí dụ nói Đam San anh hùng dũng cảm là đúng. Nhưng thực ra tính cách Đam San phong phú hơn: Hồn nhiên, trung thực, lãng mạn, ngỗ nghịch..., đặc biệt là một cá tính tự do”.


Bởi vậy, GS Nguyễn Đăng Mạnh cho là “rất đúng” những ý kiến uyên bác của ông Hiến về vai trò đặc thù của cảm hứng và trực giác đối với lao động nghệ thuật của nhà văn và nhà nghiên cứu văn chương. Không biết ông Hiến đã lấy từ đâu ra (chắc là từ phẩm chất của tư duy rất mạch lạc của ông) những nhận xét thiên tài khi định nghĩa: “Cảm hứng lay động toàn bộ năng lực tinh thần của người nghiên cứu. Trong giây phút ấy, con người, cùng một lúc, có vô số liên tưởng, kể cả liên tưởng vô thức. Do đó rất sáng suốt. Nhưng phải băn khoăn nhức nhối về nhân sinh, về văn học mới có cảm hứng dẫn tới tìm tòi phát hiện. Cảm hứng làm cho câu chữ có hồn. Cảm hứng phát huy trực giác, khiến cảm nhận được cái mới. Mọi tìm tòi đều bắt đầu bằng trực giác. Sau đó mới dùng suy lý lôgich chỉnh lại...”.


Bởi vậy, ông Hiến vô cùng thích những loé sáng trực giác của ai đó bất thần phát lộ, hoàn hảo đến mức không cần lý lẽ biện minh. Những ý kiến của ông về cách đọc, cách phân tích tác phẩm văn chương và cách diễn đạt bằng tiếng Việt những phân tích đó, để tạo ra thần thái của bài bình luận văn chương. Và đây cũng là tình yêu vô bờ của ông với tiếng Việt: “Phân tích tác phẩm gay nhất là đọc hết cuốn sách mà chẳng thấy có ý gì cả. Ý là một ý nghĩa mới đích đáng trả lời một câu hỏi ta đang tìm tòi, đang suy nghĩ để giải đáp. Tác phẩm chẳng giải đáp được một câu hỏi nào cần thiết, là vô nghĩa.


Phân tích tác phẩm là phân tích chi tiết. Phải chọn chi tiết có vấn đề. Phân tích một chi tiết mà mở ra cả một vấn đề về đạo lý về triết lý. Phân tích một chi tiết như thế có sức thuyết phục và sang trọng hơn là phân tích tràn lan.


Cuối cùng phải tìm từ, tìm chữ đích đáng để diễn đạt. Một bài viết hay là có được một - hai từ đích đáng, kết tinh được cái hiểu, cái ý của mình. Đó là cái thần của bài viết...”.


Những lời nói ngoài cuộc đời, những chữ và chữ dày đặc trong hàng chục tác phẩm nghiên cứu của Hoàng Ngọc Hiến ấy đã kết tinh thành chất riêng của phong cách Hoàng Ngọc Hiến và chúng đã là hằng hà sa số hiển hiện liên tiếp trong suốt 80 năm cuộc đời dạy học và viết văn của ông. Song, không phải chúng không gây cho ông những phiền toái nhất định, với một tính cách xứ Nghệ mà ông là một điển hình đậm đặc. Nhưng, cũng thật là biện chứng, khi cũng chính là ông đã tự điều chỉnh cái định nghĩa của ông, rất độc đáo, rất hồn nhiên, đượm mùi tự phản tỉnh về người xứ Nghệ: “Cái gì cũng biết, trừ hạnh phúc”.


Ông đã về Trời và ông đã đến tận cùng là người xứ Nghệ: “Cái gì cũng biết, kể cả hạnh phúc”. Hẳn nào thi hào Đức cũng đã nói đấy thôi: “Lý thuyết bao giờ cũng xám. Chỉ cây đời là mãi mãi xanh tươi”...



Không có nhận xét nào: