1 thg 8, 2012

Người lính trong tiểu thuyết “Bến không chồng” của Dương Hướng
                                                                                                Phạm Học
Tôi đã từng đọc tiểu thuyết "Bến không chồng" của Dương Hướng từ khi còn là học sinh phổ thông. Ngày ấy, cái hình ảnh bến không chồng cứ mãi “ám” lấy tôi, tựa như bến sông quê, với những người phụ nữ như cụ cố tôi, như bà tôi mòn mỏi chờ chồng, chờ con đi chiến trận. Và có lần, tôi cũng tự hỏi, không lẽ chỉ có biểu tượng "bến đợi", chỉ có hình ảnh người phụ nữ là trung tâm của tác phẩm này? Còn "con thuyền" - biểu tượng cho sự xê dịch, cho những người lính nữa chứ. Quả vậy, chính hình ảnh những người lính đã hoàn thiện bức tranh "Bến không chồng".
Trong “Bến không chồng”, người lính vẫn được nhìn bằng cảm hứng sử thi. Họ đẹp như những anh hùng, mà Nguyễn Vạn là tiêu biểu: “Hãy nhìn cho kỹ đây. Chẳng gì Nguyễn Vạn đây cũng là lính Điện Biên chiến thắng trở về. Dấu tích oanh liệt trên chiến trường là vết thương trên bả vai và một ống chân bị gẫy, làm bước đi của Nguyễn Vạn cứ tập tễnh. Từ nhỏ Vạn đã là đứa trẻ đầy dũng khí đếch coi cái chết là gì, lúc bị thương ngoài mặt trận máu chảy đẫm cả áo quần đau điếng, Vạn vẫn cố cười. Vạn cười rống lên để khỏi khóc”. Đó là những lời đầy kiêu hãnh của Nguyễn Vạn, một anh lính phục viên trở về. Vạn trở thành tấm gương sáng, thành chuẩn mực của làng Đông. Đặc biệt là lũ trẻ, hễ cứ mở miệng ra tranh luận điều gì là nhất định sẽ đem cái lý “chú Vạn bảo thế” ra để cãi lại với thiên hạ. Vạn là người lính mang trong mình lý tưởng cao đẹp: “Điều đáng sợ nhất với Vạn là để mất lòng tin với dân với Đảng. Từ một việc nhỏ Vạn cũng phải cân nhắc xem có phải đây là ý dân ý Đảng”. Nếu như Vạn là mẫu hình anh bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn chống Pháp, thì Nghĩa và Thành lại tiêu biểu cho anh giải phóng quân xuất thân từ làng Đông. Trong mắt Hạnh, Nghĩa là chàng trai rất đáng yêu: “Cậu trưởng nam con dòng họ Nguyễn đã là một chàng trai khoẻ mạnh cường tráng. Trong cặp mắt sáng của cậu, luôn ánh lên nỗi khát vọng sâu kín mà trên đời này có lẽ chỉ có mỗi mình Hạnh hiểu. Bao dữ kiện của quãng đời thơ ấu đã ngấm vào máu thịt Hạnh. Mỗi lần cậu nhìn lên nền từ đường cháy, dấu tích của dòng họ Nguyễn suy sụp, lòng cậu lại nhói đau. Cậu ngấm ngầm nuôi hy vọng sẽ tạo dựng lại trên nền từ đường cháy một ngôi nhà mới bằng sức lực của chính cậu”. Thế rồi Nghĩa hăm hở bước vào cuộc chiến và trở về với niềm ngưỡng mộ của cả làng. Cái tin Nghĩa lên cấp tá và là một chỉ huy tài ba được cả làng Đông truyền đi rất nhanh với lòng ngưỡng mộ. Người trong họ Nguyễn tự hào về Nghĩa: “Hắn là cháu tao đấy. Xin thưa với cô bây giờ nó đã là thiếu tá quân đội có xe đưa xe đón oai nhất làng đấy … ông đã bảo mà, họ Nguyễn nhà ta lại bắt đầu phát to rồi. Cả làng này đã thằng nào lên được tá và có xe "cam nhông" về làng. Thằng Vạn có rủng rỉnh huân chương, chuyến này cũng thua thằng Nghĩa.”.
Bên cạnh điểm nhìn nhân vật với cảm hứng sử thi, nhà văn Dương Hướng đã miêu tả người lính với cảm hứng thế sự. Và cũng từ đó, người đọc vẫn nhận ra một Nguyễn Vạn cố tạo ra cho mình một vẻ bề ngoài lãnh đạm để che giấu những nỗi niềm rất đỗi con người. Những khao khát của một người đàn ông cũng bị Vạn khước từ. Vạn chối từ mụ Hơn người sống kề bên, chối từ cả bà Nhân, mẹ Hạnh. Trong cuộc chiến, Nguyễn Vạn là người anh hùng, nhưng khi trở về làng Đông, anh dần thành một con người lạc lõng. Có lần, thấy người ta thắc mắc về cái tên Nguyễn Vạn, nhà văn Dương Hướng giải thích: “Đúng là cái tên Vạn mới hợp với nhân vật này, tôi cứ để như thế không đổi nữa. Cái tên Vạn đọc lên nghe nó lầm lũi tội nghiệp thế nào ấy. Có lẽ, nó gợi nhớ đến từ cửu vạn”. Vạn lầm lũi đi bên những người anh yêu mến. Thậm chí, Vạn còn bị đứa cháu mà mình yêu thương chăm sóc coi là “người không có tim”. Tuy nhiên, nếu như hình tượng Nguyễn Vạn chỉ có bấy nhiêu thôi, thì có lẽ, nó không sống được trong lòng người đọc lâu đến vậy. Nguyễn Vạn còn là một con người bằng xương bằng thịt, với những dằn vặt, giằng xé rất con người. Bao nhiêu lần đứng trước mụ Hơn, trước mẹ của Hạnh, tiếng gọi bản năng thôi thúc Vạn nhưng bản lĩnh của người lính xông pha trận mạc đã giúp anh vượt qua. Chỉ khi có ma men dẫn lối, Vạn mới buông xuôi theo tiếng gọi bản năng. Và “Vạn buông thả cho thân xác tự do gây tội lỗi, tự do rên xiết trên thân thể rừng rực của người đàn bà”. Khốn nỗi, người đàn bà ấy lại là Hạnh, đứa cháu mà Vạn vốn yêu thương như con của mình. Vì thế, cảm giác tội lỗi cứ ngày đêm đeo bám, làm Vạn day dứt: “Nguyễn Vạn không còn dám nhìn vào bất cứ ai ở làng Đông. Vạn tự thấy xấu hổ với cả những đứa trẻ con tí teo…". Vạn rơi vào một bi kịch giữa một bên là hạnh phúc đời thường một bên là lý tưởng anh vốn rất tôn thờ, một bên là bản năng với bên kia là đạo đức. Bản năng đã đưa Vạn đến với thứ hạnh phúc mà anh chưa bao giờ được hưởng. Nhưng lý tưởng sống lại kéo Vạn trở về với sự đau đớn nhục nhã theo như chính quan niệm của anh. Nhà văn Dương Hướng đã để cho “đứa con tinh thần”, nhân vật chính của mình tìm đến cái chết, như một sự giải thoát có vẻ như là một cái kết bi quan. Thế nhưng, Dương Hướng đã “chiêu tuyết” cho Nguyễn Vạn bằng một đám tang rất có ý nghĩa. Nó như lời “nhắn về hậu thế” của Nguyễn Vạn gửi đến làng Đông: “Bao nhiêu năm nay Nguyễn Vạn sống lặng lẽ trong ngôi nhà vườn ươm giờ bỗng dưng cái chết của Nguyễn Vạn làm thức tỉnh mọi người dân làng Đông nghĩ về một điều gì đó”. Ít ra, mọi người cũng sẽ suy nghĩ như Hạnh: “Nỗi cô đơn của cuộc đời đã làm cho Hạnh nhận ra trên đời này không có ai tốt như chú Vạn và không có ai khổ và cô đơn như chú Vạn”. Và làng Đông tiễn đưa Vạn cũng là tiễn đưa quá khứ buồn đau để đón nhận một tương lai rộng mở.
Giống như Vạn, Nghĩa cũng không tìm được hạnh phúc riêng cho mình. Vì trách nhiệm trưởng tộc cần người nối dõi tông đường mà anh đã từ bỏ Hạnh, người vợ rất đỗi yêu thương đã mòn mỏi đợi chờ anh để đến với Thủy. Cuộc hôn nhân với Thủy cũng chóng tan bởi anh đã bị nhiễm cái thứ chất độc da cam quái ác. Anh cô đơn trong chính căn nhà từ đường, hàng ngày phải đối diện với nỗi đau tuyệt tự, đối diện với tội ác mà mình đã gieo cho hai người đàn bà. Khác với Nghĩa, nỗi bất hạnh của Thành lại xuất phát từ vẻ bề ngoài, từ bộ mặt ghê sợ tới mức quái dị do vết bỏng bom na-pan. Gương mặt ấy không chỉ ám ảnh Thành, còn ám ảnh cả làng Đông. Cúc - người yêu anh- giờ cũng bỏ anh vì không dám đối diện với khuôn mặt ấy. Không một cô gái nào dám nhìn vào khuôn mặt biến dạng của Thành nữa dù biết, sau khuôn mặt đó là một tâm hồn cao đẹp.
Tiểu thuyết “Bến không chồng” là sản phẩm của một giai đoạn văn học dưới ánh sáng của Đại hội Đảng lần thứ VI 1986, với phương châm: “Nhìn thẳng vào sự thật...”. Thông qua các nhân vật Vạn, Nghĩa và Thành, Dương Hướng muốn tiếp cận người lính từ góc khuất. Đây cũng là hướng đi chung khi văn chương đặt ra nhu cầu nhận thức lại hiện thực. Nhờ thế, tác phẩm đã vẽ thêm một nét rất chân thực trong bức chân dung người lính của văn học Việt Nam thời hậu chiến.
Chú thích ảnh:
1.       Bìa một cuốn tiểu thuyết “Bến không chồng”
2.       Hình ảnh người lính Nguyễn Vạn trong bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết “Bến không chồng”

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

viết gì có tí tẹo vây bác? không biết gi thì đừng viết nữa nhé!

Nặc danh nói...

viết gì không sâu sắc, không nói dược người lính có những giá trị gì. không hiêu văn học đừng cảm nghĩ lung tung nhé!