24 thg 3, 2012

Giải VHNT Hạ Long lần thứ VII, một cách nhìn rất mới về VHNT ỏ Quang Ninh

Đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó BT- Chủ Tịch Hội Đồng Nhân Dân tỉnh QN Trao giải thưởng.

TNc: Buổi sáng hôm nay, nhà văn Dương Hướng nhận Giải nhất văn xuôi Giải Hạ Long lần thứ VII thì buổi chiều Trần Nhương và Hoài Giang đã cùng chia vui với Dương Hướng tại TP Hạ Long. Hoan hô lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và Hội VHNT Quảng Ninh đã đánh giá đúng Dưới chín tầng trời.
Hoai Giang
Sáng nay 22 tháng 3 năm 2012 tại Quảng Ninh – UBND tỉnh đã trao giải thưởng Văn nghệ Hạ long lần thứ VII (2006 – 2010) với 62 tác phẩm cho 6 thể loại, trong đó 6 giải nhất của 6 thể loại thuộc về các tác giả sau: Đỗ Hòa An thể loại Âm nhạc; Lê Minh Đức thể loại Mỹ thuật; Dương Hướng thể loại Văn xuôi; Phạm Mạnh Hùng thể loại Nhiếp ảnh, Lê Nhật Trường thể loại Múa; Lê Văn Quang thể loại Kiến trúc. Ban tổ chức cũng trao 14 giải nhì, 21 giải ba và 21 giải khuyến khích.

Theo quy chế xét giải Văn nghệ Hạ Long đã được UBND tỉnh Quảng ninh ban hành thì những tác phẩm đoạt giải Nhất phải là những tác phẩm của tác giả đang sinh sống tại Quảng Ninh và tác phẩm phải viết về mảnh đất và con người Quảng Ninh. Đây là một điều khá đặc biệt và khó cho các văn nghệ sĩ trong tỉnh Quảng Ninh, nhưng đó cũng là một sự đòi hỏi tâm huyết của các nghệ sĩ hết lòng vì Quảng Ninh thân yêu. Đối với các thể loại nghệ thuật khác có vẻ thuận lợi hơn thể loại Văn xuôi rất nhiều, viết gì để lọt “mắt xanh” độc giả của tỉnh, của cả nước? Viết gì để lọt “mắt xanh” các nhà thẩm định về nhiều mặt của tỉnh mà vẫn nói được điều muốn nói. Giữa cái thực hư hư thực của văn chương với cái con người thật việc thật của địa phương nếu không có cái nhìn công tâm thì sẽ rất khó viết, rất khó đánh giá.

Ảnh: Trần Nhương và Hoài Giang
Tôi muốn nói về tác phẩm Dưới chín tầng trời của nhà văn Dương Hướng. Đây là lần thứ hai Dương Hướng đoạt giải Nhất Văn nghệ Hạ Long. Lần đầu là tác phẩm Bến không chồng. Với kinh nghiệm gạo cội của người cầm bút vào loại lão làng ở vùng mỏ Quảng Ninh, Dương Hướng đã thể hiện bút pháp diệu nghệ của mình để đưa vào tác phẩm những gì đã diễn ra ở Quảng Ninh và ở trên giải đất Việt Nam này, khiến người đọc có thể hình dung ra ông cốp đã từng sống ở mảnh đất này rồi lên làm cán bộ cao cấp trên Trung ương được người đời sợ hãi gọi là “thái thượng hoàng” đó là Trần Tăng - một kẻ ác độc, đồi bại, gian manh đã từng sống ở nơi đây!? Tôi xin trích lời giới thiệu của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến nói về nhân vật “thái thượng hoàng” Trần Tăng và một số nhân vật điển hình trong tác phẩm:

“Với bút pháp biếm họa, những nhân vât như Trần Tăng dễ bị biến thành “ác quỷ”: quỷ dâm dục, quỷ quan liêu, quỷ tham ô…Không ít độc giả chờ đợi Trần Tăng bị bôi bác thành ác quỷ thì mới hả hê. Dương Hướng đã không biếm họa nhân vật của minh. Con người Trần Tăng không phải chỉ có những mặt tiêu cực: “Trần Tăng là thủ phạm gây ra bao điều oan trái, nhưng chính Trần Tăng cũng là người gửi gắm tâm lực hơn cả cho mảnh đất và con người làng Đoài này” (tr. 159) Trong những nét “cá tính vượt trội” “trong dòng máu Trần Tăng” ngoài “láu cá”, “lưu manh”, còn có “tài ba”, “tính năng động” và hứng “đa tình”. Thói “mê gái” đã ăn vào “máu Trần Tăng”. Chỉ riêng ở làng Đoài, Trần Tăng đã dính dấp với ba người đàn bà: tìm mọi cách quyến rũ Yến Quyên, vợ bộ đội, tằng tịu với Cam, vợ một cốt cán chí cốt với mình trong Cải cách, bắt bồ với Tuyết, vợ bộ đội. Chừng ấy “thông tin” đủ để một cán bộ tổ chức viết hai chữ “hủ hóa” trùm lên lý lịch của Trần Tăng và một nhà văn viết “bôi bác” (hiểu theo nhiều nghĩa) sẵn sàng biến nhân vật này thành một “quỷ dâm dục” “vô luân”. Dương Hướng có một cách nhìn khác: “cả ba người đàn bà làng Đoài đã tạo nên tính cách Trần Tăng thâm trầm mà dữ dội, đắm đuối và si mê” (tr. 228). Riêng trong quan hệ giữa Trần Tăng và Tuyết chẳng hạn,quan hệ “nam, nữ” bất chính thực sự là thế nào vậy? Tuyết bị người chồng bộ đội chê. Trong hoàn cảnh và tâm trạng ấy, Tuyết gặp Trần Tăng, đây là lời của Tuyết: “… tôi nhận ra mình tự nguyện hiến dâng cho ông ngày ấy cũng bởi tôi ngưỡng vọng ông thực sự. Ông có một uy quyền mà mọi người không có. Ông có một thứ hào quang tỏa sáng làm tôi chói lòa.Thực lòng một thời tôi cũng đắm say kiêu hãnh được gần ông. Ông đã cho tôi những giây phút cuồng nhiệt mà Hoàng Kỳ Nam chồng tôi không có.Ông đã phát sáng con đường công danh sự nghiệp tôi có được ngày hôm nay. Tôi biết rõ nếu không hiến dâng đời mình cho ông thì tôi cũng chỉ là con đàn bà chân đất lội ruộng làm dâu thuàn túy gia tộc Hoàng Kỳ đến già…”(tr. 468). Rất có thể ban đầu T.T. đến với Tuyết với ham muốn xác thịt, rồi gần gũi Tuyết ông có “tình cảm yêu quý…muốn Tuyết sau này trở thành người đàn bà mạnh mẽ, có trình độ học vấn và có cả quyền lực…” (tr. 226), và “bao kinh nghiệm thu lượm được trong những năm tháng qua”, ông “muốn truyền lại cho Tuyết, tin ở người con gái làng Đoài đầy tham vọng này sẽ biết cách vươn lên mạnh mẽ” (xem tr. 229).” Và “Trên đại thể, Trần Tăng là một nhân vật tiêu cực. Điều đáng chú ý là nhân vật tiêu cực này, bê tha trong lối sống, đạo đức nhếch nhác lại là một cán bộ cao cấp. Chiến công của Trần Tăng trong Cải cách ruộng đất là xử bắn Hoàng Kỳ Bắc, một doanh nhân yêu nước bị quy oan (bà vợ sau đó chết theo), Trần Tăng phá tan gia tộc Hoàng Kỳ đồng thời phá tan đình Đông, chùa Đoài...; với những sai lầm trong phong trào hợp tác hoá, Trần Tăng đã biến người nông dân cần cù thành lũ lười nhác làm ăn dối trá, phá tan nền móng gốc rễ làng quê, để dân tình đói rách phải bỏ làng mà đi (tr.470). Sau đây là lời của Tuyết, một người phụ nữ thông minh, tỉnh táo, hâm mộ Trần Tăng và yêu ông chân tình:...Ngẫm lại từ cái thời ông còn làm chủ tịch huyện, rồi lên tỉnh, lên trung ương tới giờ ông chẳng làm được gì tốt đẹp cho miền đất này. Cái dự án điên rồ của ông phải trả giá quá đắt bằng mồ hôi công sức của hàng vạn con người chỉ vì sự ngu dốt, cộng với sự hứng chí háo danh của ông... (tr.472).” và tiếp nữa : “Trong Dưới chín tầng trời, Dương Hướng có thiện cảm với những nhân vật thánh thiện và dường như không có ác cảm với bất kỳ nhân vật nào. Ngay đối với Trần Tăng, sau khi nhân vật này bị đột tử, tang lễ được tổ chức trọng thể, ông được chôn cất ngay trên đất làng Đoài, vùng đất ông ký thác nhiều tâm lực hơn cả...Táng địa đặt đúng theo tâm nguyện của Trần Tăng là tiếng a-men nghĩa tận của tác giả: ông ấy chết rồi, hãy cầu nguyện cho ông ấy. Tiếng a-men này càng thanh cao vì tác giả không hề có một chút ảo tưởng nào về Trần Tăng. Tiểu thuyết Dưới chín tầng trời kết thúc bằng chương CON ĐƯỜNG MỚI. Đây là con đường dẫn tới cánh mả Rốt, bãi tha ma của làng. Con đường mới được xây dựng do hảo tâm của ông Đỗ Hiền, một Việt Kiều mới hồi hương. Trần Tăng bị đột quỵ được đặt lên một chiếc xe lăn và những người đến cấp cứu đẩy chiếc xe chạy trên con đường Đỗ Hiền mới mở. và kết thúc chương cuối của tác phẩm là hình ảnh đám tang tiễn đưa hương hồn Trần Tăng về cõi vĩnh hằng: từng đoàn người, xe, cờ phướn, hoa tang nói nhau đi trên con đường do ông Đỗ Hiền mới mở chạy giữa cánh đồng làng Đoài ra cánh mả Rốt. Dương Hướng muốn tạo ra biểu tượng gì đây? Tôi đoán chừng biểu tượng con đường mới hàm nhiều ý nghĩa. Tôi thông cảm với sự thành tâm của tác giả về những ý nghĩa ông muốn gửi gắm vào biểu tượng. Nhưng trong tác phẩm của Dương Hướng, một cuốn tiểu thuyết ngồn ngộn sức sống và đời sống, nóng hổi những tư tưởng của thời đại và những vấn đề thời sự của đất nước, biểu tượng con đường mới là một biểu tượng vặt không hơn, không kém.”



Với cái nhìn rất thoáng đạt và rộng mở cho sáng tác VHNT của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đối với nền văn học tỉnh nhà. Cái nhìn mới đã vượt lên tất cả những cách nhìn cổ hủ, bảo thủ, áp đặt, ám chỉ hoặc quy chụp đối với nhà văn. Việc tác phẩm Dưới chín tầng trời của nhà văn Dương Hướng đoạt giải Nhất Giải Văn nghệ Hạ Long lần thứ VII đã nói lên điều đó! Có thể nói Dưới chín tầng trời là một tác phẩm hay trong mảng văn học hiện thực trong những năm gần đây. Sự đánh giá của lãnh đạo và công chúng Quảng Ninh đã nói lên giá trị đích thực của nó. Những người làm Văn học Nghệ thuật ở Quảng Ninh hoàn toàn tự hào và tin tưởng vào sự sáng suốt nhìn nhận, đánh giá của lãnh đạo tỉnh đối với tác giả và tác phẩm Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà và họ hoàn toàn yên tâm sáng tác.

Xin chúc mừng nhà văn Dương Hướng!

Không có nhận xét nào: