14 thg 8, 2011

Chỗ đứng của dòng văn học nông thôn qua hai tác phẩm "Đội gạo lên chùa" và "Bến không chồng".

Quốc Phương
BBC Việt ngữ
Cập nhật: 16:03 GMT - thứ sáu, 12 tháng 8, 2011  

Phạm Xuân Nguyên cho rằng các tác phẩm lấy thể tài hậu chiến và nông thôn vẫn còn có giá trị.
  • Trong thời đại thông tin giao tiếp mạng Internet nhanh như chớp, với thời gian có thể tính bằng giây, hoặc các phần tử của giây, một tác phẩm dày tới 850 trang, viết theo lối "kể chuyện cổ điển", mà tác giả đã ở tuổi... bát tuần, vừa gia nhập nền văn học đương đại của Việt Nam, liệu sẽ tìm thấy chỗ đứng của mình
Một tác phẩm khác ra đời cách đây hai chục năm, được tái bản tới hơn một chục lần và được chuyển thể điện ảnh, tưởng đã không còn gì để nói thêm, lại vừa đoạt tiếp một phần thưởng mới, lần này là của Hội Nhà văn Việt Nam kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Đâu là điểm giống nhau giữa các tác phẩm này, tại sao thể tài của chúng có thể tiếp tục có chỗ đứng nhất định trong nền văn học Việt ở trong nước hiện nay? Có gì đáng chân quý và lưu ý trong hai tác phẩm mà một thì vừa mới đăng đàn, một đã khẳng định ít nhiều qua thời gian?
Đây cũng là một vài ý trong trong cuộc trao đổi giữa BBC Việt ngữ với nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, xung quanh hai tác phẩm thuộc dòng văn học nông thôn, có chiều kích lịch sử, tiểu thuyết "Đội gạo lên chùa" của Nguyễn Xuân Khánh và "Bến không chồng" của Dương Hướng.
"Đội gạo lên chùa" vẫn theo mạch viết của tác giả Nguyễn Xuân Khánh là muốn tìm về lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt. Ông Phạm Xuân Nguyên trước hết nói về tác phẩm của nhà văn gần 80 tuổi, vốn đã nối tiếng qua các tác phẩm cũng dày dặn không kém là "Hồ Quý Ly" và "Mẫu Thượng Ngàn."
"Cho đến cuốn tiểu thuyết này, ông lại đi sâu hơn nữa vào văn hóa Phật Giáo, mà ông coi như một nền tảng của văn hóa Việt."
"Đề cao lối sống từ bi, hỷ xả của Phật Giáo, dân tộc Việt trong truyền thống, trong lịch sử đã biết nương theo cái này, là một cái gốc, cho nên nó hòa hợp được dân tộc, nó tạo được sức mạnh, vượt qua mọi khó khăn"
Phạm Xuân Nguyên nói về "Đội gạo lên chùa"
Phạm Xuân Nguyên cho rằng Nguyễn Xuân Khánh, qua tiểu thuyết, đã đề cao một "lối sống Phật Giáo" vốn giúp dân tộc Việt Nam vượt qua được rất nhiều biến động lớn lao trong lịch sử mà vẫn có thể tồn tại được.
"Đề cao lối sống từ bi, hỷ xả của Phật Giáo, dân tộc Việt trong truyền thống, trong lịch sử đã biết nương theo cái này, là một cái gốc, cho nên nó hòa hợp được dân tộc, nó tạo được sức mạnh, vượt qua mọi khó khăn," nhà phê bình giải mã một thông điệp của cuốn tiểu thuyết mới nhất được ra đời trong năm 2011 của tác giả.
"Cứ không theo phương châm từ bi, hỷ xả của Phật Giáo, thì con người dễ là chém giết, tranh giành với nhau."
Tuy nhiên, Phạm Xuân Nguyên cho rằng, về mặt hình thức nghệ thuật của tiểu thuyết, cuốn "Đội gạo lên chùa" của Nguyễn Xuân Khánh có một số hạn chế mà ông muốn trao đổi.
"Nhà văn vẫn viết theo tuyến tính thời gian và viết theo lối chuyện kể..., về mặt tiểu thuyết, không có gì là mới mẻ. Nhưng nếu đọc kỹ, thì về mặt văn học có thể coi đây như một hình thức cung cấp thêm tài liệu về mặt phong tục, tập quán, văn hóa Việt."
"Cũng như một số bạn đọc, tôi nghĩ, nhà văn có thể rút gọn được hơn nữa, có thể cắt bớt được một số đoạn kể, lý giải, để tô đậm thêm cho tính cách nhân vật và một số tình huống chuyện. Tức là không chỉ kể mà còn tả nữa. Cần phải tả, cần phải thể hiện nhiều hơn...
"Có những đoạn rườm rà, nhưng cũng để chứng minh một luận đề, tức là lối sống Phật Giáo trong nền văn hóa Việt xưa nay."
"Có giá trị thật"
Chuyển sang cuốn tiểu thuyết "Bến không chồng" mới được Hội nhà văn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp lựa chọn trao giải tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất sắc về đề tài Tam Nông (nông dân, nông nghiệp, nông thôn) trong 30 năm qua, ông Nguyên cho rằng quyết định này là "xứng đáng."
"Trong hai cuốn tiểu thuyết được trao giải thưởng từ năm 1991, thì về mặt tiểu thuyết, cuốn 'Bến không chồng' kém hơn, không bằng hai cuốn 'Nỗi buồn chiến tranh' của Bảo Ninh và cuốn 'Mảnh đất lắm người nhiều ma' của Nguyễn Khắc Trường, nhưng những vấn đề nó đặt ra trong đó cũng rất tiêu biểu và sâu sắc."
Ông Nguyên cho rằng cuốn tiểu thuyết của nhà văn Dương Hướng đã nói lên được câu chuyện một làng quê, trải qua những đảo lộn lịch sử, của chiến tranh, cải cách ruộng đất vốn dẫn đến những đảo lộn trong đời sống cá nhân, bi kịch gia đình, bi kịch con người.
"Đây không phải là ý kiến riêng của tôi mà là một nhận định chung là lâu lắm rồi chưa có được một giải thưởng sáng giá như các cuốn Nỗi Buốn Chiến Tranh, Mảnh đất lắm người nhiều ma và Bến không chồng."
Phạm Xuân Nguyên
"Cuốn tiểu thuyết nói được, phản ánh được cả một chiều dài lịch sử của nông thôn Việt Nam thời hiện đại," nhà phê bình giải thích lý do vì sao tác phẩm được lựa chọn trao giải thưởng kỳ này.
Trong lúc cho rằng cần phải có khoảng thời gian để thẩm định cuốn 'Đội gạo lên chùa', ông Nguyên nói dòng văn học hậu chiến ở trong nước, qua ba tác phẩm tiêu biểu được ông dẫn ra ở trên là "có giá trị thật."
"Giá trị không phải tức thời biết được, mà nó khái quát được bộ mặt của xã hội Việt Nam, dù ở nông thôn hay thành thị, dù ở thời chiến hay thời bình. Chúng mang ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời sự, giúp cho sự nhận thức của con người."
Nhà phê bình cho rằng các cây bút văn học trẻ, thế hệ mới của Việt Nam ở trong nước hiện nay vẫn đang tìm tòi, tìm kiếm một cách đổi mới hình thức, cách tân, nhưng có thể chưa đạt được những "vỉa tầng" khái quát tư tưởng như ở một số cây bút, tác phẩm thuộc thế hệ trước.
"Đây không phải là ý kiến riêng của tôi mà là một nhận định chung là lâu lắm rồi chưa có được một giải thưởng sáng giá như các cuốn Nỗi Buốn Chiến Tranh, Mảnh đất lắm người nhiều ma và Bến không chồng."

Không có nhận xét nào: