“Một tác phẩm văn học đích thực sẽ có giá trị trường tồn”
(Toquoc)- Nhà văn Dương Hướng nổi tiếng với tác phẩm “Bến không chồng” được tái bản hơn 10 lần, là một con số khá ấn tượng. Thế nhưng dường như thời của “Bến không chồng” đã không còn nữa mà gần đây, cuốn “Dưới chín tầng trời” của nhà văn lại được “tái bản” ở nhiều nhà in lậu…
1- Nhà văn thường nói: “Sáng tác là nhu cầu tự thân” để thấy rằng công việc viết lách xuất phát từ chủ quan. Thế nhưng trong nhiều năm trở lại đây, khi nhà văn ra sách họ chỉ in từ 1000 – 2000 đầu sách - một con số khá khiêm tốn. Bên cạnh đó vẫn nhiều đầu sách được quan tâm, không những số lượng đầu sách tăng mà còn tái bản nhiều lần. Vậy theo nhà văn thì “nhu cầu” độc giả có làm thay đổi sáng tác của nhà văn không
D H: Đối với cá nhân tôi, việc sáng tác một tác phẩm hay- dở không hề phụ thuộc vào chuyện các nhà xuất bản có in số lượng nhiều hay ít. Điều quan trọng nhất đối với tôi, viết thế nào cho hay. Theo quy luật chung, những tác phẩm hay, tất nhiên sẽ đươc nhiều đôc giả đón đợi. Đó là mong ước của những người cầm bút. Nhưng trong đời sống văn học đôi lúc lại không đi đúng theo quy luật thông thường đó. Bởi thưc tế, giá trị của một tác phẩm lại không phụ thuộc vào số lượng đầu sách được in ra bày bán trên thị trường nhiều hay ít. Có những cuốn sách được giải nobel như tác phẩm “Linh Sơn” của Cao Hành Kiện khi đươc dịch ở Việt
2- Trong số các cuốn sách đã xuất bản của nhà văn thì cuốn nào có lượng xuất bản nhiều nhất? Ông có thể tiết lộ cho độc giả biết con số đó và một vài suy nghĩ của ông được không ạ?
D H: Như trên tôi đã nói, môi trường xã hội rất quan trọng đối với viêc thẩm định tiếp cận, đón nhận và đánh giá đúng sai đối với một sáng tác mới của mỗi nhà văn. Ví dụ ngày mới giải phóng, tác phẩm “Sống như anh” Viết về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, hay mấy năm gần đây tác phẩm nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, đươc cổ vũ rầm rộ, đươc in và phát hành với số lượng lớn.
Đối với tác phẩm của tôi, cuốn “Bến không chồng” tuy được tái bản hơn mười lần, nhưng vài năm nay tất cả các cửa hàng sách trên toàn quốc không đâu còn bán. Nhiều sinh viên đại học, học viên cao học, nhờ tôi tìm giúp để có tư liệu làm luận văn tốt nghiệp nhưng đành chịu. Tôi cũng không rõ nguyên nhân vì sao. Có lẽ những người làm sách chỉ chú ý đến những sáng tác mới.
3 - Còn một vài cuốn sách của nhà văn gần đây thì tình hình xuất bản thế nào? Ông có chút nào buồn hay chạnh lòng khi so sánh với lượng xuất bản của cuốn trước không.
D H: Cuốn tiểu thuyết “Dưới chín tầng trời” của tôi xuất bản lần đầu từ năm 2007 đến nay vẫn chưa được tái bản. Công ty Nhã Nam nhiều lần xin giấy phép tái bản không được, nhưng vài năm trước cuốn này bị in lậu bán tràn ngập thị trường. còn tác giả trắng tay không đươc đồng nhuận bút nào. Thật là buồn. Đã có lần tôi phải viết bài “ Chỉ còn biết kêu trời” nói về tình trạng in lậu bừa bãi không quản lý được.
4- Giả thiết không phải thứ văn chương thứ cấp, hạng hai… hiện nay độc giả thích đọc những tác phẩm ít chữ hay hài hước mà dung lượng nghệ thuật nhiều thì nhà văn có định thử sức mình với những đề tài đó không?
DH: Từ ngày cầm bút tôi chưa bao giờ có khái niệm viết theo đề tài. Tôi viết những gì mình thuộc và thich. khi hoàn thành tự nó thuôc loại nào. Ví dụ: Tiểu thuyết “Bến không chồng” đương nhiên nó thuôc đề tài nông thôn. Bởi các nhân vật đều là nông dân. Còn tiểu thuyết Dưới chín tầng trời thì có cả- nông thôn, thành thị, chiến trường, biên giới…bởi các nhân vật có mặt tất cả mọi nơi.Tôi cho rằng tác phẩm hay không phụ thuộc vào số chữ. Một truyện ngắn hay vài trang đánh đổ cả mười tập tiều thuyết dở. Còn tác giả hay độc giả đều có thứ hạng hay dở khác nhau. Tôi chưa bao giờ viết thử nghiệm. Đã cầm bút là viết- có cai hay, cái không hay. Có cái viết nhanh, có cái viết trầy trật mãi không xong, truyện ngắn, hay tiểu thuyết cũng thế, tuỳ theo mình có đươc vốn liếng và sức vóc đến đâu.
5- Nhà văn có thể lý giải vì sao những tác giả hiện naynhư Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư mỗi lần ra sách vẫn đạt một con số ấn tượng không?
D H: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tôi chưa có điều kiện đọc nên không thể nói đươc điều gì. Nhưng nghe nói Nguyễn Nhật Ánh viết nhiều thế thì thấy sợ. Và càng sợ hơn, sách của Nhật Ánh lại bán chạy. Còn Nguyễn Ngọc Tư tôi đọc thấy hay và sách của chị bán chạy là điều dễ hiểu bởi Ngọc Tư hội tụ được mọi yếu tố thuận lợi cả hay cộng may.
6- Trường hợp của hai nhà văn trên có phải là họ may mắn vì nhu cầu sáng tác trùng với nhu cầu độc giả?
D H: Đúng vậy, tôi đã nói rồi, trào lưu thưởng thức văn học của xã hội ví như một dòng sông vơi hay đầy, phụ thuôc vào lưu lượng nước nhiều hay ít, nhưng sự mát lành của nước tuyệt nhiên không phải là tốc độ dòng chảy.
7 - Bản thân nhà văn có muốn tác phẩm của mình được in với số lượng nhiều như thế không? Và đã khi nào viết xong tác phẩm và chuẩn bị in ấn ông có đặt câu hỏi: Phải làm gì để thu hút độc giả không? Thực tế thì nhà văn có tác động gì đến tác phẩm vì nguyên nhân độc giả không? Ví dụ như bìa sách, thay đổi tên tác phẩm v.v…
D H: Tôi chắc chắn tất thảy các nhà văn đều có ước muốn đó, nhưng không phải ai cũng làm được. Riêng tôi không ngoại lệ và chẳng làm được gì bởi bìa sách thì hoạ sỹ vẽ, có phải đổi tên cũng là do yêu cầu của nhà làm sách. Tôi chỉ cố gắng viết cho hay theo gu theo cái tạng của mình. Và tôi nhận ra viết được còn phụ thuôc vào ý trời. Giời cho sao dược vậy. Có muốn cũng chẳng được. Vừa rồi công ty Nhã Nam yêu cầu tôi đổi tên tiểu thuyết “Dưới chín tầng trời” để xin giấy phép tái bản. Tôi định đổi thành “Bóng trời” Nghĩa của hai cái tên cũng là “ ông giời” cả. Tôi gọi điện xin ý kiến nhà văn Trung Trung Đỉnh, ông bảo: “Cái tên “Dưới chín tầng trời” hay thế sao lại đổi?” thế là đành thôi.
8- Có một bộ phận độc giả đọc sách bởi thói quen là cứ nhìn tên tác giả - càng quen, càng nổi tiếng thì sẽ là lựa chọn đầu tiên. Ví dụ như tôi, từng đọc “Bến không chồng” của ông thì khi ra hiệu sách tôi sẽ chọn bất cứ cuốn gì ký tên Dương Hướng. Nhà văn đánh giá hay nhìn nhận về thói quen này như thế nào?
D H: Đó là thương hiệu. Uy tín của nhà văn cũng giống thương hiệu hàng hoá để chọn lựa theo sở thích của mỗi người. Nhưng phải cảnh giác trong mỗi nhà văn có cả những tác phẩm hay nhất và dở nhất.
9- Có nên duy trì thói quen này không? Vì sao?
D H: Thời đại thông tin bùng nổ, đối tượng nghe nhìn xuất hiện mọi lúc mọi nơi. Đọc sách, chọn sách càng cần phải sàng lọc kỹ càng tác phẩm, tác giả bởi thời gian là vàng. Nhất là trong thời buổi loạn chuẩn, độc giả cần phải cảnh giác và nhà văn càng phải có trách nhiệm với chất lượng tác phẩm của mình trước bạn đọc.
* Cảm ơn nhà văn, chúc cho cuốn sách của ông được tái bản mà không phải đổi tên!
Nguyễn Thu Hiền
Báo điện tử Tổ Quốc
34 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét