29 thg 11, 2010

Câu chuyện cuối năm

Đúng vậy! Môt viên đạn. Nòng súng đen ngòm! Chỉ đòm một phát, mọi chuyện sẽ khác. Sẽ không có gì gì hết…Vấn đề lớn và nhân bản chính ở chỗ ấy. Số phận của một con người, số phận của một dân tộc hoàn toàn phụ thuộc vào tiếng “Đòm” của viên đạn hay tiếng nổ của quả bom nguyên tử. Lẽ ra tác gỉa phải đặt cái tít “Đạn đã lên nòng” Nhưng ngày xuân nên tác gỉa đã lấy cái tít “Câu chuyện cuối năm” cho nó nhẹ đi.

27 thg 11, 2010

Những bức ảnh không cần bình luận


Thành phố Hạ Long Ngày hội

                                                         Bụi xi măng giữa lòng Thị xã Cẩm Phả

Luận văn của Minh Huyền

   Trân trọng giới thiệu hai luận văn của hai bạn Minh Huyền, và Phạm Nguyên Giang theo yêu cầu của một số sinh viên, học viên cao học, thạc sĩ, tiến sỹ văn học có nhu cầu tham khảo nghiên cứu cần tài liệu, các bài viết về các tác phẩm của Dương Hướng.

NỘI DUNG
Chương 1
NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT DƯƠNG HƯỚNG
1.1 Cái nhìn nghệ thuật của Dương Hướng
      Trong hoạt động văn học, hiện thực đời sống là tiền đề, là cái được phản ánh, nhưng việc lựa chọn và tổ chức sự phản ánh như thế nào lại do cái nhìn nghệ thuật của tác giả quy định. Thế giới quan cùng với vốn sống, trình độ văn hoá, năng khiếu nghệ sĩ và cá tính của tác giả là những nhân tố tạo nên cái nhìn nghệ thuật về cuộc sống và con người của một nhà văn. Thông qua cái nhìn của nhà văn, hiện thực cuộc sống trở thành thế giới nghệ thuật. Thế giới nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống nhưng không đồng nhất với cuộc sống, nó là sản phẩm tinh thần của nhà văn, thể hiện quan điểm, cái nhìn mang tính chủ quan của người sáng tác, là “hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan”.

Khóa luận của Phạm Nguyên Giang

Trích khoá luận của Phạm Nguyên Giang
         ( 9 điểm)                                   

  MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài.
         Dương Hướng được đánh giá là một nhà văn có nhiều đóng góp cho nền văn học đương đại Việt Nam. Tuy số lượng tác phẩm không nhiều nhưng nó đã ghi lại những mốc son trong tiến trình phát triển tiểu thuyết đương đại Việt Nam. Những đóng góp của ông không phải là những đổi mới đột phá về thi pháp mà là ở nội dung của tác phẩm. Có thể nói nhà văn Dương Hướng đã dám “xé rào” đi vào lãnh địa mà nhiều nhà văn còn ngần ngại để phản ánh những góc khuất của lịch sử. Từ đó mang đến cho bạn đọc một cái nhìn mới, chân thực và đúng đắn với những gì đã qua.

26 thg 11, 2010

CHÁO Ơ...

CHÁO Ơ…
Truyện ngắn Dương Hướng

 Cháo ơ…! Tiếng rao lắng nghẹn lòng người mỗi sáng sớm nghe lúc xa lúc gần.
    Mấy năm nay trên con đường vành đai giáp ranh giữa hai khu dân cư cũ và khu đô thị mới, người dân quá quen với hình dáng tất bật, tiếng rao cháo ơ… của người bán cháo rong. Tiếng rao “cháo ơ..” luôn song hành với dáng liêu xiêu tất tả đôi quang gánh long tong trên vai, bên nồi cháo, bên cái thúng đựng hầm bà làng những thứ bà bán cháo mua giùm ai đó dặn từ sáng hôm trước. Người nắm chè tươi, mớ rau quả trứng, kẻ dăm lít rượu trắng. Bà bảo để cho “gánh” nó “cân” với nồi cháo của bà. ‘Chồng đánh không bằng gánh mênh” Những bữa không có ai dặn mua gì bà lại phải gánh lệch khi nồi cháo còn đầy. Khổ hơn nữa những buổi trời mưa giông, hoặc mùa đông mưa phùn gió bấc lạnh thấu xường.

23 thg 11, 2010

GỐC LÀNG CÒ

(truyện vừa viết xong dành cho báo tết, đưa vào trang nhà để các bạn tham khảo)

GỐC LÀNG CÒ
 Truyện ngắn của Dương Hướng

Phố tôi có một nhân vật “dân trơn” chẳng quan chức gì nhưng rất tài quan hệ “nối vòng tay lớn” với các đại gia, sếp to sếp nhỏ trong các cơ quan ban ngành từ hàng huyện đến tỉnh. Thậm chí có cả các sếp trung ương. Ấy là nghe miệng hắn nói thế. Bởi nơi đây toàn dân tứ xứ , vài ba năm nay mới đổ về mua đất dự án xây dựng lên khu đô thị sầm uất với những dãy biệt thự cao cấp, những dãy nhà liền kề cao tầng lộng lẫy. Người kinh doanh làm khách sạn nhà hàng ăn uống đặc sản tôm cua, tù hài, rắn biển, đến thú rừng kỳ đà, tê tê, cầy hương,  kẻ mải mê làm dịch vụ mát sa, mở siêu thị mi ni gia đình nên chả ai biết rõ nguồn gốc hắn từ đâu. Ngược lại hắn lại biết tường tận tất tật những công dân nơi này. Những đối tượng có “máu mặt” hắn nắm rất chắc và biết rõ từng chân tơ kẽ tóc cả những chuyện thâm cung bí sử trong gia đình người ta. Có người bảo hắn là con ma só, biết cả từ chuyện trên giường tới chuyện ông bà ông vải tổ tiên người ta.
 Thiên hạ vừa thích hắn lại vừa sợ. Nhiều kẻ thích hắn vì hắn là cái kho tổng hợp mọi tin tức quan trọng từ chính thống đến vỉa hè- Từ lề trái đến lề phải. Những kẻ có tật thì lại sợ hắn đọc vị chân tướng mình. Nhỡ có ngày hắn đưa vào tròng thì bỏ bố. Với tôi hắn chả ngại gì mà không bộc bạch. Hắn nhăn nhở bảo: Cái nghề viết lách của ông với cái nghề “nối vòng tay lớn”của tôi xét về phương diện nào đó cũng giống nhau. Tôi nhăn mặt. Thôi nào, ông đừng tự ái. Hắn lý sự: Không đúng sao? Nghề viết của ông phải dày công suy nghĩ viết hay thì được ăn nhuận bút cao, viết dở thiên hạ chửi cho thối mũi. Nghề của tôi cũng thế, phải dày công tính toán xếp đặt bài binh bố trận, mưu sâu kế cao, thắng lợi thì ăn hoa hồng thù lao nhiều. Hai cái nghề của chúng mình cứ vào dịp cuối năm tết đến càng có nhiều mầu. Nhìn thí biết, báo tết, tờ nào cũng dầy cộp, bìa đẹp, bài vở nhiều, quảng cáo lắm các ông hưởng nhuận bút cao. Nghề của tôi cũng thế, cứ cuối năm, tết đến là quay như chong chóng. Ông thấy đấy, chỉ có dân Việt mình là coi trọng cái tết, Từ quan đến dân ai cũng bận rộn. Ngày thường có nhom nhem tý cũng cho qua. Tết phải thật hoành tráng. Và tết đến là cơ hội tốt nhất để giải quyết mọi chuyện còn vướng mắc. Tết đến dễ “bắt tay hữu hảo”. Ngày thường có giận dỗi hục hặc nhau nhưng tết xí xoá zui zẻ he he. Hắn nhại tiếng anh hai Sài Gòn cười hoác cái miệng rộng. Hắn cả quyết: Theo tôi đấy là một phong tục truyền thống tốt đẹp của dân Việt mình. Thế nên cái nghề của tôi dễ thành công nhất vào dịp tết đến. Hắn phân tích cặn kẽ rằng thì là tết đến từ thằng nghèo kiết xác đến  đại gia tỷ phú, ai cũng phải lo tính cho cái tương lai sự nghiệp của mình. Tỷ dụ như thằng A chẳng hạn… chỉ nghe phong thanh sắp được cất nhắc, cơ hội duy nhất tết này phải nghĩ sao với sếp cho phải đạo. Còn thằng B, chẳng may bị “phốt” gì đó có khi phải kỷ luật, cơ hội vàng chính là ngày tết đến xuân về xin sếp nới tay. Hoặc nàng C chàng D nào đó… đang có tham vọng vươn xa lên trung ương, cơ hội duy nhất vẫn là dịp tết phải lo sao cả sếp trên sếp dưới thuận hoà vẹn cả đôi đường. Tôi nói thế có đúng không nào. Đã bảo cái đầu các nhà tổ chức thời nay là siêu cao thủ, chuyện gì cũng tung ra vào dịp tết. Kế sách rung cây động rừng.  Tết đến các đối tượng được rung cứ nhảy loạn lên. Tốt xấu, được thua đều phụ thuộc vào cái tết này xem anh “tử tế” “nhảy cao” đến đâu rồi mới quyết cho nó rạch ròi chính xác. Chung quy các nhà tổ chức cũng áp dụng hình thức “đấu thầu” giống trong lĩnh vực kinh tế vậy thôi.

20 thg 11, 2010

NGÔI ĐỀN THIÊNG



Ảnh minh hoạ
Ngôi Đền Thiêng của DƯƠNG HƯỚNG

Blogs cũ bị sập, khai trương trang duonghuongnv.blogspot.com trận trọng giới thiệu Truyện ngắn mới nhất của Dương Hướng đã Đăng báo văn nghệ của hội nhà văn Việt Nam, Trang website Trần Nhương, website Lê Thiếu Nhơn được độc giả đón đọc và đã có 25 ý kiến tranh luận rất sôi nổi:
 Thằng Tèo đã thành công dụ dỗ tôi ngoan ngoãn trong vòng tay nó xiết chặt. Tấm thân tôi mềm ra, và con tim non dại loạn nhịp khi những ngón tay ma quỷ của thằng Tèo luồn vào ngực tôi cũng êm như loài rắn trườn trong đêm. Đến như loài rắn còn bị nó khuất phục thì tôi nó coi là chuyện nhỏ . Sau này tôi tự bằng lòng buông xuôi mỗi khi nghĩ đến cái đêm ma quái dưới tán cây đa cổ thụ có sự chứng giám của cụ rùa Đá khổng lồ trên nền ngôi đền linh thiêng xóm Nam quê tôi. Đêm ấy sau phút giây lấy đi đời con gái của tôi, nó nằm lăn dưới tán cây đa nhăn răng ra cười. Tôi nhìn rõ cả nụ cười mãn nguyện và bộ mặt rắn rết của thằng Tèo dưới ánh trăng chiếu nghiêng qua vòm lá. Nó nhăn nhở nghé vào tai tôi thì thầm: Có thích không, mai lại nữa nhé. Rõ khốn nạn thế nhưng không hiểu sao lúc đó tôi vẫn nằm yên trong vòng tay thằng Tèo mê mụ đi, không còn thấy sợ rắn rết chuột bọ nữa. Và cũng không còn thấy sự linh thiêng của thần rùa và cây đa cổ thụ nữa…”

NGÔI ĐỀN THIÊNG
Truyện ngắn của DƯƠNG HƯỚNG
      Tuổi thơ con gái của tôi lớn lên bên dòng Sông Cái êm đềm. Cái tên xóm Nam nghèo đã thấm vào đời tôi đầy ắp kỷ niệm ngọt ngào lẫn cay đắng nhưng tràn đầy niềm tin tuyệt đối vào tất cả mọi chuyện. Kể cả những câu chuyện mộng mỵ hoang đường, chuyện huyền thoại hay chuyện ma mãnh mà người dân xóm Nam thêu dệt từ đời này qua đời khác. Từ ba ba thuồng luồng bơi trên sông Cái hay bắt trẻ con, đến chuyện mả Ông Hủi đầu cánh đồng Tranh. Vào những đêm trái gío trở trời từng đàn hủi bay lượn sáng rực như sao sa.

   Xóm Nam tôi xưa có ngôi đền rất linh thiêng. Sự linh thiêng huyền thoại lan truyền rộng khắp thế gian và lưu truyền mãi hết đời này sang đời khác. Cho dù ngôi đền đã sụp đổ từ bao giờ tôi không biết, nhưng nền móng ngôi đền còn nguyên vẹn không ai dám động đến. Nghe nói ngôi đền sụp đổ do một cơn bão lớn, tâm bão tràn vào xóm Nam giữa kỳ nước biển dâng cao cuốn phăng cả nhà cửa, thóc lúa ngô khoai. Đồng đất thấm mặn, cây cối hoa mầu chết rụi, mùa màng thất bát. Dân tình điêu đứng đói rét mất cả mấy năm trời mới hồi phục được sự sống bình thường. Qua trận lụt, dân xóm Nam chỉ lo cấy trồng, dựng xây nhà cửa, không ai dám nghĩ đến dựng lại ngôi đền thiêng đó. Mà có nghĩ đến cũng không có đủ sức để làm lại. Thời gian trôi đi, Mảnh đất linh thiêng cỏ cây mọc um tùm thâm u khiển cảnh vật nơi đây càng tăng thêm vẻ thần bí ma mỵ từ trẻ con đến người già không ai dám bước chân vào nơi đây. Dấu tích ngôi đền thiêng duy nhât chỉ còn lại cụ rùa đá khổng lồ nằm trơ trọi cạnh cây đa cổ thụ trên nền ngôi đền. Ngày còn bé có lần hứng trí, tôi theo thằng Tèo chơi trò trận giả vô tình cưỡi lên lưng cụ rùa quên béng rằng nơi đây là chốn linh thiêng. Tối về bị lũ trẻ mách bố mẹ, khiến tôi bị trận đòn nhớ đời. Cụ Rùa đá và cây Đa cổ thụ vừa linh thiêng vừa sợ hãi ăn sâu vào tâm não tuổi thơ tôi.
  
  Thời gian trôi đi và thời gian cứ bồi đắp, thêu dệt mãi vào sự linh thiêng bí ẩn quanh ngôi đền thiêng xóm Nam quê tôi.  Niềm tin tuyệt đối của người dân trong vùng vào ngôi đền thiêng xóm Nam đến nỗi mọi chuyện làm ăn cấy cày bội thu, thất bát, hay chiến tranh hoà bình đều có sự phán truyền từ ngôi đền linh thiêng có Cụ Rùa Cây Đa cổ thụ. Mùa xuân đến nhìn cây đa tốt tươi họ bảo năm nay sẽ được mùa to. Có năm họ kháo nhau sẽ sắp có chiến tranh loạn lạc. Đêm đến nghe âm binh rậm rịch trong khu vườn thiêng. Dưới ánh trăng nhìn rõ có người ngồi dưới gốc đa. Họ tiên đoán đấy là các tướng lĩnh về tụ họp bàn tính chuyện quân cơ. Có dạo quê tôi mở đại chiến dịch toàn quân toàn dân ra quân đắp đê lấn biển (huy động cả lực lượng xe cơ giới quân đội) suốt mấy năm quân dân háo hức đoàn kết một lòng rầm rầm đào đất đắp một con đê vĩ đại lấn ra biển hàng chục cây số.  Suốt quá trình đắp đê khẩu hiệu băng rôn cờ sao bay phấp phới cổ vũ khí thế tiến công khiến thần biển cũng phải hãi hùng khiếp sợ trước sức mạnh rời non lấp biển của dân quê tôi. Ai mà ngờ đến ngày hạp long mới chỉ qua một cơn bão toàn bộ con đê vĩ đại của quê tôi bị nước biển cuốn phăng bằng địa không còn dấu tích. Ngay lập tức có tin đồn lan truyền rằng tại cái ngày khai trương lãnh đạo huyện không chịu làm lễ xin phép cụ Rùa và thần cây đa. Qua sự kiện này dân xóm Nam quê tôi càng tăng thêm lòng tin vào sự linh thiêng của ngôi đền. Dân vùng khác lại tung tin mỉa mai nói xấu chính quyền ngông cuồng mắc căn bệnh hoành tráng thích thành tích, coi rẻ sức dân-  công lính nên mới mở đại chiến dịch đắp đê trên cát, một công trình phản khoa học. Rõ là công Dã tràng xe cát biển đông… 
        
    Năm tôi mười sáu tuổi, cái tuổi dậy thì chẳng hiểu sao lại lú lẫn quên béng trận đòn ngày bé nghe lời thằng Tèo vào một buổi tối đi họp đội về ngang qua ngôi đền thiêng, nó bất ngờ tóm cổ tay ghé vào tai tôi bảo “vào đây cho xem cái này hay lắm” Tôi như bị thôi miên bước theo thằng Tèo. Nó vừa khích lệ vừa trấn an “Đi theo thằng này còn sợ gì” Thằng Tèo là chúa thằn lằn không biết sợ cả ma quỷ rắn rết, không coi cả trời đất là gì. Nó có biệt tài bắt chuột, bắt rắn, Từ chuột đồng chuột cống, từ hổ mang bành đến cạp nong vằn, vào tay nó đều chịu khuất phục cứ như thể nó có bùa mê thuốc lú khiến lũ chuột lũ rắn phải khiếp sợ. Tới gốc cây đa cổ thụ nó bất ngờ ấn tôi vào thân cây đa hôn tới tấp khiến tôi hoảng sợ vùng vẫy định bỏ chạy nhưng những ngón tay thằng Tèo cứng như sắt tóm chặt cổ tay tôi miệng đánh tiếng “xuỵt” ra lệnh tôi phải im lặng đứng yên tại chỗ. Giọng nó nghiêm trọng đầy ma lực có sức lôi cuốn lạ kỳ khiến tôi lạnh người run lên bần bật ôm ghì lấy thằng Tèo. Nó doạ nếu tôi rời xa nó lập tức những con rắn hổ mang bành sẽ lao vào cắn nát bắp chân non nõn con gái của tôi. Lời nó nói khiến tôi càng tin vào sự thần bí của thằng Tèo có tài sai khiến lũ rắn. Thăng Tèo đã thành công dụ dỗ tôi ngoan ngoãn trong vòng tay nó xiết chặt. Tấm thân tôi mềm ra, và con tim non dại loạn nhịp khi những ngón tay ma quỷ của thằng Tèo luồn vào ngực tôi cũng êm như loài rắn trườn trong đêm. Đến như loài rắn còn bị nó khuất phục thì tôi nó coi là chuyện nhỏ . Sau này tôi tự bằng lòng buông xuôi mỗi khi nghĩ đến cái đêm ma quái dưới tán cây đa cổ thụ có sự chứng giám của cụ rùa Đá khổng lồ trên nền ngôi đền linh thiêng xóm Nam quê tôi. Đêm ấy sau phút giây lấy đi đời con gái của tôi, nó nằm lăn dưới tán cây đa nhăn răng ra cười. Tôi nhìn rõ cả nụ cười mãn nguyện và bộ mặt rắn rết của thằng Tèo dưới ánh trăng chiếu nghiêng qua vòm lá. Nó nhăn nhở nghé vào tai tôi thì thầm: Có thích không, mai lại nữa nhé. Rõ khốn nạn thế nhưng không hiểu sao lúc đó tôi vẫn nằm yên trong vòng tay thằng Tèo mê mụ đi, không còn thấy sợ rắn rết chuột bọ nữa. Và cũng không còn thấy sự linh thiêng của thần rùa và cây đa cổ thụ nữa. Chính thằng Tèo là loài rắn rết chuột bọ, còn tôi đã ngủ với nó và tôi cảm thấy mình cũng nhơ bẩn như nó, nhơ bẩn như loài rắn rết chuột bọ. Khi nghe thằng Tèo bảo nó thường xuyên lẻn vào đây xâm phạm sự linh thiêng của ngôi đền mà chả làm sao cả. Nó vẫn khoẻ, vẫn ăn no ngủ say. Chẳng trời đất thần thánh nào trừng phạt nó. Nó bảo chính loài rắn rết chuột đồng chuột cống đã cho nó sức khoẻ phi thường. Thảo nào lúc nó ấn tôi vào cây đa, người tôi tưởng tan rữa ra trước sức mạnh của nó. Nó bảo những con rắn hổ mang bành, cạp nong vằn và những xâu chuột cống nó bắt được hàng ngày là chính từ trong những hang hốc dưới bụng cụ rùa và dưới gốc đa cổ thụ này. Không tin dám đi theo, nó chỉ cho mà xem. Lúc này tôi mới bừng tỉnh nhìn xung quanh lờ mờ dưới bóng trăng là những hang hốc mà loài rắn loài chuột rõ khéo đào, chúng biết  lấy thân cụ rùa và gốc đa thiêng che chắn. Được cụ rùa và cây đa cổ thụ bảo hộ thì an toàn tuyệt đối, đố ai dám động tới chúng. Chính loài rắn rết chuột bọ đã núp dưới bóng cụ rùa thiêng và thần đa cổ thụ để phá hoại mùa màng làm dân làng đói rách đi vì chúng. Vô tình cụ rùa, thần đa đã nuôi béo lũ rắn rết chuột bọ, và loài chuột bọ rắn rết lại nuôi béo thằng Tèo. Chính thằng Tèo mới là chúa tể. 
 
     Tèo hồi này không còn là thằng Tèo nhem nhuốc của ngày xưa. Hắn đổi tên là Tòng- Hoàng Đình Tòng. Tòng đi đứng ra dáng ông chủ oách nhất vùng này. Nhờ vào sự tinh quái lõi đời, Tòng đã ăn nên làm ra vẫn từ loài rắn rết chuột bọ và biết lựa thời để sống. Ban đầu hắn nghĩ ra trò đào hầm nuôi rắn để cung cấp cho các nhà hàng cao cấp ngoài thành phố có nhiều đại gia thích tẩm bổ bằng những loài động vật tươi sống. Hắn tán dương công hiệu của tiết rắn. Hắn bảo uống tiết tươi động vật cường dương tráng khí. Hắn giỏi làm trò thủ thuật tuyên truyền dựa vào những bài thuốc Bắc chả biết hắn học được từ đâu mà hắn viện dẫn ra những tên tuổi của những Danh y nổi tiếng Trung Quốc từ Vương Băng, nhà y học đời Đường đến Trương Trọng Cảnh danh y đời đông Hán khiến các Đại gia trọc phú cứ há miệng bái phục. Hắn tuyên bố tìm khắp nước Nam cũng không đâu có món đặc sản rắn của hắn. Cũng là loài rắn, nhưng những con rắn của Hoàng Đình Tòng nom dị dạng khác thường. Những con Hổ mang mập ú bụng phình ra to hơn cả đầu. Những con cạp nong vằn óng ánh sắc mầu vàng đỏ nom quái dị. mỗi lần Hoàng Đình Tòng mang rắn đi quảng bá các đại gia quan chức lại đặt hàng với giá cao ngất trời. Hoàng Đình Tòng giầu lên từ đó. Giàu lên từ đám đại gia lắm tiền, từ bọn trọc phú chơi ngông và cả những ông quan rửng mỡ muốn thể hiện bản lĩnh đàn ông với những cô bồ trẻ. Đấy là nguyên nhân giàu lên của Tòng ai cũng nhìn thấy. Nhưng nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân quan trọng nhất mà anh chàng Tèo của tôi giàu lên thì không ai biết ngoài tôi, đứa con gái đã bị anh cu Tèo dụ dỗ. Cái tài siêu phàm của anh cu Tèo xưa và Hoàng Đình Tòng nay giàu lên nhanh chính là nhờ vào lòng tin tuyệt đối về sự linh thiêng của những người dân ngu muội quê tôi bị lừa mị. Hoàng Đình Tòng đào hầm nuôi rắn chỉ để che mắt thiên hạ, thực chất những con rắn con rết khổng lồ mập ú dị dạng đó hắn móc ra từ chính những hang hốc dưới bụng cụ rùa và cây đa cổ thụ. Từ cái lần ngủ với Tèo, Cụ rùa và thần đa cổ thụ đối với tôi không còn linh thiêng nữa. Tôi trở thành kẻ lỳ lợm lặng câm mất hết niềm tin. Lòng tin đổ vỡ, lại một lần nữa tôi tự nguyện đi theo Tèo ra cái nơi mà Tèo bảo có cụ rùa và thần đa che chở làm chuyện ấy sướng lắm. Nằm giữa trời đất mà chẳng sợ ma nao nhòm ngó. Từ một đứa con gài nhút nhạt dịu hiền, qua tay Tèo tôi trở thành con đàn bà đĩ điếm. Đĩ điếm cả trong tâm tưởng. Tôi lại thấy thích bới cái vẻ hào hoa béo tốt vì tiết rắn của Tèo. Tèo lại lôi tôi ra nơi mà lần đầu hắn đã chiếm đoạt đời con gái của tôi. Tôi rên xiết trong vòng tay Tèo. Cụ rùa vẫn lặng câm. Cây đa cổ thụ vẫn lặng câm. Chị hằng vẫn tươi vàng. Chỉ nghe thoảng tiếng gió lao xao và tiếng bò lết lê của loài hổ mang, cạp nong và tiếng rúc rích của loài chuột ẩn nơi hang sâu dưới thân xác cụ rùa, thần đa cổ thụ. Chúng đang chia phần đánh chén những sản vật chúng vừa đi vơ vét được lúc nhập nhoạng tối. Tèo thật điêu luyện trong chuyện làm tình còn tôi cứ vẩn vơ ám ảnh vì loài rắn rết chuột bọ đang nhung nhúc dưới thân xác cụ rùa và thần đa. Đang lúc hưng phấn tôi buột miệng bảo: Ước gì lại có cơn bão lớn như năm nào vỡ đê nước dâng tiêu diệt hết lũ rắn rết chuột bọ dưới thân cụ rùa kia. Lời tôi vừa dứt, giọng Tèo gay gắt: Sao ngu thế, ước gì không ước lại ước bão vỡ đê để mà chết chìm cả lũ à. Rõ là tư tưởng đàn bà. Tèo ôm ghì lấy tôi nghiến ngấu như để trả thù câu nói gở vừa ngây ngô vừa dại dột của tôi. Em yên tâm, sáng nay anh đã làm việc chính thức với chính quyền rồi, giọng Tèo đầy phấn khích, chính quyền đã đồng ý cho phép anh liên doanh với một đối tác nước ngoài được quyền xây dựng lại ngôi đền này rõ hoành tráng nhất vùng này. Em không biết đấy thôi, dựa vào sự linh thiêng của ngôi đền xóm Nam ta, nơi đây sẽ trở thành điểm thu hút khách thập phương ùn ùn kéo về như trẩy hội. Rồi mình sẽ thu lời to, hai ta sẽ được sung sướng.

  Đêm xóm Nam trăng vàng rực, tôi lặng lẽ đi bên Hoàng Đình Tòng mà chẳng biết vui hay buồn. Chỉ biết rằng cái thai trong bụng tôi đang lớn dần là của Tòng mà tôi chưa kịp nói ra. Chỉ lo sau này đứa con tôi nó cũng lại giỏi nghề rắn rết chuột bọ như bố nó.


Trại sáng tác văn học hội văn nghệ Quảng Ninh 2010